Trang chủ Phật học Trí huệ tánh Không và lòng sùng tín

Trí huệ tánh Không và lòng sùng tín

215
0

Sùng mộ, tin tưởng và nhiệt thành cầu thể nhập tánh Không đến độ thường hay khóc, do đó có tên Thường Đề.

Trong bài viết ngắn này, chúng ta chỉ trích dẫn vài đoạn ngắn trong Kinh Đại Bát-nhã để thấy phần nào lòng sùng tín của một người tu hành trí huệ tánh Không.

 1..Với bậc thiện tri thức chỉ dạy

“Bạch Thế Tôn, Đại Bồ-tát tu hành việc thân cận thiện tri thức như thế nào?

Đức Phật trả lời: Tu-bồ-đề! Nếu Bồ-tát thấy các thiện hữu tri thức khuyên dạy chúng sanh, khiến họ tu tập Nhất thiết trí trí, bèn gần gũi, cung kính, cúng dường, tôn trọng, ca ngợi, thưa hỏi, lãnh thọ chánh pháp, ngày đêm thừa phụng, không có lòng mỏi mệt. Đấy là Đại Bồ-tát tu hành việc thân cận thiện hữu tri thức” (Phẩm Biện Đại thừa, hội thứ 1).

Chính lòng sùng tín đối với Bát-nhã mà các thiện tri thức là đại diện, đã mở tâm hành giả, làm rơi rụng  bớt những phiền não chấp ngã che chướng khiến tâm ấy có thể tiếp nhận, lãnh thọ và ngộ nhập Bát-nhã. Lòng sùng tín là sự chuẩn bị, khai quang đất tâm để cho thiện tri thức khai thị trí huệ Bát-nhã. Lòng sùng tín khiến tâm hành giả không còn cong vạy, mà thẳng tắp như thiền định nhất tâm. Kinh Duy Ma Cật nói: “Tâm thẳng (trực tâm) là đạo tràng”.

Người ta không thể đạt đến tánh Không khi không có lòng sùng mộ tin tưởng vào tánh Không vì tánh Không chính là giải thoát giác ngộ. Mà cánh cửa đưa vào tánh Không là thiện tri thức, vị ít nhất đã thấy trực tiếp tánh Không. Thế nên sùng tín đối với thiện tri thức tức là sùng tín Bát-nhã, trí huệ soi thấy tánh Không.

Nói về sự nhiệt thành cầu trí huệ tánh Không, có câu chuyện Thiền như sau:

Có vị Tăng tên là Thần Quang đến với Sơ tổ Bồ-đề- đạt-ma. Đêm ấy tuyết rơi nhiều, Thần Quang vẫn đứng ngoài chắp tay chờ đợi. Tổ quay lại hỏi: Ngươi đứng suốt đêm trong tuyết, ý muốn cầu điều gì?

Thần Quang thưa: Cúi mong Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ, rộng độ chúng con.

Tổ nói: Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, làm được những việc khó làm, nhẫn được những việc khó nhẫn, còn không thể đến thay. Huống là dùng chút công lao nhỏ này mà muốn cầu pháp chân thừa ư?

Thần Quang bèn chặt cánh tay trái để trước ngài. Tổ nói: Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân, nay ngươi muốn cầu điều gì?

– Pháp ấn của chư Phật con có thể nghe được chăng?

– Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà được.

– Tâm con chưa an, xin thầy chỉ dạy pháp an tâm.

– Người muốn an tâm, vậy đem tâm ra đây, ta an cho. Thần Quang đứng yên một hồi, nói:

– Con tìm tâm mãi mà rốt chẳng thể được.

– Như vậy là ta đã an tâm cho người rồi đó.

Thần Quang do đây được ngộ thấy bản tâm tánh Không của mình. Tổ bèn đổi tên Thần Quang thành Huệ Khả.

2.. Với kinh điển và Tam bảo

Để đến với Bát-nhã, người ta cần có nhiều phước đức, đã từng trồng nhiều thiện căn, đã phát tâm Bồ-đề và không lìa bỏ tâm Bồ-đề. Bởi vì nếu ít phước đức, hành giả sẽ gặp nhiều chướng nạn và khó gặp những duyên lành để đến với Bát-nhã.

“Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có nhiều sự khởi lên làm chướng nạn chống trái, khiến kẻ ít phước chẳng thành tựu. Bát-nhã ba-la-mật-đa như ngọc lưu ly quý báu, ở châu Nam Thiệm-bộ có nhiều chướng nạn, người ít phước cầu chẳng thể được” (Phẩm Ma sự, hội thứ 1).

“Các Bồ-tát phát tâm cầu Giác ngộ vô thượng, tinh cần tu hành, đã từng cúng dường trăm ngàn muôn ức Đức Phật, ở chỗ các ngài phát thệ nguyện sâu rộng. Căn lành thuần thục, được vô lượng hạnh lành nhiếp thọ, nên đối với Bát-nhã sâu xa như thế có thể tin hiểu được” (Phẩm Đạt trí, hội thứ 1).

“Những thiện nam tử, thiện nữ nhân đã từng ở chỗ các Đức Phật gần gũi cúng dường, phát thệ nguyện sâu rộng, trồng các thiện căn, tâm ý thông sáng, được các thiện tri thức nhiếp thọ, nên đối với Bát-nhã ba- la-mật-đa khó thấy khó biết chẳng phải chỗ suy nghĩ kiếm tìm, vượt khỏi chỗ suy nghĩ kiếm tìm, vi diệu vắng lặng tối thượng đệ nhất này, cũng có thể tin nhận thọ trì được” (Phẩm Thọ giáo, hội thứ 1).

Vị Bồ-tát trí huệ đệ nhất là ngài Văn-thù. Trí huệ của ngài là trí huệ Bát-nhã. Hình tượng của ngài là tư thế ngồi, tay phải cầm gươm báu trí huệ, bên trái là các quyển kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa. Trí huệ của bậc trí huệ đệ nhất chính là Bát-nhã tánh Không.

Thế nên Kinh Đại Bát-nhã nói trí huệ Bát-nhã là “mẹ của chư Phật”, và sự biết ơn trả ơn của Phật chính là với Bát-nhã ba-la-mật-đa.

“Tu-bồ-đề phải biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là mẹ của chư Phật, Bát-nhã ba-la-mật-đa thường chỉ bày thật tướng của thế gian. Vậy nên Như Lai y pháp mà trụ, trong tất cả thời cung kính cúng dường, tôn trọng ca ngợi, nhiếp thọ hộ trì không dứt hở. Thế nên trong tất cả thế gian không ai biết ơn trả ơn hơn Phật vậy” (Phẩm Phật mẫu, hội thứ 1).

Đối với chư Phật là như thế, thì đối với người tu hành Bát-nhã sự sùng tín phải như thế này:

“Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân chẳng lìa tâm Nhất thiết trí trí, đem vô sở đắc làm phương tiện, với Bát-nhã ba-la-mật-đa đây chuyên tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, rộng vì chúng sanh tuyên nói giảng giải. Hoặc lại biên chép, trang hoàng, cung kính, cúng dường, tôn trọng ca ngợi. Lại dùng các phẩm vật cao quý, tràng hoa, hương xoa, hương bột, chuỗi hạt, lụa là, phan lọng bảo tràng, các ngọc quý hiếm, đèn sáng kỹ nhạc mà cúng dường thì sanh phước vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn.

Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa thành tựu tất cả các bậc Thánh từ Thanh văn, Độc giác, Bồ-tát cho đến Phật.

Kiều Thi Ca! Nếu kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa đây truyền bá trong cõi người, thì thế gian này Tam bảo quyết định không ẩn mất. Nếu kinh điển này hiện hữu trong cõi người, thì thế gian thường có mười thiện nghiệp” (Phẩm Phước sanh, hội thứ 2).

Nhờ Bát-nhã mà người ta có phước đức thiện căn, nhờ Bát-nhã mà người ta có trí huệ và đại bi, nhờ Bát- nhã mà người ta tự giác, nhờ Bát-nhã mà người ta giác tha, nhờ Bát-nhã mà người ta có mười thiện nghiệp để làm người, nhờ Bát-nhã mà người ta có Tam bảo.

Sự lợi lạc của Bát-nhã không thể kể hết, dù chỉ một tiếp xúc nhỏ như “để lọt vào tai”:

“Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc các thiên tử và thiên nữ, được Bát-nhã ba-la-mật- đa một phen lọt vào tai, vì sức thiện căn nên quyết định dần dần chứng được Giác ngộ vô thượng. Tùy sanh chỗ nào thường chẳng xa lìa mười thiện nghiệp” (Phẩm Công đức, hội thứ 2).

Chỗ thiết đặt kinh Bát-nhã được chư Thiên vương, chư thiên long thường đến chiêm ngưỡng, đi vòng quanh vui mừng hộ niệm:

“Bấy giờ Đức Phật bảo Trời Đế Thích rằng: Kiều Thi Ca! Các thiện nam tử thiện nữ nhân này hoặc thấy chỗ đặt để kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế có ánh sáng lạ, hoặc có mùi thơm khác thường, hoặc có tiếng thiên nhạc, phải biết lúc ấy có các chư thiên long… đi đến chỗ ấy để xem người kia làm lễ, đọc tụng Bát-nhã được biên chép, cúng dường cung kính, tôn trọng ca ngợi, chắp tay đi quanh vui mừng hộ niệm” (Phẩm So lường công đức, hội thứ 1).

 3.. Được ủng hộ và hộ niệm

Người thực hành Bát-nhã và khuyến khích người khác thực hành Bát-nhã thì được chư Phật hộ niệm:

“Đức Phật nói: Xá-lợi-tử! Chính do thần lực Phật và chư Phật mười phương khiến các ác ma kia chẳng thể làm hại các Bồ-tát biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, suy nghĩ, rộng thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.

Xá-lợi-tử! Chư Phật Thế Tôn đều chung hộ niệm các Bồ-tát tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, khiến làm được nghiệp lành tốt đẹp, tất cả các ác ma chẳng thể làm hại ngăn chướng” (Phẩm Công đức khó nghe, hội thứ 1).

“Trời Đế Thích thưa với Đức Phật rằng: Chư thiên chúng tôi thường theo hộ vệ các thiện nam tử thiện nữ nhân này, chẳng để cho tất cả người, loài chẳng phải người và các thứ ác duyên làm não hại” (Phẩm Chư thiên đến, hội thứ 2).

Bồ-tát thực hành Bát-nhã được bốn Đại thiên vương và các thiện thần ủng hộ:

“Đức Phật nói: Lại nữa, Đế Thích! Nếu các thiện nam tử, thiện nữ nhân với Bát-nhã ba-la-mật-đa này chuyên tâm lắng nghe, thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, như lý suy nghĩ, biên chép giải nói, khiến rộng phổ biến, Bồ-tát này thường được bốn Đại thiên vương thế giới tam thiên đại thiên và thiên Đế Thích, chư Đại Phạm thiên vương cõi Kham Nhẫn, trời Cực Quang Tịnh, trời Biến Tịnh, trời Quảng Quả, trời Tịnh Cư… và các thiện thần đều ủng hộ, chẳng cho tai họa xâm hại, chỗ cầu không gì chẳng đầy đủ. Chư Phật hiện tại ở mười phương thế giới cũng thường hộ niệm Bồ-tát như vậy, khiến pháp xấu ác diệt, pháp tốt thiện tăng trưởng” (Phẩm Nhiếp thọ, hội thứ 1).

Chư thiên, long… đối với Bồ-tát tu Bát-nhã xem như Phật: “Bấy giờ trong chúng hội trời Đế Thích, các vị trời Dục giới, Phạm thiên vương, các vị trời Sắc giới và Y-xá-na thiên, các thiên nữ đồng ba phen cất cao tiếng rằng: Hay thay, hay thay! Tôn giả Tu-bồ-đề thừa thần lực Phật, Phật là chỗ nương, khéo vì chúng tôi trời, người thế gian phân biệt khai thị Chánh pháp nhiệm mầu là Bát-nhã ba-la-mật-đa.

Nếu có Bồ-tát với Bát-nhã ba-la-mật-đa đây có thể như thuyết mà hành chẳng bỏ lìa, chúng tôi đối với vị ấy cung kính phụng sự như với Phật” (Phẩm Nhiếp thọ, hội thứ 1).

Tại sao tất cả trời người đều cung kính ủng hộ người tu Bát-nhã như vậy? Bởi vì:

“Nếu có người thọ trì đọc tụng, tinh cần tu học, tôn trọng ca ngợi Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế, tức là khiến cho mắt Phật và hạt giống Phật bảo chẳng diệt, mắt Pháp và hạt giống Pháp bảo chẳng diệt, mắt Tăng và hạt giống Tăng bảo chẳng diệt” (Phẩm So lường công đức, hội thứ 1).

Thế nên, kinh nói Bát-nhã là đại thần chú, là chú vương. Công năng của thần chú ấy về mặt xuất thế gian là giải thoát, đến bờ bên kia, như thần chú trong Bát- nhã Tâm kinh chúng ta thường tụng. Về mặt thế gian, thần chú Bát-nhã còn có công hiệu là giải trừ những ách nạn, tai ương, nguy hiểm của cuộc sống thế gian.

“Lại nữa, Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam tử thiện nữ nhân chẳng lìa tâm Nhất thiết trí trí, lấy vô sở đắc làm phương tiện, đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế thường chuyên tâm lắng nghe, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi ca, thọ trì đọc tụng, đúng như lý suy nghĩ, tinh cần tu học, biên chép giảng nói, khiến phổ biến rộng, đối với các người ấy, tất cả thuốc độc, trùng độc, quỷ mị, trù ếm, chú thuật đều chẳng thể hại, nước chẳng thể chìm, lửa chẳng thể cháy, dao gậy, ác thú, oán tặc, ác thần, các tà ma chẳng thể làm thương hại. Vì sao thế? Kiều Thi Ca! Bát-nhã ba-la-mật-đa như thế là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú. Bát-nhã ba-la-mật-đanhư thế là chú vương rất cao rất diệu không gì sánh kịp, đủ đại oai lực dẹp trừ tất cả mà tất cả chẳng thể làm gì được.

Các người ấy tinh cần tu học chú vương như thế thì mình chẳng bị hại, người chẳng bị hại, cả hai đều chẳng bị hại. Bởi tại sao? Vì các người ấy học Bát-nhã ba-la-mật-đa thấu rõ mình người đều bất khả đắc. Vì địa thủy hỏa phong không thức giới đều vô sở đắc nên mình chẳng bị hại, người chẳng bị hại, cả hai đều chẳng bị hại” (Phẩm Nhiếp thọ, hội thứ 1).

Trí huệ tánh Không là cái thiêng liêng rốt ráo:

Bát-nhã là tối, là thắng, là tôn, là cao, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, là vô đẳng, là vô đẳng đẳng” (Phẩm Ca ngợi Bát nhã, hội thứ 1).

Thế nên trí huệ Bát-nhã thiêng liêng hóa mọi thứ liên quan đến mình, và nói rộng ra, thiêng liêng hóa tất cả các pháp, vì tất cả các pháp đều là tánh Không vậy.

 

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 180

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here