Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Trúc Lâm mạch thiền luân chảy

Trúc Lâm mạch thiền luân chảy

136
0

Với sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông làm Sơ Tổ, Yên Tử đã trở thành Kinh đô Phật giáo của nước Đại Việt và chùa Lân, tên chữ là Long Động Tự đã trở thành chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái khi được xây dựng thành Viện Kỳ Lân – là nơi Tam tổ thường đến thuyết pháp, giảng đạo, độ tăng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chùa đã bị thiêu hủy gần như hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp. Tháng Giêng năm 2002, chùa Lân được xây dựng lại khang trang, bề thế, trở thành Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Đây là Viện nghiên cứu, bảo tồn tàng trữ các thư tịch, ấn phẩm văn hóa về Yên Tử và Thiền phái Trúc Lâm, là nơi hướng dẫn tu thiền cho tu sĩ, phật tử và những ai muốn hành Thiền theo Thiền phái Trúc Lâm, là nơi tham quan, du lịch, hành hương lễ Phật của khách thập phương.

Tam quan Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử

Như một nhân duyên, chúng tôi tới chùa Lân sáng ngày Một tháng Mười lịch trăng năm 2012. Từ chùa Bí Thượng (chùa Trình) ngã ba Dốc Đỏ thuộc TP. Uông Bí, theo con đường vào núi, qua chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực là đến chùa Lân. Để cho ô tô lượn vòng vào bãi đỗ, chúng tôi leo lên đoạn dốc lát đá suối ngắm cổng tứ trụ bằng đá xanh mới được làm từ khi xây lại chùa. Thật vững vàng, bề thế, xứng với lời khen tặng của dân gian: "Ngõ chùa Lân (to), sân chùa Muống (rộng), ruộng chùa Quỳnh (nhiều)” .Trên cổng này có ghi rõ bằng chữ Việt: Chùa Lân – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Đi tiếp trên các bậc đá xếp một đoạn nữa thì đến cổng tam quan xây hai tầng mái. Trên cổng này lại ghi: Chùa Long Động – Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử. Việc ghi cả hai tên chùa này trên cổng hẳn muốn để người đời sau không quên tên cũ của chùa. Dọc theo hai bên lối vào chùa là 19 ngôi tháp mộ sư được xây thành hai hàng cùng các chậu cây cảnh bốn mùa vươn dáng, khoe sắc.

Những gì nhìn thấy khiến chúng tôi nghĩ tới hình ảnh chùa Lân được miêu tả trong cuốn sách Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, do Viện Đại học Vạn Hạnh in năm 1972: "Long Động tự, tục gọi là chùa Lân vì bên cạnh có quả núi hình giống con Lân… Đây là nơi mà khoảng năm Kỷ Hợi (1299), Hương Vân Đại Đầu – Đà (Trần Nhân Tông) lập trường giảng pháp, độ tăng và thuyết pháp cho cả trên vạn người. Cổng chùa trông ra suối có những bậc đá từ bờ suối đi lên. Giữa những gốc thông già, hai hàng tháp cổ, cái nhỏ xây bên dưới, cái lớn trên cao trông rất oai nghiêm…”.

Vừa bước vào sân chính điện đã nghe tiếng giáo thọ (thành viên trong Ban Điều hành Thiền viện) rành rẽ giảng giải cho các Thiền sinh qua loa phóng thanh. Tìm đến nhà khách lại thấy Tri khách của Thiền viện đang tiếp một đoàn Phật tử chừng hai chục người. May thay, nhờ các anh ở Văn phòng UBND thành phố giúp gọi điện hẹn trước nên chúng tôi được Đại Đức Thích Trung Huệ, Thư ký của Thiền viện ra đón.

Đại đức Thích Trung Huệ – Thư ký
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử trao đổi cùng tác giả

Sau khi chúng tôi trình bày nguyện vọng, Đại Đức hướng dẫn chúng tôi thắp hương trong chính điện và Nhà thờ Tổ rồi tham quan một số kiến trúc chính. Tôi ấn tượng với quả cầu Như ý báo ân Phật Tổ đặt trước cửa chính điện do Phật tử Hà Nội công đức. Quả cầu được làm bằng đá hoa cương màu đỏ rubi, đường kính 1950mm, trọng lượng 6,5 tấn đặt trên bệ đá granit. Quả cầu có thể quay quanh mình nó theo các hướng bằng một máy bơm nước công suất nhỏ. Tất cả nằm trong bể nước hình bát giác với 8 bồn hoa và 8 vòi nước, tượng trưng cho bát chính đạo. Rồi quả chuông đồng nặng 1,4 tấn, chiếc trống dài gần 2m, đường kính mặt trống gần 1m được tạo bởi  một thân gỗ liền khoét rỗng, rồi các pho tượng Phật tổ, tượng Bồ tát, tượng Tam tổ Trúc Lâm bằng đồng được chế tác rất sinh động…Tất cả đều do Phật tử trong và ngoài nước công đức.

Theo Đại Đức Thích Trung Huệ, hiện nước ta có 24 Thiền viện Trúc Lâm và ở một số nước khác, Thiền phái Trúc Lâm cũng có tới 19 Thiền viện, theo đó, có hàng chục vạn Thiền sinh theo học. Vậy là, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã được phục hưng, đã làm sống lại Thiền học nước nhà sau hơn một thế kỷ vắng bóng.Vậy là, tinh hoa Thiền học Thiền phái Trúc Lâm cũng đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, góp phần làm rạng rỡ non sông nước Việt, thắt chặt thêm tình bạn bốn phương. Điều gì đã khiến cho Thiền học của Việt Nam ta có sức sống bền bỉ và trỗi dậy mạnh mẽ như vậy? Tôi đang định thưa với Đại Đức điều này thì Thầy nói chờ để Thầy về thất lấy cho một số tài liệu.

Tôi lại tản bộ quanh sân chùa, tai nghe tiếng giảng bài, mắt ngắm hoa cảnh và cả điệp trùng ngàn xanh viền quanh một kiến trúc tâm linh có diện tích gần 130.000m2 trên dải núi địa linh này. Còn đây cây thông mã vĩ cổ thụ, thân to, cao, thẳng, xòe tán như chiếc lọng. Còn đây cây đa cổ thụ hơn 700 tuổi bóng rợp sân chùa. Còn đây tháp Tịch Quang thờ Tuệ Đăng chính giác Hòa thượng Chân Nguyên, người đã có công lao to lớn khôi phục dòng Thiền Yên Tử vào thế kỷ XVIII mà đến nay văn bia vẫn còn sáng lời ca ngợi. Vậy là, sức sống của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có ngay tự  khởi nguồn từ trí tuệ Sơ Tổ, từ Tâm Thiền, từ tư tưởng nhập thế – vô ngã để đoàn kết toàn dân, chấn hưng đất nước của Người và được hệ thống truyền thừa gồm nhiều thế hệ Thiền sư tài năng, đức độ chuyển tiếp khiến mạch Thiền luân chuyển mãi tới hôm nay. Khi viết tới đây tôi cũng lại nhớ tới Hòa Thượng Thích Thanh Từ, người đã góp công lao to lớn vào sự khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ngày nay và cả với Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử nơi tôi đang chiêm bái.

Về giới luật, Thiền sinh tại Thiền viện giữ mười giới làm trọng tâm, trong đó có ngũ giới từng phổ biến còn thêm ngũ giới: Không đeo tràng hoa và ướp nước hoa, không ca múa hát xướng, không nằm, ngồi giường tòa to và sang trọng, không giữ tiền bạc vàng ngọc, không ăn phi thời. Kèm theo đó là mười điều Quy chế phụ cũng mang tính kỷ luật chặt chẽ. Thời khóa trong một ngày của các Thiền sinh thấy báo thức từ 3 giờ 15, đi ngủ lúc 22 giờ, trong ngày có 6 giờ tọa thiền, 3 giờ lao tác… Được  dùng cơm chay của nhà Thiền. Với những gì được thấy, tôi hình dung con đường tu Thiền, quên Ngã hành đạo gian khổ biết chừng nào.

Ngồi trên ô tô  trở về, lòng thấy thơ thới, nhẹ nhàng, nhẩm đọc mấy câu trong bài "Cư trần lạc đạo” của Sơ Tổ:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền.­

(Đại Đoàn Kết)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here