Trang chủ Về TTVHPG Liễu Quán Triển lãm: “Mỹ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo khu vực...

Triển lãm: “Mỹ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo khu vực phía nam”

186
0

Đến dự buổi triển lãm có HT. Thích Huệ Ấn – Thành viên HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế; chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện, Niệm Phật Đường; quý vị lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Mặt trận các cấp cùng quý Đại biểu và Phật tử các giới.

Mỹ thuật cổ phật giáo và Hindu giáo khu vực phía Nam” hình thành và phát triển gắn liền với hai nền văn hóa lớn: Văn hóa Chăm pa và Văn hóa Óc Eo-hậu Óc Eo. Hầu hết các tác phẩm mỹ thuật cổ còn lại đến ngày nay đều có nguồn gốc từ khu vực miền Trung, vùng Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long trên lãnh thổ Việt Nam.

Đại đa số các tác phẩm điêu khắc đều thể hiện dưới dạng tượng tròn, phù điêu, bán phù điêu. Nguyên liệu dùng để chế tác chủ yếu là sa thạch, gỗ và kim loại. Để hoàn thành một tác phẩm, nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn từ việc phác thảo tạo hình, tiến hành chạm khắc, gia công khuôn, đúc và làm nhẵn.

Chủ đề chính của những tác phẩm điêu khắc cổ Phật giáo và Hindu giáo là hình tượng các vị Phật, Bồ Tát cho đến các vị Thần và linh vật trong huyền thoại Ấn Độ, như Shakyamuni, Avalokitesvara, Vishnu, Shiva, Brahma, Ganesha, Kalkin, Mukhalinga…Ngoài ra còn có một số tác phẩm dùng trong thờ cúng được chế tác bằng bạc, như các loại đồ đựng được tạo dáng thanh bai và chạm khắc tinh xảo.

Đối với nghệ thuật điêu khắc cổ Phật giáo, gồm 2 hệ phái chính: Phật giáo Tiểu thừa và Phật Đại thừa. Điểm khác biệt cơ bản của hai hệ phái này: Hệ phái Tiểu thừa chỉ thờ duy nhất hình tượng đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) và phát triển khá mạnh trong giai đoạn đầu tiếp thu và kế thừa Phật giáo Ấn độ (thế kỷ III – thế kỷ VII). Từ nữa sau thế kỷ thứ VII, Phật giáo Đại thừa bắt đầu xuất hiện ở miền Bắc Ấn Độ và nhanh chóng du nhập vào bán đảo Đông Dương, trong đó có khu vực miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam. Hệ phái Đại Thừa ngoài Đức Phật Thích Ca ra còn có hình tượng của các vị Phật Di Lặc (Maitreya) và Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokitesvara)… . Có thể thấy, sự có mặt của Phật giáo Đại thừa đã góp phần mang lại sự phong phú cho hệ thống tượng thờ trong các Phật điện nói riêng và văn hóa Phật giáo nói chung thuộc giai đoạn này.

Triển lãm giới thiệu 76 hiện vật của hai nhà sưu tập tư nhân đến từ TP.Hồ Chí Minh: Trần Đình Sơn và Nguyễn Anh Tuấn. Đây là bộ sưu tập những tác phẩm mỹ thuật cổ Phật giáo và Hindu giáo thuộc sở hữu tư nhân lần đầu tiên được công bố, chứa đựng những giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của khu vực miền Trung, Đông Nam Bộ và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Chúng là nguồn tư liệu quý giá, giúp bổ sung và củng cố thêm những bằng chứng về sự hiện diện từ khá sớm của các tộc người – là chủ nhân của nền văn hóa cổ Chăm pa, Óc Eo và hậu Óc Eo.

Phát biểu tại buổi lễ Hòa thượng Thích Hải Ấn Trưởng ban Điều hành Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán cho rằng: “Triển lãm tạo điều kiện cho khách tham quan tiếp cận với các cổ vật. Giúp khách tham quan thấy được giá trị nhiều mặt của bộ sưu tập, từ đó có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Văn hóa dân tộc…

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 4-5-2016 để du khách trong nước và quốc tế thưởng lãm.

 

Chiều cùng ngày, Phân Ban Ni giới GHPGVN tỉnh TT. Huế cũng tiến hành tổ chức lễ khai mạc Ẩm thực chay với chủ đề: “Môi trường hiền thiện, cuộc sống hạnh phúc”.

Hình ảnh buổi lễ:

Tin –ảnh- Liễu Quán – Huế


BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here