Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Trước năm 1975 có một "Nhóm Tìm Hiểu Văn Sử" làm việc...

Trước năm 1975 có một "Nhóm Tìm Hiểu Văn Sử" làm việc tại Trung Tâm Liễu Quán Huế

218
0

Sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975), nhắc đến Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tại 15 A Lê Lợi ngày nay, người ta thường nhớ đến bức tượng đồng Quán Thế Âm rất mỹ thuật của họa sĩ Lê Thành Nhơn (1940-2002). Đối với tôi, ngoài bức tượng đồng, tôi còn nhớ đến Nhóm Tìm Hiểu Văn Sử” của Trung tâm với 4 số tập san (in ronéo) rất quý mà phải trải qua nhiều năm tôi mới sưu tập được đầy đủ. Vì thế khi được biết Trung tâm văn hoá Phật giáo Liễu Quán ngày nay chuẩn bị cho ra đời tờ Nội san Văn hóa Liễu Quán, tôi nghĩ ngay đến 4 số tập san của 31 năm trước, và nhận thấy mình có trách nhiệm giới thiệu” bộ” tập san cũ mà nhiều người chưa biết ấy.



Bìa tập san


Năm 1974 Tập San Văn Sử đầu tiên ra đời. Trong lời giới thiệu Tập san, Thượng tọa Giám đốc của Trung tâm Liễu Quán viết: “Một dân tộc muốn vượt qua được những thử thách thời đại, những thử thách lịch sử cần phải có một sức mạnh phát xuất từ chính dân tộc đó. Sức mạnh đó là sức mạnh của văn hóa dân tộc, của tinh thần dân tộc bắt nguồn từ trong nền tảng xây dựng và từ quá khứ dân tộc“.


Tập San Văn Sử ra được 4 số, khổ 15, 5 x 19 cm, số mỏng nhất 100 trang (số 1), số dày nhất 164 trang (số 2, số 4), số trung bình 132 trang (số 3).


Hai thầy giáo đứng đầu nhóm đều dạy Đại học Sư phạm Huế: Thầy Trần Viết Ngạc (Sử) và thầy Trần Đại Vinh (Văn). Những người tham gia viết 4 số tập san trên (theo thứ tự ABC) là Hoàng Xuân Thái (bài đăng trong số 1), Hồ Đình Chữ (bài đăng số 2), Lê Bá Lăng (bài đăng số 3, 4), Lê Khắc Cầm (bài đăng số 1, 2), Nguyễn Bách Huy (bài đăng số 1, 2, 3, 4), Nguyễn Nam Phố (bài đăng số 1), Nguyễn Văn Bản (bài đăng số 2, 4), Nguyễn Văn Dương (bài đăng số 2), Nguyễn Xuân Hoa (bài đăng số 2, 3), Trần Thị Hiếu (bài đăng số 3), Trần Thị Quế Hương (bài đăng số 1), Trần Viết Ngạc (bài đăng số 1, 3), Trần Đại Vinh (bài đăng số 2, 3, 4), Trần Viết Tuấn (bài đăng số 1, 2, 3, 4), Huỳnh Văn Bê (bài đăng số 1).


Bốn số tập san được thực hiện với 4 chủ đề khác nhau:


Số 1 (1974), Kỷ niệm 40 năm húy nhật nhà cách mạng Phan Chu Trinh;


Số 2 (5-1974), Phật giáo và văn chương lịch sử Việt Nam;


Số 3, (7-1974), Ngày thất thủ Kinh thành Huế, Hăm ba tháng năm Ất Dậu


Số 4 (10-1974), Đặt lại vấn đề Tự lực văn đoàn.


Tập San Văn Sử mặc dù chỉ được quay Róneo đơn giản nhưng trang nhã, thực hiện nghiêm túc có phương pháp, nội dung phong phú với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, cập nhật đúng lúc nên có đủ uy tín hấp dẫn trí thức và đông đảo quần chúng. Xin dẫn chứng số 2 (5-1974), với chủ đề Phật giáo và văn chương lịch sử Việt Nam” với các bài giới thiệu và nghiên cứu sau đây: Đường hướng của Trung tâm Văn hóa Liễu Quán (TTVHLQ), Tư tưởng tam giáo hòa đồng trong thi ca Việt Nam (Nguyễn Văn Dương), Tiến trình lịch sử Phật giáo Việt Nam (Trần Đại Vinh), Đọc tác phẩm Đạo Phật Ngày Mai của B’Su Daglu (Nguyễn Bách Huy), Cung oán ngâm khúc như là một phản đề của Phật giáo? (Trần Viết Tuấn), Khuynh hướng giải thoát của Phật giáo trong thơ Vũ Hoàng Chương (Nguyễn Văn Bản), Tư tưởng Tam giáo: Một hợp sáng độc đáo của người Việt (Nguyễn Xuân Hoa). Phần Phụ lục: 1. Diễn văn của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa đạo PGVNTN trong đại lễ Phật đản 2518, ngày rằm tháng tư năm Giáp dần. 2. Trống đồng và mộ cổ trong ý thức dân tộc Việt Nam (Bài nói chuyện của HĐC). Cuối các bài nghiên cứu đều có phần chú thích trích dẫn từ các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước xưa và nay. Nhiều bài nghiên cứu trong TSVS rất giá trị nhưng do hình thức in Ronéo và ra đời trong không khí sắp kết thúc chiến tranh nên không phổ biến rộng rãi được, ngày nay có thể biên tập lại và phổ biến qua các tập san, tạp chí nghiên cứu, tôi tin những bài ấy vẫn còn nguyên giá trị.


Và, cũng để cho các vị chủ trương Nội san Văn hóa Phật giáo Liễu Quán ngày nay tham khảo tôi trích lại bản tóm tắt Đường hướng của Trung Tâm Liễu Quán” cách đây 31 năm như sau:




  1. Phát triển tiềm năng dân tộc,


  2. Bảo tồn thuần phong mỹ tục,


  3. Khai thác truyền thống dũng cảm và hòa đồng,


  4. Chân thiện mỹ là mục tiêu để tiếp trao,


  5. Nhắm vào đường hướng lâu dài, không cục bộ, không giai đoạn,


  6. Khước từ vị kỷ, phi nhân và bạo động,


  7. Loại trừ an thần nô dịch và mê hồn,


  8. Không dựa vào một phe phái chính trị, không lệ thuộc vào một giai cấp,


  9. Đón nhận sự giúp đỡ của cá nhân, đòan thể quốc nội, quốc ngọai trong phạm vi xây dựng văn hóa,


  10. Thân hữu với các cơ quan văn hóa chân chính,


  11. Luôn luôn tha thiết một xã hội lành mạnh, một nền hòa bình vĩnh cửu,


  12. Ước nguyện đây là nơi hòa giải mọi thiên kiến bất đồng, cùng nhau đòan kết trong tình nghĩa dân tộc.

Ngoài giá trị văn hóa, Tập San Văn Sử còn có một tác động chính trị hợp pháp. Kỷ niệm 40 năm húy nhật nhà cách mạng Phan Chu Trinh để hâm nóng tinh thần yêu nước cách mạng của trí thức sinh viên học sinh. Nghiên cứu Phật giáo và văn chương lịch sử Việt Nam là đề cao văn hóa dân tộc – sức mạnh tinh thần để vượt thắng sự xâm nhập của văn hóa nô dịch ngoại lai. Nhắc lại Ngày thất thủ Kinh thành Huế, Hăm ba tháng năm Ất dậu để nhắc lại cái nhục mất nước và tội ác của giặc ngọai xâm. Đặt lại vấn đề Tự lực văn đòan để phát huy tinh thần đổi mới văn chương của nhóm TLVĐ, đồng thời vạch ra những ý tưởng lỗi thời của TLVĐ trong hoàn cảnh đấu tranh yêu nước của dân tộc Việt Nam nửa sau thế kỷ XX. Qui tụ trí thức SVHS cùng thực hiện những ý tưởng mới nầy là gián tiếp vận động cho cách mạng, giúp cho những người còn đứng xa yên tâm đến gần tổ chức cách mạng. Phần đông những người đã tham gia viết cho Tập San Văn Sử về sau trở thành những người nòng cốt trong các đòan thể xã hội sau ngày thống nhất đất nước (30.4.1975). Nhiều người cho đến nay vẫn còn phát huy tốt “tinh thần văn sử” như thầy Trần Viết Ngạc (Khoa sử Đại học Sư phạm TP HCM), thầy Trần Đại Vinh (Khoa Văn ĐHSP Huế), anh Nguyễn Xuân Hoa (Giám đốc Sở VHTT TTH), anh Nguyễn Văn Bổn (nhà thơ, nhà báo tại TP HCM).


Trong hoàn cảnh chiến tranh, phương tiện thiếu thốn mọi bề, thế mà Nhóm Văn Sử làm được những tờ tập san giá trị như thế quả là một việc đáng khâm phục. Cái gì đã giúp làm nên thành tựu đó? Nhiều lần tôi hỏi những người trong cuộc và được trả lời là: Đó là lòng nhiệt tình của những người trí thức phấn đấu cho lý tưởng hòa bình độc lập dân tộc. Ngày nay đã có hòa bình, độc lập dân tộc, nhưng muốn tạo được một thành tựu văn hóa nào đó cũng cần phải có một đội ngũ trí thức, có nhiệt tình, biết hy sinh, làm việc có phương pháp thì mới mong có kết quả. Ôn cố để tri tân – phương pháp tư duy cũ nhưng vẫn còn tác dụng trong cuộc sống mới nầy.




  • Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here