Dẫu biết vẫn có một bộ phận bạn đọc thích xem tin ảnh, song người viết nên lắng nghe, chú ý trong sự kiện, để có thể ghi chú thích vào ảnh, làm cho bức ảnh “sống cùng sự kiện”
Trong một lần được nghe TT.Thích Tiến Đạt tại chùa Cự Đà ngày đầu năm Giáp Ngọ, chia sẻ truyền thông Phật giáo không chỉ là đưa tin tức mà qua đó, phải làm sao truyền tải giáo lý nhà Phật qua các tin, bài, từ đó bạn đọc có cái nhìn đúng chính pháp hơn, sâu sắc hơn về đạo Phật.
Là một người theo đạo Phật, công việc của tôi lại phải “lang thang” trên mạng rất nhiều, nên tôi có thời gian tìm hiểu, đọc tin bài về đạo Phật thông qua một số trang mạng về truyền thông Phật giáo.
Thông qua các trang mạng Phật giáo, tôi có thể biết được các hoạt động phật sự hầu như trên cả ba miền, song các tin, bài viết còn rất nhiều sai sót chính tả, phông chữ do tác giả lười viết nên có khi copy từ bài này nối vào bài kia phần giới thiệu các nhân vật tham dự, chứng minh….Như vậy, khâu biên tập cũng không được chú trọng nhiều lắm, quan trọng là tin, bài, ảnh sự kiện xuất bản sớm, sự kiện diễn ra buổi sáng, thì giữa trưa đã có hình ảnh trên mạng. Thâm chí nhiều tin, bài được xuất bản ngay trong đêm khuya.
Một điều nữa là sự quan tâm của truyền thông Phật giáo cũng chỉ chủ yếu tập chung vào các địa điểm mà ở đó công tác viên có thể đi để viết tin bài, những nơi mà cộng tác viên chưa đến được hoặc không muốn đi thì lại không có một chút truyền thông nào cả. Ở đây chính là sự chủ động của cộng tác viên, và sự bị động của các trang mạng Phật giáo.
Hiện nay, trên các trang mạng truyền thông Phật giáo dường như bài viết đang bị nặng nhiều về “hành chính” như giới thiệu chức vụ quá dài trong khi nội dung sự kiện ít nhiều không hề liên quan đến chức vụ đó, hay như ảnh thì chỉ phần nào truyền tải được sự kiện, còn chú thích dưới các bức ảnh thì chưa nhiều, do đó bức ảnh nhiều khi không hàm chứa nội dung….
Người viết, cũng như người chụp ảnh phải đặt mình vào vị trí, tâm lý của bạn đọc, xem họ cần gì, họ muốn xem gì ở sự kiện đó, có vậy mình mới có chủ đề, ý tưởng để viết, để chụp ảnh.
Bên cạnh những tin bài chùm ảnh thì phải đi đôi với chất lượng cũng như nội dung bức ảnh muốn truyền tải thông điệp hay giáo lý gì? Dẫu biết vẫn có một bộ phận bạn đọc thích xem tin ảnh, song người viết nên lắng nghe, chú ý trong sự kiện, để có thể ghi chú thích vào ảnh, làm cho bức ảnh “sống cùng sự kiện”.
Tôi có biết một số tin bài như các lễ hằng thuận, khóa tu…chỉ toàn thấy ảnh, phía trên giới thiệu đôi chút về thành phần tham dự, chủ đề khóa tu, tìm mãi mà không thấy cách hướng dẫn khóa tu hay việc các Thầy giáo dục đời sống vợ chồng theo giáo lý nhà Phật cho các phật tử nghe như thế nào, ý nghĩa của lễ hằng thuận ra sao…
Ở đây không chỉ có những người tham dự được nghe lời giảng của các Thầy, mà làm sao những độc giả thông qua các trang mạng, đọc bài đó cũng sẽ nghe được những lời giảng từ quý Thầy.
Bởi vậy, người viết nên có sự quan tâm đầu tư hơn về bài viết của mình. Đọc bài mà độc giả họ như hòa mình vào sự kiện dù sự kiện đó đã diễn ra trước đó mấy ngày.
Tôi nhớ HT.Thích Bảo Nghiêm trong một cuộc phỏng vấn có trả lời về truyền thông Phật giáo trên Truyền hình An Viên: “Hoằng pháp qua internet là một cách hoằng pháp mạnh nhất, truyền tải lớn nhất, bởi một bài giảng, thay vì giảng đường chỉ vài ba trăm người đến hàng nghìn người thì bây giờ thông qua internet có đến hàng triệu lượt người trong và ngoài nước có thể nghe, trong đó có cả những nhà nghiên cứu, những tôn giáo bạn họ cũng nghe xem giáo lý đạo Phật ra sao, và ảnh hưởng về trang mạng rất là lớn”.
Sự kiện Vesak 2014 sắp đến gần, mong sao trong giới truyền thông Phật giáo sẽ đóng góp phần không nhỏ cho thành công của Đại lễ qua các tin, bài chất lượng, ý nghĩa, kịp thời, bởi sự kiện có tính chất toàn cầu này sẽ thu hút độc giả một lượng rất lớn không chỉ trong nước mà cả trên toàn thế giới, đây cũng là cơ hội tốt để hoằng pháp, tạo hiệu ứng rộng lớn về niềm tin vào các giá trị tốt đẹp của Phật giáo!
(PGVN)