Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Trần Nhân Tông và thông điệp cho hậu thế

Trần Nhân Tông và thông điệp cho hậu thế

126
0
Thông điệp từ một vị quốc chủ: có thể bảo vệ độc lập cho một quốc gia, mưu cầu hạnh phúc cho một cộng đồng, vượt qua mọi hiểm họa khi tạo được một cộng đồng đoàn kết nhất trí.
 
Nước Đại Việt nửa sau thế kỷ XIII dưới sự trị vì của Trần Nhân Tông không phải là một quốc gia lớn xét trên hầu hết mọi tiêu chí. Kể từ thời điểm phục hồi độc lập thoát khỏi ách đô hộ phương Bắc, sau triều Lý, nhà Trần mới là vương triều thứ hai có thời gian tồn tại có thể đo bằng đơn vị thế kỷ. Chứng kiến thực tế đội quân Nguyên – Mông tiêu diệt nhà Tống, xóa sổ nhà nước Đại Lý nhập toàn bộ vùng Vân Nam vào lãnh thổ đế chế Nguyên (điều mà hàng nghìn năm các đế chế trên đất Trung Quốc, kể cả nhà Đường, không thể làm được!), rồi qua việc trao đổi các sứ đoàn, qua sự khoe khoang của các đại diện nhà Nguyên, chắc chắn vua tôi nhà Trần nắm bắt khá chính xác tiềm năng mọi mặt của thế lực xâm lược mới này. Các bộ quốc sử của Trung Quốc lẫn Việt Nam viết về giai đoạn này cung cấp vô số tư liệu cho phép người ngày nay còn có thể hình dung về một sức mạnh dường như "siêu nhiên" của cái đội quân đã từng làm mưa làm gió trên khắp hai lục địa Á – Âu đó.
 
Lẽ thường, đối diện với một kẻ thù mạnh, trong hàng ngũ tầng lớp cầm quyền của quốc gia bị đe dọa xâm lược không sớm thì muộn, không nhiều thì ít sẽ xuất hiện một bộ phận hèn nhát, chỉ nhăm nhe bảo vệ lợi ích cục bộ của gia đình riêng hoặc tính mạng, tài sản cá nhân của mình. Vương triều Trần cũng không là ngoại lệ.
 
Ngay từ cuộc xâm lăng đầu tiên của quân Nguyên – Mông đầu năm 1258, trong vương thất cũng đã xuất hiện những kẻ bạc nhược như vậy. Tới cuộc xâm lăng thứ hai của quân Nguyên năm 1285, rồi lần thứ ba ngay vài năm sau, với quyết tâm vừa báo thù rửa hận lần thất bại trước, vừa kiên quyết xóa sổ nhà nước Đại Việt, thì cái bộ phận tham sinh úy tử, quay lưng ngoảnh mặt với vận mệnh quốc gia còn tăng lên nhiều hơn.
 
Vậy nhưng, hơn hẳn mọi vương triều trước đây trong lịch sử, bộ phận lãnh đạo tối cao của quốc gia mà đặc biệt là vào thời điểm Trần Nhân Tông làm vua đã vừa bày tỏ những phẩm hạnh và tinh thần trách nhiệm cá nhân theo những cách thức mạnh mẽ nhất, hào hùng nhất, lại vừa biết cách tập hợp ý chí, khát vọng và động viên sức người, sức của của mọi thành viên cộng đồng cũng theo một cách thức vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết lại vừa cận nhân tình nhất có thể.
 
Nếu trong lần xâm lược đầu tiên của quân Nguyên – Mông người đọc sử ngày nay nhớ mãi lời đáp khảng khái của Thái sư Trần Thủ Độ "Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo" đè bẹp ấn tượng bi hài mà Thái úy Trần Nhật Hiệu vừa mới "trình diễn" một cách ê chề trước đó[1], thì 27 năm sau, trong lần xâm lăng thứ hai của quân Nguyên, khi mà nhà Tống đã hoàn toàn bị tiêu diệt, đế chế Nguyên Mông đã ổn định về cơ bản, hàng loạt hoạt động nhằm cố kết nhân tâm, huy động tối đa sức người sức của của toàn thể cộng đồng lẫn nhưng biện pháp tuyên truyền khích lệ tinh thần hướng tới mọi tầng lớp cư dân đã được thực thi một cách đồng bộ và triệt để.
 
Vua Trần Nhân Tông và chiến thắng Bạch Đằng
 
Hội quân chư hầu bến Bình Than, Hội nghị bô lão điện Diên Hồng, hàng chữ Sát Thát trên cánh tay quân sĩ, tiếng thét kiêu hùng của Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng khi sa vào tay giặc, cho tới việc xuất hiện của vị anh hùng thiếu niên Trần Quốc Toản, người anh hùng xuất thân thôn dã Phạm Ngũ Lão, những lối ứng xử "đẹp hơn cổ tích" của những người vốn mang thân phận gia nô như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô…và nhiều nữa những người, những việc đã làm nên vẻ đẹp đầy sắc thái huyền thoại của một thời kiêu hùng trong lịch sử quốc gia – dân tộc.
 
Vẫn biết rằng, trong những cơn quốc nạn như thế, lũ người như Trần Ích Tắc, Trần Lộng, Trần Kiện…xuất đầu lộ diện dường như cũng là tất yếu, là "không tránh khỏi", nhưng chắc chắn giai điệu chủ âm của thời đại vẫn là giai điệu anh hùng ca.
 
Có một Đại Việt dưới và sau thời Trần Nhân Tông đầy hào khí, hào quang và cũng đầy hạnh phúc. Tiếc rằng trạng thái đó đã không được duy trì lâu dài. Để đến hôm nay còn nhiều người Việt Nam mơ về đầy nuối tiếc.
 
Lo toan mọi nhẽ cho quốc gia mình, cho cộng đồng mình, đề phòng những bộ tộc tuy nhỏ yếu hơn nhưng vẫn có thể nảy sinh những tham vọng về lợi ích vật chất và lãnh thổ, Trần Nhân Tông thân chinh cầm quân tiến hành những cuộc chinh phạt mang tính ngăn ngừa, răn đe, nhưng không cho thấy Ngài có tham vọng bành trướng. Việc chinh phạt Ai Lao được Ngài giải thích rõ cho triều thần: "Vua thân đi đánh Ai Lao. Triều thần can rằng: "Giặc Hồ vừa rút, vết thương chưa lành. Đâu đã có thể dấy binh đao?".
 
Vua nói: "Chỉ có thể lúc này ra quân thôi. Vì sau khi giặc rút, ba cõi tất cho là lính tráng, ngựa chiến của ta đã chết cả, thế không thể lên nổi, sẽ có sự khinh nhờn từ bên trong, cho nên phải cất quân lớn để thị uy".
 
Nhưng mối ưu tâm lớn nhất của Trần Nhân Tông về an ninh quốc gia chủ yếu vẫn là đối với triều đình nhà Nguyên. Bằng tất cả sự mềm dẻo và uyển chuyển nhất có thể, Trần Nhân Tông đã tiến hành rất nhiều những hoạt động ngoại giao thời hậu chiến, mà mục đích hàng đầu là xác lập cho được một "đường biên giới" hòa bình, thân thiện nữa, với thế lực hùng mạnh đang làm chủ đế chế ở phương Bắc.
 
Cảnh thái bình sau đó của quốc gia Đại Việt bên cạnh một đế chế có một đội quân thiện chiến và tham vọng lãnh thổ cơ hồ không giới hạn là một minh chứng rực rỡ của nền ngoại giao thời nhà Trần sau những võ công không tiền khoáng hậu trước chính đối thủ đó.
 
Hơn bảy thế kỷ đã qua đi. Thế giới vẫn còn rất nhiều quốc gia nằm trong tình trạng "nước nhỏ dân ít, xã hội kém phát triển, kinh tế đầy khó khăn, luôn luôn bị các thế lực hùng mạnh bên ngoài chèn ép và đe dọa thôn tính". Nước Việt Nam sau hàng thiên niên kỷ tự cường, vẫn còn đối diện với rất nhiều thách thức. Những thông điệp mà cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông với tư cách là đấng quốc chủ truyền lại ngày hôm nay vẫn còn nóng bỏng tính thời sự, trước hết cho mọi người Việt. Nhưng cũng chắc chắn rằng, đó còn là thông điệp cho các cộng đồng, cho những người lãnh đạo quốc gia ở các cộng đồng khác nhau trên thế giới đang phấn đấu để đạt tới vị thế quốc gia bình đẳng và cộng đồng hạnh phúc.
 
Thông điệp làm người: vẫn có thể làm một con người toàn hảo trong một thế giới chưa hoàn thiện.
 
Ở ngôi vua, mà đã là đời vua thứ ba của vương triều, Trần Nhân Tông dường như vẫn coi địa vị mà mình và rồi cả con cháu mình có được chỉ là tạm bợ. Sử liệu và cả tư liệu dã sử khẳng định nhà vua ngay từ thời trẻ đã thích ăn chay, thường dùng bữa đạm bạc. Mọi nhu cầu trong đời sống hàng ngày của Trần Nhân Tông được ghi nhận là "Nhìn xem phú quý tâm tình nhưng nhưng", "Lòng hằng nhớ giữ tôn phong nhà Thiền" (Thiền tông bản hạnh). Gần cuối đời, có lần " ngự cung Trùng Quang, vua (Anh Tông) đến chầu, quốc công Quốc Tuấn đi theo. Thượng hoàng nói: "Nhà ta vốn là người mạn dưới, đời đời chuộng dũng cảm, thường xăm hình rồng vào đùi. Nếp nhà theo nghề võ, nên xăm rồng vào đùi để tỏ là không quên gốc".(Đại Việt sử ký toàn thư).
 
Tuy nhiên, Ngài cũng biết rõ, rằng phú quý và đặc quyền, sự phân tầng về địa vị và thân phận là điều vẫn tiếp tục diễn ra trong triều đình theo cách không thể ngăn cản được. Nhân loại ở thời điểm ấy chưa nơi nào biết tới dân chủ và bình đẳng, chưa ở đâu có thể thực hành việc xóa bỏ mọi cách bức giữa người với người, trừ trong giáo lý Phật giáo.
 
Được giáo dục kỹ lưỡng về nội dung các học thuyết lớn lưu hành trong khu vực đương thời, tùy theo từng hoàn cảnh và tình huống cụ thể mà Trần Nhân Tông phát huy sở học tương ứng, nhưng điểm hồi quy và sự lựa chọn cá nhân tối hậu trong hành xử của Trần Nhân Tông là Thiền.
 
"Phật pháp bất ly thế gian pháp" vốn là lựa chọn hành xử của cả Đại tông phái Đại thừa trong Phật giáo. Xét trên bình diện giáo lý lẫn trên bình diện tu tập, Thiền tông ở Việt Nam trong các thế kỷ VIII – XIV không có nhiều sự đổi mới hay bổ sung so với Thiền tông trong cả khu vực Đông Á. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở địa vị của Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng trong bức tranh toàn cảnh của đời sống tinh thần xã hội.
 
Nhiều nhà nghiên cứu từ trước tới nay thường cho rằng vào các thế kỷ đầu của kỷ nguyên độc lập ở Việt Nam sau năm 939, Phật giáo là quốc giáo. Có lẽ đó là một sự khẳng định theo hướng đơn giản hóa, có nguy cơ khi suy diễn tiếp tục sẽ đưa lại những ngộ nhận. Tuy nhiên, việc trên dưới một nửa thiên niên kỷ Phật giáo và đội ngũ tăng lữ có vị trí kề cận ngai vàng và từng có vai trò rất quan trọng trong suốt cả 5 triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần lại là một sự thật lịch sử, và điều đó không từng xảy ra trong lịch sử chính trị của các vương triều thuộc các quốc gia Đông Á.
 
Và đỉnh điểm của sự kết hợp Thiền tông với quyền lực chính trị tối cao trong một vương triều diễn ra chính trong thời của Trần Nhân Tông. Như đã biết, Ngài chính là vị vua duy nhất đồng thời trở nên giáo chủ, sáng lập ra hẳn một giáo phái. Chính vì thế, đời sau mới xưng tụng duy nhất một mình Ngài là Phật hoàng.
 
Đây không phải chuyện danh xưng, không phải là hô ngữ chỉ nhằm vinh danh một con người.
 
Chắc chắn rằng Trần Nhân Tông đã đủ thời gian và trí lự để đọc, nghiền ngẫm và tự mình rút ra được rất nhiều những tri thức từ các lý luận quyền lực của các học thuyết từng hiện hữu trong nền văn hóa khu vực và vô số bài học kinh nghiệm từ các bộ sử lớn của Trung Quốc và Việt Nam cho công việc làm vua của mình. Giữa các học thuyết ấy, Phật giáo cơ hồ không có lý luận về quyền lực thế tục nói chung, chỉ quan tâm đến quyền năng của những ai sau khi đã giác ngộ.
 
Học thuyết Lão – Trang với chủ trương "vô vi nhi trị" nổi tiếng cũng chưa bao giờ trở thành cẩm nang chính trị của những người cầm quyền giàu tham vọng, nhiều lắm chỉ là lý tưởng chính trị (trong phần lớn trường hợp biến thành sáo ngữ) của những "triết nhân sầu não" trót bị / được "đặt nhầm chỗ" lên ngai vàng. Khi học thuyết này bị / được tôn giáo hóa thì sức hấp dẫn của nó về phương diện thể hiện tác động vào "cõi nhân gian" cũng lại bắt nguồn từ "cõi trên" siêu nhiên.
 
Tập trung bàn về quyền lực cai trị và nghệ thuật cầm quyền với tư cách là những học thuyết nhập thế, cứu thế, đó là nội dung căn bản của Pháp trị và Nho thuật, trong đó Pháp gia nghiêng mạnh mẽ về thuật cai trị của nhà cầm quyền tối cao, trong khi Nho gia bàn rộng, bàn kỹ hơn về bổn phận của cả tầng lớp sĩ và bộ máy quan lại với chức năng "tả phù, hữu bật" giúp Hoàng đế đưa thiên hạ đến cảnh thái bình thịnh trị.
 
Không còn nguồn sử liệu đáng kể để ngày nay nhà nghiên cứu có thể hình dung, dù chỉ trên những nét đại thể, về quá trình tiếp nhận tri thức liên quan đến việc cầm quyền bính tối cao của các bậc vua chúa ở các thế kỷ X – XV nói chung, nhưng qua sử liệu về diễn biến nền chính trị thực tế, có thể nhận ra không quá khó khăn dấu ấn của các học thuyết đó. Với địa vị, tư chất và thân phận của mình, Trần Nhân Tông chắc chắn đã được đào tạo và tự mình tìm hiểu kỹ lưỡng về lý thuyết cùng những bài học về nghệ thuật cai trị từ cả nền chính trị trong nước lẫn nền chính trị khu vực.
 
Nhiều bằng chứng cho thấy Trần Nhân Tông hiểu rất rõ và vận dụng một cách rất thuần thục, thậm chí đầy sáng tạo, nghệ thuật làm vua theo tri thức và kinh nghiệm từ các vị vua chúa nổi bật chịu ảnh hưởng của Nho gia và cả Pháp gia, nhưng với tư cách là một đấng quân vương, Ngài không phải là một trong số họ. Hoàng đế Trần Nhân Tông thực thi bổn phận đế vương (với những tiêu chí là dựa theo sự tổng kết của Nho gia và Pháp gia) của mình trên nền tảng của một thiền sư đã đắc đạo sớm, đó mới chính là đặc điểm nổi bật hàng đầu khi phục dựng lại chân dung của vị vua độc nhất vô nhị này.Và với một chân dung như vậy, Trần Nhân Tông trở nên là một điểm ngưng kết tuyệt đẹp của tâm thức lịch sử cộng đồng, một mẫu người cầm quyền lạ lẫm, kết hợp được tối đa chủ nghĩa vị tha, tinh thần "từ, bi, hỉ, xả"của nền đạo đức và cũng là sản phẩm của sự tu hành, nghiệm sinh và chứng ngộ theo Phật giáo với những phương diện tích cực lịch sử mà lý thuyết và thực tiễn cai trị của các bậc đế vương thành công nhất theo Nho giáo đã đúc kết được.
 
Sống trong cõi đời năm mươi năm, hai mươi năm đầu đời là hoàng trưởng tử rồi Thái tử, cũng là hai mươi năm làm một người học trò của các vị sư phó thuộc đủ các môn phái và lý thuyết, Trần Nhân Tông lên ngôi lúc vừa 20 tuổi. Ngài ở ngôi 14 năm, rồi nhường ngôi làm Thượng hoàng, tiếp đó xuất gia, tuy vẫn tham gia quyết định những công việc lớn của triều đình.
 
Với một hành trạng như vậy, có thể nói Trần Nhân Tông hội đủ điều kiện để đi từ suy ngẫm đến việc thực hành một thứ "đạo làm người" và trong thực tế đã sống một cuộc đời hoàn hảo, tuyệt mỹ.
 
Đối diện với những vấn đề mang tầm quan trọng hàng đầu của đời sống, của thời đại, kể cả những giới hạn vượt ra ngoài sự khắc phục của con người trong thời đại đó, Trần Nhân Tông bằng cuộc đời mình cho thấy Ngài đã đạt tới những "đáp án" tràn đầy "sự thành thục nhân tính". Điều quan trọng nữa là những đáp án ấy không chỉ dành cho một loại người đặc biệt nào, mà còn có thể dành cho mọi cuộc đời, mọi thân phận trong xã hội. Thật khó hình dung một cuộc đời hoàn hảo hơn, cho dẫu thế gian này, diễn đạt theo cách của R. Tagor, mãi mãi vẫn chỉ có thể là một "thiên đường xộc xệch"!
 
Theo VNN

[1] Đại Việt sử ký toàn thư: "Thế giặc rất mạnh, vua phải lui giữ sông Thiên Mạc. …Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Trần Nhật Hiệu hỏi kế sách. Nhật Hiệu đang dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ " Nhập Tống" lên mạn thuyền. Vua hỏi quân Tinh Cương (là đội quân do Nhật Hiệu chỉ huy) ở đâu? Nhật Hiệu đáp "Không gọi được chúng đến". Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ trả lời: "Đầu thần chưa rơi xuống đất,xin bệ hạ đừng lo gì khác!".

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here