Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Trung tâm Hoa Đàm: Cơ sở truyền thông audio Phật giáo chuyên...

Trung tâm Hoa Đàm: Cơ sở truyền thông audio Phật giáo chuyên nghiệp đầu tiên

138
0

Trong giai đoạn Phật giáo chuyển mình sau Pháp nạn lịch sử 1963, một vài chương trình audio Phật giáo ghi trên dĩa nhựa Vinyl 45 vòng/phút đã được thực hiện. Đó là hợp xướng ca khúc Phật giáo Việt Nam của nhạc sĩ Lê Cao Phan, ca khúc Nam mô A Di Đà Phật… giọng hát chính là ca sĩ Thái Thanh.

Tuy nhiên, trong thập niên 1960, tại miền Nam Việt Nam, công nghệ sử dụng chủ yếu cho việc ghi và phát âm thanh là dĩa nhựa. Chi phí, trang bị ghi âm, quy trình kỹ thuật ghi âm ở công nghệ này rất tốn kém và phức tạp. Chỉ có những nhà sản xuất dĩa hát lớn mới có đủ phương tiện kỹ thuật ghi âm sản xuất các chương trình âm thanh lên dĩa nhựa (tại miền Nam lúc bấy giờ chỉ có 2 hãng dĩa lớn, là Asia và Việt Nam).

Rất ít dĩa về đề tài Phật giáo được thực hiện. Còn phía Thiên Chúa giáo có một số dĩa thánh ca, nhưng là đơn ca, không phải hợp xướng nhà thờ, phát hành để bán Noel

.vanhoa-1.gif

Ông bà Lê Văn Dũng tại Trung tâm Hoa Đàm, Sài Gòn

Đầu thập niên 1970, 2 công nghệ ghi âm mới bắt đầu phổ biến, là audio tape (thường gọi là băng tròn, băng cối, hay băng Akai, theo tên nhà sản xuất hàng đầu loại máy này), và audio cassette, loại băng mà ngày nay chúng ta vẫn còn dùng.

Kịp bước với sự phát triển của công nghệ ghi âm mới, một trung tâm, lúc bấy giờ gọi nôm na là trung tâm băng kinh, băng nhạc Phật giáo đã ra đời, đáp ứng nhu cầu của Tăng Ni, Phật tử.

Gọi theo cách hiện nay, thì Hoa Đàm là một trung tâm truyền thông audio Phật giáo, vì ngoài việc phổ biến băng tụng kinh, băng ca nhạc Phật giáo, trung tâm còn phát hành, in sang nhiều tư liệu âm thanh quý về nghi lễ Phật giáo, hoạt động Phật sự. Trung tâm có một kho lưu trữ nhỏ băng ghi âm các sự kiện Phật giáo quan trọng, đặc biệt là một số diễn biến trong Pháp nạn lịch sử 1963 ở Huế.

Vì vậy, đây là cơ sở truyền thông audio Phật giáo đầu tiên, chuyên nghiệp và hoàn thiện, theo đúng như cụm từ nói trên.

Người thành lập trung tâm là cư sĩ Lê Văn Dũng, pháp danh Tâm Đại. Ông là người phụ trách các chương trình phát thanh "Tiếng Nói Phật Giáo" trên Đài Phát thanh Huế trong suốt gần 20 năm. (1)

Có sẵn kiến thức, kinh nghiệm kỹ thuật audio, kỹ thuật tổ chức thực hiện chương trình cũng như thuận lợi do công việc đem lại, cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng đã nhanh chóng đưa Trung tâm Hoa Đàm hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào hoạt động hoằng pháp bằng công nghệ mới.

Cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng cũng là một huynh trưởng cấp Tấn Gia đình Phật tử Việt Nam, có nhiều đóng góp vào việc xây dựng Gia đình Phật tử tại Huế.

vanhoa-2.gif

Trung tâm Hoa Đàm tại Huế

Trung tâm Hoa Đàm vừa khai thác các chương trình Phật giáo sẵn có từ tiết mục tương ứng của Đài Phát thanh Huế, đồng thời với việc tổ chức thu âm sản xuất các chương trình mới.

Trung tâm Hoa Đàm bắt đầu việc hoạt động tại Huế, sau đó mở chi nhánh tại Sài Gòn.

Trung tâm Hoa Đàm đã phát hành đến vài chục ngàn băng audio tape và cassette, với nhiều đề tài, lãnh vực như tụng kinh, nghi lễ, ca nhạc Phật giáo, thuyết pháp, đạo từ, ca cổ, thi ca, đọc sách… Dạng phát hành này gọi là băng gốc, có chất lượng âm thanh trung thực, bìa băng được trình bày đơn sơ mà đẹp mắt. Một số mẫu bìa do các họa sĩ nổi tiếng ở Huế thiết kế.

Ngoài ra, trung tâm còn in sang chương trình trên băng mà khách hàng mang tới.

Nội dung chương trình được quý Hòa thượng, Thượng tọa ở Huế tư vấn, vì vậy, nội dung tư tưởng Phật giáo là tuyệt đối tin cậy.

Để bảo đảm chất lượng âm thanh chuyên nghiệp, trung tâm đã có những trang bị hiện đại bậc nhất thời bấy giờ.

Một số chương trình được ghi âm dưới dạng "Live show tape", tức là không thu tại studio, mà thu ngay tại chùa vào đêm khuya, để mục tiêu bảo đảm được yêu cầu trang nghiêm, chân thực, âm thanh chương trình là âm thanh một khóa lễ thực sự, không phải dàn dựng lại.

Lần đầu tiên, các bản dịch nghĩa kinh, do Hòa thượng Thích Trí Quang phiên dịch, được ghi âm và phát hành rộng rãi. Đây là phần đóng góp lớn của truyền thông Phật giáo, cụ thể của Trung tâm Hoa Đàm trong việc tiên phong phổ biến các bản kinh dịch nghĩa tiếng Việt, thay vì kinh phiên âm chữ Hán thường dùng lúc đó.

vanhoa-4.gif

Bìa băng cassette do Hoa Đàm tổ chức thực hiện và phát hành

vamhoa-3.gif

Cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng thành lập Trung tâm Hoa Đàm không phải chỉ vì mục đích kinh doanh, mà trước tiên, phục vụ đạo pháp bằng sở học, hiểu biết và thuận lợi của mình, đưa một phương tiện truyền thông mới vào hoạt động hoằng pháp.

Âm vang tiếng tụng kinh, thuyết pháp tại nhà Phật tử miền Nam trước 1975 có được, trước tiên, là nhờ những nỗ lực của cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng, thông qua Trung tâm Hoa Đàm.

Đặc biệt, từ những năm 1970, Trung tâm Hoa Đàm đã có nhiều chương trình audio rất mới so với bấy giờ, và hiện nay cũng chưa phải là quen thuộc lắm trong giới làm chương trình audio Phật giáo là đọc sách, pháp thoại, nhất là các chương trình pháp thoại giữa chư vị tôn đức Phật giáo Thừa Thiên Huế.

Sau năm 1975, việc phát hành chương trình audio trở nên hạn chế hơn, do hoàn cảnh chung, nhưng việc thực hiện ghi âm các chương trình tư liệu, đặc biệt là tư liệu nghi lễ Phật giáo, vẫn được cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng tiến hành, cho đến khi ông từ trần vào năm 1979.

Nếu bạo bệnh không làm mất đi một vị cư sĩ tiên phong trong hoạt động truyền thông Phật giáo Việt Nam, thì chắc chắn, bộ sưu tập nghi lễ Phật giáo Việt Nam do Trung tâm Hoa Đàm thực hiện sẽ còn phong phú bội phần.

Trong những năm 1980, gia đình cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng vẫn tiếp tục thực hiện công việc mà cư sĩ làm dang dở, bằng cách in sang các chương trình của Hoa Đàm vào băng cassette Tăng Ni, Phật tử mang đến và in sang các chương trình thuyết pháp do các chùa tổ chức ghi âm. Lúc này, cassette 2 hộc băng chưa phổ biến, việc bảo đảm in sang băng với chất lượng âm thanh cao còn khá phức tạp, không phải ai, ở đâu cũng thực hiện được. Vì vậy, đóng góp của gia đình cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng cho hoạt động hoằng pháp trong giai đoạn này là rất đáng kể.

Thời gian này, nhiều cuộn băng cassette Phật giáo do Hoa Đàm in sang đã được đưa ra nước ngoài, thỏa mãn việc khát ngưỡng Chánh pháp của Phật tử Việt Nam ngoài nước trong giai đoạn buổi đầu định cư, chưa có chùa, Tăng Ni, khóa lễ.

Năm 2004, Nhà Xuất bản Tôn Giáo có tái bản một số chương trình kinh tụng tiêu biểu như Kinh Địa Tạng, Kinh Vu Lan, Kinh Báo ân cha mẹ, Từ bi thủy sám

Ngoài giá trị tư liệu, với những băng tụng kinh, thuyết pháp, nghi lễ vẫn còn đáp ứng nhu cầu Tăng Ni, Phật tử hiện nay, bộ sưu tập chương trình audio của Trung tâm Hoa Đàm là những kỷ niệm quý giá về chư tôn đức Phật giáo Việt Nam vào những năm 1950, 1960, 1970, mà hiện nay nhiều vị đã viên tịch.

Ông Lê Văn Chính, con trai cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng cho biết, hiện kho sưu tập audio Phật giáo của Trung tâm Hoa Đàm vẫn được bảo quản tốt và đã số hóa. Ông dự kiến sẽ đưa lên mạng cúng dường nhằm phục vụ rộng rãi cho hoạt động hoằng pháp, nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phật giáo Việt Nam. 

M.T (GNO)

(1) Cư sĩ Tâm Đại Lê Văn Dũng sinh năm 1927 tại xã Lộc Thọ, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình khoa bảng, nhiều đời sùng tín Phật pháp. Ông nguyên là Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam, nguyên quản lý Trường Bồ Đề, Thành Nội Huế. Cư sĩ là người đồng sáng tác nhiều bài hát bất hủ của Phật giáo Việt Nam như Từ Đàm quê hương tôi, Có những hồi chuông…

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here