Trang chủ Về TTVHPG Liễu Quán Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế: Quá trình hình...

Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế: Quá trình hình thành và phát triển

199
0

Văn hoá làm cho đời sống con người có ý nghĩa, hương sắc cuộc đời thăng hoa. Mỗi lần nói đến văn hoá Việt Nam, không thể nào phủ định văn hoá Phật giáo đã thể nhập vào giòng sinh mệnh văn hoá dân tộc, truyền lưu và phát huy từ xưa đến nay, trải qua hơn 2000 năm.

Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán toạ lạc ở địa điểm lý tưởng của đô thị Huế, số 15A đường Lê Lợi Huế. Liễu Quán là Pháp hiệu của vị Tổ sư người Việt đầu tiên thuộc giòng thiền Lâm Tế – Đạo phong của Ngài đã thấm tận chon cung đình, lan toả sâu rộng trong dân gian khắp nơi trên mọi miền đất nước. 
 
Trung tâm Liễu Quán Huế đã hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thân của đời sống quần chúng với phương châm dân tộc gắn liền với đạo pháp để con người thể hiện việc báo đáp tứ trọng ân: ân đất nước, ân thầy tổ, ân cha mẹ và ân xã hội. Từng bước dấu chân thiền của ngài đã in sâu và để lại nhiều ấn tượng thâm nhập vào cuộc sống vào tâm tư của người dân Việt.
 
Sáng ngày vía Phật Thành đạo, mồng 8 tháng Chạp năm Kỷ Dậu (15.01.1970 – PL. 2514) Giáo hội Phật giáo tiền nhiệm đã long trọng tổ chức Lễ đặt đá xây dựng Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán tại thành phố Huế làm cho quần chúng vững một niềm tin vào vốn liếng di sản văn hóa dân tộc khởi sắc, lên hương:
 
“Góp lại mười phương nguồn sống mới;
Cho tình dân tộc tắm sông trong.”
(Thơ của HT. Mãn Giác)  
 
Hoà thượng Thích Đức Tâm (1928-1988), giáo thọ sư của Phật học đường Báo Quốc, Đặc Ủy Hoằng pháp của Phật giáo tỉnh được cung cử giữ chức Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, kiêm nhiệm Trưởng Ban kiến thiết.
 
Cùng một lúc, song hành vừa tổ chức sinh hoạt văn hóa, vừa xây dựng cơ sở vật chất cho xứng với tầm vóc của một Trung tâm Văn hóa giữa lòng đô thị mà tiền thân là kinh đô Phú Xuân, một thời đã mệnh danh là kinh đô Phật giáo dưới tầm nhìn của danh nhân Lê Quí Đôn, người giữ trọng trách lớn ở xứ Thuận Hóa vào những năm 1776 dưới triều đình nhà Lê Trung Hưng.
 
Từ ngày đặt viên đá đầu tiên cho đến năm 1971, Trung tâm đã thực hiện nhiều công việc như:
 
– Làm một nhà bằng vật liệu nhẹ để tiến hành các sinh hoạt của Trung tâm như Tổ chức các buổi triển lãm Văn hóa, Văn phòng làm việc cho các Ban Cổ động, văn nghệ, báo chí và thư viện.
 
 –  Xây dựng hoàn thành tầng trệt của toà nhà đa dụng để triển khai các hoạt động thường kỳ cho Trung tâm.
 
Trung tâm tiếp tục xây dựng nhà in Liên Hoa, kế thừa cơ sở in Liên Hoa, trang bị máy in Offset in được hình màu …
 
Từ đó các Ban ngành của Trung tâm Liễu Quán đã tổ chức được nhiều buổi diễn thuyết vào các năm 1972 – 1974; Do chư tôn đức đặc trách về các ngành Văn hóa, Hoằng pháp, Giáo dục và Thanh niên đảm trách như HT Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh; HT Thích Mãn Giác, HT Thích Thiên Ân, giáo sư các trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và Huế. Ngoài ra, Trung tâm cũng đã mời các giáo sư, học giả uy tín nhận phụ trách một số buổi diễn thuyết về văn học cổ Trung quốc, văn minh Việt Nam, Triết học Tây phương, Địa lý như các học giả Giản Chi Nguyễn Hữu Văn, Lê Văn Siêu, Hồ Hữu Tường và Tiến sĩ Thái Thị Ngọc Dư, phụ tá Khoa trưởng Đại học Văn khoa Huế …
 
Cơ sở Trung tâm VHPG trước khi đại trùng tu
 
Đặc biệt, nhà điêu khắc thời danh Lê Thành Nhơn cũng đã bỏ công sức và trí tuệ để sáng tác tác phẩm tượng Đức Quán Thế Âm, dựng trước nhà làm việc vào ngày 14 tháng 2 năm 1973. Công trình nghệ thuật sáng giá này do công sức đóng góp của các giới Phật tử và đồng bào về nguyên vật liệu; các giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và các thiện tri thức mà tiêu biểu là hoạ sĩ Phạm Đăng Trí, giao sư Vĩnh Phối, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế.
 
Không khí học thuật thời bấy giờ ở cố đô Huế được sôi động hẳn lên góp phần làm cho đô thị Huế xứng danh là một Trung tâm Văn hóa Giáo dục ở miền Trung, một địa chỉ quen thuộc cho giới trí thức, sinh viên, học sinh thường xuyên tìm đến để trao đổi về văn học nghệ thuật …
 

 

Sau năm 1975, sinh hoạt của Trung tâm ngưng đọng lại theo nhịp sống chung cùng của thành phố chuyển mình. Hội Văn học nghệ thuat tỉnh Bình Trị Thiên mượn Trung tâm làm nơi sáng tác và nơi ở cho các hội viên. Cơ sở in Liên Hoa nhập vào Công ty in Quốc doanh tỉnh. Mãi đến 27 năm sau, vào năm 2002, Trung tâm Liễu Quán mới được giao hoàn cho Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.
 
Sau khi Trung tâm được giao hoàn cho Giáo hội; Quý thầy, quý sư cô bắt tay vào thu dọn việc nhà và nhen nhóm lại bếp lửa tình thương để cho Trung tâm phục hồi, tươi trẻ trở lại gần gũi với dáng xưa. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, một nhà tiến chế bằng vật liệu nhẹ theo bản vẽ kỹ thuật từ trong trí tuệ tập thể của chư vị Tôn đức được hình thành qua bàn tay nghệ nhân của người thợ Huế đang thăng hoa. Nhà mới ấy được thiết dựng trên sàn thượng của tầng trệt, biến ngôi nhà làm việc cũ trở thành như một mái chùa cổ kính thích nghi với không gian Huế. Trông về bờ Bắc thấy rõ Kỳ đài, Thương Bạc, cầu Phú Xuân, cầu Trường Tiền…
 
Rồi nào là cây cảnh, bồn hoa được tái hiện nhanh chóng khác nào chuyện giấc mơ của truyện cổ tích Việt Nam. Thành quả lao động sáng giá và đầy ý nghĩa ấy đã biến trung tâm Liễu Quán từ ngày mới được giao tra, trở thành một cơ sở Văn hóa Phật giáo uy nghiêm, cổ kính bên bờ sông Hương ngày đêm nước lững lờ trôi, biến khúc sông từ Phú Văn Lâu cho đến ngã tư Gia Hội thành một biển nước thanh bình, không chút gợn sóng.
 
Cửa Thiền lại rộng mở trở lại. Lễ Phật Đản PL 2546 (Dương lịch 2002) Trung tâm Liễu Quán tổ chức Triển lãm hình ảnh chùa Huế, thư pháp của nhà thơ Phật tử Trụ Vũ từ Sài gòn trở về Huế trong niềm hoan hỷ. Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê nhân dịp trở về Việt Nam, ra cố đô dự lễ hội thành phố Festival Huế năm 2002 đã phát nguyện đến diễn thuyết về di sản văn hóa Huế: Lễ nhạc Phật giáo để cúng dường ngày Phật đản sanh.
 
Thư viện được bước đầu nhen nhúm trở lại hình thành và mở cửa cho du khách, giới trí thức, sinh viên, học sinh và quần chúng đến thăm viếng, tham quan, ngắm cảnh, đọc sách, uống trà, tham dự lễ phóng sanh đăng trên sông Hương…
 
Năm nào cũng vậy, vào dịp lễ Phật đản, Vu lan, Thành đạo, Trung tâm Liễu Quán Huế đã tổ chức triển lãm về hình ảnh chùa Việt Nam, thư pháp, tranh lụa, thêm vào sinh hoạt của Trung tâm, chúng tôi còn thỉnh mời các giáo sư, nhà nghiên cứu, các thiện tri thức đến để trình bày một số đề tài văn hóa Việt Nam và thế giới. Sau nhiều lần tổ chức, người Huế mọi giới đã quen dần với địa chỉ 15A Lê Lợi đầy mến thương và mở rộng giao lưu văn hóa như cảnh tượng của ngày xưa. Quý thay, tâm tình của du khách, của người Huế ở khắp bốn phương trời đã hướng vọng về cố đô, về văn hóa Huế, về văn hóa Phật giáo Việt Nam.
 
Cơ sở hiện nay
 
Một tin mừng cần cho mọi Phật tử biết là Trung tâm Liễu Quán đã được sở Xây dựng thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép số 08/GPXD cho Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng taí thiết công trình Trung tâm ngày 20 tháng 4 năm 2007 với nội dung:
 
– Tổng diện tích sàn: 1.210 m2
– Chiều cao công trình: 11,50m
– Số tầng: 02 tầng + 1 tầng hầm.
 
Trong dịp nầy, chúng tôi xin phép được trình bày một tin vui cho Trung tâm Liễu Quán đó là sự phat tâm hỗ trợ công việc xây dựng Trung tâm do gia đình Phật tử Huỳnh Văn Mạnh và Lê Thị Ánh Tuyết với gia đình anh Nguyễn Ngọc Phương và chị Huỳnh Thị Kim Lưu. Nhân một chuyến về Huế Anh Hoàng Tá Thích và chị Trịnh Vĩnh Tâm đã hướng dẫn hai vợ chồng anh Huỳnh Văn Mạnh thăm Từ  Đàm và luôn tiện sự viếng thăm nầy chúng tôi đã hướng dẫn tất cả đến viếng thăm trung tâm Liễu Quán, qua chuyến thăm nầy với sự tiếp đón và trình bày sự việc trung tu của Ban Quản trị Trung tâm nên sau đó anh Huỳnh Văn Mạnh về nhà suy nghĩ rồi quyết định cúng dường tài trợ cho Trung tâm để việc xây dựng được mau chóng, nhân đây chúng tôi xin được phép thay mặt Ban Điều hành trung tâm chân thành cảm ơn sâu sắc đến các gia đình Phật tử Huỳnh Văn Mạnh và chị Lê Thị Ánh Tuyêt, gia đình anh Nguyễn Ngọc Phương và chị Huỳnh Thị Kim Lưu, gia đình anh Hoàng Tá Thích và chị Trịnh Vĩnh Tâm và gia đình chị Phạm Đăng Tuý Hoa đã nhiệt tình hỗ trợ cho công tác Trung tu nầy, xin câù nguyện quý vị luôn an lành hạnh phúc trong cuộc sống.
 
Lịch sử hình thành và phát triển của cơ sở Văn hóa Phật giáo ở Cố đô Huế sẽ mở ra trang mới. Một lòng chung sức cầu mong cho Phật sự chóng hoàn mãn để sớm đưa Trung tâm Liễu Quán hoạt động trở lại theo đà tiến của ngày mai. Thừa Thiên hưng vận, Phật pháp và Dân tộc ngày một tiến phát, huy hoàng làm rạng rỡ nòi giống tiên rồng Việt Nam.
 
Thích Hải Ấn

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here