Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tri âm khó gặp

Tri âm khó gặp

145
0

(LQ) Trong đời sống, chúng ta có nhiều mối quan hệ, từ  quan hệ huyết thống gia đình cho đến bạn bè,  đối tác, đồng nghiệp, chủ-tớ v.v. Trong số  đó, có bao nhiêu người hiểu ta, tin tưởng ta và ngược lại.

Những người bạn đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Bạn tốt hoặc xấu sẽ có sự ảnh hưởng đến tư duy và quan điểm nếu như ta không quyết đoán, không lập trường. Có những người bạn khi quen biết đã xoay chuyển ta thành đạt trong công việc, thăng hoa trong cuộc sống, có ích cho đời, cho người. Nhưng cũng có người bạn đẩy ta vào con đường tội lỗi, phi đạo đức, thiếu nhân cách, làm liên lụy đến gia đình và xã hội. Nếu là người có trí tuệ, có tầm nhìn xa trông rộng ắt sẽ dễ dàng lựa chọn cho mình một con người đủ nhân cách để gắn bó.

Khi thân thiết ai đó mà họ luôn chia sẻ vui buồn, giúp  đỡ khó khăn, sẳn sàng hy sinh, chấp nhận thuận nghịch, ta cứ ngỡ đó là người bạn tốt, mà  đó cũng là một người bạn tốt thật sự nhưng chưa chắc đã là bạn tri âm. Một người bạn tâm giao là luôn tôn trọng nhau, nhìn thấy những khiếm khuyết để bổ sung cho nhau. Bởi vì, là con người thì chẳng có ai hoàn hảo bao giờ. Có một người bạn hiểu mình, mặc dù mình có tật xấu, có lỗi lầm thì bạn mình cũng cảm thông luôn cái lỗi lầm đó, và ngược lại. Nhưng phải biết rằng, cảm thông là để xây dựng, hoàn thiện nhau chứ không phải chấp nhận cái chưa hoàn hảo đó một cách phi lý để rồi cùng dắt tay nhau… “đi xuống”.

Một người được gọi là tri âm không phải lấy thời gian dài ngắn bao lâu để làm thước đo nhân nghĩa. Ngày xưa Bá Nha gặp Tử Kỳ chỉ trong một đêm trăng, Tử Kỳ nghe vài ngón đàn tuyệt diệu của người bạn sơ ngộ mà đã đồng điệu giữa hai thân phận tiều phu và quan chức. Sự chân thành và sâu sắc của Tử Kỳ đã giúp cho Bá Nha mềm lòng rủ bỏ cái cốt cách vương giả để thẩm thấu giá trị tình người. Dương Lễ tri ân bạn bằng sự vô tình lạnh nhạt trước bước đi lạc lối của Lưu Bình. Nhưng sự lạnh lùng cố ý của Dương Lễ làm cho Lưu Bình nhận ra sai lầm của mình mà phấn đấu.

Bất cứ thời  đại nào cũng có nhưng câu chuyện hay, những tình bạn đẹp. Tuy nhiên, ở một gốc độ nào đó, hoàn cảnh nào đó ở xã hội hôm nay tình bạn cứ ngỡ là đẹp đó lại bị mờ nhạt, bị rạn nứt vì thiếu tôn trọng, thiếu thủy chung, đi lạc hướng. Một tình bạn chân thành thì dù có cách xa vạn dặm vẫn bền bỉ. Thời phong kiến, nhà Nho rất coi trọng tình bạn. Bài thơ “Khóc Dương Khuê” của Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã thể hiện tình bạn sâu sắc và cảm động:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa

Bá Nha đập nát cây dao cầm trục ngọc phím vàng trước mộ phần người bạn yểu mệnh. Nguyễn Khuyến khép vội câu thơ vì nghĩ rằng có ai biết nữa mà đưa. Tình cảm chân thành được lưu xuất từ trái tim thì sẽ dễ đến với trái tim dẫu cho ngăn ngại giữa không gian và thời gian. Đó là trái tim cùng nhịp đập, cùng chí hướng. Họ xem nhẹ địa vị, tiền tài, giai cấp, ngược lại rất chú trọng nghĩa tình. Có những người bạn mặc dù không sống chung, ít gần gũi nhưng khi tiếp xúc ta có cảm giác tin tưởng và bình an.

Một người bạn đời, khi đã hứa hẹn gắn bó  bên nhau, ngoài trách nhiệm vợ hoặc chồng đó, nếu biết lắng nghe, vun vén tình cảm trong cuộc sống thì  cũng được xem là bạn tri âm. Nhưng ngược lại, một trong hai luôn tỏ ra là “chồng trời vợ đất”, sở hữu nhau, ràng buộc nhau thì suốt đời cũng chỉ sống bằng trách nhiệm vốn có, khó mà đem lại hạnh phúc thật sự. Mối quan hệ mẹ-con, cha-con, anh-em là những mối quan hệ thắm thiết nhất, sâu sắc nhất, nhưng sẽ khiến bất mãn, bế tắc và bi quan nếu như những người thân yêu đó không biết nâng đỡ và bảo vệ nhau. Câu chuyện người con thi trượt đại học đã không được sự yêu thương chia sẻ từ người mẹ, mà ngược lại còn mắng mỏ chê trách, rồi kết quả là cả hai mang một nỗi đau và hối hận vì đứa con trở thành phế nhân sau phút suy nghĩ bồng bột.

Vì sao như thế? Xã hội ngày nay vốn hối hả, đầy bon chen, lắm đa dạng, cho nên sự  quan tâm, nhìn lại đôi khi là một hình thức chiếu lệ. Mối quan hệ giữa người thân, giữa tình nghĩa bạn bè lắm lúc được đánh đổi bằng cả  tiền tài, danh vọng, chức quyền, địa vị. Thử hỏi nghĩa tình như thế có tồn tại được chăng!? Cuộc sống bon chen đã làm cho con người tự tôn bản ngã của mình, ai cũng muốn có một chỗ đứng trong xã hội, được người khác kính nể mình, ngưỡng mộ mình. Chính vì suy nghĩ như thế mà có khi họ bất chấp tất cả, chấp nhận đi bằng đầu gối cũng chỉ đạt được cái hư danh, bỏ quên nghĩa tình cao cả, mối quan hệ tốt đẹp, đánh mất nhân cách giữa con người và con người.

Dân tộc Việt Nam vốn trọng nhân nghĩa, thích quan tâm. Cung cách “lời chào cao hơn mâm cổ” đã thể hiện sự tôn trọng tối thiểu của sợi dây liên hệ tương giao. Và trong chuỗi dài cuộc sống, biết bao con người ta đã gặp, biết bao tình nghĩa ta mang theo, hay đôi khi là cả những mối bận lòng. Tất cả đã hiện diện trong cuộc đời. Nếu không là bạn tri âm thì ít nhất cũng đem lại cho nhau những niềm vui nho nhỏ. Và hãy làm bạn khi cần sẻ chia, cần tương trợ. Nhưng không thể làm bạn với hai hạng người: “Một là không bao giờ nói cho bạn biết về họ, hai là không bao giờ người đó nhắc đến bạn” như lời ai đó từng nhắc nhỡ.

Dưới lăng kính Phật giáo, “tri âm” được hiểu như thế nào? Hãy nghe Thiền sư Pháp Thông Quảng Trí dạy về cách chọn bạn như sau:

Một là bạn  ở chốn rừng núi an nhàn có thể giúp làm dịu cái tâm nóng nảy.
Hai là bạn nghiêm trì giới luật thì có thể làm phai nhạt ngũ dục.
Ba là bạn có  trí tuệ rộng lớn mới giúp ra khỏi bến mê.
Bốn là bạn học hành uyên bác mới có thể giải quyết những khó  khăn, nghi ngại.
Năm là bạn trầm tĩnh, mặc nhiên mới giúp thanh thản, tiến thủ được.
Sáu là bạn khiêm tốn, nhẫn nhục mới giúp tiêu trừ ngã mạn.
Bảy là bạn lòng thẳng nói ngay mới có thể ức chế được các lỗi lầm.
Tám là bạn dõng mãnh tinh tấn mới giúp thành được đạo quả.
Chín là bạn xem thường của cải, thích bố thí mới phá được tánh keo kiệt bỏn xẻn.
Mười là bạn nhân từ che chở  cho muôn vật mới giúp trừ được sự chấp ta chấp người.

Người tu Phật xem tình tri âm như là một thiện duyên. Bởi vì tri âm trong Phật pháp cao đẹp hơn nhiều, thiêng liêng hơn nhiều. Khuôn phép và giới hạn cho những mối quan hệ giữa tu sỹ với nhau trong kinh-luật đã dạy rõ. Ngoài tình Thầy-trò, huynh đệ thì một người bạn tri âm là rất cần thiết. Thiện duyên không phải một đời mà gặp, ngẫu nhiên mà gặp. Tất cả có được từ nhiều đời nhiều kiếp do như lý tác ý. Thiện duyên giúp xây dựng con đường thuận lợi và suôn sẽ trên lộ trình tiến tu đạo nghiệp. Và như vậy, tri âm ở đây không có nghĩa là tập cận mà là hạnh ngộ trong chánh pháp. Nếu như thế gian tri âm là hiểu nhau trên phương diện sở thích, hài hòa, bình đẳng thì ở Phật pháp đó là sự nhận thức đúng đắn, sách tấn nhau nỗ lực tu hành, giữ giới nghiêm minh, oai nghi, phạm hạnh, vượt lên nghiệp lực để cùng hướng đến chân trời giải thoát. Vì mục đích của người xuất gia là chuyển mê khải ngộ, li khổ đắc lạc, chứ chẳng phải những thứ tình cảm bình thường kia. Sự nghiệp của người tu Phật là làm sao viễn li điên đảo mộng tưởng để cứu mình, độ người.

Một người bạn sâu sắc, có đạo đức, có  trí tuệ, không cần phải gần gũi vẫn có thể hiểu nhau, không làm tổn thương nhau, cùng hướng thượng trong chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, đem đạo vào đời. Một khi mình còn bị chi phối bởi nóng giận, tham lam, nghi ngại, bỏn xẻn, vô minh sẽ làm chướng ngại con đường tu tập tiến thân. Lúc ấy, ngoài sự giáo huấn của tôn Sư, phải chọn người bạn nhân từ, dõng mãnh, khiêm cung, trí tuệ để làm tri âm như lời khuyên của Tổ Pháp Thông Quảng Trí. Và ta không phải ngồi đó mà than thở:

Bốn phương trời đất bao bè  bạn
Tìm được tri âm khó lắm thay!

TN.N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here