Trang chủ Vấn đề hôm nay Trí dũng anh hùng vang bốn biển khiêm cung trung nghĩa vọng...

Trí dũng anh hùng vang bốn biển khiêm cung trung nghĩa vọng ngàn năm

133
0

Từ đâu Người đã đến, để hiến tăng cho đất nước này một vòng sinh tử viên dung. Ai cũng biết sự chết là chẳng còn, nhưng đức độ, nghĩa tình đâu dễ mất. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, “Tam Thiên Tự”, “Ngũ Thiên Tự”, “Ấu Học Tân Thư” là nền tảng đạo đức làm người đã được Người thấm nhuần ngay từ thuở thiếu niên. Nam nhi lập chí, nghĩ nhớ tổ tông, lấy rửa nhục cho đất nước non sông làm bản lề, lấy độc lập- tự do cho dân tộc làm lẽ sống, lấy hạnh phúc cho dân chúng làm mục tiêu đấu tranh. Chứ đâu phải tham quyền lực, lợi lộc công danh, lo “vinh thân phì gia” mà chà đạp lên “Đức Công Hiền Thánh”.

“Thương hải tang điền”, “bức tranh vân cẩu” có là chi. Bởi nhân gian khắp chốn, gương Thánh Hiền vẫn nghìn năm hiển rõ. “Bản lai diện mục”, vạn năm chẳng khác, “khi đậy nắp quan tài” mới thấu triệt lẽ thị phi chốn trần ai. Vạn người lặng lẽ xếp hàng, triệu người cung kính khóc thương, bởi hình ảnh của Người chính là biểu tượng thiêng liêng của tổ quốc. Thử hỏi trong bản tâm mỗi người, có ai là không có tinh thần tự tôn dân tộc? Có ai là không có lòng yêu giống, thương nòi?

Thiếu niên chuyên chú học hành, thanh niên trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh, trung niên đến lão niên thì đem hêt tài năng, đức độ ra phụng sự tổ quốc. Trí tuệ, quyền biến như thế nào, kiên cường, dũng mãnh ra làm sao, chỉ cần nói đến ba chữ ĐIỆN BIÊN PHỦ là khắp cả năm châu, bốn biển đều biết.

Khi mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!” được phát đi, khắp chốn chiến trường, những đoàn dũng binh như được tăng thêm thần lực đã tốc chiến tốc thắng hướng thẳng Sài Gòn. Nội ngoại kết hợp, khí quân hừng hực, khiến quân địch nghe hơi, nghe tiếng mà cúi đầu quy phục. Bởi vậy mà Sài gòn ít hoang tàn, đổ nát. Dân chúng trong Sài thành cũng tránh được một cuộc đại sát bởi oan nghiệt chiến tranh.

Thường những kẻ “hữu dũng vô nhân”, ưa thích quyền danh hay lấy chiến thắng trong chiến tranh làm sự huênh hoang, đắc trí. Nhưng với bậc Hiền Nhân thì không bao giờ có sự đắc chí trong chiến tranh. Bởi Hiền Nhân hiểu rằng chiến tranh là mất mát, chiến tranh là bi ai, chiến tranh là vô biên những gia đình bất hạnh. Vì thế cho nên khi đất nước hòa bình, mỗi lần nghĩ nhớ về quá khứ hào hùng cũng là mỗi lần Đại Tướng tưởng niệm sâu sắc sự mất mát, đau thương của hàng triệu nghĩa binh. Biêt bao anh hùng đã ngã xuống, biết bao máu xương của đồng bào đã bị chôn vùi dưới lòng đất thẳm sâu? Thầm lặng, trầm ngâm Người đau đáu trong lòng lời căn dặn của vị Cha Già dân tộc về việc tổ quốc ghi công cùng đến ơn đáp nghĩa.

Phú quý một đời, để tiếng xấu nghìn năm, đó đâu phải là chí khí và cách làm của bậc đại trượng phu, của Hiền Nhân quân tử. Bởi vậy cho nên “Dĩ công vi thượng” (lấy việc công làm mục đích phấn đấu cao nhất) luôn luôn là phương châm sống của Người. Người nói: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”. Lời nói đó chẳng khác nào lời căn dặn của đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đối với vua Trần Anh Tông năm xưa: “Phải nới sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà”.

Thế mới biết, “thời thế tạo anh hùng”, khi đất nước thái bình thì chăm lo sự nghiệp dưỡng dân, giáo dân, hưng thịnh quốc gia. Khi “đất nước lâm nguy, sơn hà nguy biến”, thì gác nghiệp bút nghiên, gác thú ẩn giật an vui, không quản ngại sông pha nơi rừng thiêng nước độc, nơi chiến trường khốc liệt mà cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân. Vì thế nên Người nói: “giải phóng dân tộc là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam yêu nước, của toàn thể dân tộc Việt Nam”.

”Tuy mạnh yếu mỗi lúc khác nhau. Song hào kiệt thời nào cũng có”. Anh hùng nối tiếp anh hùng, Thánh Nhân nối tiếp Thánh Nhân, âu cũng là sự kết tinh, truyền thừa hào khí thiêng linh của non sông đất nước. Người đã ra đi, nhưng “nguyên khí quôc gia” hội tụ trong Người thì không bao giờ mất. Bởi khi Người xả bỏ “báo thân” cũng chính là khi “nguyên khí quốc gia” được trao truyền tới hàng triệu triệu trái tim của con dân đất Việt.

Trẻ em Việt Nam, thanh niên Việt Nam mãi mãi lấy Người làm tấm gương sáng để soi mình phấn đấu. Cũng giống như năm xưa, ngay từ thuở thiếu thời Người đã lấy các bậc Thánh Nhân trong lịch sử dân tộc làm gương soi để lập chí cao thượng dấn thân.

Đảo Yến- Vũng Chùa là nơi Người tìm về với nguồn cội an nghỉ nghìn năm. Cái lý của nước, cái đạo của biển, cái đức hạnh của Thánh hiền có khác gì nhau? Nước mềm mà chẳng nhu nhược, ưa chảy chỗ thấp mà lại hóa trên cao. Biển bao la vì biển chọn đứng nơi thấp, biển bát ngát vì biển dung chứa trăm sông, biển trù phú vì biển yêu thương nuôi dưỡng hết thảy mọi loài hải sản tôm cá, rong rêu. Thánh hiền được người đời tôn kính bởi luôn biết giữ lễ độ khiêm cung, được thanh liêm bởi dẫu chết cũng không làm những việc nhơ bẩn, được an vui bởi luôn biết “thiểu dục tri túc” thanh lọc tham- sân- si, được uyên thâm bởi không bỏ qua dù chỉ một câu chuyện hay một mẩu sách báo, nhẫn nại mà chẳng yếu mềm, tài trí mà chẳng tự cao, nhân từ ôn hòa mà kiên cường dũng mãnh, không tranh giành chỗ đứng với một người mà có chỗ đứng trong con tim hàng triệu triệu người.

Người đã trở về, về với nguồn cội, về với đất mẹ, về với nước mẹ, về với gió mẹ, về với lửa mẹ, và hơn hết cả là Người đã trở về với nguyên khí linh thiêng của non sông đất nước Việt. Thành kính tưởng nhớ tri ân Người- vị đại tướng nhân dân của nhân dân Việt Nam!

T.T.M

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here