Đây là thời gian vua Trần Nhân Tông nắm quyền trị vì cùng Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông lo toan việc nước. Đây cũng là thời gian nước Đại Việt phải đương đầu với một thách thức vô cùng hiểm nguy quyết định sự tồn vong của đất nước. Đó là cuộc xâm lược năm 1285 và năm 1287-1288 của đế chế Mông Nguyên với số lượng quân viễn chinh huy động cao nhất và với những thay đổi trong chiến lược quân sự nhằm quyết tâm đánh chiếm nước Đại Việt để mở đường bành trướng xuống Đông Nam Á.
Nói đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, mọi người đều biết đến tài năng quân sự kiệt xuất và công lao to lớn của vị Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Trần Hưng Đạo là một anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự đã được sử sách ghi nhận và nhân dân đời đời tôn vinh như một vị Thánh với danh hiệu “Đức Thánh Trần”. Nhưng thật là bất công nếu chúng ta không thấy hết vai trò của triều đình, đặc biệt là người đứng đầu vương triều, cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia. Đó là vị Hoàng đế trẻ tuổi Trần Nhân Tông (khi lãnh đạo cuộc kháng chiến năm 1285 và 1287-1288, nhà vua ở tuổi 28-31) và Thượng hoàng Trần Thánh Tông. Chính vua Trần Nhân Tông, năm 1283, đã tiến phong Trần Quốc Tuấn làm “Quốc công tiết chế thống lĩnh thiên hạ chư quân sự”. Và cũng chính nhà vua cùng Thái Thượng hoàng và triều đình trên cương vị quản lý quốc gia đã lo chuẩn bị cho cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc, lo phát triển kinh tế, củng cố an ninh chính trị xã hội, lo xây dựng lực lượng quấn sự, tạo nên sức mạnh chiến thắng mà sau này Trần Quốc Tuấn đã tổng kết là “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức”. Trong một số trường hợp cần thiết, để động viên quân sĩ và góp sức vào cuộc chiến, nhà vua cũng trực tiếp cầm quân đánh giặc như tiếp ứng cho trận Vạn Kiếp, chặn địch vượt sông Nhị, cùng Thượng hoàng đánh trận Trường Yên, Tây Kết trong kháng chiến năm 1285, hay nhà vua cùng Thượng hoàng đem quân tiếp ứng cho trận quyết chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vua Trần Nhân Tông cùng Thượng hoàng Trần Thánh Tông xứng đáng là những Hoàng đế – Anh hùng.
Sau khi Thượng hoàng mất, từ năm 1290 đến năm 1293, vua Trần Nhân Tông một mình điều hành triều chính. Năm 1293, nhà vua nhường ngôi cho con là vua Trần Anh Tông, lui về phủ Thiên Trường (Nam Định) làm Thái Thượng hoàng, nhưng vẫn cố vấn và giám sát nhà vua. Vốn rất tôn sùng đạo Phật, năm 1299, nhà vua xuất gia, lên núi Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó nhà vua mang pháp danh là Điều Ngự Đầu Đà hay Hương Vân Đại Đầu Đà, thưòng gọi là Điều Ngự Giác Hoàng. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông sáng lập mang tính nhập thế, tính dân tộc, tính nhân bản rất cao và do uy tín của Trúc Lâm đệ nhất tổ nên đã qui tụ được mọi tông phái Phật giáo Đại Việt thành như một tổ chức Phật giáo thống nhất của cả nước.
Tuy xuất gia nhưng Điều Ngự Giác Hoàng vẫn lo toan vận nước, từ núi Yên Tử “thời thường dạo chơi để xem động tĩnh, cốt để ngừa cái mối lo nước ngoài xâm phạm” (Ngô Thì Nhậm, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh).
Trong kháng chiến chống Mông – Nguyên, một kế sách rất nguy hiểm của nhà Nguyên là năm 1282 mở cuộc chinh phạt Chămpa để vừa xâm chiếm Chămpa, vừa tạo lập một bàn đạp mở cuộc tấn công từ phía Nam lên phối hợp với ba hướng tấn công chủ yếu từ phía Bắc xuống, tạo thành bốn gọng kìm bao vây, đánh bại nước Đại Việt. Đồng thời nhà Nguyên còn bắt nhà Trần phải cho mượn đường và cung cấp lương thực cho quân Nguyên nhằm gây mầm chia rẽ và xung đột giữa hai nước. Nhà Trần đả phá tan âm mưu đó bằng cách không những không chấp nhận các yêu sách của nhà Nguyên mà còn phái quân đội vào Nam giúp Chămpa, theo Nguyên sử là hai vạn quân và 500 chiến thuyền, cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Quân Nguyên do tướng Toa Đô phải vượt biển vào cảng Chiêm Thành (Quy Nhơn) rồi tiến đánh kinh đô Vijaya (thành Chà Bàn, Bình Định) của Chămpa. Dưới sự lãnh đạo cùa vua Indravarman V và Hoàng tử Sri Harjit, quân dân Chămpa rút lên miền núi, lập căn cứ, tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi, buộc quân Nguyên phải rút khỏi kinh đô, kéo ra chiếm giữ miền Ô, Lý (Thừa Thiên Huế và Nam Quảng Trị) để năm 1285 đánh ra phía Nam Đại Việt nhưng lực lượng bị giảm sút nhiều. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên cùa Chămpa năm 1282 – 1283 có sự tham gia trợ lực của Đại Việt và chiến thắng đó lại làm phá sản mọi kế hoạch quân sự của nhà Nguyên, tạo thuận lợi cho thắng lợi của Đại Việt trong kháng chiến chống Nguyên năm 1285. Trong lịch sử quan hệ Đại Việt – Chămpa, đây là biểu tượng đẹp đẽ của tinh thắn đồng minh chiến đấu của cuộc kháng chiến chống Nguyên của Chămpa là Hoàng tử Sri Harijit khi lên làm vua tức vua Jaya Sinhavarman IV (1285? – 1307) mà sử ta chép là Chế Mân.
Để tiếp tục củng cố và phát huy mối quan hệ hòa hiếu đó, năm 1301 nhà vua với cựơng vị một đại sư đã vân du nhiều nơi rồi nhân sứ giả của vua Chămpa sang cống lễ vật, nhà vua theo sứ bộ thăm đất nước láng giềng phương Nam này trong 5 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8 năm Tân Sửu – 1301). Đây là một cuộc viếng thăm ngoại giao đặc biệt, người cầm đầu bề ngoài là một đại sư nhưng thực sự vẫn là một Thái thượng hoàng đầy uy tín. Chính trong cuộc viếng thăm này, nhà vua đã hứa gả công chúa cho vua Chế Mân nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ Đại Việt – Chămpa, một quan hệ láng giềng giữ vai trò trọng yếu trong bố phòng lực lượng tự vệ và trong cuộc đấu tranh chống họa xâm lược phương Bắc mà nhà Tống và nhà Nguyên đã ra sức lợi dụng.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân diễn ra không đơn giản vì ngay thời bấy giờ không mấy người hiểu biết suy tư, tính toán của vua Trần Nhân Tồng. Năm 1305, vua Chămpa sai sứ bộ hơn trăm người do Chế Bồ Đài cầm đầu, đem nhiều báu vật gồm vàng bạc, hương liệu quý và của lạ làm lễ vật cầu hôn. Trong quan niệm tự coi là thiên tử, phần nhiều triều thần đều cho là không nên. Duy chỉ có Văn Túc vương Đạo Tái trong hàng quý tộc và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung trong hàng sĩ phu là hiểu ý Thượng hoàng và thuyết phục mọi người. Năm 1306 vua Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua
Chămpa Chế Mân và vua Chế Mân đem hai Ô, Lý làm vật dẫn cưới. Quyết sách đối ngoại của Thượng hoàng Trần Nhân Tông được thực hiện, nâng cao và thắt chặt quan hệ bang giao hòa hiếu giữa hai nước Đại Việt – Chămpa.
Năm 1307, nhà Trần đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa, cuối Trần lập thành lộ (trấn?) Thuận Hóa. Lúc đầu, một bộ phận cư dân Chămpa trên đất Ô, Lý như các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không tôn thuận, nhưng nhà Trấn cử một trọng thần là Tham tri chính sự Đoàn Nhữ Hài, người đã đi sứ Chămpa, về tận nơi phủ dụ, ban hành chính sách bổ dụng người Chămpa làm quan, cấp ruộng đất, tha tô thuế trong 3 năm. Đất Thuận Hóa ra đời trong sự hội nhập vào lãnh thổ Đại Việt không phải bằng sự lấn chiếm hay xâm lược mà là sản phẩm của quan hệ đồng minh, của sự hòa hiếu và của một cuộc hôn nhân mang ý nghĩa lịch sử. Người thiết kế cuộc hôn nhân ngoại giao này là Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người thực thi là vua Trần Anh Tông và người vì nước chấp thuận làm hoàng hậu một quốc vương láng giềng phương Nam là công chúa Huyền Trân. Sau khi xuất gia, vua Trần Nhân Tông vẫn tham dự việc nước và để lại một công lao to lớn như vậy.
Vua Trần Nhân Tông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa lớn của đất nước. Tác phẩm còn lưu truyền lại đến nay gồm có những bài thơ còn được chép lại trong Việt âm thi tập do Phan Phu Tiên và Chu Xa sưu tầm, trong Nam Ông mộng của Hồ Nguyên Trừng, Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn; đặc biệt hai bài phú chữ nôm mang tên Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, cùng bài văn Thượng sĩ hành lục viết về tiểu sử Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung in trong sách Thượng sĩ ngữ lục, và một số bài giảng về đạo Phật chép lại trong Thánh đăng ngữ lục và Tam tổ thực lục. Tác phẩm nói lên tấm lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, niềm tự hào dân tộc và triết lý Phật học uyên bác của nhà vua. Vua Trần Nhân Tông là một vị Vua-Bụt, một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Tại am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, nơi vị Trúc Lâm Đệ nhất Tổ viên tịch năm 1308, còn lưu giữ một tòa tháp mang tên “Phật Hoàng tháp”. Vua Trần Nhân Tông là một Anh hùng dân tộc, một Phật hoàng, một Vua – Phật, một nhà văn hóa lớn của dân tộc.
=================================
Những bài tham luận của các nhà nghiên cứu mà Ban Biên Tập chúng tôi giới thiệu trong chuyên đề này, được trích từ Kỷ yếu tham luận tại Tọa đàm khoa học về Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhân đại lễ khánh thành Đền thờ Hoàng Đế Trần Nhân Tông tại Huế. Tôn trọng ý kiến của các tác giả, VHPG giới thiệu nguyên văn các tham luận nói trên.
Chân thành cám ơn Ban Tổ Chức Tọa đàm khoa học và một số tác giả đã đồng ý cho VHPG đăng tải các tham luận trong số này.
Trân trọng
Ban biên tập
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 71: G.S. PHAN HUY LÊ | Chủ tịch Hội khoa học lịch sử việt nam