Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Tổng thống APJ Abdul Kalam trở thành cố vấn cao cấp của...

Tổng thống APJ Abdul Kalam trở thành cố vấn cao cấp của Đại học viện Nalanda

150
0

Sau 5 năm tại vị, ngài Tổng Thống nước Cộng Hoà Ấn Độ sẽ từ nhiệm vào ngày 24 tháng 7 này và tiếp tục được vinh dự đề cử chức vụ “Cố vấn cao cấp” của Đại học viện Nalanda-một trong những Trung tâm nghiên cứu giảng dạy và học tập về Tôn giáo, lịch sử, khoa học cổ nhất và uy tín nhất của nhân loại. Ngoài ra, ngài Tổng thống còn được mong đợi sẽ là Giảng viên danh dự của trường Đại học Anna-Viện Công nghệ Madras ở Chennai.



Trang thông tin điện tử của tờ Indian eNews dẫn lời một quan chức cấp cao của văn phòng Thống Đốc bang Bihar hôm thứ tư tuần trước cho biết: “Chính quyền Bang Bihar sẽ đề nghị Kalam đồng ý tiếp nhận vị trí danh dự này ngay sau khi ông mãn nhiệm vào cuối tháng 7 năm nay”


Đại học đường Nalanda (Theo ngôn ngử Sankrit thì Nalanda có nghĩa là: “Truyền đạt kiến thức”) một thời lừng danh với vai trò là cái nôi của nền học thuật, viên bảo ngọc tri thức rạng ngời của Á Đông suốt nhiều thế kỷ; nơi đây đã sản sinh cho nhân loại những thiên tài tri thức của những năm tháng vàng son thấm nhuần nền minh triết cổ Đông Phương. Các khoa học gia ngày nay đã tìm thấy những chứng cứ xác định rằng Đại học đường Nalanda đã từng là ngôi nhà học thuật của hơn 10.000 sinh viên và 2000 giảng viên từ khoảng 93 quốc gia trên thế giới về đây tu học từ các môn thần học, luận lý học, y học cho đến nhiều môn khoa học khác, trong đó có ngài Huyền Trang và ngài Pháp Hiển thuộc Trung Quốc Đại Đường Châu thổ đến đây vào thế kỷ thứ sáu và thứ bảy. Tuy nhiên, Nalanda đã bị quân Hồi giáo Thổ Nhỉ Kỳ phá huỷ trong cuộc xâm lăng Ấn Độ vào thế kỷ 12 để rồi rơi bị vào quên lãng trong cuộc thăng trần của nhân thế.


Ý tưởng trùng tu ngôi đại viện danh giá một thời của nhân loại được nhen lên  từ những năm 1990’ trong lòng giới thức giả tâm huyết với những giá trị văn minh của nhân loại; tất cả như tạo nên những “tiếng đồng vọng” từ những tâm hồn cao thượng tôn vinh những giá trị cao đẹp của trí thức để rồi tạo nên những hiệu ứng dây chuyền mà kết quả là một loạt các quốc gia từ Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ đã tìm được tiếng nói chung trong việc vận hành dự án vĩ đại: Trùng tu Đại học viện Nalanda.


Trong công cuộc tái thiết vĩ đại này, vai trò của Thổng thống Kalam vô cùng quan trọng. Với những sáng kiến của mình trong thời gian đương nhiệm, Kalam đã khởi đầu cho một mô hình Nalanda hiện đại để từ đó các quốc gia Đông Á khác có cơ hội cùng ngồi vào bàn thương thảo trong lộ trình vạch ra những tiêu chí và hướng triển khai dự án quy mô này.


Theo ngài Tổng Thống (Mặc dù là một tín hữu đạo Hồi) thì Nalanda một học viện xây đắp niềm tin và sự thương yêu cũng như tinh thần đoàn kết giữa các tôn giáo và mọi thành phần sắc tộc trên tinh thần hiểu biết và tỉnh thức. Tổng Thống đã có lời phát biểu đọc trong  Diễn Văn Khai Mạc Hội Nghị Của Các Lãnh Tụ Phật Giáo Thế Giới và Du Lịch Tâm Linh Vigyan Bhavan, New Delhi, 17 – 02 – 2004 do Thầy Thích Giác Hoàng chuyển ngữ, đăng trên trang nhà của Đạo Phật ngày nay. Nội dung của trích đoạn như sau: “Thưa các thân hữu, sự hỗn loạn và mất thăng bằng của thế giới bắt nguồn từ sự thiếu niềm tin và thù hằn lẫn nhau, đã đưa đến bạo động. Thế giới này cần có một trường đại học của hoà bình, tỉnh thức và tư tưởng lớn. Như tôi đã nói ở trước, sau khi thành đạo, đức Phật đã liên tục du hành trong 45 nơi khác nhau trong khu vực Nalanda ở Bihar và Utta Pradesh và xung quanh các nơi đó. Mọi chỗ Ngài đến đều có ý nghĩa quan trọng cho sự giác ngộ tâm linh. Để tưởng nhớ sự kiện trọng đại này, trường đại học Nalanda cần phải được tái lập để ôn lại triết học của đức Phật, để gìn giữ và tìm ra một ý nghĩa mới − một trường đại học của sự đoàn kết và hiểu biết toàn cầu”. 


Người ta nói với nhau rằng: Trùng tu Đại học đường Nalanda được xem là một dự án mà Kalam đã ước mơ trong suốt cuộc đời của mình.


Chính quyền bang Bihar mong muốn Kalam sẽ chấp nhận lời đề nghị của họ để trở thành “Cố vấn cao cấp” cho việc trùng tu cũng như vận hành học viện Nalanda. Với vai trò của mình, “Cố vấn cao cấp” sẽ là một trong những nhân vật tối cao được tham gia tiến trình lựa chọn vị trí Phó Viện chủ cũng như góp phần vào việc hình thành các quy chuẩn cũng như luật tắc của học viện khi nó được đưa vào hoạt động.


Trong tiến trình hợp nhất quan điểm và phân công nhiệm vụ để sớm đưa dự án vào triển khai, trong hai ngày 13 và 14 tháng 7 vừa qua, tổ công tác dự án Nalanda gồm các chính khách, nhà thông thái và thức giả của thế giới đã nhóm họ tại Singapore, tham dự gồm có trưởng dự án-chuyên gia kinh tế, Amartya Sen, người đạt giải Nobel Kinh tế 1998, Ngoại trưởng Singapore George Yeo và các quan chức cấp cao của các chính phủ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản… ngoài ra còn có Tiến sĩ Lord Meghnad Desai, giáo sư  Đại học Kinh tế London, Sugata Bose, giảng sư Đại học Havard và các nhà nghiên cứu Phật học khác.


Sau cuộc họp ở Singapore lần luợt ba phiên nhóm họp khác sẽ được diễn ra tại Trung Quốc, Nhật Bản và Bang Bihar để ấn định toàn bộ những công việc cần làm từ nguồn tài trợ cho đến, mô hình kiến trúc, kế hoạch tuyển sinh trong từng giai đoạn và chương trình giảng dạy…


Theo thông tin chính thức từ chính quyền bang Bihar thì một khu đất diện tích trên 500 mẫu Anh (tương đương 200 ha) đã được quy hoạch sẳn sàng cho công cuộc tái thiết tầm vóc này. 


Hoà cùng dòng chảy của nền văn minh của nhân loại, Nalanda-một thánh địa của Phật giáo, một nơi thường được nhắc đến trong các tác phẩm văn học cổ Trung-Ấn. Nếu Bồ Đề Ðạo Tràng (Buddhagaya) là nơi đức Phật chứng ngộ giáo pháp vô thượng, thấu đạt mọi lẽ huyền vi của vũ trụ thì Nalanda là đất thiêng đã truyền chiếu ánh sáng vô thượng, soi rọi chân tâm cho biết bao thế hệ ở khắp nơi trên địa cầu và nếu Lộc Uyển (Migadàya hay Sarnath) là thánh địa, bởi ở đó đức Phật đã chuyển pháp luân và thành lập Tăng đoàn đầu tiên thì Nalanda là đất thiêng đã hoằng truyền chánh pháp, tiếp tục công hạnh chuyển đại pháp luân, đào tạo ra những vầng “nhật nguyệt” soi sáng rạng ngời một vùng trời Viễn Đông trong một thời gian dài ngót hơn ngàn năm tồn tại và phát triển của học viện.


Tuy nhiên, như sự xuất hiện của các pháp trong thế gian, Nalanda đã trãi qua một quá trình “Thành-Trụ-Hoại-Không” trong điệu vũ tuần hoàn bất tận của dòng chảy và sự vận động mênh mông của vũ trụ. Như trong lời giáo huấn của Như Lai về lý duyên khởi, mọi sự kết thúc để mở đường cho một giai đoạn chuyển tiếp mới và tiếp tục cho một tiến trình khép lại trong một ngày không xa. Đó cũng là duyên khởi cho hôm nay, Nalanda được hồi sinh để tái diễn một chu kỳ mới, ở đó mặt trời lại được thắp sáng. Một rạng đông đang ló dạng để thắp lên một ngày mới trong sự vận hành uyên nguyên của bóng tối, thời gian, không gian, mặt trời, con người và cả dòng chảy tri thức của nhân loại….




Hồ Công

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here