Phải chăng vì thế mà suốt gần 40 năm, bốn mươi mà nhân cho mỗi năm ít nhất nhỏ to là 5 trận lụt, thành ra có đến hơn 200 cơn lụt Huế đã qua trong đời tôi một cách… tĩnh mà mê, xuôi tay theo "trời xanh quen thói…" (!)
Từ những ngày bé xí chân quê ở làng Liễu Hạ, hàng năm, tôi cũng như lũ bạn xóm Côi, xóm Cụt, xóm Bàu chuẩn bị tinh thần "nghênh" lụt một cách rất …thơ! Sáp nhỏ, hình như đứa nào cũng thuộc lòng hai câu vè "tiên tri" cá lên trời ăn sao. Chú Đoài, gã hát lời tiên tri, miệng thường ngậm điếu thuốc lá ngọn to gần bằng ngón chân cái, hút bập bập vài phát, rồi dắt điếu thuốc thời Aâu Cơ lên mang tai. Khi nói vè, mắt chú nhắm nghiền như đang vân du về một trận đại hồng thủy xẩy ra đâu đó – không rõ từ trong hoài niệm quá khứ hay mường tượng về một tương lai:
(Úi cha) Sông Ngân Hà (mà) vịt lội có ngời,
(Chơ) Cá to, cá nhỏ lên trời (mà) đớp sao (á…a)
Có nhiều đêm trăng mùa tháng tám, dưới ánh trăng đồng quê chảy tràn lan trên rơm rạ mới, tôi nằm giữa chiếc nong to phơi lúa ngoài sân mà vẽ ra một cảnh lụt tuyệt vời. Tôi mường tượng thấy đàn vịt bầy đủ màu của chú Xang, chú Hói bơi lội "có ngời" trên dòng sông trời đầy nước bạc lung linh. Và bầy cá mở miệng tròn xoe đớp những vì sao mọng nước óng vàng. Tôi không cần ưu tư tự hỏi mình sẽ ngồi ở đâu khi nước đã lút tới trời! Tuổi thơ là thơ không tuổi, nên mơ mộng và thực tế thường quyện vào nhau man man như mây trời và áo trắng.
Bão năm Thìn (1924), lụt Năm Ba (1953), thất thủ Kinh Đô năm Ất Dậu (1885)… là những biến cố khủng khiếp nhất trong khái niệm về tai trời ách nước của người dân xứ Huế.
Tôi "suýt thấy cá ăn sao" năm lên bảy tuổi với trận lụt Năm Ba. Trận lụt được xem là lớn nhất trong lịch sử nước lũ mưa nguồn của Huế vào thời đó. Mùa Đông năm Quý Tỵ. Không ai nhớ mưa đã mấy ngày. Cơn lụt nhỏ bình thường đến và sắp đi ngoài ngõ cũng chẳng làm ai ngạc nhiên hay sợ hãi. Một đêm, tôi nghe những tiếng vọng ì ầm như có tiếng gì chuyển động nặng nề từ dưới lòng đất sâu dội lên. Mẹ tôi gọi đó là "sấm đất"; rồi mẹ giải thích rằng, sấm đất xảy ra là trời đang… "đổi chủ". Ông chủ trời mới thường hay ra oai bằng cách sai thần sấm, thần sét gõ búa đùng đùng; bắt quyết, đọc bùa làm mưa to gió lớn.
Tôi ngủ quên trong tiếng mưa lũ xé lá bên ngoài và chuyện huyền thoại đất trời do mẹ kể – như miếng ớt cay giúp quên mùi mắm mặn – hay sự an ủi để đủ sức chịu đựng của mẹ, của dân làng khi mỗi năm trời hành cơn lụt (?). Nửa đêm thì có tiếng o Cúc la lên là nước lụt đã vô nhà. Mưa từng cơn ào ào xối xả. Thức dậy, tôi dụi mắt ngồi co ro từ trên giường nhìn xuống ánh đèn dầu chiếu nước đã lênh láng khắp nhà. Mưa càng lớn, nước càng lên nhanh. Nước leo dần lên giường, lên ghế, lên bàn, lên cái cối xay, và sáng ra thì nước đã mấp mé khung cửa sổ. Cái giường tre mỏng manh mỗi lúc được kê lên cao dần. "Lẽ sống" của cả bốn người trong gia đình tôi chất gọn trên chiếc giường. Thức ăn, áo quần, mền chiếu, bếp núc đều dồn lên trên bốn cái chân tre ốm yếu lắc lư theo đà chao động của nước. Đến gần trưa thì bốn vó tre già từ từ gục xuống. Thế là xong, lẽ sống chìm sâu trong nước. Biên giới cuối cùng giữa sống và chết, giữa ước mơ và thực tại, giữa bây giờ và vĩnh cửu là cái thang tre run rẩy dưới sức bám của bốn người. Chỉ còn một nơi "cao cả" nhất trong nhà là cái "tra" đựng lúa. "Tra" là cái thùng gỗ an toàn có khung bắt dính với rầm thượng và mái nhà, nằm phía trước bàn thờ chính ngay gian giữa. Đó là cái kho an toàn đựng lúa và nơi cất giữ đồ quý báu của phần đông dân quê Việt Nam. Trời lạnh, quần áo ướt đầm mà tôi vẫn thấy mồ hôi nhỏ dòng trên trán mẹ với da mặt đổi từ xanh xao sang màu xám khi mẹ tôi quyết định mở tra, đổ lúa xuống nước chừa chỗ cho chúng tôi chui vào. Dòng lúa như dòng máu vàng đẩm mồ hôi và nước mắt của tháng ngày làm ruộng chảy xuống nước tỏa bụi mù, tung nước bọt.
Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi lặng lẽ như phút đó. Tôi ngạc nhiên thấy mẹ tôi lấy hết mo cơm bới để dành trong góc tra từ hôm trước và ép mọi người, nhất là tôi, "gắng ăn no cho có sức". Đã hai ngày, mỗi bữa chỉ được ăn một vắt cơm độn với sắn lát, nay bỗng dưng được ăn cơm trắng ấm bụng, tôi nuốt không kịp nhai với nỗi khoái cảm tuyệt vời mà không chắc đời sẽ có được hai lần. Trong xó tra với ánh sáng mờ mờ do nước bạc hắt lên từ khe hở trên cùng còn sót lại của khung cửa sổ, tôi thấy mẹ tôi mở cái tráp mây củ kỹ lấy đôi bông tai bằng thòa thời cưới hỏi xa xưa của mẹ đeo lên. Xong mẹ bò xuống thang, lần mò tới mở sợi dây dừa cột giàn xay lúa một nửa chìm xuống nước. Mẹ leo lên tra trở lại với sợi dây dừa và cái mác trong tay. Chị tôi phải ôm mẹ bồng lên tra vì mẹ bỗng run lẩy bẩy. Mẹ tôi túm tay chúng tôi lại, giọng lạc đi: "Cột tay lại! Cột tay lại! Chặt đòn tay trổ nóc. Chết chung…" Tiếng mẹ tôi yếu dần trong cơn xúc động. Bảy tuổi nhưng tôi đủ hiểu mẹ tôi muốn gì. O Cúc là người cuối cùng đưa bàn tay sũng nước, trắng dẻ và nứt nẻ từng mảng da vì dầm nước quá lâu, vào vòng dây thòng lọng. Tôi ấp bàn tay lạnh lẽo, tím ngắt của mẹ vào lồng ngực bé xíu, nhưng còn âm ấm dưới hai tầng áo ướt của tôi, cùng lúc với tiếng reo vui của chị Thuyền như vừa khám phá ra điều gì vừa đột biến: "Nước cầm chừng rồi mạ ơi!"
Bốn mươi sáu năm sau, từ phút "nước cầm chừng" nên tôi còn sống sót đến hôm nay, điện thư đầu tiên của Dũng lọt ra khỏi Huế, đến Mỹ vào lúc nửa đêm sau cơn lũ lụt cao hơn trận lụt 1953 quá 1 mét: "Đoàn ơi! Nước đang rút dần nhưng vùng thượng nguồn mây vẫn còn vần vũ đe dọa. Nghe tin một làng nào đó ở Bãng Lãng bị nước cuốn sạch. Trưa nay trước bình phong Quốc Học có hơn hai chục xác người bị nước cuốn tấp vào bờ sông Hương vừa được vớt lên. Có cả gia đình mọi người tay còn buộc dính vào nhau." Tôi run lên, mắt mờ đi. Lặng người vì xúc động, tôi sờ lên cườm tay. Cảm giác sợi dây dừa ướt quàng quanh cổ tay, phập phồng theo nhịp đập của những trái tim thương yêu, ràng buộc, đợi chờ đã nửa thế kỷ qua rồi sao vẫn còn nguyên vẹn. Mưa bên trời quê hương mà cơn lũ trong lòng tôi cũng dâng lên từ phương nầy, cuống quýt. Tội lắm. Huế ơi!
***
Ngày 2-11-1999. Tin khẩn cấp số 1: "Lũ và lụt ào tới Huế từ lúc 4 giờ sáng ngày hôm nay. Lúc 9 giờ sáng, nước vào cầu Kho Rèn 40 cm. Trưa, ngập vào sân Mô-Ranh. Chiều, tất cả các phương tiện hữu tuyến và vô tuyến đều bị ngập. Điện thoại cầm tay cũng không liên lạc được. Đài truyền thanh và truyền hình Huế ngưng phát sóng. Lúc 11 giờ đêm, mực nước sông Hương cao 5 mét 20. Cả thành phố Huế chìm trong biển nước. Báo chí bình luận: Thừa Thiên Huế đang trong cơn đại hồng thủy!"
Tôi sững sờ nhận tin "e-mail" từ anh Hồ Đắc Duy ở Sài Gòn và tức tốc chuyển tin cho bạn bè, anh em, người thân Việt Nam, nhất là các "Huế kiều", rãi rác khắp các nước trên thế giới. Tôi thức trắng đêm chờ tin khẩn cấp số 2, số 3, số… từ quê nhà truyền đi từng 2 giờ một.
Sáng hôm sau, và hôm sau nữa, Huế vẫn như một thành phố từ cõi âm: Lặng lẽ và im lìm. Cho đến khi nước lũ, mưa nguồn kéo nhau về biển, sau khi đã biến Huế thành một bãi tang thương với 321 người chết trong tổng số 527 người chết và mất tích trên toàn miền Trung, tôi vẫn còn hướng về quê hương. Cầu nguyện.
Đúng hai tuần sau ngày khởi đầu cơn lũ lụt miền Trung, từ giữa lòng xứ Huế, chưởng môn võ đường Bạch Mã lại viết cho tôi: "Trời Huế nắng ráo, đẹp – như (trời) chưa bao giờ tàn ác với Huế như vậy… Trận lũ lụt đã cuốn phăng đi bao mạng sống của con người, cuốn phăng đi bao tài sản, bao công trình; nhưng nó cũng đã cuốn phăng đi những hận thù ngăn cách; để lộ ra một tấm lòng chung, "máu chảy ruột mềm". Nhìn thực tế trước mắt, và nhìn thực tế "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ" đang diễn ra khắp nơi, hướng về sự đau khổ của miền Trung, nhiều lần mình đã khóc Đoàn ạ. Khóc, một phần vì nỗi thương tâm, một phần vì trong hoạn nạn mà con người sống với nhau đẹp quá. Tất cả đều chung một lòng, yêu thương, chia xẻ, một cách tự nhiên, hồn hậu. Nếu người Việt Nam mình có một cái chi đó đẹp đẽ, thu hút, chắc là vì mình đã được tôi rèn trong hoạn nạn, đau thương chăng?"
Vốn đã quen với nước lũ mưa nguồn từ trong máu thịt, người Việt khắp nơi trên thế giới đã thức cùng với anh em, bạn bè, và đồng bào ruột thịt qua những ngày đêm lũ lụt ở quê nhà. Hầu như mọi người Việt xa nhà đã nồng nàn chia xẻ trước sự mất mác của bà con không may từ những ngày đầu lũ lụt với mối thâm tình "lá lành đùm lá rách". Tôi bỗng thấy con người tứ xứ gần nhau hơn và thế giới xa lạ nầy thu nhỏ lại khi ghi danh cho những sinh viên trường Cosumnes River College – những người trẻ tứ xứ mà Việt Nam chỉ mới là một tên gọi mơ hồ trong ý niệm – tình nguyện vào đoàn cứu trợ. Tseng, Kim, Kumagai, Karen, Nicole, Bradley, Thanat, Hồng, Tuyết, Dũng… những sinh viên "liên hiệp quốc" của tôi, đang nối kết với nhau bằng một chất keo rất dễ bị lãng quên – tuy lúc nào cũng có: Tình Người.
Nhiều nhà lý thuyết thời danh tiên đoán rằng, với sự phát triển tột bực của khoa học và kỹ thuật, hận thù sẽ vơi đi và tình thương sẽ trở lại, vì con người cách nhau vạn dặm có điều kiện tương giao và chia xẻ nên ít hiểu lầm nhau hơn. Nhờ vậy, rồi đây thế giới loài người sẽ xích lại gần nhau thành một "Làng địa cầu". Sau cơn lũ lụt miền Trung, tôi mường tượng thấy một "xóm Việt Nam" đượm tình người thấp thoáng đâu đó, trong ngôi làng kia, trên đường sang thế kỷ.
Nghênh lụt…
Không hiểu sao, đã nhiều lần, trong những thư "e-mail" không có dấu, tôi không cố tình mà vẫn đọc trại "ngập nặng" thành ra "ngập nắng". Không biết vì tôi đi giữa Cali ngập nắng với tâm hồn ngập nặng ưu tư về lũ lụt đang vùi dập quê nhà; hay tự trong cái "tật Huế thơ" quen nhìn khốn khó, tai ương qua ánh sáng cuối đường hầm, qua hy vọng ở cuối con đường đời ngập nắng.
Nhiều người bạïn miền Nam thường hỏi một cách chân tình, ái ngại: "Quê hương miền Trung các anh khổ thật, quanh năm hạn hán, mưa dầm, gió bấc, gió Lào, thiên tai, bão lụt… có gì đâu mà người ta vẫn bám vào đất cát để sống từ đời nầy sang đời khác." Dường như sự "vô lý" đó là cái "vô lý" chung cho cả kiếp người. Người Da Đỏ ở Mỹ đã quay lưng với xã hội Hoa Kỳ giàu có và sừng sỏ của thế giới để trở về nếp sinh hoạt theo lối cổ sơ trong những vùng núi rừng thâm u, hoang dã. Những nhà triệu phú và tỷ phú điện ảnh lững lẫy của hành tinh nầy vẫn chen chân nhau sống giữa miền Hollywood, một nơi mà nạn động đất đe dọa chôn vùi không biết lúc nào. Người vùng Đài Loan, Tokyo, San Francisco… cũng vẫn ngày hai buổi, hàng hàng lớp lớp "đu dây tử thần" tương tự. Và nói như T.S Eliot, làm người đã là phi lý, nhưng nếu không biết chấp nhận cái phi lý đó thì lại càng phi lý hơn!
Nếp sống xuôi dòng để sống còn của người Việt thường được phản ánh rõ nét với triết lý sống chan hòa và mềm dẽo "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Mỗi cách sống không những chỉ thể hiện qua cung cách như một triết lý hành động mà còn là một nghệ thuật nhân sinh – một nghệ thuật đầy tính sáng tạo và được tôi luyện qua những chặng đời bất trắc như chiến tranh, thiên tai, bão lụt.
Phải chăng vì thế mà dù biết ưu tư và đã đôi lần thoát chết qua những cơn lũ lụt triền miên, vậy mà tôi vẫn cảm thấy rất sâu từ trong vô thức, mình đã "ghiền" mùa mưa lụt ở Huế không biết tự bao giờ.
Tuổi học trò ở Huế, mấy ai mà không mê những ngày nghỉ học… trời cho. Chỉ sau một đêm mưa to gió lớn, Đập Đá trước tràn lội qua không được, đò Thừa Phủ không chèo; Kim Long, Bao Vinh, Vỹ Dạ, An Hòa… nước nguồn cuồn cuộn đổ về: Thế là Huế lụt! Dân Huế ngồi nhà ăn bắp rang trú mưa và chuẩn bị kê bếp, nhấc giường cho cao hơn mà… nghênh lụt.
Hàng năm những trận lụt xảy ra trong ba tháng: Tháng tám, tháng chín, và tháng mười. Sau vụ gặt Hè Thu, khi "lúa lên tra, rơm lên đụn" xong rồi là mọi người sẵn sàng chờ lụt.
Lụt đầu trong năm, nếu là một trận lụt ở mức độ trung bình, thường được người dân quê đón nhận môt cách đầy linh hoạt. Lụt đầu mang đến hai nguồn lợi khá thiết thực cho đời sống là cá và củi. Cá nước ngọt đủ loại của miền Trung đang "tức trứng", chỉ chờ con nước nguồn đầu mùa đổ về là vượt thác để sinh đẻ. Những hình thức bắt cá lụt đầu mùa như cất rớ (kéo vó), đặt chẹp (đơm nơm), đặt đó, giăng lưới là phổ biến nhất và hầu như nhà nào ở vùng nông thôn cũng chuẩn bị sẵn từ trong mùa hè. Thời còn ở làng đi học tiểu học, tôi và các anh chị vẫn quen trông chờ vời vợi cơn lụt đầu mùa để đặt chẹp, bẩy cá lụt. Có năm được mùa, cá bắt được đem ướp muối đủ để làm đồ ăn căn bản cho suốt cả mùa đông. Cá nước lụt to nhỏ đủ loại, tươi xanh được kho nấu với sản vật rau cải địa phương ngon đến độ… "hết buồn nỗi chi":
Măng chua nấu cá (lụt) ngạnh nguồn,
Cơm ngon canh ngọt còn buồn nỗi chi?!
Lụt giúp mang của rừng về cho biển. Cây rừng ngổn ngang theo nước lũ về xuôi. Củi rừng trùng điệp trôi theo nước tấp nập đầy đồng. Củi lụt là củi rều, gỗ súc. Được một mùa củi rều, có thể chất đống để dành nấu nướng suốt năm. Củi rều đối với tôi là một thế giới muôn màu muôn vẻ của tuổi thơ. Cùng trôi theo củi là những loại trái cây rừng như dâu, như sặc, như chôm chôm… tươi rói, vớt lên ăn còn ngọt lịm. Từ trong đống củi rều mang đủ vẻ phong quang và tàn tạ của rừng, tôi vẫn tìm được những khúc gỗ trầm hương, những nhánh cây uốn lượn mang hình muôn thú, những ống nứa già láng mượt làm sáo, làm kèn thổi nghe vang làng chuyển xóm. Đêm mùa đông đốt củi rều sưởi ấm có khi bất ngờ gặp những mùi hương rất lạ, những đốm lửa xanh lửa trắng lóe lên bất ngờ, và tiếng nổ lách tách xì xèo… thoáng một chút âm vang man dại của rừng.
Sau lụt đầu là những trận lụt lớn, lụt nhỏ nối đuôi nhau cho đến khi "ông trời hết nước mắt". Có năm lụt mẹ, lụt con, lụt bòn, lụt xép… kéo dài từ đầu thu cho đến cuối đông to nhỏ, ngắn dài khác nhau đến hàng chục trận. Thuở nhỏ, chơi hát đồng dao, tôi thường bắt chước hát theo : "Lụt to lút ngõ, lụt nhỏ lút đồng, lụt xép ướt lông, lụt ông ướt nhà, lụt bà ướt bếp…". Ít ra thì giữa thế sự thăng trầm nầy, cũng có lúc ông bỗng lên hương, "oai" hơn bà chút đỉnhø, dù chỉ là khi gặp… xui trời hành cơn lụt! Gặp khi hai thế nước nguồn và nước rút có lưu lượng ngang nhau thì sẽ có hiện tượng "lụt ngâm", cơn lụt kéo dài ngày nầy qua ngày khác. Nếu lụt ngâm chỉ là cơn "lụt bà" trước sân, ngoài ngõ thì nó sẽ trở thành dịp vui đua ghe, bơi thúng, lội nước từ xóm nầy qua xóm kia; từ làng trên về xã dưới tìm bạn thăm nhau trên biển nước bạc phẳng lặng như mặt hồ. Lội nước lụt là một cái thú khó quên. Đó là những cuộc dạo chơi ngoài trời, không chuẩn bị, không hẹn trước, nhưng lại rất thoáng mở và đầy thú vị hiếm hoi của tuổi trẻ Huế. Biển nước về trên đường phố. Cảm giác biển dâu trở thành một ấn tượng thật gần gũi như thể sông núi bò lại gần nhau mà ngày thường không có. Từng đoàn tuổi trẻ Huế… xuống đường và xuất hiện một cách đầy gợi cảm qua bút tả của Hoàng Dung là"Vén rèm khuê dung, xăn quần lội nước…lụt!" Mấy mươi năm xa Huế rồi mà tôi vẫn chưa có cơ duyên để hiểu hết "rèm khuê dung" là đôi mắt đẹp của nàng Tôn Nữ hay là một bức màn ẩn hiện, huyền hoặc nào chưa từng ai nói đến (?!)
Tôi là học trò chân quê nên rất "ngán" ngôn ngữ Huế Cột cờ và kiểu nói khơm, nói kháy, nói bóng gió, nói cà khịa, nói chữ, nói lái, nói lưng chừng… đồi của Huế. Tuy tiếng Huế cũng là tiếng Việt thuần túy nhưng lại có tiếng quê, tiếng dinh, tiếng các mệ, tiếng các quan, tiếng dọc đàng (đường), tiếng hàng quán, tiếng kẻ vạn (đò), tiếng kẻ chợ… mà đôi khi chợ Đông Ba vẫn có kiểu nói đài các khác chợ Xép, chợ Dinh, Bao Vinh, Tây Lộc với những cụm từ và biệt từ khó hiểu cho kẻ ở khác vùng.
Những năm cuối thập niên 60 có chương trình khuyến khích du sinh viên Việt Nam về thăm quê hương. Có một sinh viên Huế đã sợ tiếng quê mình nên đã bỏ sông nước hữu tình mà lỉnh đi mất đất. Ba Tê (3T: Tôn Thất T.), một bạn Huế học trước tôi hai lớp du học ở Đức, năm 67 về thăm Huế gặp đầu mùa lụt. Chàng Tôn Thất về Vỹ Dạ rủ tôi và thằng Khôi Vịt Điên (Thằng Khôi du học ở Canada, dân bổn xứ thì gọi là Cà-Na-Điên – "Cà Na" tiếng Tây là con vịt – vì thế nó mới được vinh danh thành… Vịt Điên!) đi lên vùng Đập Đá lội nước lụt. Ba Tê còn ghé phía chợ Vỹ Dạ rước thêm ông thầy võ tóc hoa râm nhưng còn độc thân dễ tính là thầy Đăng. Thầy trước là kỹ sư tốt nghiệp bên Tây, làm ở nhà máy vôi Long Thọ đã về vườn. Nhà thầy ẩn sau vùng cây lá như thảo am của quỷ cốc tiên sinh, nhưng lại có cái bảng viết chữ mơ màng như tranh thủy mạc treo ngoài cửa rất kêu: Thiền Đăng Cư Sĩ. Thấy tôi đứng ngắm cái bảng gật gù ra vẻ quan trọng, thầy Đăng gục gặc đầu cười hồn nhiên nhưng cũng đầy vẻ kiêu bạt. Thầy đưa tay ra làm thành một cánh cung và đưa hai ngón tay trỏ, tay cái làm thanh một vòng tròn như cố ý nói: "Chẳng có gì quan trọng cả!" Rồi thầy giải thích nghệ thuật "nói lái" tronmg tiếng Huế. Theo Thầy thì "Huế Lái" có ba mức độ: Lời tục tinh nghịch; lời tục giảng thanh; lời thanh giảng tục và nói lái chân phương. Ở đâu trong thế gian nầy cũng vậy, ngôn ngữ vừa là phương tiện tốt nhất để hiểu nhau, nhưng đồng thời cũng là phương tiện xấu nhất tạo sự hiểu lầm nhau. Nếu có ai hỏi tôi rằng, điều khổ sở nhất khi đến Mỹ là gì, có lẽ tôi sẽ không ngần ngại mà thưa: "Đó là sự trở ngại về ngôn ngữ!" Học toán, học nghề có thể lấy tháng, lấy năm để tính; nhưng học một ngôn ngữ mới, phải lấy cả một đời để đo cũng chưa đủ. Tuy xuất thân cũng là thầy dạy tiếng Anh lai rai, "English for Phe ta", thế nhưng bước đầu đến Mỹ, đôi khi gặp Mỹ đen, Mỹ đỏ, Mỹ vàng nói âm lóng địa phương, tôi vẫn lâm vào cảnh "vịt nghe sấm" khi tiếp xúc với người bản xứ trong sự giao tiếp với đời sống thực tế. Mỹ là nước hợp chủng nên người Mỹ "mở máy" ra là nói vi vu, không cần biết người đối diện qua Mỹ đã khổ sở tập uốn lưỡi mấy lần và đã ăn bao nhiêu bánh Hamburger để… luyện giọng, luyện tai nhưng vẫn mơ màng nghe gió thổi bụi tre. Hơn thế nữa, học ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là học tín hiệu mà còn là học về văn hóa, nên có lẽ dù cho suốt đời ở Mỹ, tôi vẫn không bao giờ có hy vọng có thể rong chơi với tiếng người một cách mượt mà và thoải mái, như đã hơn nửa đời tung tăng uốn lượn trong môi trường tiếng mẹ đẻ của mình. có khí thế. Đám con yêu bánh nậm đi trước nghênh ngang cản đường. Tứ nhân bang chúng tôi đành phải hành xử đúng phép văn minh lịch sự, nhẩn nha ngoan ngoãn theo sau. Tiếng vọng ồn ào náo nhiệt đằng trước dội lui đằng sau không một chút e dè:
– Ê! Tụi bây, con Mộng Dưới Hoa đang ra nơi tề, chờ hắn với, rồi đi tiếp…
Dăm chàng trai sông Hương núi Ngự cũng nhiệt tình nín thở dõi tìm bóng dáng của người đẹp. Bỗng đâu nàng Mộng Dưới Hoa đi tới. Mới ngắm dung nhan hơi lởm chởm của nàng, thằng Khôi Vịt Điên đã nhanh mồm bình luận:
– Mộng Dưới Ao thì có… !
Nghe đám con yêu bánh nậm chào hỏi chưa hết câu, nàng Hoa Mộng đã nhanh nhẩu xuất khẩu thành… "văng":
– Mụ cô tụi bây, đừng có giả bộ ngây thơ vô số tội. Tau hết "họa" từ khuya rồi chớ bộ.
Đám con gái cười ré lên. Một nàng cao giọng lên tiếng:
– Không tin! Trăm nghe không bằng một thấy. Tụi bây ơi, chuyến ni phải đè con Ngọc ra khám nghiệm mới rõ mặt trắng đen.
Dùng dằng mãi mà cũng chẳng thấy ai dám đè cô nọ ra khám. Mãi cho đến khi tổng hợp tin tức ba bên bốn bề từ mấy cái miệng nói tía lia như bồ chao vỡ tổ của đám con yêu bánh nậm, phe ta mới vỡ lẽ ra rằng: Mộng dưới hoa là "họa dưới mông". Cô bé Ngọc nọ có tiền sử bị ghẻ ruồi dưới mông phải bôi thuốc xanh, thuốc đỏ trông như một bức họa. Đám bạn quý biết được bí mật, bèn hào phóng tặng cho nàng một phương danh đầy thơ mộng như vậy.
Nhìn dòng nước bạc chảy qua Đập Đá đang còn sâu quá gối, giới người đẹp sông Hương mới ngần ngừ nhường cho phường nam nhi tang bồng hồ thỉ cắn răng vượt giòng lội trước. Ra giữa Đập Đá, cơn mưa lụt chợt đến và chợt đi theo từng đám mây xám mọng nước của Huế trôi vút qua đầu và ào ạt đổ mưa. Đám tuổi trẻ chịu trận hứng mưa bằng cái nghịch ngợm dây chuyền tát nước vào nhau cho đến khi cơn mưa đi qua. Tóc tai, áo quần sũng nước. Hai thằng gà Tây bơ sữa, phốp pháp trắng da dài tóc nổi bật trong đám gà vườn dưa mắm quanh năm, bỗng nhiên bắt mắt và trở thành đối tượng chọc già cho đám con yêu bánh nậm. Đang tìm cách lũi nhanh ra khỏi hang động của yêu quái sắp xé xác ăn thịt, thằng Tôn Thất T. và Khôi Vịt Điên dạt lui vì bị mấy bà đang giặt chiếu ở phía đầu Đập Đá thấy mặt mày hai thằng nhỏ sáng sủa bèn e lại phỏng vấn lôi thôi:
– Nì, mấy chú nớ, nói chuyện vô duyên chớ rỡn nước sướng hỉ! Rứa chơ rủ nhau đi mô mà có cả Thiền Đăng Cư Sĩ nữa ri hè?
Thầy Đăng ỷ mình chỗ quen, liền xắn tay áo vào cứu nguy cho môn đệ:
– Ới giời ơi! Có cả Thi bà Lái sĩ bị nước lụt cuốn về đây nữa mới ngộ chứ. Đây là mấy chú nhỏ quen thân ở xa về. Thi bà có nhã hứng thì ném cho vài câu… thơ lái đi.
Thi bà tóc bạc, cười rất tươi, quay qua đám hậu sinh chúng tôi nói:
– Các cháu về quê hương đi lội nước lụt vui không? Cô và ngài Thiền Đăng ni vốn là chỗ thân tình nên hễ gặp nhau là "thơ lái" ra từng chùm.
Hình như thơ lái của thi bà nầy để sẵn như mấy mo cơm bới, nên cần là lôi ra liền. Bà đọc bài thơ "Đạp chiếu" như sau:
Cúi đạp xuôi lơ muốn cạp đùi
Đời cho thứ thiệt giả đò chơi
Ai đi đó rứa, o đi đ… "ái"
Lưng rút mới buông đã muốn bơi.
Hai thằng Tây Huế xa quê lâu ngày nghe "thơ lái", vỗ tay cười hì hì, bình luận:
– Úi dà! Thơ lái của cô chi mà vui dễ sợ.
Thầy Đăng tủm tỉm cười, lên tiếng:
– Lại gặp yêu bánh nậm thuộc Hội Hoàng Gia thứ thiệt rồi!
Ba Tê tròn mắt:
– Mình mà cũng có Hội Hoàng Gia nữa thầy há?!
Thầy Đăng hỏi lại:
– Bộ ở bên Tây tụi bay không có Hội Hoàng Gia à?
Ba Tê thật thà kể lể:
– Dạ, Royal Academy có chớ thầy. Nhưng ai muốn xin vào hội thì phải có bằng tiến sĩ quốc gia.
Thầy Đăng cố nín cười giải thích:
– Đây khỏi cần! Mù chữ cũng được vào hội như thường.
Ba Tê ngạc nhiên:
– Thầy có nói chơi không đó?!
Thầy Đăng phá lên cười:
– Thiệt mà! Thì "Hội Hoàng Gia" là "hội già mà hoang" chớ cần tới bằng biếu làm chi cho lôi thôi nữa mấy chú!
Ba Tê than van:
– Nói năng, chữ nghĩa kiểu Huế như rứa thì ai mà dám sống cho nổi. Chuyến ni chắc con phải bỏ Huế mà đi biệt mù cà cưỡng cho rồi thầy ơi!
Không ngờ Ba Tê làm thiệt. Sau mùa lụt nó lại trở về Đức và ở thẳng bên đó luôn.
Rồi bẵng đi gần bốn chục năm, mùa mưa năm ngoái, rất tình cờ tôi gặp lại Ba Tê đang làm quản lý cho một ngân hàng ở thành phố nói tiếng Đức Luzerne, Thụy Sĩ. Không ngờ nó lại là đứa thuộc bài nhuyễn đến mức gặp tôi là hỏi ngay:
– Hì, mi còn nhớ "Ai đi đó rứa… " hồi lội nước lụt Đập Đá gặp mấy bà giặt chiếu không hè? Tau chỉ nhớ được có một câu ruột đó thôi, mi còn nhớ chi không?
Có vẻ như tôi còn nhớ lâu hơn nó, đọc vanh vách cả bài. Hình ảnh cả một mùa lụt nước bạc chảy tràn qua Đập Đá rì rào trong trí nhớ.
Luzerne vào thu, núi rừng Thụy Sĩ cao chót vót soi bóng bên những mặt hồ nước trong xanh phẳng lặng như gương. Cả thiên nhiên đầy vẻ kiêu sa và thanh tú đang chuyển sang vàng thu. Trời mưa tầm tã. Hai đứa che dù đi trong mưa. Hai thằng bạn xa quê, đứa lạc qua Tây đứa dời sang Mỹ gặp nhau, nhưng tâm hồn cố xứ vẫn còn rất Huế. Chiều Luzerne lành lạnh, nhưng cả hai vẫn có một nỗi ấm bên lòng để nhắc lại và lặng lẽ tìm nhau trên nẽo về mường tượng của quê hương. Không hẹn mà gặp, cả hai đứa quay mặt tìm nhau trong mưa, cùng nói: Nhớ Huế chi lạ!
T.K.Đ