Với sự thay đổi quá nhanh của đất nước ta hiện nay làm cho con người tất bật, hối hả, vội vã, cho nên rất nhiều người bị công ăn việc làm chi phối hoàn toàn. Một số người không hiểu, cứ nghĩ rằng thành công là đạt được mục đích giàu có, danh vọng, uy quyền thế lực mà sự “thành đạt” là chúng ta biết cách dung hòa đời sống gia đình và xã hội. Thế cho nên, nếu chúng ta đã có việc làm ổn định, thì hãy dành chút thời gian của mình nhiều hơn nữa cho tình yêu, gia đình và bạn bè.
Sức khỏe chính là một trong những thứ tài sản quý giá nhất mà ít ai quan tâm đến, khi mất đi rồi chúng ta mới cảm thấy tiếc nuối. Khi còn khỏe mạnh, nhiều người thường lạm dụng sức khỏe của mình một cách quá đáng. Lười vận động, ăn uống thất thường… hoặc làm việc quá sức đều là những nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như đau bao tử, béo phì, stress, suy nhược cơ thể…v.v…
Cơ thể của chúng ta là thánh địa cao quý nhất, nó giúp ta cân bằng giá trị cuộc sống bằng đôi bàn tay và khối óc. Chúng ta hãy biết cách điều hòa để bảo tồn nó mà làm những việc có ích lợi. Giữ cho cơ thể lành mạnh và tâm tư được trong sáng là bí quyết dẫn đến thành công và sự thành đạt. Cho nên là người Phật tử chân chính, chúng ta phải chú trọng đến sức khỏe ngay khi còn đang khỏe mạnh, đó chính là bí quyết để dẫn đến thành đạt. Ăn uống điều độ, làm việc có chừng mực, thường xuyên tập thể dục và sinh hoạt vui chơi giải trí hài hòa sẽ giúp chúng ta sống lạc quan, yêu đời hơn.
Một trong những bí quyết thành đạt trong cuộc sống là chúng ta phải biết cách làm chủ bản thân. Nhiều người có thói quen hay đổ thừa cho số phận, nên ít khi nào họ tự suy xét, tìm tòi để giải quyết những mâu thuẫn khó khăn trong cuộc sống. Họ cứ cầu mong chờ đợi, dựa vào đấng bề trên ra tay cứu giúp, họ ỷ lại và cầu cạnh nhờ vã vào người khác.
Chính vì vậy, yếu tố cần thiết để được thành đạt đó là chúng ta luôn tích cực lạc quan trước mọi vấn đề. Chúng ta hãy nên đối diện với khó khăn để tìm ra giải pháp, chính là một trong những yếu tố dẫn đến thành đạt. Người bi quan thường chán nản khi gặp thất bại, họ hay chùn bước và thối lui. Còn người lạc quan sẽ suy nghĩ tích cực và cố gắng bền chí duy trì, thì sẽ vượt qua khó khăn để vươn lên sự thành đạt.
Tiền bạc rất cần thiết và quan trọng, nếu thiếu nó thì ta không thể bảo tồn mạng sống, nhưng không phải là tất cả. Chúng ta làm ra tiền để phục vụ những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống chứ không phải để làm nô lệ tiền bạc.
Người thành đạt có khi không nhất thiết phải là một tỉ phú, mà là người thành công trên con đường sự nghiệp của mình và biết cách làm chủ bản thân, dung hòa cuộc sống. Chúng ta nên nhớ, tiền bạc chỉ là kết quả do mình làm ra, nó giúp cho ta được tiện nghi vật chất đủ đầy, chứ không phải là mục đích chính của cuộc sống.
Đa số chúng ta ai cũng nghĩ có thật nhiều tiền bạc và của cải là hạnh phúc, đó là điều lầm lẫn quá lớn của nhân loại, nên khi có quyền lực trong tay thì tìm cách vơ vét, gom góp về cho riêng mình, nhưng tiền bạc làm ra từ sự phi pháp rất khó mà tồn tại. Khi có nhiều tiền thì phải hưởng thụ, vui chơi trác táng, dễ dẫn đến sa đọa làm mình và người khổ đau, làm mất hạnh phúc gia đình và tác hại xấu đến xã hội.
Thường con người hay nói “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nếu chúng ta chi ra một số tiền nhỏ vào một việc có ích nhưng vẫn xót xa, đau lòng vì ta chưa biết mở rộng tấm lòng nhân ái. Nếu chúng ta giàu có và thành đạt mà không dám đóng góp vào việc có ích cho nhân loại, ta đã đánh mất đi tình người trong cuộc sống.Tiền bạc chính là người đầy tớ tốt khi ta biết cách làm chủ trong việc chi tiêu hằng ngày, biết mở rộng tấm lòng nhân ái để giúp ích cho mọi người khi cần thiết.
Tiền bạc nói cho cùng, cũng chỉ là phương tiện để trao đổi hài hòa các nhu cầu cần thiết trong xã hội. Nếu ta không biết dùng tiền đúng chỗ, đúng nơi, hoang phí một cách vô bổ để phục vụ cho cá nhân và cộng đồng xã hội thì tiền bạc đó trở thành vô nghĩa.
Sự giàu có nhằm để cải thiện đời sống cho chính mình, đem đến sự sung túc, đủ đầy về vật chất, tạo dựng hạnh phúc gia đình cơm no áo ấm và còn mở rộng tấm lòng để chia vui, sớt khổ làm vơi bớt nổi đau bất hạnh.
Trong cuộc sống với bồn bề công việc ai cũng lo phải làm sao để được giàu sang và thành đạt mà quên đi yếu tố tình thương yêu nhân loại. Tình thương yêu chân thật xuất phát từ đâu? Và con người sẽ sống ra sao khi chúng ta chỉ đến với nhau bằng sự tham lam, ích kỷ, ganh ghét, tật đố và thù hận. Chính vì thế “tình thương yêu chân thật là hạnh phúc của con người” là ước mơ và khát vọng của nhân loại.
Tình thương không chỉ đơn thuần là một thứ tình cảm mà chúng ta thường dành cho nhau qua mối quan hệ trong cuộc sống. Bởi nó phát xuất từ tình cảm cá nhân được gói gọn trong phạm vi gia đình, người thân. Ngày nay khi cuộc sống với bộn bề công việc con người sống hối hả, vội vả với bao nỗi bất an, lo lắng và sợ hãi thì tình thương yêu chân thật không còn giữ đúng nghĩa của nó.
Tình yêu thương chân thật không đòi hỏi chúng ta phải giàu có, thành đạt mà nó cần chúng ta ở tấm lòng, biết quan tâm chia sẻ, giúp đỡ mọi người khi cần thiết dù chỉ là những thứ nhỏ nhất. Tình thương không chỉ giúp cho con người có thêm sức mạnh để tiến xa hơn trong cuộc sống mà còn giúp cho con người có sự bao dung và độ lượng, an ủi và sẻ chia, cảm thông và tha thứ với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Chính vì vậy, chúng ta cần phải biết quan tâm giúp đỡ mọi người nhiều hơn nữa khi cần thiết, chúng ta giúp đỡ người già băng qua đường hay nhịn một chút phần quà sáng để giúp các em học sinh nghèo. Thế gian này sẽ là thiên đường của hạnh phúc khi con người ta có tình yêu thương chân thật.
BẤT MÃN NHƯNG PHẢI TÙY DUYÊN
Ai suy nghĩ rằng mình là người tốt và có thể thay đổi được mọi sự việc theo sự hiểu biết của mình đó là một điều lầm lẫn rất lớn. Khuất Nguyên vì suy nghĩ rằng những kế sách của mình là đúng, là tốt có thể giúp ích cho nhiều người…
Xưa và nay, xã hội là một trường đời hỗn hợp luôn dung chứa những gì có được trong cuộc sống, cái ác lúc nào cũng nhiều hơn cái thiện nên dẫn đến nhiều bất công vô lý.
Người tin theo thần quyền thì oán trách đấng tối cao sao quá thiên vị với một thiểu số con người. Người tin theo truyền thống cõi này là tạm bợ có cõi khác là vĩnh hằng nên trước khi chết phải giết hết người thân và chôn theo tài sản để hưởng phúc lạc ở cõi đó.
Người tà kiến không tin nhân quả công bằng nên mặc tình gây tạo tội lỗi, để rồi khi mất thân người phải đọa vào ác thú. Người chấp có linh hồn bất tử, nên khi có địa vị quyền thế mặc tình bóc lột kẻ dưới để phục vụ cho riêng mình. Những kiến chấp như thế, cho đến kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, lớn hiếp nhỏ chỉ vì mục đích phục vụ cho cái tôi này. Nên xưa nay, người sống vì lợi ích chung rất là hiếm, nhưng không phải là không có.
Một người lãnh đạo đất nước, nếu biết dùng tài năng đúng chỗ sắp xếp mọi việc hợp lý theo khả năng của từng ban ngành đoàn thể, thì mọi người sẽ sống an vui hạnh phúc. Cuộc sống này mỗi người có vị trí và chức năng khác nhau, luôn nương vào nhau, để bảo tồn cho nhau nên chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ lẫn nhau.
Trong cuộc sống của chúng ta biết bao sự thăng trầm được mất, nên hư, thành bại, người ý thức được nguyên lý tương duyên quả là điều hiếm có, cho nên biết bao người phải chết trong cuồng si mê muội vì không thấu rõ sự thật cuộc đời.
Trong lịch sử Trung Quốc có một vị tướng tài ba lỗi lạc tên là Khuất Nguyên, ngài có nhiều dự án tiến bộ để cải cách nền văn hóa giáo dục, pháp luật và các vấn đề chính trị. Với tâm huyết muốn làm cho nước nhà được mở mang và phát triển một cách tốt đẹp, nhưng không được nhà vua chấp nhận, bởi một số người dua dối nịnh bợ ngăn cản.
Khuất Nguyên vì nghĩ rằng việc làm của mình là chân chánh, nhưng không được chấp nhận nên đâm ra phiền muộn khổ đau, dẫn đến bực tức bất mãn với cả triều đình, cuối cùng chịu không nổi từ bỏ quan quyền không làm việc. Cuộc sống xã hội luôn tồn tại và phát triển theo lý nhân duyên, nhân quả. Con người không thể muốn mọi vấn đề, sự việc diễn ra theo sự sắp xếp của mình.
Ai suy nghĩ rằng mình là người tốt và có thể thay đổi được mọi sự việc theo sự hiểu biết của mình đó là một điều lầm lẫn rất lớn. Khuất Nguyên vì suy nghĩ rằng những kế sách của mình là đúng, là tốt có thể giúp ích cho nhiều người. Nhưng tại sao nhà vua không chấp nhận, trái ý nghịch lòng và thường xuyên xảy ra những điều bất như ý là chuyện thường xảy ra trong đời sống con người, ai khéo biết thì cuộc sống có phần an nhàn tự tại.
Khuất Nguyên là một kẻ sĩ, nhưng không biết kiên nhẫn chờ đợi thời cơ lại chấp trước quá nặng nề, nên không làm chủ bản thân dẫn đến ngông cuồng thất tha thất thiểu trong sự uất ức tột cùng. Ông ta rày đây mai đó như kẻ mất hồn trong trạng thái buồn chán khổ đau. Trong lúc vật vờ nửa tỉnh nửa say, ông ta gặp một lão chăn bò cũng là một triết gia ẩn dật lâu năm. Lão chăn bò hỏi ông có phải là ngài Tam phu đại nhân không? Ông ta gật đầu. Vì cớ sao ngài tiều tụy thế này, vóc dáng y như người bệnh cau có, bất mãn một điều gì đó. Phải,
“Đời đục cả, chỉ một mình ta trong,
Đời say cả, chỉ một mình ta tỉnh”.
Đời say sao ông không say với người, đời đục thì ông đục theo cớ gì phải tỉnh khi người ta say? Nói xong lão chăn bò bồi thêm cho một bài triết lý về sự đời:
Sông Tương nước chảy trong veo
Thì ta lội xuống rửa lèo mũ ta
Sông Tương nước chảy đục ngầu
Thì ta lội xuống rửa chân của mình.
Cuộc đời là vậy đó, nước đục thì ta rửa chân, nước trong thì nấu cơm giặt mũ. Sự vật ở mức độ nào, thì ta tiếp ứng theo mức độ đó thì sẽ hài hòa vui vẻ. Hoàn cảnh xã hội có nhiều người ý thức được trách nhiệm chung, thì ta sẵn sàng dấn thân phục vụ để cùng nhau tiến bộ. Ngược lại, sự sống nếu không thuận buồm xuôi gió, thì ta ẩn nhẫn chờ thời chớ một mình chống chọi dễ mang họa vào thân. Sau khi khuyên nhủ lão già ngông nghênh xong, lão chăn bò bỏ đi nơi khác.
Người có chí lớn, khi được ai đó khuyên lơn liền thức tỉnh thay đổi cách sống. Nhưng Khuất Nguyên vì không còn thấy ai là người tốt cả, nếu có sống cũng vô tích sự nên ông ta đành trầm mình xuống sông mà chết.
Hoàn cảnh môi trường, nơi ta đang sống thường đem đến cho chúng ta những điều không được hài lòng như ý, nếu ta không can đảm nhìn vào sự thật và chấp nhận nó như là một thực tại. Ta chấp nhận nó không phải để đầu hàng chịu thua, bởi vì cuộc sống này chúng ta phải khéo tùy duyên, tùy thời để có điều kiện đóng góp lợi ích thiết thực cho bản thân gia đình và xã hội.
Cuộc sống thế gian này là một chuỗi dài nhân duyên tốt và xấu, nếu ta không biết lạc quan nhìn đời với cặp mắt sáng suốt, thì ta sẽ bị chôn vùi theo năm tháng. Nếu chúng ta biết nhận thức đúng đắn, suy xét mọi việc tường tận sâu sắc và kiên nhẫn chờ đợi thì mọi việc tốt đẹp sẽ đến với ta trong nay mai.
Những điều trái ý nghịch lòng bất như ý luôn xảy ra trong đời sống hằng ngày của chúng ta, nó dễ làm cho con người buồn chán bất mãn, tuyệt vọng, nếu ta không khéo tu để chuyển hóa chúng thì ta sẽ rơi vào vòng si mê điên dại.
Bất mãn là thái độ không hài lòng vừa ý trong hoàn cảnh hiện tại, do các tư tưởng và hành động xấu ác chiếm nhiều hơn. Người không có chiều sâu về tu tập, hoặc quá cố chấp cái thấy cái hiểu của mình muốn đưa ra ứng dụng, nhưng không được mọi người chấp nhận nên dễ dẫn đến cuồng điên dại dột.
Khuất Nguyên vì quá vội vã muốn đưa sáng kiến của mình để phục vụ nhân loại, nhưng không được vua chấp nhận thay vì ẩn nhẫn chờ thời và cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Ông ta bất mãn không đúng chỗ cho nên thất vọng khổ đau đến cùng cực. Quá vội vã và cố chấp thấy mình tài giỏi hơn người đưa ta tới sai lầm nghiêm trọng, sai lầm thì không an ổn, thất vọng thì không còn niềm tin để sống và khổ đau làm cho ta tiều tụy héo mòn, bệnh hoạn và kết cục ta bị hủy diệt nhanh chóng. Thay vì chúng ta có tư duy sáng suốt, nên không vội vã bất mãn mà cố gắng tìm cách thuyết phục bằng hành động thực tế.
Buồn khổ phiền muộn bực tức hay ghét ai trong vội vã, ta dễ bức xúc vì thấy ai cũng là người xấu, nên ôm hận thiên thu mà chịu chết một cách oan uổng và đáng tiếc. Tại sao ta hay vội vã trong mọi công việc, đi cũng vội vã, ngồi cũng lăng xăng, nằm cũng lật đật, ăn uống cũng vội vã cho qua mau để tranh thủ việc khác.
Mạng sống của chúng ta dài hay ngắn, an hay không an, tùy thuộc vào sự định tĩnh của ta. Mỗi ngày ta có hai mươi bốn giờ, tám giờ cho ngủ nghỉ, tám giờ cho làm việc, tám giờ còn lại cho ăn uống và hưởng thụ. Ta chỉ dành một giờ cho quán chiếu chiêm nghiệm cuộc sống, hết lòng tận tụy trong mọi công việc thì ta sẽ biết được cái gì nên làm và cái gì không nên.
Nhờ có quán chiếu soi rọi hằng ngày như thế, tâm ta có định tĩnh, có tĩnh lặng sâu nên các dấy niệm bất mãn hận thù không có cơ hội phát sinh, do đó ta không bị áp lực của sân hận mà biết sống tùy duyên, tùy thời, để thân tâm ta không bệnh hoạn nên mạng sống lâu dài.
Ngài Khuất Nguyên vì không biết sống tùy duyên, tùy thời mà cố chấp quá mức nên thân tâm bị bốc lửa sân hận, rồi đâm đầu xuống sông mà chết. Chết như vậy chẳng giúp ích gì được cho ai, mà lại còn hại mình vì tâm niệm sân hận quá lớn, nên chắc chắn kiếp tái sinh tới sẽ bị đọa vào địa ngục chịu nhiều đau khổ cùng cực vì cái thấy biết sai lầm và sự cố chấp của mình.
Chúng ta có quyền bất mãn, nhưng không bi quan yếm thế mà cần phải bền chí kiên trì làm một việc gì đó thật sự có lợi lạc cho nhiều người. Thế gian là một trường đời ngang trái, thuận theo cũng chết, đi ngược lại cũng chết, chỉ biết mới có thể tồn tại lâu dài. Do đó ta phải biết chuyển hóa tâm niệm xấu bằng cách buông xả chúng, không nên để chúng âm ỉ sôi sục bên trong, mà tạo ra nội kết bất mãn trong tuyệt vọng.
Cuộc đời không hoàn toàn buồn chán khổ đau như nhiều người thường lầm tưởng, chúng ta có thể nghe tiếng gió thổi, thông reo, tiếng chim kêu ríu rít như một bản nhạc lòng hòa cùng niềm vui cho nhân loại, không nên quy kết cuộc đời là hoàn toàn đau khổ, vô tình dẫn ta đến chán nản phiền muộn khổ đau mà nguyền rủa cuộc đời, sao quá bất công.
Cuộc đời vẫn đẹp và trong sáng như những vì sao, chỉ có tâm ta vẩn đục làm lu mờ lý trí, ai còn đang vướng mắc trong cái vòng lẩn quẩn ấy hãy nên sáng suốt vượt qua. Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao. Dù đạn bom vẫn gầm thét trong trời đất bao la này. Có hiểu biết chân chánh, có niềm tin vững chắc, ta vẫn vui với dòng đời ngang trái mà không làm tổn hại cho ai.
Nguồn: daophatngaynay.com