Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Trần Thái Tông (1218-1277)

Trần Thái Tông (1218-1277)

220
0

Trần Thái Tông tên thật là Trần Cảnh, là con thứ của Nội thị khán phủ Trần Thừa, môt vị đại nhân đứng đầu trong nội phủ nhà Lý. Năm 1225, lúc mới lên 8 tuổi, theo sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, Trần Cảnh đã kết duyên với Lý Chiêu Hoàng, vị hoàng đế cuối cùng của vương triều nhà Lý. Sau được Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi, phò mã Trần Cảnh chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy hiệu là Trần Thái Tông, khai sinh ra triều đại nhà Trần, một vương triều có thể nói là uy hùng nhất trong lịch sử dân tộc.

Trong suốt 33 năm ở ngôi vua và 19 năm làm Thái thượng hoàng, Trần Thái Tông luôn tâm niệm một điều rằng: “Phàm là đấng quân vương, phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình”, như chính lời của Quốc sư Phù Vân đã căn dặn trong một lần ông cảm thấy bế tắc và tỏ chí xuất trần, muốn tìm vào non thiêng Yên Tử, xa lánh vương quyền. Do vậy, mặc dù từng phải đối diện với biết bao nghịch cảnh tai ương trong cuộc sống, nhưng chính những lúc tưởng chừng như bế tắc ấy, Trần Thái Tông đã biết vịn vào giáo lý Phật Đà để đứng dậy một cách đỉnh đạc, quả cảm, để từ đó trở thành một bậc minh quân, với một nhân cách văn hóa hết sức dặc biệt.

Đại Việt sử ký toàn thư đã dành những dòng trang trọng khi viết về Hoàng đế Trần Thái Tông rằng: Vua mũi cao, mặt rồng, giống Hán Cao Tổ; là người khoan nhân đại độ, có lượng đế vương, người đã mở nghiệp truyền mãi về sau, đặt giềng giăng mối cho chế độ nhà Trần ngày một tốt đẹp.

Trần Thái Tông là một vị vua cần mẫn mẫu mực. Ban ngày ông dành hết thời gian để giải quyết trọng sự quốc gia, đêm đến lại chong đèn đọc sách để nghiền ngẫm về giáo lý Phật Đà, về lời dạy của Thánh hiền. Và những lúc hiếm hoi rỗi việc triều đình, ông lại tập họp quần thần để cùng luận bàn đạo lý.

Khi tổ quốc lâm nguy, Trần Thái Tông là một vị tướng lĩnh thống lỉnh binh mã xông pha trận mạc, bảo vệ biên cương; khi nước nhà thanh bình, ông lại dốc lòng chăm lo đời sống của muôn dân không biết mõi mệt. Uy danh của ông trong cuộc chiến tranh vệ quốc lừng lẫy năm Nguyên Phong thứ 7 (1257), quét sạch giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, chính là một niềm tự hào ngút trời đối với quân dân nhà Trần: “Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Từ thế hệ này truyền sang thế hệ khác, họ truyền cho nhau một sức mạnh quật cường, một hào khí Đông Á, chưa bao giờ dân tộc ta lại đoàn kết sắc son đến thế, và chưa từng có một triều đại nào các bậc đế vương lại được muôn dân sùng kính tôn xưng là Phật, là Thánh như thế.

Trần Thái Tông là một nhà Phật học uyên thâm, trước tác nhiều tác phẩm Phật học có giá trị mà đến nay vẫn còn bảo lưu được, như Khóa Hư Lục, Thiền tông chỉ nam ca ( hiện chỉ còn lời tựa), Kim Cương tam muội kinh chú giải ( chỉ còn lời tựa), và đặc biệt là Lục thời Sám hối khoa nghi. Qua những tác phẩm này, hậu thế không chỉ kính ngưỡng ông bởi những kiến giải Phật giáo sâu sắc, gần gũi và dễ hiểu, với văn phong nhẹ nhàng, uyển chuyển, mà vượt lên trên hết, ông đã cho thấy một phong thái đỉnh ngộ của một hành giả đạt đạo, mỗi lời ông viết ra là kết quả của cả một đời chiêm nghiệm và hành trì mà ông muốn chia sẻ. Đó chính là Thiền học Trần Thái Tông. Và những trước tác của ông, cho đến hôm nay, vẫn có một sức lan tỏa rất lớn.

Những ngày cuối đời sống tại phủ Thiên Trường, hương Túc Mặc ( Nam Định), Trong một lần thế tử Trần Thánh Tông đưa quốc sư Phù Vân và quốc sư Đại Đăng vào ân cần vấn an bên giường bệnh. Trần Thánh Tông đã điềm nhiên bảo rằng: “Tứ đại là bệnh. Cái này với sanh tử xưa nay vốn không can hệ, há lại kẹt vào trong bệnh hoạn sao?”. Trần Thánh Tông mất năm Đinh Sửu (1277), thọ 60 tuôi. Tại Hà Nội và hầu hết các tỉnh thành trong cả nước hiện đều có những con đường được mang tên ông.

 

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 52: PHƯỚC CẢNH

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here