Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Trong Tâm Có Phật!

Trong Tâm Có Phật!

142
0

Trong tâm có Phật, là tùy thời tùy chỗ khởi tưởng niệm Phật, đi, đứng, ngồi, nằm, lúc động, tịnh, nhàn nhã, bận rộn, công việc không dụng tâm mà đều có A Di Ðà Phật, lúc miệng không niệm mà tâm vẫn ở nơi niệm, chẳng niệm mà tự niệm, không niệm mà không phải chẳng niệm, Phật không rời tâm, tâm không rời Phật, mới có thể được “nhất tâm bất loạn”, tâm ta với tâm Phật thông nhau, tâm và Phật ở cảnh giới “nhất như”, được niệm Phật tam muội.

Trong miệng niệm Phật không ổn định, trong tâm nghĩ bậy tưởng loạn, phép niệm như thế thì đều không có chỗ tác dụng. Nên cần phải trong miệng niệm Phật, trong tâm tưởng Phật, tâm – miệng như nhất. Ngoài một câu danh hiệu Phật ra, việc nào cũng không nên nghĩ tưởng đến, niệm nào cũng không nên khởi, đây tức gọi là nhất tâm bất loạn, nhiên hậu mới dễ dàng thành công.

Nhất tâm bất loạn, mà nếu như xen lộn niệm khác, thẳng đến chuyên niệm mà không đạt được, chuyên niệm mà hãy còn chẳng thành, thì nhất tâm bất loạn càng khó làm được.

Niệm Phật khi công phu thuần thục nhất định có cảm ứng bất khả tư nghì. Người ở thế gian phước báo lớn không phải là giàu có tiền bạc hay sống lâu, mà phước báo chân chánh là lúc lâm chung không có bệnh, tinh thần sáng suốt, biết được đi đến đâu, đây mới là phước chân chánh.

Trong cuộc sống hằng ngày tùy duyên mà qua ngày, mang mọi cái phân biệt, chấp trước, buồn lo… buông bỏ cả đi, được đại tự tại, đó mới là hạnh phúc chân chính.

Như gặp tai nạn lớn, nên niệm: Nam Mô A Di Ðà Phật tiếp dẫn con… vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Niệm ngày đêm không dừng, đến lúc vãng sinh.

Niệm Phật, nếu như không thể nghiêm trì giới luật, dừng dứt tham sân, hàng phục vọng niệm, đánh phá chấp trước, mà muốn cầu nhất tâm bất loạn thì ắt sẽ vời vợi xa xăm.

Gọi là “nhất tâm bất loạn” tức là chỉ có một tâm niệm Phật, không có tạp niệm của phiền não vọng tưởng.

Nếu trong tâm không có Phật, không những lúc bình thường mất niệm (không khởi được tưởng niệm), nếu là ngẫu nhiên khởi được tưởng niệm, niệm cũng không được mấy câu thì dứt quãng rồi, có lúc ngay cả thời khóa sáng chiều cũng không biết niệm.

Lúc niệm Phật, người khác gọi anh, anh đều không biết, như thế mới có “định lực”, có công phu. Lúc niệm Phật mà có gió thổi cỏ động anh đều biết cả, như thế là không có định lực, nên cần phải quyết tâm công phu thêm nữa.

Ðương nhiên chẳng phải là ngay khi bắt đầu niệm thì đạt được cảnh giới “trong tâm có Phật”. Anh (chị) không ngại thì từ ngày nay bắt đầu, cố gắng công phu không dứt, như vậy thời gian lâu, anh (chị) nhất định trong tâm có Phật. Nên biết thành công tất cả đều là bắt đầu từ hiện tại.

Người sơ cơ học Phật niệm Phật, cố nhiên là chẳng dễ niệm Phật nhiều, càng chẳng thể bàn luận trong tâm có Phật. Song có thể chuyên tâm nhất ý niệm hằng ngày, niệm hằng giờ, lâu ngày công phu sâu dày, tự nhiên sẽ có thể niệm Phật nhiều, trong tâm có Phật. Không nên chỉ vì công việc thế tục bận rộn mà không chịu dụng công niệm Phật, không niệm thì trong tâm làm sao có Phật?

Tối kỵ là ngay lúc có thời gian mà chỉ biết ăn uống chơi vui, nói khoét, xem ti vi… bỏ câu A Di Ðà Phật sang bên một cách thoải mái, thế thì trong tâm làm sao có Phật!

Trong tâm anh không có Phật, thì cần trong tâm Phật có anh không? Lúc anh mạng chung cần Phật đến tiếp dẫn anh không? Phải biết rằng cầu sinh về thế giới Cực Lạc ở phương tây là tự anh cần đến thôi, chứ không phải là đức A Di Ðà cần anh đến đâu nhé!

Thử nghĩ, có một người ở nơi xa muốn kết bạn cùng anh mà chỉ cho anh danh thiếp, mỗi lần thấy mặt cũng chỉ một thoáng, đánh tiếng thăm hỏi, ngay cả nói cũng không được lấy một câu, giao thiệp càng ít ỏi, người đó muốn đến chỗ anh ở, cần anh đi đón tiếp, anh đi đón tiếp không? Như vậy đem lòng mình so ra thì biết.

Chuyên trì danh hiệu A Di Ðà Phật đơn giản dễ làm. Chuyên là chuyên nhất, chuyên tâm. Trì là giữ gìn không để mất nó đi. Danh hiệu là sáu hoặc bốn chữ “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Chúng ta một ngày đến tối, không được rời xa câu Phật hiệu nầy, niệm to tiếng, nhỏ tiếng hay mặc niệm (niệm thầm) đều được. Không nên gián đoạn, lộn xộn, hoài nghi; nên phải chân thành, khẩn thiết, cung kính, chơn chánh phát nguyện vãng sinh về thế giới Cực Lạc, vãng sinh về thế giới Cực Lạc là cơ sở nắm chắc.

Vãng sinh về thế giới Cực Lạc có 2 vấn đề cần thiết không thể không biết:

1- Chánh niệm hiện tiền.

2 – Tâm không điên đảo.

Chánh niệm hiện tiền: Là khi mạng chung, nghĩ niệm là Phật mà tưởng cũng là Phật, lúc cuối cùng của hơi thở còn ở tại nơi câu niệm Phật, niệm Phật vãng sanh. Tâm không điên đảo: Là khi mạng chung chỉ có tâm niệm Phật tưởng Phật thôi, không nhớ tưởng đến tất cả công việc của thế tục. Ngày thường tu hành tinh tấn, niệm Phật niệm đến nhất tâm bất loạn rồi, lúc mạng chung nếu có mảy may tưởng niệm việc thế tục tâm sẽ điên đảo, một khi tâm điên đảo thì chẳng được vãng sanh!

Lúc bình thường không cố công niệm Phật, mà từ trong tâm tham ái dính mắc gốc rễ sinh tử như: Giàu có, sự nghiệp, danh tiếng, người thân, ăn uống, chơi bời, không như ý thì giận dữ oán hận… lúc mạng chung làm sao mà không nghĩ đến chúng? Ngay lúc nghĩ nó, tâm sẽ diên đảo, cộng thêm nghiệp đời trước chiêu cảm, tâm hoang mang, ý hoảng loạn, bệnh khổ rất nhiều, tà niệm hiện tiền, tâm không điên đảo cũng thành điên đảo!

Trong tâm phàm phu của chúng ta vọng tưởng tạp niệm rất là nhiều, niệm nầy vừa đi thì niệm khác lại đến. Niệm Phật tức là cần gom trói cái tâm vọng tưởng tạp niệm nầy, niệm danh hiệu Phật nhiều một chút thì niệm tạp loạn vọng tưởng ít đi một chút, hằng giờ dụng công, công phu sâu dày thì có thể thu gom tất cả các niệm tạp niệm vọng tưởng nầy trên danh hiệu Phật, tất cả các niệm tạp loạn vọng tưởng đều không có, đó là nhất tâm bất loạn rồi.

Chánh niệm hiện tiền: Khi con người đến lúc mạng sống gần như sắp đứt hơi thở, dứt khoát trong tâm rõ ràng biết được muốn đến chỗ nào, trong tâm an tịnh chỉ có vấn đề niệm Phật tưởng Phật, không được có niệm khác xuất hiện.

Tà niệm hiện tiền: Người tu hành bình thường không cố công niệm Phật, chỉ giải đãi (biếng nhác), bày biện, lơ là, đến lúc mạng chung tâm nầy sẽ chắc chắn hôn mê tán loạn, điên điên đảo đảo, một chút cũng đoán không được!

Niệm Phật phải sinh chánh tín, mới có thể dụng công tốt đẹp, tùy thời tùy chỗ niệm Phật. Nếu sinh “bất chánh tín” thì niệm Phật thành ra cầu tài, cầu bình yên… có lúc niệm lúc không.

Tâm của người niệm Phật nếu không phải là tâm thanh tịnh mà là tâm niệm Phật. Tức là tâm phiền não, tâm vọng tưởng, tham ái dính mắc việc thế tục, trong tâm thường nghĩ đến nó, cả ngày nhớ mãi không quên, lúc mạng chung làm sao không nghĩ tới nó! Như vậy làm sao có thể chánh niệm hiện tiền, niệm Phật vãng sinh! Vậy nên cần phải buông bỏ việc thế tục. Có nó hay không, không nên nghĩ đến nó, càng không được để nó trong tâm để mà nghĩ tưởng.

Không luận ở nơi hoàn cảnh nào, lại nữa bận rộn cũng được, khi công việc cần suy nghĩ nghiên cứu mà buông câu Phật hiệu, công việc xong rồi lập tức khởi ngay Phật hiệu. Giả như trong việc không nhu cầu vấn đề suy nghĩ nghiên cứu có thể một mặt làm việc, một mặt niệm Phật, lúc gặp cảnh thuận hay nghịch đều không quên niệm Phật, làm được thế nầy, việc vãng sinh có hy vọng.

Tâm niệm Phật chơn hay không chơn, chỉ nên xét nghiệm ở trong phiền não vui ưa, hay ghét bỏ. Ví dụ người niệm Phật có chơn tâm, ở trong phiền não ưa ghét, tất nhiên niệm Phật mỗi niệm mỗi niệm không gián đoạn; còn nếu như một vài vui giận đến trước, mà A Di Ðà Phật vứt bỏ ở sau, như thế làm sao có thể được sự linh nghiệm của niệm Phật!

Cổ đức nói rằng: “Học Phật không khó mà khó ở sự phát tâm, phát tâm không khó má khó ở sự dõng mãnh, dõng mãnh không khó mà khó ở sự giữ gìn lâu xa”. Lại nói: không luận là nghề nghiệp công việc gì, lúc bắt đầu chưa có chi không chịu cố gắng siêng năng, dẫn đến lâu ngày tình thế dời đổi, tâm mỏi mệt sanh, hoặc được ít cho là đủ, hoặc sợ khó mà sống cầu an, phép đời như thế, học Phật cũng vậy.

P.T.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here