Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Trừ diệt tâm cống cao, ngã mạn

Trừ diệt tâm cống cao, ngã mạn

233
0

Người cống cao, ngã mạn là người coi trọng bản ngã của mình lên trên hết. Nó là biểu hiện của tâm hiếu thắng, kiêu ngạo, cống cao, thiếu nhã nhặn, thiếu khiêm tốn và không chịu nhún nhường bất cứ một ai.

Người ngã mạn thường song hành với các tâm lý cố chấp, bảo thủ và độc đoán. Cống cao, ngã mạn, khinh người là con đẻ của sự chấp ngã thân này là thật ta và của ta. Nghiệp dụng của nó là luôn coi trọng mình mà hay khinh khi, miệt thị người khác. Dù người đó thật sự hơn mình đủ về mọi mặt, nhưng vì chấp ngã, tự ái nặng nề, nên họ lúc nào nào cũng thấy mình hay, mình giỏi hơn thiên hạ nên dễ dàng coi thường người khác.

Người cống cao, ngã mạn khi làm được một công việc nào đó thành công thì họ lên mặt hống hách, có vẻ như ta đây là người tài ba, lỗi lạc bậc nhất. Họ tự thấy mình là người có công lao lớn rồi khinh thường, mạt thị kẻ khác nên dẫn đến nhiều người không ưa thích. Đó là họ đang mắc phải chứng bệnh “công thần” khá nặng mà không hay biết. Từ đó, mọi người sẽ tìm cách xa lánh và thù hằn, ghét bỏ họ. Đó là hậu quả do tâm cống cao, ngã mạn gây ra.

Như chúng ta đã biết, ngã mạn là một trong sáu món căn bản phiền não, đó là tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến, có gốc rễ sâu dày từ si mê, chấp ngã mà ra; không phải ai cũng có thể dễ dàng diệt trừ nó được; muốn đoạn trừ nó chỉ có cách là chúng ta phải cố gắng, ra sức nỗ lực tu học và hành trì buông xả ngay nơi từng ý niệm khi vừa phát sinh thì mới có thể lần hồi chuyển hoá chúng được.

Điều chủ yếu là chúng ta phải hằng tỉnh giác trong từng phút giây, quán chiếu sâu vào bản chất của nó để thấy rõ tự tánh của nó vốn là không có thực thể. Nếu chúng ta không đề cao cảnh giác thì sẽ làm nô lệ cho nó sai khiến. Hậu quả xảy ra sẽ rất tai hại. Có Chánh niệm tỉnh giác thì chúng ta mới nhận diện nó một cách rõ ràng, và như thế nó không thể nào gây tác hại cho chúng ta được. Đó là do ý chí phấn đấu, nỗ lực, dụng công tu hành của mỗi người mà sự diệt trừ nó nhanh hay chậm mà thôi.

Trong kinh, Phật đưa ra 3 dạng tâm lý ngã mạn: Ngã mạn tuổi trẻ, ngã mạn không bệnh và ngã mạn sự sống. Ngã mạn tuổi trẻ là thái độ chủ quan, lấn lướt, bảo thủ sai lầm. Ngã mạn không bệnh là không bệnh dễ sinh, là ỷ cậy thân thể. Ngã mạn sự sống là cậy sống lâu mà làm việc bất thiện về 3 nghiệp thân-miệng-ý.

Cả ba loại ngã mạn này đều làm cho con người đắm nhiễm, sa đọa vào những ác nghiệp. Vì ngã mạn là chấp thủ, là cống cao, là chấp nhất, nên người lìa ngã mạn sẽ thoát ly mọi ràng buộc, hệ lụy. Phật dạy, “này các Tỳ kheo, ai đoạn trừ tâm ngã mạn, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho nó không còn hiện hữu lại, người ấy là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không còn bất cứ một hệ lụy nào”. Do đó, dứt trừ tâm ngã mạn là một việc khó làm.

N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here