Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Trong bóng ngôi nhà xưa

Trong bóng ngôi nhà xưa

134
0

Gia đình ông bà ngoại tôi được liệt vào gia đình địa chủ. Nhưng những chuyện đau lòng đã không xẩy ra với một gia đình địa chủ như gia đình ông bà ngoại tôi. Có lẽ vì là địa chủ nhưng ông bà ngoại tôi đã che giấu cán bộ Việt Minh trong những năm làng tôi nằm trong vùng tạm chiếm và hai bác tôi đi theo cách mạng hoạt động bí mật từ năm 18 tuổi.

Bây giờ ông bà ngoại tôi, các bác tôi và cả mẹ tôi cũng đã thành người thiên cổ. Các anh con các bác tôi hầu hết công tác ở thành phố đã nghỉ hưu nhưng cũng chẳng ai về sống ở quê. Chỉ còn lại một người anh dạy học ở quê và trông coi ngôi nhà ấy luôn. Khi tôi khoảng 10 tuổi thì hầu như ngày nào tôi cũng đến nhà ông bà ngoại vì cùng làng. Một trong những điều đặc biệt lôi cuốn tôi đến đó là nhà ông bà ngoại tôi có một tủ sách với gần 2000 đầu sách.

Trong những năm tháng xa xưa ấy mà một gia đình nông thôn có tủ sách như vậy quả là một điều kỳ lạ. Có được tủ sách ấy là vì một người bác tôi làm cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng và một người con trai bác tôi có ước mơ trở thành nhà văn. Sau ày khi tôi viết văn, anh con bác tôi thường bảo tôi viết văn là do dòng máu bên ngoại. Anh tôi dạy học. Có bao nhiêu tiền chỉ để giành mua sách. Mỗi năm nghỉ hè, anh tôi lại kéo một chiếc xe ba gác chở sách đi gần 20 cây số từ trường về nhà.

Những buổi trưa mùa hạ, tôi thường chọn bất cứ một cuốn sách nào trên giá sách và ra vườn. Tôi trải chiếu dưới gốc cây khế bên cạnh chiếc hồ bán nguyệt trước nhà ông bà ngoại nằm đọc sách. Hồi ấy, chiếc hồ bán nguyệt thả bèo tai chuột để làm trong nước. Thành giếng phủ kín rêu. Ngày đó, tất cả những chiếc giếng trong làng đều thả bèo tai chuột hoặc bèo ong.

Trước cửa nhà ông bà ngoại tôi là một chiếc bể khổng lồ đựng nước mưa có mái vòm. Mỗi khi thau bể, các anh tôi phải buộc nối hai chiếc thang tre mới bắc được đến đáy bể. Tôi đã một lần được các anh cho leo thang xuống bể. Không khí trong bể mát lạnh. Tôi thích kêu lên " oa oa" cho tiếng kêu của tôi vọng mãi trong vòm bể rộng. Chiếc bể đựng nước mưa bây giờ vẫn còn xử dụng, nhưng chiếc giếng bán nguyệt thì bị bỏ hoang. Đã nhiều lần tôi nói với anh tôi tu sửa lại chiếc giếng để thả lại bèo tai chuột hoặc trồng sen nhưng vì lý do gì đó mà anh tôi không làm.

Trong tháng Mười vừa qua, tôi về quê sửa lại ngôi nhà của bố mẹ tôi. Tôi sửa lại ngôi nhà ấy theo những gì tôi biết khi còn nhỏ. Sau chiến tranh, ngôi nhà của tôi ở quê bị thay thế bằng những vật liệu thời hiện đại. Và nó mất đi vẻ đẹp và sự gần gũi lạ lùng thuở trước. Tôi bóc hết lớp gạch men Trung Quốc loáng bóng lát nền nhà và thay vào đó là gạch bát đỏ. Hàng cột xi măng dọc hiên nhà được trả lại bằng những cái cột gỗ lõi mít. Chân kê cột là những phiến đá xanh được đục bằng tay. Những phiến đá xanh kê cột này tôi tìm thấy vứt lăn lóc trong góc vườn của ông bà ngoại tôi bị cỏ dại mọc trùm lên. Các anh tôi đã sửa ngôi nhà của ông bà ngoại tôi bằng những vật liệu hiện đại bóng bẩy. Vì thế các anh tôi vứt hết những phiến đá kê cột có hàng trăm năm ra góc vườn. Khi ngôi nhà sửa xong, tôi run lên vì vẻ đẹp giản dị và ấm áp của nó. Tôi đã ngồi trên hiên nhà suốt buổi chiều trong tĩnh lặng để cho ký ức và hình ảnh xưa của ngôi nhà trở về.

Trong bóng ngôi nhà xưa trùm phủ, tôi như được trở về những năm tháng xưa mà tôi tưởng chẳng còn cơ hội nào trở về nữa. Ảnh: khuquanhanh.vn
 

Trong bóng ngôi nhà xưa trùm phủ, tôi như được trở về những năm tháng xưa mà tôi tưởng chẳng còn cơ hội nào trở về nữa. Và ở nơi ký ức tôi trở về ấy, tôi gặp lại ông bà nội tôi, gặp lại bố mẹ tôi. Chính những hình ảnh của ngôi nhà, không gian của ngôi nhà và màu sắc xa xôi của ngôi nhà như những tấm gương phản chiếu quá khứ. Trong những tấm gương ấy, tôi được nhìn thấy những gì đã biến mất. Nó làm cho tâm hồn tôi ngập tràn những điều kỳ diệu và thân yêu mà tôi đã có nhưng cứ chập chơn đâu đấy như ở tận chân mây cuối trời.

Trong bộ phim Bố Già, tôi xúc động khôn nguôi về một hình ảnh cho dù xem bộ phim đó cả chục lần. Đó là hình ảnh trùm mafia Michael trở về ngôi nhà cổ của ông bà ông ta ở vùng đảo Sicily khi ông ta đã già và từ giã công việc của một trùm mafia. Michael không ở lại New York trong những biệt thự sang trọng mà trở về và chết trong ngôi nhà đó. Tôi nghĩ đó là quà tặng của cuộc đời này cho ông ta. Nhì ngôi nhà của ông bà, cha mẹ ông trùm Michael, tôi thấy vô cùng thân thương cho dù ngôi nhà đó không có một sợi dây liên hệ nào với tôi. Nhưng vẻ đẹp giản dị, thẳm sâu và bình yên của nó làm tôi vô cùng xúc động.

Những buổi chiều trong ngôi nhà của ông bà ngoại tôi là những buổi chiều thẳm sâu ký ức. Bên ô cửa gỗ nhỏ mở ra vườn là bộ tràng kỷ cổ. Tôi trở về và thường thích ngồi vào đó. Ngôi nhà buổi chiều loang lổ bóng tối. Thứ ánh sáng như thế trong ngôi nhà thường gợi mở và đưa tôi trở về quá khứ. Một quá khứ của bà ngoại tôi ngồi nhai trầu và kể cho lũ cháu nghe những câu chuyện xa xưa. Một ký ức của đời sống thôn quê giản dị và thanh tao. Một ký ức của đời sống thanh bình và chầm chậm như sự mở cánh của những bông hoa nhài bên cạnh chiếc bể nước có mái vòm cổ kính mọc đầy rêu và có cả  một hai khóm dương xỉ. Những lúc như thế, tôi thấy toàn bộ những người thân yêu trong gia đình ông bà ngoại tôi đã mất hiện về.

Tôi không làm sao có được cảm giác ấy trong những ngôi nhà bê tông, mái bằng  quét màu xanh đỏ đang ngày càng mọc lên ở các làng quê và giết dần giết mòn những gì làm lên văn hóa ngàn đời của những làng quê đó. Nửa năm trước, chiếc cổng ngõ vào nhà ông bà ngoại tôi cũng bị các anh tôi phá đi để xây một cái cổng mới có cửa sắt. Khi nhìn chiếc cổng đó, tôi như kẻ bị cướp đi mất một nửa ký ức.

Tôi không có quyền trách móc các anh tôi. Nhưng tôi thấy lòng hoang mang và ngập tràn một nỗi buồn. Chiếc cổng xưa với một dòng chữ nho mà tôi cũng chưa một lần có nhu cầu biết nội dung dòng chữ ấy luôn luôn làm tôi xúc động khi bước qua đó. Sau cái cổng ngõ đã sứt mẻ đôi chỗ và có cả một cây si mọc trên mái cổng do một con chim ăn quả si thả hạt lên đó là một thế giới tinh thần của tôi. Nhưng giờ đây đã đổi thay. Cái cổng đó là cái cổng để tôi có thể đi từ hiện tại về quá khứ để gặp lại những người thân yêu đã khuất giờ như bị lấp, bị bịt đi một nửa.

N.Q.T(Tuần Việt Nam)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here