"Hòa thượng Thích Giác Hạnh (1880 – 1981), thế danh là Nguyễn Đức Cử, sinh ngày 13 tháng 6 năm Canh Thìn, Tự Đức thứ 33 (1880). Nguyên quán ở Ái Tử, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ của Ngài tên là Nguyễn Đức Uẩn, thân mẫu là bà Lê Thị Lộc. Đồng chân nhập đạo, năm 17 tuổi Ngài xuất gia với Tổ Thanh Ninh Tâm Tịnh ở chùa Từ Hiếu. Ba năm sau, tức là vào năm Ngài được 20 tuổi, Ngài được thọ giới Sa-di với Ngài Huệ Nhật, đệ tử của Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỷ, Tri sự chùa Từ Hiếu. Đến năm 30 tuổi (1910), Ngài được Hòa thượng Tâm Tịnh ở chùa Tây Thiên phái ra trú trì chùa Phổ Phúc. Ngài mở cuộc đại trùng tu chùa này và đổi tên thành "Vạn Phước Di Đà Tự". Qua tên chùa, Ngài muốn xiển dương Pháp môn Thiền Tịnh song tu của Bổn sư Ngài đã khởi xướng ở chùa Tây Thiên Phật Cung. Long vị của Ngài ở chùa Vạn Phước ngày nay đề hai chữ "khai kiến" chứ không phải "khai sơn". Triều vua Bảo Đại nguyên niên (1926), Ngài đắc Pháp với Hòa thượng Tâm Tịnh, được Pháp hiệu là Giác Hạnh. Thuộc thế thứ 42 dòng Lâm Tế, đời thứ 8 dòng Liễu Quán. Năm Bảo Đại thứ hai (1927), Ngài lại trùng tu chùa. Triệt bỏ am lên đồng ở chỗ cây thị hiện nay, đem toàn thể tượng "Mẫu" vào thờ ở Nghĩa Đạo Môn.
Ngài có một hoằng nguyện, cứ 10 năm, chú nguyện một tượng Phật, năm 61 tuổi (1940) Ngài chú ngôi tượng Thích Ca Đản Sanh, năm 71 tuổi (1950) chú tượng Dược Sư, năm 81 tuổi (1960) chú tượng Quán Thế Âm, năm 91 tuổi (1970) chú tượng Chuẩn đề, năm 101 tuổi (1980) chú tượng Địa Tạng, năm sau (10.7 Tân Dậu, 1981) Hòa thượng viên tịch. Thọ 102 và 72 hạ lạp."
Hàng năm cứ vào ngày mùng 8 tháng 7 âm lịch là Tăng chúng, bổn đạo Tổ đình Vạn Phước Huế đều cử hành lể kỵ Tổ sư để tưởng niệm ân sư và cũng là dịp để cùng chư tôn đức Tăng, Ni Phật giáo Thừa Thiên Huế ôn lại công đức của Ngài trong việc dựng chùa, đúc tượng, tiếp Tăng, độ chứng, hoằng pháp lợi sanh.
N.N