Vào ngày rằm tháng giêng cách đây 2552 năm, một lời tuyên bố thản nhiên của Đức Phật đã làm cho quả địa cầu không có tâm thức này rung chuyển; và đến tận bây giờ, mỗi khi đến rằm tháng giêng, nhớ lại lời tuyên bố năm xưa của Ngài: ” 3 tháng sau Như Lai sẽ tịch diệt Niết Bàn.” tâm tư của những Phật giáo đồ trên khắp thế giới vẫn xao xuyến đến lạ lùng.
Nếu chỉ thuần theo lý trí là một khối óc lạnh lẽo, khô khan thì quá thiên về tình cảm, phải chăng là một tâm hồn yếu đuối nhu nhược? Có lẽ, cả lý trí và tình cảm là hai yếu tố cần và đủ để giúp chúng ta không bị nhấn chìm trong vòng xoáy của cuộc đời.
Là người con Phật đang thực hành giáo pháp nhằm giải thoát cá nhân khỏi khổ đau, và để có được một đời sống hạnh phúc, tự tại giữa cuộc trầm luân sanh tử; việc thực hành ấy cũng chính là cuộc hành trình miên viễn mà mỗi người phải bước đi trong đơn độc, trong khói sương bãng lãng, trong mông lung huyền ảo của cõi tâm thức vô hình vô ảnh.
Đâu đó trên đường tìm về tự tánh là những vực thẳm đang chực chờ nuốt chửng những nạn nhân vô ý, hoặc là những đỉnh sầu cao ngất như muốn cản ngăn những bước chân đầy nhiệt huyết.
Cuộc lên đường khám phá nào cũng mang dáng vẻ bi tráng! Những hành giả đi tìm tự do, ngay từ lúc khởi hành, đã cảm nhận cuộc đời mình bắt đầu đổi khác, vì thực hiện những lời dạy của đức Phật chính là thực hiện một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục.
Chân lý là một điều rất khó truyền đạt, diễn tả bằng ngôn từ, bởi chân lý vốn vượt khỏi sự giới hạn của ngôn ngữ qui ước. Khi đối diện với thực tại đang là, nếu ta không thể chọc thủng được lớp ảo tưởng mênh mông… ta chợt thấy ra mình không thể nắm bắt được gì, dù chỉ là một ý niệm của ảo giác. Và khi đó dường như cái gọi là “tiến thoái lưỡng nan” ở đâu bỗng dưng xuất hiện, vây phủ ta vào giữa bốn bề trầm tĩnh trong cảnh cô đơn tuyệt cùng.
Có lẽ ngay từ đầu, những ai tự nguyện dấn bước đều đã chấp nhận trang trải đời mình cho con đường đơn độc. Và tự trong cội nguồn sâu thẳm của tâm tư, đã dâng lên một nguồn can đảm, can cường, hào khí ngút ngàn hướng đến tự do giải thoát, mặc dầu sự tự do tâm linh ấy không dễ gì thành tựu.
Nhập vào cuộc hành trình hướng về sự giải thoát, nghĩa là chuyển hoá tận tâm can, chấp nhận cô đơn, đối diện với chính mình để trực tiếp nhìn thấy bản chất của tất cả pháp đều vô ngã tính. Cuộc hành hương tâm linh với lòng chân thành, sự nhạy cảm cùng đức tin mãnh liệt tưởng như sẽ dễ dàng thuận thứ, hoá ra lại vô cùng trắc trở. Đôi khi vừa mới rạng rỡ kiên định bỗng trở thành hoang mang chới với, hụt hẫng trước hư vô bàng bạc.
Những lúc thất vọng ê chề như thế, những lúc mà nội tâm xung đột dữ dội, khiến bao lần đã muốn đầu hàng, muốn bỏ cuộc… bất chợt, nụ cười an lành của Ngài hiện về trong con, giúp con vượt lên tất cả xao động, rối bời!
Hình ảnh nụ cười bao dung, ân cần và tự tại của Thế Tôn như chính những bài kinh đầy minh triết, như bóng mát tĩnh lặng xoa dịu bao nóng cháy của tâm hồn. Chính nụ cười trên môi đức Phật cũng không khác con đường vô thượng mà Ngài đã chỉ dạy và mời gọi chúng sanh tự mình chứng nghiệm.
Xin kết thúc bài viết này với mấy câu thơ, như một nén nhang lòng để cúng dường lên ngày lễ Thánh hội rằm tháng giêng, một sự kiện minh chứng cho vẻ toàn hảo của Giáo Pháp Đức Từ Phụ.
Từ bi ẩn hiện nụ cười
Cho con thêm chút niềm vui với đời
Dâng ngài trọn nỗi chơi vơi
Chiều buông câu hát bên trời hoàng hôn.
Huế, rằm tháng giêng Mậu Tí, PL 2552.
* Tùy bút của Nhà sư vô danh