Trang chủ Phật học TỔNG LUẬN VỀ TỨ THẦN TÚC TỪ A-HÀM, NIKĀYA ĐẾN A-TỲ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ

TỔNG LUẬN VỀ TỨ THẦN TÚC TỪ A-HÀM, NIKĀYA ĐẾN A-TỲ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ

161
0

I/ NGỮ NGUYÊN TỨ THẦN TÚC

Tứ thần túc 四神足 hay Tứ như ý túc 四如意足, Sanskrit viết làCatvāra ṛddhipādāḥ.  Pāli là Cattāroiddhipādā. Tạng ngữ: རྫུ་འཕྲུལ་གྱི་རྐང་པ་བཞི་” rdzu ‘phrul gyi rkang pa bzhi[1], chúng ta có thể tam dịchrdzu ‘phrul gyi rkang pa bzhi từ Tạng ngữ như sau: Bốn cơ sở của năng lực vi diệu (four bases of miraculous powers), Bốn cơ sở năng lực siêu việt (four bases of supernormal power), bốn cơ sở của thần thông (the four legs of miracles), đặc tính vĩ đại của bốn cơ sở sức mạnh tuyệt diệu; (the great attribute of the four bases of miraculous power) v.v..

Catvāra nguyên vị chưa biến cách, viết ở giống trung là catvāri:có nghĩa là bốn, Tạng ngữ là “bzhi”; Ṛddhi của tiếng Phạn và Iddhi của Pāli đều có nghĩa là sức mạnh tâm linh; sức mạnh tinh thần, Anh dịch Ṛddhi và Iddhi là psychic power. Pāda là chân, hay phần cơ bản, cơ sở,…

Như vậy, Catvāra ṛddhipādāḥ, nghĩa là bốn pháp căn bản thành tựu thần lực, bốn cơ sở để có sức mạnh tinh thần hay sức mạnh tâm linh. Hán dịch là Tứ thần túc 四神足; Tứ như ý túc 四如意足; Tứ như ý phần 四如意分,…

Tứ thần túc gồm:

1/Chanda-samādhi-prahāṇa-saṃskārasamannāgata-ṛddhipāda

Tạng ngữ là འདུན་པའི་རྫུ་འཕྲུལ་གྱི་རྐང་པ་. ‘dun pa‘i rdzu ‘phrul gyi rkang pa (the leg of miracle of strong interest). Pāli. chanda-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda. Chúng ta có thể giải thích chi phần thần túc đầu tiên theo Sanskrit như sau:

Chanda là ước muốn, quyết tâm, sức đẩy đi tới, đem lại sự ưa thích lớn;

Samādhi là định, đi từ động từ căn dha, có nghĩa là đặt vào một điểm, nhóm lại, tụ lại,…;

Prahāṇa, là diệt trừ, tiêu diệt, ly khai, có tiền tố từ là pra và động từ han: nghĩa là giết, đoạn, diệt trừ, phá hủy;

Saṃskāra, Pāli là SamkharaSaṃskāra có rất nhiều nghĩa. Nếu nó đi từ động từ căn Sam-skri, thì có nghĩa là đặt vào với nhau, liên kết với nhau. Nhưng nếu nó đi từ động từ căn Sams-kri thì có nghĩa là hành động liên kết, tác động liên kết và Saṃskāra là hành động có tính liên kết, sự hoạt động có tính cách xông ướp, tập luyện, thường xuyên. Hán dịch Saṃskāra là Hành, có nghĩa là hoạt động, tác động, vận hành…; Theo các nhà Phật học Abhidharma (A-tỳ-đàm) thì hành động của thân và ngữ hoàn toàn được chỉ đạo bởi Tư hay Ý chí (cetanā). Theo ngài Vasubandhu (Thế Thân)[2] thì Tư hay Ý chí (cetanā) có ba loại: Thẩm lự tư, Quyết định tư và Phát động tư. Theo ngài Budhaghoṣa, thì Hành lấy hoạt động làm tướng, lấy nỗ lực làm dụng, lấy ý chí làm động cơ và lấy vô minh làm duyên[3]

Samannāgata là thành tựu, như ý, v.v… Phân tích thành hai trường hợp, nếu tách đuôi là Gata, nó là động/tính thụ động quá khứ của động từ căn gam: đã đi; Nếu tách là đuôi Agata, nó là động tính thụ động quá khứ của động từ căn gam: đã đến;

Pāda: là Phạn ngữ nó là có thể vừa là danh từ, hoặc là động từ, biến cách bất kỳ, nguyên gốc Latin pes và Hy Lạp pous, anh dịch là Foot.  

Nên ṛddhi+pāda, là căn bản thần lực, thần túc, cơ sở thần lực… Tạng ngữ dịch là རྫུ་འཕྲུལ་གྱི་རྐང་པ་: cơ sở của sự bắt nguồn thần thông (bases of magical emanations), cơ sở của sự bắt nguồn năng lực vi diệu (legs of magical emanatio) v.v..

Vậy, Chanda- samādhi- prahāṇa-saṃskāra-samannāgata -ṛddhipāda, có nghĩa là quyết tâm thiền định tận diệt tâm hành, là cơ sở dẫn tới thành tựu thần lực. Hán dịch là Dục tam ma địa thắng hành thành tựu thần túc; Dục định diệt hành thành tựu tu tập thần túc; Dục thần túc; Dục như ý túc,…

2/ Citta-samādhi-prahāṇa-saṃskārasamannā-gata-ṛddhipāda.

Pāli. Citta-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pād,  Tạng ngữ བསམ་པའི་རྫུ་འཕྲུལ་གྱི་རྐང་པ་  bsam pa‘i rdzu `phrul gyi rkang pa.

Citta là tâm, đi từ động từ căn Ci (cinoti): tích chứa, tăng trưởng hay tích lũy và cũng có nghĩa là quán sát, tri nhận, cảm nhận. Thông thường ý nghĩa của nó, được đi từ động từ căn cit hay cint (cintayati): tư duy, suy tưởng[4]. Tạng ngữ gọi là bsam pa‘i བསམ་པ་: dịch là tư duy, suy nghĩ, tư tưởng, suy tưởng v.v.. và từ bsam pa‘i བསམ་པ có thể dịch Anh ngữ là think; thinking; imagine; thought; thinking; wish v.v..

Citta, Hán dịch là Tâm, Niệm, Ý định,…

Toàn bộ câu này có nghĩa như sau: Tâm thiền định tận diệt các hành là cơ sở thành tựu thần lực. Và đầy đủ cả câu Sanskrit này, Hán dịch là: Tâm tam ma địa thắng hành thành tựu thần túc; Ý định diệt hành thành tựu tu tập thần túc; Niệm thần túc; Niệm như ý túc,…

3/Vīrya-samādhi-prahāṇa-saṃskārasaman-nāgata-ṛddhipāda.

Tạng ngữ: བརྩོན་འགྲུས་ཀྱི་རྫུ་འཕྲུལ་གྱི་རྐང་པ་ brtson `grus kyi rdzu `phrul gyi rkang pa (miracle-leg of exertion),  Pāli. virya-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda.

Vīrya là nỗ lực, cố gắng, siêng năng, tinh cần,… Vīrya  nguyên chưa biến cách là Vyāyāma của Phạn ngữ đi từ động từ căn yam, có nghĩa là cố gắng, nỗ lực, tiến tới[5].

Ý nghĩa của câu Sanskrit này như sau: Nỗ lực thiền định tận diệt những chủng tử tâm hành là cơ sở để thành tựu thần lực. Hán dịch Vīrya-samādhi-prahāṇa-saṃskārasaman-nāgata-ṛddhipāda là: Cần tam ma địa thắng hành thành tựu thần túc; Tinh tấn định diệt hành thành tựu tu tập thần túc; Cần thần túc; Tinh tấn thần túc; Tấn Thần túc, Tấn như ý túc v.v..

4/Vīṃamsā-samādhi-prahāṇasaṃskārasaman-nāgata-ṛddhipāda.

Tạng ngữ དཔྱོད་པའི་རྫུ་འཕྲུལ་གྱི་རྐང་པ་ dpyod pa`i rdzu `phrul gyi rkang pa (the feet of miraculous discernment), Pāli. vīmaṃsā-samādhi-padhāna-saṃkhāra-samannāgata-iddhi-pāda.

Vīṃamsā có động từ căn man, có nghĩa là suy nghĩ, xem xét, cân nhắc,… Vīṃamsā có nghĩa là sự khảo sát, xem xét, suy xét, tư duy,… Nó gần bằng nghĩa với từ samkalpa (Tư duy, quán xét, suy nghiệm) đi từ động từ căn klrip, có nghĩa là suy tư, chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ, quyết định, ý kiên quyết, tự hỏi,…

Toàn bộ câu này có nghĩa: Tư duy thiền định, diệt trừ những chủng tử tâm hành là cơ sở để thành tựu thần lực. Hán dịch Vīṃamsā-samādhi-prahāṇasaṃskārasaman-nāgata-ṛddhipāda là Quán tam ma địa đoạn hành thành tựu thần túc; Quán tam ma địa thắng hành thành tựu thần túc; Tư duy diệt định hành thành tựu tu tập thần túc; Quán thần túc; Tư duy thần túc; Tư duy như ý túc; Tuệ như ý túc, Tuệ Thần túc v.v…

II/ GIÁO NGHĨA THẦN TÚC TRONG DU-GIÀ SƯ ĐỊA VÀ A-TỲ-ĐẠT-MA CÂU-XÁ…

Tỳ-bà-sa giải thích: “Do truy tầm các điều mong muốn đều được như ý, nên gọi là thần lực; duyên từ nơi thần lực mà phát ra, nên gọi là thần túc. Lại do duyên vào năng lực của ước muốn và tinh cần, mà định sinh khởi, và do dựa vào thiền định, mà tác dụng của các loại thần lực sinh khởi, nên gọi là Tứ thần túc[6].

Như vậy, Định và nguyện vô lậu tư trợ nghiệp hữu lậu khiến cho quả thành tựu tiếp nối lâu dài, càng lúc càng phát triển thành vi tế thù thắng. Theo ý nghĩa đó mà nói một cách ước lệ là chiêu cảm. Khi có sự chiêu cảm như vậy, là do sở tri chướng làm duyên trợ lực, chứ không phải độc nhất nghiệp vô lậu mà có thể chiêu cảm. Tuy nhiên, sở tri chướng không chướng ngại giải thoát; vì nó không hiệu lực phát động nghiệp và tẩm ướt mầm tái sinh[7].

Du-già giải thích rõ: Dù chỉ là vị A-la-hán hướng còn không có thêm một đời nữa, vậy vị A-la-hán đã chứng Niết-bàn giới hữu dư y (sa-upadhiśeṣa) mà hồi chuyển Đại bồ-đề làm sao có thể trải qua nhiều đời để thành Phật? Vị ấy cần phải kéo dài thọ hành để hoàn thành sự nghiệp. Bằng vào bốn như ý túc mà Thế Tôn đã mật ý nói, vi ấy tăng thọ hành (āyuḥsaṃskārān sthāpayati), lưu lại thân hữu căn (sendriyakāya), biến hóa thành một thân khác thị hiện cho các vị đồng pháp (sahadharmka) khác thấy là đã nhập niết-bàn-giới vô dư y. Do nhân duyên này, các vị đồng pháp nghĩ rằng ‘Tôn giả kia đã nhập niết-bàn giới vô dư y. Nhưng vị kia đã thân hữu căn chân thật, ở ngay trong châu Thiệm-bộ (Jambudvīpa) này, tùy theo nơi nào thích hợp, mà cả đến chư thiên cũng không thể nhìn thấy. Bởi vì vị ấy có xu hướng an trú niết-bàn tịch tĩnh, nhưng vẫn du hành khắp mọi thế giới, cúng dường thân cận Phật Bồ tát, tu tập các Thánh đạo làm tư lưong cho bồ đề, cho đến cuối cùng thành Phật, vĩnh viễn nhập niết-bàn giới vô dư y. Thân hữu căn được lưu ở đây gọi là thân biến dịch tử[8].

Chúng ta có thể đọc một đoạn Sanskrit của Câu-xá: “prajñā hi smṛtyupasthitiḥ//vīryaṃ samyakprahāṇākhyam,ṛddhipādāḥ samādhayaḥ[9]: “Tuệ niệm trụ, tinh tấn gọi là chánh cần, thần túc gọi là định”. Nhưng tại sao thần túc được gọi là định, luận nói: “samādhiḥ kasmād ṛddhipāda uktaḥ? tatpratiṣṭittatvāt sarvaguṇasampatteḥ[10]: Tại sao định lại có tên là thần túc? Bởi vì định là nền tảng[11] của thần (ṛddhi), có nghĩa là “kết quả” của tất cả các phẩm tánh hoặc các điều tốt đẹp về tinh thần[12].

Thế Thân giải thích: “ye tvāhuḥ-  “samādhir eva rddhiḥ pādāś chandādayaḥ ” iti/[13] teṣāṃ dravyatastrayodaśa bodhipakṣāḥ prāpnuvanti; chandacittayorādhikyāt/[14] sūtraṃ ca virudhyate —“ṛddhiṃ ca vo bhikṣavo darśayiṣyāmi ṛddhipādāṃś ca /[15] yāvad| ṛddhiḥ katamā? iha bhikṣur anekavidhamṛddhiviṣayaṃpratyanubhavati/[16] eko bhūtvā bahudhā bhavati” iti vistaraḥ”[17]: Nhưng có luận sư (Vaibhāṣikas) cho rằng “thần” chính là định và bốn pháp dục (chanda), tâm (citta), cần (virya), quán (mīmāmsā) là “chân” (túc) của loại “thần” này: Nếu thế lẽ ra phải nói là giác phần có đến mười ba sự, vì phải cộng thêm dục và tâm. Hơn nữa, nếu cho rằng “thần” là định tức đã đi ngược lại khế kinh. Kinh[18] nói: “Thần (ṛddhi) là gì? Là hành giả đã thực thi được các loại năng lực thần diệu khác nhau: là một nhưng hành giả lại trở thành nhiều”; v.v..  Nên từ một gốc căn bản này, mà liền chuyển biến ra thành chủng chủng quảng thuyết như các kinh luận nói[19].

Tiếp theo Câu-xá lại trình bày: “prajñāvīryasamādhisvabhāvā hi smṛtyupasthāna samyakprahāṇa rddhi -pādāḥ[20]: Thể tánh của các niệm trụ, chánh đoạn, thần túc chính là tuệ, cần và định. Nhưng tại sao nói thể tánh của các niệm trụ, chánh đoạn, thần túc là tuệ, cần và định? Điều này Luận Câu-xá bản Hán dịch Huyền Tráng có bài tụng như sau:

四念住正斷

神足隨增上

為慧勤定

實諸加行善[21].

Bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn,

Bốn thần túc dựa vào tính chất tăng thượng

Để nói là tuệ, cần và định;

Chúng cũng là các phẩm tánh sinh từ gia hành.

Thế Thân giải thích rằng:

ṛddhipādāḥ samādhisambodhyaṅgaṃ samyaksamādhiśca samādhireva[22]: Định tạo thành: bốn thần túc, một trong các giác chi là định giác chi, một trong các đạo chi là chánh định. Và “sarve tu prāyogikā guṇāḥ smṛtyupasthānasamyakprahāṇarddhipādāḥ”: Tất cả gia hành có chỗ y chỉ thành tựu pháp, đều là niệm trụ, chánh đoạn và thần túc[23].

Nói về các giác phần khác nhau được định đặt và trở thành các yếu tố quan trọng ở các giai đoạn tu chứng, Ngài Thế Thân làm bài tụng trong Câu-xá như sau: “ādikarmikanirvedhabhāgīyeṣu prabhāvitāḥ/bhāvane darśane caiva sapta vargā yathākramam”: Trong các giai đoạn sơ nghiệp, thuận quyết trạch/Tu đạo, và kiến đạo/Bảy phẩm niệm trụ, v.v.,/Tăng theo thứ tự này[24]. Sau bài tụng là một đoạn giải thích khác khá dài về noãn, đảnh, nhẫn, đệ nhất pháp v.v.. Ở đây chúng ta chỉ nói đến giai đoạn đảnh: “aparihāṇīyakuśalamūlapraveśatvāt mūrdhasvṛddhipādāḥ[25]: Ở giai đoạn của đảnh (mūrdhan) là các thần túc bởi vì nhờ các thần túc này mà giữ các thiện căn không bị thối thất.

Quan điểm trên là chủ trương của các luận sư Tỳ-bà-sa được nói trong Câu-xá, ngoài ra Thế Thân còn nêu lên quan điểm của các luận sư khác đã chứng minh thứ tự[26] của các giác chi phần (bodhipakṣyas) mà không làm xáo trộn tiến trình đã được quy định bằng cách đưa kiến đạo ra trước rồi sau đó mới đến Tu đạo[27]. Chúng ta nói đến chi thứ ba (3) ở trong tiến trình này: “tataḥ samādhiviśodhanād ṛddhipādāḥ[28]: Kế đến nhờ có sự thanh lọc (viśodhanāt) của định (samādhi) nên các thần túc mới sinh khởi và được thành tựu (prabhāvyante).

Ngoài ra theo Câu-xá quang ký 25 giải thích: “Bốn pháp này theo vị gia hạnh mà thành lập tên thì: 1/ Dục thần túc, ở đây dục đối với vị của gia hạnh mà khởi lên định nầy, vì nương vào sức sức mạnh của dục, nên định dẫn phát mà khởi lên. 2/ Cần thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh mà siêng năng tu tập định này, nhờ nương vào sức mạnh của siêng năng tinh tấn nên định dẫn phát mà khởi lên. 3/ Tâm thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh nhất tâm chuyên trụ, nhờ nương vào sức mạnh của tâm, nên định dẫn phát khởi lên. 4/ Quán thần túc, ở đây đối với vị của gia hạnh, quán sát tư duy lý, nhờ nương vào sức mạnh của quán, nên định dẫn phát mà khởi lên. Trong địa vị của gia hạnh tuy có nhiều pháp, nhưng bốn pháp này là lợi ích tối thắng. Cho nên từ bốn pháp này mà gọi tên”[29].

Trong Du-già và Câu-xá Phạn-Hán v.v.., còn nhiều giải thích khác nữa, nhưng những gì đã trình bày ở đây, chừng ấy cũng tạm coi như mở đầu, để ta có cái nhìn sơ khởi, về chủ trương Thần túc của Thế-Thân v.v.. Như vậy, tóm lại dựa theo giải thích của Tỳ-bà-sa[30], hoặc vì để thực hiện những điều Phật đã nói trước đây[31]: “Tất cả Tỷ kheo đã khéo tu tập tứ thần túc (ṛdhipāda) có thể tùy ý kéo dài một kiếp hay nhiều hơn một kiếp”[32].

III/ GIÁO NGHĨA THẦN TÚC TỪ VĂN HỆ NIKĀYA ĐẾN ĀGAMA

Một lần nọ, Thế Tôn nói với Tôn giả Đại Mục Kiền Liên giống như đại dương có chứa rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quý báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Tên của các trân bảo đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, ma ni, trân châu, bích ngọc, bạch kha, loa bích, san hô, hổ phách, mã não, đồi mồi, đá đỏ, tuyền châu. Chánh pháp luật của Như Lai cũng giống như vậy, có rất nhiều trân bảo, vô lượng đồ quí báu lạ mắt; đủ các loại đồ trân kỳ được chứa đầy trong đó. Những pháp trân bảo đó là: Bốn niệm trụ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Thánh đạo tám chi phần[33]

Như vậy, Tứ thần túc hay Tứ như ý túc là giáo lý xuyên suốt bắt nguồn từ nguyên thủy, khởi điểm đến bộ phái, phát triển. Cho nên, rất nhiều kinh ở trong hệ thông Nikāya và A-hàm có ghi lại giáo lý này. Chúng ta có thể lược qua một vài điểm, như sau:

*Tứ Thần túc, năng lực duy trì thọ mạng và sự kiện Thế Tôn Niết Bàn

Điểm này được ghi rõ trong Mahāparinibbānasuttaṃ[34], tức kinh Đại Bát-Niết-Bàn, thuộc Trường Bộ Kinh[35]; Kinh kể: Khi ấy, vào một buổi sáng, đức Thế Tôn vào, chỉnh sửa y phục, khoát Đại y, đem theo đầy đủ y bát, vào Vesāli để khất thực. Sau khi khất thực hoàn tất, ăn xong và trên đường trở về, Thế Tôn nói với tôn giả Ananda rằng: “Gaṇhāhi, ānanda, nisīdanaṃ, yena cāpālaṃ cetiyaṃ [pāvālaṃ (cetiyaṃ(syā.)] tenupasaṅkamissāma divā vihārāyā[36]: Này Ananda! Ông hãy chuẩn bị tọa cụ. Ta muốn đi đến điện thờCāpāla, để nghỉ trưa. Tôn giả Ananda kính vâng theo thánh giáo của Thế Tôn, chuẩn bị tọa cụ và đi theo sau lưng Ngài.

Khi đến điện thờ Cāpāla, Phật ngồi trên chỗ đã được dọn sẵn. Tôn giả Ananda kính lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda: “Ramaṇīyā, ānanda, vesālī, ramaṇīyaṃ udenaṃ cetiyaṃ, ramaṇīyaṃgotamakaṃ cetiyaṃ, ramaṇīyaṃ sattambaṃ [sattambakaṃ (pī.)] cetiyaṃ, ramaṇīyaṃ bahuputtaṃ cetiyaṃ, ramaṇīyaṃ sārandadaṃ cetiyaṃ, ramaṇīyaṃ cāpālaṃ cetiyaṃ[37]: “Này Ananda, khả ái thay Vesēli, khả ái thay điện thờ Udena, khả ái thay điện thờ Gotamaka, khả ái thay điện thờ Sāttambaka, khả ái thay điện thờBahuputta, khả ái thay điện thờ Sārandada, khả ái thay điện thờ Cāpāla[38].

Thế Tôn nói tiếp: “Yassa kassaci, ānanda, cattāro iddhipādā bhāvitā bahulīkatā yānīkatā vatthukatā anuṭṭhitā paricitā susamāraddhā, so ākaṅkhamāno kappaṃ vā tiṭṭheyya kappāvasesaṃ vā. Tathāgatassa kho, ānanda, cattāro iddhipādā bhāvitā bahulīkatā yānīkatā vatthukatā anuṭṭhitā paricitā susamāraddhā, so ākaṅkhamāno [ākaṅkhamāno (?)], ānanda, tathāgato kappaṃ vā tiṭṭheyya kappāvasesaṃ vā[39]: Này Ananda, những ai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo, thời nếu muốn người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại[40].

Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận biết, hay hiểu được sự gợi ý thỉnh cầu Thế Tôn: ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho loài Trời và loài Người v.v.. Kinh nói: “yathā taṃ mārena pariyuṭṭhitacitto”: vì tâm tôn giả bị Ma vương ám ảnh, nên Thế Tôn lặp lại đến ba lần như vậy, Ngài A-nan vẫn không hiểu tôn ý của Phật. Sau đó, khi A-nan đã lui ra. Ác-ma đã hiện đến trước Thế-Tôn xin ngài hãy Nhập Niết-Bàn v.v.. Thế Tôn nói với Ác-ma : « appossukko tvaṃ, pāpima, hohi, na ciraṃ tathāgatassa parinibbānaṃ bhavissati. Ito tiṇṇaṃ māsānaṃ accayena tathāgato parinibbāyissatī’’ : “Này Ác ma hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ”. Và tại điện thờCapala, Thế Tôn chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ thọ, hành, tức là không duy trì mạng sống lâu hơn nữa. Khi Thế Tôn từ bỏ thọ hành, không duy trì mạng sống thêm nữa, thời đại địa chấn động, ghê rợn, tóc lông dựng ngược, sấm trời vang dậy v.v.. Khi Thế Tôn tuyên bố với A-nan sau ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn, A-nan cầu thỉnh, Như Lai đã thành tựu bốn Thần túc thiện xảo có thể tùy ý trụ thế, nhưng Thế-Tôn không hứa khả vì A-nan đã bỏ quan nhân duyên thích hợp để cầu thỉnh v.v…

Sự kiện này cũng được ghi lại tương tự ở trong Kinh Đại Bản, thuộc văn hệ A-hàm, như sau: “Này A-nan, những ai tu bốn thần túc, tu tập nhiều, thường ghi nhớ không quên, người ấy tùy theo ý muốn có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp. A-nan, Phật đã tu tập nhiều bốn thần túc, chính niệm, chính tri, tùy theo ý muốn, Như Lai có thể sống hơn một kiếp, để trừ minh ám cho đời, đem lại nhiều lợi ích, trời và người đều được an ổn.”[41]v.v..

Qua những gì hai kinh đã dẫn ở trên đã thuật lại, chúng ta biết rằng: những ai đã tu tập bốn thần túc, tu tập nhiều lần, rất lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững kiên cố, điêu luyện, thiện xảo v.v…thì người ấy nếu muốn thì họ có năng lực có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Và chúng ta còn biết thêm một điều rằng đức Như Lai là đấng tu tập thành tựu bốn thần túc, tu tập miên mật, thiện xảo, điêu luyện, kiên cố bốn thần túc v.v…Nên Như Lai nếu muốn ngài có đầy đủ năng lực để duy trì mạng sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại[42].

*Tứ như ý túc câu hữu với thiền định

Trong Majjhimanikāyo, Kinh Cetokhila[43], (Kinh Tâm Hoang Vu, Trung Bộ Kinh)[44]  kể lại một thời Đức Thế Tôn, ở tại Kỳ-thọ Cấp-cô-độc viên, dạy rõ cho các vị Tỷ-kheo pháp có thể đạt giác ngộ, thoát khỏi trói buộc, đạt được vô thượng an ổn.

Kinh nói: Vị Tỷ-kheo nào chưa tận diệt: « pañca cetokhilā appahīnā »: năm tâm hoang vu[45], và « pañca cetasovinibandhā » : năm tâm triền phược, vị ấy không thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật[46]. Còn vị nào đã diệt tận : « pañca cetokhilā appahīnā » : năm tâm hoang vu[47], và « pañca cetasovinibandhā » : năm tâm triền phược này, thời thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật[48].

Thế Tôn dạy: “So chandasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti. Vīriyasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti. Cittasamādhi- padhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti. Vīmaṃsā samādhi padhānasaṅkhāra -samannāgataṃiddhipādaṃ bhāveti. Ussoḷhīyeva pañcamī[49]: Vị này tu tập như ý túc câu hữu với dục Thiền định, tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tinh tấn Thiền định, tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tâm Thiền định, tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tư duy Thiền định, tinh cần hành; với nỗ lực là thứ năm[50].

Như vậy, Kinh kết luận, vị Tỷ-kheo nào thành tựu đầy đủ mười lăm pháp: tận diệt năm tâm hoang vu, tận diệt năm triền phược, tu tập sung mãn bốn như ý túc và kể cả pháp nỗ lực, thời có đủ khả năng để phá vỡ, có đủ khả năng để giác ngộ trực tiếp, có đủ khả năng để thành tựu tối thượng an ổn khỏi các trói buộc giam cầm[51].

*Tứ Thần Túc liên hệ đến Bát Thánh Đạo

Kinh kể lại, cũng vào một thời đức Thế Tôn an trú tại Xá-vệ, bấy giờ đức Thế Tôn gọi các vị Tỷ-kheo để giảng về Đại Kinh Sáu Xứ[52].  Kinh có nhiều đoạn lặp lại chi tiết giống. Nhưng chúng ta có thể đọc lại một đoạn sau đây để thấy được sự liên hệ sơ khởi giữa Tứ Như Ý Túc và Bát Thánh Đạo: ‘‘Tassa evaṃ imaṃ ariyaṃaṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ bhāvayato cattāropi satipaṭṭhānā bhāvanāpāripūriṃ gacchanti, cattāropi sammappadhānā bhāvanāpāripūriṃ gacchanti, cattāropi iddhipādā bhāvanāpāripūriṃ gacchanti, pañcapi indriyāni bhāvanāpāripūriṃgacchanti, pañcapi balāni bhāvanāpāripūriṃ gacchanti, sattapi bojjhaṅgā bhāvanāpāripūriṃ gacchanti[53]: Do sự tu tập Thánh đạo có tám thành phần này như thế, bốn niệm trụ đi đến tu tập và phát triển sung mãn; bốn chánh cần cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; bốn thần túc cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; năm căn cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; năm lực cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn; bảy giác phần cũng đi đến tu tập và phát triển sung mãn.

Qua đoạn kinh trên chúng ta thấy rằng không phải chỉ riêng Tứ Thần Túc, mà các phẩm đạo khác cũng có mối liên hệ với Bát Thánh Đạo, nghĩa là do tu tập Bát Thánh Đạo mà các phẩm đạo khác cũng được sung mãn.

Và kinh kết thúc thế này: Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp cần phải chứng ngộ với thượng trí? Minh và giải thoát, những pháp này cần phải thể chứng và giác ngộ với thượng trí. Thế Tôn diễn thuyết như thế. Các Tỷ-kheo ấy, hoan hỷ kính tin và lãnh thọ lời Thế Tôn thuyết dạy[54].

*Phương pháp tận diệt các pháp bất thiện và phiền não vướng mắc.

Trong Kinh Tương Ưng BộĐại Phẩm, đức Phật đã đưa ra nhiều phương thức tu tập để đoạn trừ các phiền não, lậu hậu, trong đó pháp Tứ Thần Túc, được trình bày trong Iddhipādavaggo[55] tức Phẩm Thần Túc[56] và phần giải thích giống như phẩm Satipaṭṭhānavaggo (Phẩm Niệm Trụ)[57]. Đức Phật dạy để đoạn tận các pháp bất thiện Tứ Thần Túc cần được thực hành, hay nói cách khác những ai tu tập Tứ Thần Túc này thành tựu, có khả năng đoạn trừ các pháp bất thiện sau:

– Đoạn tận năm pháp làm suy yếu học tập: Sát sanh, trộm cắp, tà hành, vọng ngữ, uống rượu.

– Đoạn tận năm triền cái: Dục tham triền cái, sân triền cái, hôn trầm thụy miên triền cái, trạo hối triền cái, nghi triền cái.

– Đoạn tận năm dục trưởng dưỡng: Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức khả lạc… hấp dẫn. Như vậy, có năm dục trưởng dưỡng này.

– Đoạn tận ngũ thủ uẩn: Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.

– Đoạn tận năm hạ phần kết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân.

– Đoạn tận sanh thú hay sanh ngũ phàm: Địa ngục, loài bàng sanh, cõi ngạ quỷ, loài Người, chư Thiên.

– Đoạn tận xan tham: xan tham trú xứ, xan tham gia đình, xan tham lợi dưỡng, xan tham dung sắc, xan tham pháp.

– Đoạn tận năm thượng phần kết sử[58]: Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh.

– Đoạn tận năm tâm hoang vu; Kinh nói: “Này các Tỷ-kheo, ở đây vị Tỷ-kheo nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Đạo Sư. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào nghi ngờ, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín đối với bậc Đạo Sư, Tỷ-kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Khi tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn, như vậy gọi là tâm hoang vu thứ nhất/ Này các Tỷ-kheo, lại nữa, vị Tỷ-kheo nghi ngờ đối với Pháp…. (như trên…) đối với Tăng… (như trên..) đối với Học pháp… tức giận đối với các vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu. Này các Tỷ-kheo, khi một vị Tỷ-kheo phẫn nộ đối với vị đồng Phạm hạnh, không hoan hỷ, tâm dao động, trở thành hoang vu, Tỷ-kheo ấy không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh thần. Như vậy gọi là tân hoang vu thứ năm”[59].

– Đoạn tận năm triền phược: không ly tham, không ly dục, không ly ái, không ly khao khát, không ly nhiệt tình, không ly ái nhiễm đối với các dục (1) – với thân (2) – với sắc (3) – với thực phẩm và thùy miên, sàng tọa v.v.. (4) – với Tỷ-kheo nào sống phạm hành với mong cầu được sanh thiên giới (5), tâm vị này không hướng về nỗ lực, hăng hái, kiên trì và tinh tấn. Như vậy gọi là năm triền phược[60].

Như vậy, tu tập Tứ Thần Túc, nằm sinh khởi năng lực hủy diệt toàn bộ mười mười nhóm bất thiện pháp này[61];Phẩm Thần Túc, Kinh còn trình bày thế nào là bốn thần túc, Kinh nói: “Những gì là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập thần túc câu hữu với Dục định tinh cần hành…. câu hữu với Tinh tấn định tinh cần hành,… câu hữu với Tâm định tinh cần hành,… câu hữu với Tư duy định tinh cần hành[62].

*Bốn thần túc và sự an lạc, thanh tịnh, hòa hiệp.

Một lần nọ, khi Thế Tôn đang cư trú tại Ca-duy-la-vệ[63], trong khu rừng của Ưu-bà-tắc Miên-kì[64], ngài đã dạy cho Sa-di Châu-na 周那 (Cunda Samaṇuddesa): “Những pháp này mà Ta đã tự thân tác chứng, đó là bốn niệm trụ, bốn thần túc, bốn chánh cần, bốn tĩnh lự, năm căn, năm lực, bảy giác phần và tám chi đạo Hiền Thánh. Các Ông hết thảy hãy cùng hòa hiệp chớ có sinh tranh cãi. Cùng theo học một Thầy, cũng như nước và sữa hòa một, ở trong Chánh pháp của Như Lai, hãy tự thắp sáng cho mình, nhanh chóng thành tựu an lạc[65].

Và Trước khi nhập vô dư Niết-bàn đức Thế Tôn cũng đã nói như sau: “Các Ông nên biết, Ta do những pháp sau đây mà tự thân tác chứng, thành Tối thượng Chánh Giác. Đó là bốn niệm trụ, bốn chính cần, bốn thần túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám chi phần Thánh đạo. Các Ông hãy nên cùng nhau tu tập ở trong pháp đó, cùng nhau hòa đồng kính thuận, chớ sinh tranh tụng. Cùng đồng một thầy học hãy cùng đồng hòa hợp như nước với sữa. Ở trong pháp Ta, hãy tinh cần tu học, cùng soi sáng cho nhau, cùng nhau hoan hỷ[66].

*Phân biệt Bốn Thần Túc

Bốn thần túc, được kể theo Tập Dị Môn:

1. Dục tam ma địa đoạn hành thành tựu thần túc [67].

2. Cần tam ma địa .

3. Tâm tam ma địa .

4. Quán tam ma địa [68].

Và ở nơi khác, Thế Tôn trình bày Bốn Thần Túc như sau: “Lại có bốn pháp tức là bốn thần túc:

1. Ở đây Tỳ- kheo tư duy dục định đoạn hành thành tựu[69];

2. Tinh tấn định;

3. Tâm định;

4. Tư duy định cũng vậy[70].

Chúng ta có thể đối chiếu để so sánh dị biệt với Kinh Xà-ni-sa của Trường A-hàm; Kinh thuật lại, lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ở tại Na-đà thôn 那陀村, trú xứ Kiền Chùy 住處揵椎, có chỗ kể lúc đó ngài đang ở tại còn được gọi là Côn-tả-ca tinh xá 崐左迦精舍. Khi ấy, Thế Tôn đã khéo léo phân biệt về Bốn Thần Túc như sau[71]: “Như Lai khéo léo phân biệt nói bốn thần túc. Bốn là gồm những gì? Một, tu tập dục định đoạn hành thành tựu thần túc[72]. Hai, tinh tấn định đoạn hành thành tựu thần túc. Ba, tâm định đoạn hành thành tựu thần túc. Bốn, tư duy định đoạn hành thành tựu thần túc. Đó là Như Lai khéo léo phân biệt diễn giảng Tha pháp trí thuyết bốn thần túc.”

Đức Thế Tôn, lại dạy Chư Thiên rằng: “Vào Quá khứ các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện, hiển hiện vô lượng thần túc, đều khởi sinh lên từ bốn thần túc này. Giả sử vào tương lai các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện hiển hiện vô lượng thần túc, cũng từ do bốn thần túc này mà khởi sinh lên. Hiện tại các Sa-môn, Bà-la-môn, bằng vô số phương tiện hiển hiện vô lượng thần túc, cũng từ do bốn thần túc này mà khởi sinh lên[73].

*Bốn Thần túc và yếu tố hưng thịnh của Tăng-già

Kinh Chuyển Luân Vương Tu Hành[74], khi nói về các yếu tố hưng thịnh của Tăng-già, Phật dạy các Tỳ-kheo: hãy nỗ lực tu tập các thiện hành; nhờ tu thiện hành mà thọ mạng lâu dài, an ổn, oai lực đầy đủ v.v.. Cũng như các Ông vua thuận làm theo cựu pháp của Chuyển luân thánh vương thời thọ mạng dài lâu, an ổn, oai lực đầy đủ v.v.. Và Thế Tôn nói:  Các vị Tỳ-kheo cũng vậy, nên tu thiện pháp, thọ mạng lâu dài, an ổn khoái lạc, oai lực đầy đủ v.v..

Và Thế Tôn dạy tiếp: “Thế nào gọi là Tỳ-kheo được thọ mạng dài lâu? Tỳ-kheo tu tập dục định đoạn hành thành tựu thần túc. Tu tập tinh tấn định, tâm định, tư duy định đoạn hành thành tựu thần túc. Như thế là Tỳ-kheo thọ mạng dài lâu[75]

Và Kinh kết thúc bằng việc Thế Tôn nói rằng: Như Lai xem khắp những người có sức lực không ai hơn Ma Lực. Nhưng vị Tỳ-kheo đã đoạn trừ hết hoặc lậu, thành tựu được những thiện pháp ở trên, thọ mạng dài lâu, an ổn, oai lực đầy đủ v.v.. thì lại chiến thắng được bọn ác ma đó. Đó chính là một trong những Pháp làm hưng thịnh Tăng-già vậy.

*Pháp chế định

Vào thời gian, Thế Tôn đang trú tại thành Na-nan-đà, trong rừng Ba-ba-lị am-bà. Thế Tôn nói với Ngài Xá-lợi-phất, Như Lai biết với tâm quyết định rằng các Sa-môn, Bà-la-môn trong quá khứ, vị lai và hiện tại, không ai có tuệ giác, công đức lực của thần túc, sánh bằng Như Lai”[76]

Sau đó, Thế Tôn lại dạy Xa-lợi-phất: “Pháp mà Thế Tôn đã dạy, lại có pháp cao hơn nữa; đó là các chế pháp. Các chế pháp đó là, bốn niệm xứ, bốn chính cần, bốn thần túc, bốn thiền, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Hiền Thánh đạo. Đó là các chế pháp vô thượng, trí tuệ vô dư, thần thông vô dư. Các Sa-môn, Bà-la-môn trong đời không ai có thể sánh bằng Như Lai, huống hồ muốn vượt lên trên”[77].

*Đoạn trừ và biệt tri vô minh và lão tử

Thế Tôn dạy: “Thế nào Tỳ kheo thủ hộ chúng bốn bộ[78]? Ở đây, Tỳ kheo thành tựu bốn thần túc. Như thế mà thủ hộ chúng bốn bộ”[79].

Kinh Lệ[80], kinh cuối cùng thuộc Trung A-hàm, Đức Phật dạy các vị Tỷ-kheo, nếu muốn đoạn trừ vô minh thì nên tu tập Bốn ý như túc.

Kinh nói: “Thế nào gọi là muốn tận trừ vô minh nên tu tập Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm cho tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên dục tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ vô minh, nên tu Bốn như ý túc[81].

Như vậy, Thế Tôn nói, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri. Và Kinh cũng nói rõ nếu ai muốn biệt tri vô minh thì nên tu tập Bốn như ý túc.

Thế nào gọi là muốn biệt tri vô minh nên tu tập Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành Tựu, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy dứt trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm[82].

Sau đó, đức Thế Tôn dạy tiếp: Nếu muốn đoạn trừ và biệt tri lão tử nên tu Bốn như ý túc.

Thế nào gọi là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu tập Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hành Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém; tu học dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận thú hướng phi phẩm. Cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định như ý túc thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm. Đó là nếu muốn đoạn trừ lão tử nên tu Bốn như ý túc[83].

Như vậy kinh lại nói, số đoạn, giải thoát, quá độ, bạt tuyệt, diệt, chỉ, tổng tri và biệt tri.

 “Nếu muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn như ý túc. Thế nào gọi là muốn biệt tri lão tử nên tu Bốn như ý túc? Nếu khi Như Lai xuất thế, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu; vị ấy đoạn trừ cho đến năm triền cái, những thứ làm tâm ô uế, tuệ yếu kém, tu dục định như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm; cũng vậy, tu tinh tấn định, tâm định, tu tư duy định, như ý túc, thành tựu đoạn hành, y trên viễn ly, y trên vô dục, y trên diệt tận, thú hướng phi phẩm[84].

Cho nên những ai nếu muốn đoạn trừ và biệt tri lão tử  thì nên tu tập Bốn như ý túc.

*Tứ Như Ý Túc với Tỷ-kheo niên thiếu

Đức Phật đã dạy vấn đề này, cho Tôn-giả A-nan, trong Kinh Thuyết Xứ[85], thuộc Trung A-hàm như sau:

A-nan, trước đây Ta đã dạy cho ông nghe về bốn như ý túc, Tỳ-kheo thành tựu dục định, thiêu đốt các hành (thiêu chư hành), tu tập như ý túc, nương vào vô dục, nương vào viễn ly, nương vào diệt, nguyện đến phi phẩm. Tinh tấn định, tâm định cũng như thế. Thành tựu quán định, thiêu đốt các hành, tu tập như ý túc, nương vào dô vục, nương vào viễn ly, nương vào diệt, nguyện đến phi phẩm.

“Này A-nan, bốn như ý túc này, ông hãy nói để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về bốn như ý túc này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.”[86]

Vì vậy, nếu vị Tỷ-kheo niên thiếu nào tu theo Tứ như ý túc, trọn đời sẽ giữ được phạm hành, thành tựu an lạc, lợi ích lớn v.v..

*Phương thức thực tập Thần túc

Kinh[87] kể rằng, một thời, khi Thế Tôn còn trú thế, có một vị Tỳ kheo tên là Tu-la-đà liền dạy các oai nghi lễ tiết, tư duy pháp này, theo học pháp nv.v.. cho vương Đề-bà-đạt-đa, Vương Tử y theo lời dạy của Tỷ kheo ấy, không có điều gì sai sót.

Sau đó, Đề-bà-đạt-đâu bạch Tỷ kheo này, xin ngài chỉ dạy đạo thần túc. Vì ông có thể tu hành được đạo thần túc này.

Lúc đó, Tỳ kheo này dạy cho ông đạo thần túc như sau:

Ông bây giờ phải học về sự khinh trọng của tâm ý. Sau khi đã biết tâm ý khinh trọng, lại phải phân biệt sự khinh trọng của bốn đại là đất, nước, lửa, gió. Sau khi đã biết sự khinh trọng của bốn đại, phải tu hành tam-muội tự tại. Sau khi hành tam muội tự tại, lại phải tu tam-muội dũng mãnh. Sau khi hành tam-muội dũng mãnh, lại phải tu hành tam-muội tâm ý. Sau khi hành tam muội tâm ý, lại phải hành tam-muội tự giới. Sau khi hành tam-muội tự giới, như vậy chẳng bao lâu sẽ thành tựu đạo thần túc.”

*Thần túc và câu chuyện của hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên

(1) Kinh kể lại rằng[88], một thời, đức Thế Tôn đang ở tại ao A-nậu-đạt tuyền  阿耨達泉[89], cùng năm trăm vị Tỳ-kheo. Khi ấy, A-nậu-đạt Long vương 阿耨達龍王[90], đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ, rồi bạch Thế Tôn: Nay con thấy trong chúng này, trống, thiếu, không đủ, vì không có tôn giả Xá-lợi-phất. Cúi xin Thế Tôn sai một Tỳ- mời tôn giả Xá-lợi-phất đến.

Lúc đó, Xá-lợi-phất đang ngồi vá y cũ tại tinh xá Kỳ-hoàn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo tôn giả Mục-liên hãy đến chỗ Xá-lợi-phất bảo Xá-lợi-phất, Long vương A-nậu-đạt muốn tương kiến. Ngài Mục-liên vâng lãnh lời Thế Tôn trong khoảnh khắc Tôn giả Mục-liên đã đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất tại tinh xá Kỳ-hoàn, và nói với Xá-lợi-phất:

– Như Lai dạy: Long vương A-nậu-đạt muốn tương kiến.  

– Xá-lợi-phất đáp: Thầy hãy đi trước. Tôi sẽ đến sau.

– Mục-liên đáp: Hết thảy Thánh chúng và Long vương A-nậu-đạt mong đợi tôn nhan, muốn được tương kiến, xin hãy đi ngay, đừng có chậm trễ.

– Xá-lợi-phất đáp: Thầy hãy đến đó trước. Tôi sẽ đến sau.

– Mục-liên lại nói lại: Thế nào, Thầy Xá-lợi-phất, trong thần túc, có thể hơn được tôi sao, mà nay lại bảo tôi đi trước? Nếu Thầy không đứng dậy ngay thì tôi sẽ nắm cánh tay kéo đến suối đó.

– Xá-lợi-phất nghĩ thầm: Mục-liên đang tìm cách đùa thử ta đây.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất cởi dây đai kiệt-chi đặt xuống đất, nói với Mục-liên:

-Nếu thần túc của Thầy là đệ nhất, thử cất giải y này lên khỏi mặt đất, sau đó hãy nắm cánh tay tôi dẫn đến ao A-nậu-đạt.  

Mục-liên nghĩ thầm: Xá-lợi-phất định đùa với ta nên muốn thử ta chăng? Nay ông ấy đã cởi dây đai đặt trên đất bảo ta nếu cất lên được, sau đó nắm cánh tay dẫn đi. Mục-liên lại nghĩ: Đây ắt có nguyên nhân, nếu không, chẳng việc gì phải khổ nhọc. Lập tức, Ngài duỗi tay lấy sợi đai nâng lên, nhưng không thể khiến dây đai nhúc nhích mảy may nào. Mục-liên dùng hết sức của mình, vẫn không di chuyển đai này, không thể làm lay động được. Rồi Xá-lợi-phất lấy đai ấy buộc chặt vào cành cây diêm-phù. Tôn giả Mục-liên lại dùng hết thần lực của mình muốn nâng dây này, nhưng không thể làm nó lay động, rốt cuộc không thể làm di chuyển được.Đang lúc nâng đai này lên, đất Diêm-phù chấn động.

Xá-lợi-phất nghĩ thầm: Tỳ-kheo Mục-liên có thể khiến Diêm-phù-đề này rung động, huống chi dây đai này. Nay ta nên đem đai này buộc chặt vào hai thiên hạ. Mục-liên cũng lại nâng nó. Buộc vào ba thiên hạ cho đến bốn thiên hạ cũng có thể nâng lên như nâng chiếc y mỏng.

Bấy giờ, Xá-lợi-phất lại nghĩ thầm: Tỳ-kheo Mục-liên có thể nâng bốn thiên hạ, cũng không đáng để nói. Nay ta phải đem đai này buộc chặt vào lưng núi Tu-di. Mục-liên lại làm lay động núi Tu-di này và cung Tứ thiên vương, cung trời Tam thập tam.

Xá-lợi-phất lại buộc chặt đai ấy vào một ngàn thế giới. Mục-liên cũng làm cho lay động. Xá-lợi-phất lại buộc chặt đai này vào hai ngàn thế giới, ba ngàn thế giới, cũng lại lay động.

Khi ấy, trời đất chấn động mạnh mẽ, duy chỉ có chỗ Như Lai ở ao A-nậu-đạt là không lay động. Khi ấy, Long vương bạch Thế Tôn : Vì sao trời đất này nay chấn động dữ dội như vậy?

Thế Tôn nói rõ hết nhân duyên này cho Long vương.

Long vương bạch Phật: Hai vị Tôn giả ấy, thần lực của ai là hơn hết?

Thế Tôn bảo: Thần lực Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là hơn hết.

Long vương bạch Phật: “Trước đây Thế Tôn đã từng xác nhận, thần túc của Tỳ-kheo Mục-liên là bậc nhất, không ai vượt hơn được.”

“Thế Tôn đáp: Long vương nên biết, có bốn thần túc. Những gì là bốn?

“Là tự tại tam-muội thần lực, tinh tấn tam-muội thần lực, tâm tam-muội thần lực, giới tam-muội thần lực. Này Long vương, đó gọi là có bốn thần túc lực này.

“Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào có bốn thần lực này, thường xuyên tu hành không hề buông bỏ, đó là thần lực bậc nhất.”

“Long vương A-nậu-đạt bạch Phật: “Tỳ-kheo Mục-liên không được bốn thần túc ấy sao?” Thế Tôn bảo: “Tỳ-kheo Mục-liên cũng được bốn thần túc lực này và thường xuyên tu hành không hề buông bỏ. Tỳ-kheo Mục-liên muốn giữ thọ mạng đến một kiếp, cũng có thể làm được.

“Nhưng Tỳ-kheo Mục-liên không biết tên của tam-muội mà Xá-lợi-phất nhập.” [91]

Kinh này còn dài, và còn nhiều chi tiết khác ở sau, nhưng chúng ta chỉ dẫn đến ngang đây, cũng đủ để chúng ta thấy sự khác nhau về thần túc của hai vị đại Tôn giả.

(2) Vào một lần khác, bấy giờ, Tôn giả đại Mục-kiền-liên, đã đến giờ khất thực, chỉnh sửa thường phục, đắp đại y, mang theo đầy đủ y bát, vào thành La-duyệt khất thực. Các phạm-chí chấp trượng[92] tức là nhóm ngoại đạo tà mạng, cầm gậy có hình như đầu người và bện tóc[93] từ xa trông thấy Mục-liên đến, bèn bàn luận với nhau đây là một trong những đệ tử lớn của Sa-môn Cù-đàm, không ai hơn người này, chúng ta cùng nhau bao vây đánh chết người này. Các phạm-chí kia liền bao vây, dùng gạch đá đánh chết rồi bỏ đi. Khi ấy, Đại Mục-kiền-liên nghĩ thầm xương thịt nát nhừ rồi v.v.. ta không còn khí lực sao trở về Trúc viên được. Nhưng nay ta có thể dùng thần túc trở về tinh xá. Nghĩ rồi, Mục-liên liền dùng thần túc trở về tinh xá, đến chỗ ngài Xá-lợi-phất; Tôn giả đại Mục-kiền- liên nói với Xá-lợi-phất:

“Các chấp trượng phạm-chí, vây đánh tôi xương thịt nát hết, thân thể đau nhức thật không thể chịu đựng được. Nay tôi muốn đi vào Niết-bàn nên đi đến từ giả thầy

“Xá-lợi-phất nói: Trong chúng đệ tử của Thế Tôn, thầy là vị thần túc đệ nhất, có đại oai lực. Sao không dùng thần túc mà tránh đi?

“Mục-liên đáp: Những hành vi mà tôi đã làm trước đây, thật là rất sâu nặng, khi đòi hỏi phải lãnh thọ quả báo thì quyết không thể tránh đi. Không phải ẩn trong hư không mà có thể tránh được báo ứng này. Hôm nay, thân thể tôi thật là đau nhức, nên đến đây từ giả thầy để nhập vào Niết-bàn”.

 “Xá-lợi-phất nói: Những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào mà tu bốn thần túc, phần nhiều diễn thuyết rộng nghĩa của nó, theo ý người đó muốn, trụ lại một kiếp hay hơn một kiếp, cho đến không diệt độ. Tại sao thầy không trụ, mà lại diệt độ?»

“Mục-kiền-liên nói: Thật như vậy, Xá-lợi-phất, Như Lai có dạy, nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nào tu tập bốn thần túc, muốn sống thọ trải qua nhiều kiếp, cũng có thể được. Nếu Như Lai chỉ trụ một kiếp, tôi cũng trụ như vậy. Nhưng hiện tại Thế Tôn không còn bao lâu sẽ nhập Bát-niết-bàn. Thọ mạng các loài chúng sanh rất ngắn ngủi. Lại nữa, tôi không nỡ khi nhìn Thế Tôn vào Bát-niết-bàn. Bây giờ thân thể tôi thật là đau đớn, nên tôi muốn nhập Bát-niết-bàn”[94].

Nhưng sau đó, Ngài Xá-lợi-phất, đã nói với Mục-kiền-liên rằng, hãy chờ trong chốc lát, để Ngài nhập diệt trước; và Xá-lợi-phất đi đến chỗ Thế Tôn, bạch với Thế Tôn về ý định của mình… Và Thế Tôn đã chấp thuận cho Tôn giả nhập Niết-bàn[95], và Xá-lợi-phất đã về Mathurā[96] (Ma-sấu 摩瘦), để Nhập Niết Bàn. Tại đó ngày nay vẫn còn có tháp thờ di thân của Xá-lợi-phất.

* Bốn Thần Túc và Một con người.

Lúc bấy giờ Đức Phật đang trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

“Có một con người mà xuất hiện ở thế gian này, liền có ba mươi bảy phẩm xuất hiện ở thế gian. Ba mươi bảy phẩm đạo là những gì? Đó là bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chi Thánh đạo, liền xuất hiện ở thế gian.

“Một con người ấy là ai? Đó chính là đức Như Lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác»[97].

Thế nên, đức Phật huấn thị các vị Tỳ-kheo, hãy thường nên thừa sự Phật, và hãy nên học điều này.

*Như Lai được ngủ ngon và chỗ ngồi bốn thần túc[98]

Lúc bấy giờ Phật đang ở cạnh miếu Āḷavī (A-la-tỳ từ 阿羅毘祠) hay miếu thờ Aggāḷva,  nằm ở thị trấn cách Xá-vệ 30 do-tuần. Bấy giờ có một người con trai của thủ trưởng Hatthaka Āḷavaka (Thủ A-la-bà trưởng giả 手阿羅婆長者); đi đến chỗ Thế-tôn và ngài đã dạy đồng tử này như sau :

«Chỗ ngồi thấp là chỗ ngồi dục giới. Chỗ ngồi Thiên là chỗ ngồi sắc giới. Chỗ ngồi Phạm Thiên là chỗ ngồi vô sắc giới. Chỗ ngồi Phật là chỗ ngồi bốn thần túc”.

“Vì thế, Đồng tử phải nên biết, Như Lai do ngồi chỗ ngồi bốn thần túc nên được ngủ ngon. Ở đó, không khởi sinh dâm, nộ, si. Đã không sinh khởi tâm ba độc này, bèn ở trong vô dư Niết-bàn giới mà Bát-niết-bàn, biết như thực rằng, sinh tử đã chấm dứt, phạm hành đã lập vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh đời sau nữa. Do đó, này con trai của trưởng giả, khi Ta quán sát ý nghĩa này xong, cho nên nói Như Lai được ngủ ngon»[99].

*Thọ mạng Như Lai là Bất khả tư nghị.

Một thời, đức Thế Tôn an trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Phật đã dạy các vị Tỷ-kheo như sau:

“Thọ mạng Như Lai là ngắn chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Tại sao vậy? Vì Như Lai có bốn thần túc. Như Lai là trường thọ chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Tại sao vậy? Vì Như Lai xoay vần cùng khắp thế gian này, cùng tương ưng với các phương tiện thiện xảo, cho nên thân của Như Lai không thể suy lường, không thể nói cao nói thấp, âm thanh cũng không thể định chuẩn Phạm âm Như Lai. Tuệ giác biện tài của Như Lai không thể nghĩ bàn, chẳng phải là chỗ nhân dân sánh bằng. Cảnh giới của Phật không thể nghĩ bàn như thế.”

Và cũng trong kinh này đức Phật dạy về bốn điều không thể nghĩ bàn đó là: Chúng sanh không thể nghĩ bàn, thế giới không thể nghĩ bàn, quốc độ của loài rồng không thể nghĩ bàn và, cảnh giới Phật không thể nghĩ bàn. Tại không do nơi này đưa đến tận diệt Niết-bàn[100].

Chúng ta cũng có thể tìm được bốn điều tương tự ở văn hệ Pāli: “bốn điều bất khả tư nghị (acinteyyāni): 1. cảnh giới Phật của chư Phật (buddhānaṃ buddhavisayo), 2. cảnh giới thiền của những người tu thiền (jhāyissa jhānavisayo), 3. dị thục của nghiệp (kammavipāko), 4. tư duy về thế giới (lokacintā)[101].

*Giải thích rõ ràng về Bố Thần Túc[102]

Kinh thường kể Bốn Thần Túc có như sau:

– Tư duy dục định diệt hành thành tựu 思惟欲定滅行成就;

-Tinh tấn định 進定;

– Ý định 意定;

– Tư duy định 思惟定[103].

Chỗ khác, kinh lại kể, bấy giờ, Thế Tôn an trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, ngài bảo các Tỳ-kheo: “Có bốn thứ thần túc. Những gì là bốn? Đó là: Tự tại tam-muội hành tận thần túc, tâm tam-muội hành tận thần túc, tinh tấn tam-muội hành tận thần túc và, giới tam-muội hành tận thần túc.

“Sao gọi là tự tại tam-muội hành tận thần túc[104]? Nghĩa là những ai có tam-muội mà tự tại đối với những gì ý muốn, tâm ưa thích, khiến thân thể nhẹ nhàng, có thể ẩn thân cực nhỏ. Đó gọi là thần túc thứ nhất.

“Sao gọi là tâm tam-muội hành tận thần túc[105]? Nghĩa là tâm biết pháp phổ biến khắp mười phương, vách đá đều vượt qua không gì trở ngại. Đó gọi là tâm tam-muội hành tận thần túc.

“Sao gọi là tinh tấn tam-muội hành tận thần túc[106]? Nghĩa là tam-muội này không có lười mỏi, cũng không sợ hãi, có ý dõng mãnh. Đó gọi là tinh tấn tam-muội hành tận thần túc.

“Sao gọi là giới tam-muội hành tận thần túc[107]? Những ai có tam-muội này biết những ý nghĩ trong tâm chúng sanh, lúc sanh lúc diệt, thảy đều biết cả; có tâm dục hay không có tâm dục, có tâm sân nhuế hay không có tâm sân nhuế, có tâm ngu si hay không có tâm ngu si, có tâm ganh ghét hay không có tâm ganh nghét, có tâm loạn hay không tâm loạn, có tâm hẹp hòi hay không có tâm hẹp hòi, có tâm rộng lớn hay không có tâm rộng lớn, có tâm hạn lượng hay không tâm hạn lượng, có tâm định hay không tâm định, có tâm giải thoát hay không tâm giải thoát, tất cả đều biết rõ. Đó gọi là giới tam-muội hành tận thần túc”[108].

Như vậy, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo, có bốn loại thần túc trên, nếu muốn biết những ý nghĩ trong tâm của hết chúng sanh, hãy tu hành bốn thần túc này và các vị Tỳ-kheo hãy nên học những điều này như thế.

*Thần túc và Sa-di Tu-ma-na[109]

Lúc ấy, Thế Tôn đang trú tại Ca-lan-đà, trong Trúc viên, thành La-duyệt, cùng năm trăm vị đại tỷ-kheo. Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho vô số chúng vây quanh trước sau ngài.

Lúc đó, có một vị trưởng lão Tỳ-kheo ở trong chúng này, đang duỗi chân về phía Thế Tôn mà ngủ. Còn Sa-di Tu-ma-na bấy giờ mới lên tám tuổi, ngồi kết già, tập trung chú niệm trước mắt, cách chỗ Thế Tôn không xa. Bấy giờ, Thế Tôn đưa mắt nhìn vị trưởng lão Tỳ-kheo đang duỗi chân mà ngủ; lại nhìn Sa-di ngồi thẳng tư duy. Sau đó, Thế Tôn nói một bài kệ. Và ngài nói với các vị Tỷ-kheo: « Sa-di này, sau lúc này bảy ngày, sẽ thành tựu được bốn thần túc, cùng đắc pháp bốn đế, đạt được tự tại trong bốn tĩnh lự, khéo tu bốn chánh đoạn. Sở dĩ như vậy là vì Sa-di Tu-ma-na này có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng. Do đó cho nên, các Tỳ-kheo hãy luôn luôn siêng năng cung kính Phật, Pháp và Thánh chúng. Các Tỳ-kheo, hãy nên học điều này như thế »[110].

Còn Trưởng lão Tỳ-kheo kia, trong vòng năm trăm năm thường làm thân rồng. Sở dĩ bị như vậy là vì không có lòng cung kính đối với Phật, Pháp và Thánh chúng, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào loài rồng.

*Tôn giả A-nan nói Bốn Thần Túc cho Bà-la-môn 

Một thời, Tôn giả A-nan đang cùng Phật ở tại vườn Cù-sư-la, nước Câu-diệm-di. Bấy giờ Tôn giả A-nan nói với Bà-la-môn như sau :

«Như vậy, này Bà-la-môn, Như Lai, bậc Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là đấng Tri giả, Kiến giả, nói bốn Như ý túc, bằng nhứt thừa đoạn mà thanh tịnh chúng sanh, diệt tận khổ não, đoạn ưu bi.

« Những gì là bốn? Như ý túc được thành tựu với sự cần hành trên dục định. Như ý túc được thành tựu với sự cần hành trên tinh tấn định, tâm định, tư duy định. Như vậy, Thánh đệ tử tu dục định, đoạn tham ái, thành tựu bốn Như ý túc. Y thoát lìa, y vô dục, y giải thoát, y diệt, hướng đến xả đoạn dứt khát ái; tham và khát ái dứt tận rồi, thì dục kia cũng dứt; tu tinh tấn định, tâm định, tư duy định, đoạn tham ái, thành tựu, y xa lìa, y vô dục, y giải thoát, y tịch diệt, hướng đến xả tham và khát ái dứt sạch; khát ái dứt sạch rồi, tư duy định liền dứt.”[111]

*Bốn Như Ý Túc và Ma Ba Tuần[112]

Lúc bấy giờ, Thế Tôn ở tại nhà Thạch Chủ họ Thích, trong làng họ Thích. Khi ấy, Thế Tôn một mình ở chỗ yên tĩnh, thiền định tư duy… Lúc đó, Ma Ba-tuần liền biến thành một thiếu niên đến đứng trước Phật nói rằng̣: “Giống như vậy, Thế Tôn ! Giống Như vậy, Thiện thệ ! Có thể được làm vua mà không sát sanh, không khiến người khác sát sinh, một mực thi hành chánh pháp, không thi hành phi pháp. Thế Tôn, nay hãy làm vua ! Thiện thệ, nay hãy làm vua ! Có thể sẽ được như ý.”[113]

Bấy giờ Thế Tôn nghĩ, Ác ma Ma Ba-tuần, nay muốn làm nhiễu loạn Như Lai. Ngài liền hỏi vì sao Ông lại nói điều như thế.

Ma Ba Tuần bạch Phật: “Chính tôi nghe từ Phật nói như thế này: ‘Nếu bốn như ý túc được tu tập, tu tập nhiều rồi, thì muốn khiến cho núi Tuyết chúa biến ra vàng ròng tức thì làm được, không khác.’ Nay, Thế Tôn đã có bốn như ý túc, tu tập, tu tập nhiều, có thể khiến cho núi Tuyết chúa biến ra vàng ròng như ý, không khác. Cho nên tôi bạch: ‘Thế Tôn, hãy làm vua! Thiện thệ, hãy làm vua! Có thể sẽ được như ý.” [114]

Phật bảo Ba-tuần: “Ta không có tâm muốn làm vua. Thì tại sao phải làm? Ta cũng không có tâm muốn núi Tuyết biến ra thành vàng ròng. Thì tại sao phải biến?” Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

« Dù thật có vàng ròng,

Giống như núi Tuyết chúa;

Một người được vàng này,

Cũng còn không biết đủ.

Vì vậy người tuệ giác,

Vàng đá coi giống nhau »[115].

Khi đó, Thiên Ma Ba-tuần tự nghĩ rằng, Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ý của ta, trong lòng Thiên Ma cảm thấy ưu sầu, liền biến mất ngay tại chỗ.

Như vậy, qua một vài vấn đề liên quan đến giáo nghĩa Thần túc được trích dẫn từ hai hệ thống kinh tạng āgamaNikāya ở trên, chúng ta có thể tạm lấy đó làm cơ sở, để có được sự nhìn nhận về tính chất quan trọng của giáo lý này. Và sự ứng dụng của nó vời đời sống tu tập của một hành giả trên con đường giác ngộ

IV/ ỨNG DỤNG VÀ KẾT LUẬN

Phương pháp tu tập, ứng dụng Bốn Thần Túc, được đức Phật dạy trong rất nhiều kinh luận A-hàm và Nikāya, và nhiều kinh, luận khác, chúng ta có thể tóm tắt như sau :

*Tu tập chi phần Dục Thần Túc

Trong khi tu tập dục thần túc, chúng ta quyết tâm, tư duy, quán chiếu rằng: “Tại sao ta bị sinh, bị già, bị bệnh và bị chết? Những gì đã làm cho ta bị sinh, bị già, bị bệnh và bị chết?” Nhờ kiên trì, chuyên chú, quyết tâm quán chiếu như thế rồi, chúng ta thấy rõ các tâm hành liên hệ đến tham, sân, si, mạn, nghi,… ái, thủ, hữu là căn bản dẫn ta bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, đưa ta đến đời sống khát ái về dục, khát ái về đời sống, khát ái về tính phi thực, phi hữu của thế gian, khiến ta hoàn  toàn bị trói buộc, và khi đã thấy được như thế rồi; ta kiên trì, quyết tâm phòng hộ sáu căn, tinh tấn dũng mãnh thực hành thiền định, nhiếp hộ, điều phục và diệt tận các chủng tử tâm hành liên hệ đến cái bị sinh, bị già, bị bệnh và bị chết; và chủng tử của khát ái, là chi phần của mười hai chi duyên khởi. Bấy giờ ta có sự an ổn, thanh tịnh về thân hành, an tịnh về ngữ hành và an tịnh về tâm ý hành.

Khi các chủng tử thuộc về thân hành, ngữ hành, ý hành được nhiếp hộ, điều phục và diệt tận bởi năng lực tam muội, bấy giờ ta phá vỡ vỏ trứng khát ái, trói buộc, và thành tựu được ước muốn giải thoát. Như vậy, gọi là quyết tâm thiền định tận diệt tâm hành, là cơ sở dẫn tới thành tựu thần lực, tức là thành tựu Dục Thần Túc vậy.

Tu tập chi phần Tâm hay Niệm Thần Túc

Trong khi tu tập Tâm hay Niệm thần túc, ta có ý muốn thoát ly cái khổ bị sinh, bị già, bị bệnh, bị chết, ta phải duy trì ước muốn ấy, cho nó hiện tỏ trong tâm ý của ta xuyên suốt cả thời gian quán chiếu, tĩnh lự. Nhờ duy trì và hiện tỏ ước muốn ấy, nên nó luôn hiện khởi nơi tâm ý, dẫn khởi năng luwucj khiến cho những chủng tử tâm hành liên hệ đến cái khổ bị sinh, cái khổ bị già, cái khổ bị bệnh, cái khổ bị chết, chúng đã sinh liền bị hủy diệt toàn bộ; chúng chưa sinh thì vĩnh viễn không sinh khởi nữa.

Tâm hoang vu, tâm triền phược v.v… bỉ hủy diệt toàn bộ. Tâm ý ta nhờ đó mà thanh tịnh, các thần lực từ nương theo đó mà thành tựu. Bấy giờ ta có sự an ổn, thanh tịnh về thân hành, khẩu hành và tâm ý hành. Ta có giải thoát: khát ái về đời sống, về các dục, khát ái về tính phi hữu của thế gian; diệt tận đối với cái bị sanh, bị già, bị bệnh và bị chết.

Kiên trì, chú tâm, quyết định, duy trì tâm tu tập, duy trì phương thức tu tập, thì khiến ngay trong đời sống hiện tạ những nguyên nhập tập khởi của phiền não, liên hệ sanh tử không có điều kiện hiện khởi nơi tâm, thì tất cả những tác ý tư tưởng sai lệch, bị chặn đứt và tiêu diệt, do đó, sẽ không có hành động sai lầm dẫn sinh đau khổ, lang thang sinh tử. Như vậy, gọi là tâm thiền định tận diệt các hành là cơ sở dẫn tới thành tựu thần lực, tức là thành tựu Tâm/Niệm Thần Túc vậy.

Tu tập chi phần Tấn thần túc

Trong khi tu tập Tấn thần túc, ta kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực duy trì tương tục, ước muốn thoát ly hay diệt tận cái bị sanh, cái bị già, cái bị bệnh, cái bị chết trong đời sống phi thực này, ngay ở trong tĩnh lự, quán chiếu, khiến những chủng tử tâm hành nào liên hệ đến cái bị sanh, cái bị già, cái bị bệnh, cái bị chết, nếu chúng đã sinh liền được niệm chú tâm theo dõi, chú ý bám sát, làm cơ sở cho định dẫn sinh, để nhiếp hộ, điều phục và đoạn diệt bởi năng lực tuệ giác, làm cho tâm ta giải thoát đối với mọi khổ đau và nguyên nhân tập khởi của nó.

Cho nên, trong khi tĩnh lự quán chiếu, Tấn thần túc, không phải xuất hiện ở trong Dục thần túc, mà xuất hiện ở trong Tâm/Niệm thần túc, khiến vô minh, khát ái về đời sống, về các dục, khát ái về tính phi hữu của thế gian, bị Tấn cùng trực tiếp với Tam muội nhiếp hộ, điều phục; và bị Tấn cùng trực tiếp với Bát-nhã, đoạn tận những tâm hành bất thiện ấy, khiến cho ta có sự giải thoát đối với các loại phiền não tập khởi của khổ, dẫn khởi sinh tử.

Quán chiếu, tu tập tĩnh lự, với sự khởi hiện Tấn thần túc, khiến tâm ý ly khai khỏi hai cực đoan của Tam muội và Bát-nhã. Cực đoan của tam muội là quá trầm lắng và cực đoan của Bát-nhã là quá lanh ly, bén nhạy. Cùng sự hiện tồn của Tấn thần túc trong quán chiếu tĩnh lự, làm cho tam muội và bát nhã cân bằng, ổn định, trên con đường thể nhập vào Thánh đạo thanh tịnh vô lậu. Như vậy gọi là nỗ lực thiền định tận diệt những chủng tử tâm hành là cơ sở để thành tựu thần lực, tức là thành tựu Tấn Thần Túc

Tu tập chi phần Tư Duy Thần Túc

Trong khi tĩnh lự quán chiến, ta tư duy liên hệ đến Khổ thánh đế, Khổ Tập thánh đế, Khổ Diệt thánh đế, Khổ Diệt Đạo thánh đế, khiến ta trực nhận ra sự thực của bốn thánh đế này; trực nhận ra sự thực liên hệ giữa khổ và nguyên nhân tập khởi của khổ; sự thực liên hệ giữa sự tận diệt khổ và và con đường đưa đến sự tận diệt khổ, khiến ta nhiếp hộ, điều phục và đoạn tận các chủng tử phiền não xông ướp, vận hành, hiện khởi nơi tâm liên hệ đến liên hệ đến khổ và nguyên nhân tập khởi của khổ; qua đó cũng khiến cho ta thấu hiểu được các chủng tử thiện pháp vô lậu nơi tâm ta liên hệ đến sự tận diệt khổ và và con đường đưa đến sự tận diệt khổ, để tu tập không bị lệch hướng, nhằm hội nhập Thánh đạo giải thoát.

Tu tập tĩnh lự với sự có mặt của Tư duy thần túc, sẽ giúp cho ta an trú ở trong tĩnh lự mà quán chiếu, để thấy hiểu rõ sự thăng tiến của ba thần túc kia, đã thành tựu đến chỗ hoàn hảo, thiện xảo, kiên cố hay chưa; và giúp ta thấu rõ các chủng tử bất thiện nơi tâm đều bị tận trừ, cũng như thấy rõ các chủng tử thiện nơi tâm, đang được sinh khởi và phát triển mạnh mẽ. Như vậy gọi là Tư duy thiền định, diệt trừ những chủng tử tâm hành là cơ sở để thành tựu thần lực, hay chính là thành tựu Tư Duy Thần Túc vậy

Tóm lại, còn nhiều ý nghĩa liên quan đến phương thức tu tập, ứng dụng thực thi của giáo lý bốn thần túc này, xuyên suốt ở nhiều kinh luận, mà chúng ta có thể tìm thấy ở nhiều nơi, không chỉ trong văn hệ Āgama và Nikāya, nó còn được trình bày ở rất nhiều luận tạng khác nhau của các bộ phái thừa nhận quan điểm pháp bốn Thần túc, như Đại Trí Độ, Du-già sư địa luận[116] v.v..  Vì chính bốn Thần túc này là pháp gìn giữ duy trì giúp các thiện căn không thối thất[117] để hành giả tiến lên hội nhập thể tính « Vô sinh diệc vô diệt » của Niết-bàn. Đó cũng chính là cơ sở đưa tới thành tựu sức mạnh tâm linh vậy.

[Ban đầu bài viết này được lấy tên là CƠ SỞ THÀNH TỰU SỨC MẠNH TÂM LINH, chúng tôi viết trong những ngày lang thang, ngược xuôi trên những ngọn đồi cát bụi, để gởi tặng cho Sư huynh chúng tôi là Tỷ-kheo Quảng Đạo, nhân mùa xuân của tâm linh, đất trời; bài viết lúc đó được hình thành, chỉ mang tính gợi ý sơ sài, với một vài ý tưởng ghi lại từ kinh luận. Hôm nay, Nhân mùa An-cư 2559, chúng tôi xem lại, sửa chữa nhiều chỗ, chua thêm những điều cần thiết, và xin đổi tựa đề là: TỔNG LUẬN TỨ THẦN TÚC, tạm gọi như vậy, để gởi đến những ai có duyên với bài viết. Cho nên, bài viết này đến với quý vị là nhờ nhân duyên của Sư huynh chúng tôi. Vậy có gì bất như ý trong đây, trách nhiệm đó thuộc về sự thất trách của người viết – P.N].

Phước Nguyên: nguồn: thuvienhoasen.org

THƯ MỤC THAM KHẢO

*PTS : Ấn bản của Pāli Text Society.

–          A = Aṅguttara Nikāya, 5 tập. (PTS).

–          D = Dīgha Nikāya, 3 tập (PTS).

–          M = Majjhima Nikāya, 3 tập (PTS).

–          S = Saṃyutta Nikāya, 5 tập (PTS).

–          Abhidharmakośabhāṣyam of Vasubandhu, Ed., A. Thakur, Jayasṣal Research Institut, Patna, 1975. Dẫn: Kośa (kārikā).

–          Gaṇḍvyūhasūtra, Edited by Vaidya, The Mithila Institut, Darbhanga 1960.

*Các Tụng bản Hán ngữ trích dẫn theo Taishō Edition of Chinese Tripiṭaka 大正新脩大藏經 Đại chánh tân tu Đại tạng kinh, có đánh số trang, số tập ở phần cước chú. Dẫn: Đại/Đại chánh/ T (Taishō). Số trang ở phần cước chú theo đúng số trang Đại chánh.

–          Thành duy thức luận, 10 quyển, Hộ Pháp và các Bồ tát tạo, Huyền Tráng dịch; No.1585, Đại 31, tr. 1ff.

–          A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, 30 quyển, Tôn giả Thế Thân tạo, Huyền Tráng dịch; No.1558, Đại 29, tr. 1ff. Dẫn: Câu-xá.

–          Du-già sư địa luận, 100 quyển, Di-lặc Bồ tát thuyết, Huyền Tráng dịch; No. 1579, Đại 30, tr. 279ff. Dẫn: Du-già.

–          Giải Thâm Mật Kinh, 5 quyển, Huyền Tráng dịch, No.676, Đại 16.

–          Trung A-hàm kinh, 60 quyển, Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch. No.26, Đại 1, tr. 421ff.

–          Trường A-hàm kinh, 22 quyển Phật-đà-da-xá & Trúc Phật Niệm dịch. No.1, Đại 1, tr. 1ff.

–          Tạp A-hàm kinh, 50 quyển, Cầu-na-bạt-đà-la. No.99, Đại 2, tr. 1ff.

–          Tăng nhất A-hàm kinh, 51 quyển, Cù-đàm Tăng-già-đề-bà dịch. No.125, Đại 2, tr. 594ff.

–          V.v…

*Bản Việt:

–          Bốn Bộ A-hàm, Bản Việt, Tuệ Sỹ – Đức Thắng, Hương Tích ấn hành.

–          Đại Tạng Kinh Nam Truyền, Học Viện Nghiên Cứu Việt Nam ấn hành, bản dịch Hòa Thượng Minh Châu, 2014.

–          Thành Duy Thức Luận, Bản Việt, Tuệ Sỹ dịch và chú, Thư quán Hương Tích ấn hành.

–          A-tỳ-đạt-ma Câu xá, Bản Việt: Phẩm Phân biệt căn, Phân biệt giới, Phân biệt thế gian, và Phân biệt nghiệp, Tuệ Sỹ dịch – chú, các tập I, II, III, Thư quán Hương Tích ấn hành.

–          Buddhist Hybrid Sanskrit Grammar and Dictionary, F.Edgerton, Motilal Barnasidass, 1972.

–          The Pratical Sanskrit-English Dictionary, V.Sh. Apte, Motilal Barnarsidass, 1975.

V.v..

Cùng nhiều Kinh luận mà chúng tôi đã tham khảo trích dẫn ở phần cước chú, và bài viết.


[1] THL TRANSCRIPTION: dzuntrül gyikang pazhi.

[2] Sidhikarma, Đại chánh, Thành Nghiệp Luận.

[3] Vism XVII. p.528.

[4]  Cf. Gaṇḍavyūhasūtra , Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, 60 quyển, Phật-đà-bạt-đà- la dịch; No.278, Đại 9, tr. 395ff . Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, 80 quyển, Thật-xoa-nan- đà dịch; No.279, Đại 10, tr. 1ff. Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh, 40 quyển; Bát-nhã dịch; No.293, Đại 10, tr. 661ff. Hán dịch Bát-nhã, quyển 6: tâm (citta) có nghĩa là tích tập.

[5] Kinh Tạp A hàm: “Căn bản của tấn là Tứ chánh đoạn […] Từ nơi Như lai mà phát tâm bồ đề, khởi sinh những phương tiện tinh tấn, gọi là tấn căn”. Tạp A hàm, T002n026, tr.182b, tr.184a.

[6] A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ Bà Sa, T027n141, tr 725.

[7] Cf. Thành duy thức luận, chương VI. Tiến Trình Sinh Tử, Hộ Pháp và các Bồ tát tạo, Huyền Tráng dịch; No.1585, Đại 31, tr. 1ff. Bản Việt, Tuệ Sỹ, Chương 8.

[8] Du-già 80 tr. 749a13.

[9] Kośa iii. //68//. Cf. Câu-xá Chân Đế : « 偈曰。慧念處。精進名正勤。如意足名定.”;  Huyền Tráng: 此實事唯十 謂慧勤定信 念喜捨輕安 及戒尋為體: Các giác phần này xét về sự chỉ có mười loại Là tuệ, cần, định, tín, Niệm, hỷ, xả, khinh an, Giới và tầm. Bản Huyền Tráng. Đoạn tương đương không có thần túc.

[10] Kośa iii. Xem Cđ. : 云何說三摩提。 名如意足。一切勝德。以彼為依止故. Htr: 何緣於定立神足名。 諸靈妙德所依止故。

[11] Skt. pāda = pratiṣṭhā.

[12] Skt. sarcaguṇasaṃpatti.

[13] Kośa iv. Cf. Cđ.: 若有人說。唯 三摩提名如意足謂 欲等。 Htr.: 餘師說。神即是定 。足謂欲等。

[14] Kośa iv. Cf. Cđ.: 於彼人道品 成十三物。長欲心 故。Htr.: 彼應 覺分事有十三。增 欲心故。

[15] Kośa iv. Cf. Cđ.: 若執 如此。即與經相違 。經云比丘。我今 為汝說如意及如意 足。Htr.: 又違 說。如契經言。 吾今為汝說神足等 .

[16] Kośa iv. Cf. Cđ.: 乃至言何者 為如意。於正法中 有比丘。證用多種 如意境界。Htr.: 神謂受用種種神 境分一為多。乃至 說。足謂欲等四 三摩地。此中佛 定果名神。欲等所 生等持名足。

[17] Kośa iv. Cf. Cđ.: 謂本是一即 成多種廣說如經。Htr.:  khuyết.

[18] Mahāvyutpatti, 15; Anguttara, iii. 280; Dīgha, i. 77.

[19] Skt. “eko bhūtvā bahudhā bhavati” iti vistaraḥ. Cf. Cđ., Xem Cht.11. dẫn thượng.

[20] Kośa iii. Cf. Câu-xá, Cđ.: “釋曰。於中四念處正勤如意足。智慧精進定為自性。 Htr.: 即慧勤等

[21] Kośa iii/69//: pradhānagrahaṇaṃ sarve guṇāḥ prāyogikāstu tepradhānagrahaṇena evam uktam|  Cđ.: 偈曰。由隨 勝立名。一切加行 得。於中 由隨勝故。說如此 . Bản Skt. Không thấy có thần túc, như bản Huyền Tráng.

[22]  Kośa iii. Cf. Câu-xá, Cđ.: 如意足定覺 分正定。即是定。 Htr.: 四神足定根 定力定覺 支正定以 定為體.

[23] 一切加行所得法。皆是念處正勤如意足。 Htr.: 實遍攝諸加行善。 然隨同品增上善根。 如次為慧勤及定。

[24] Kośa Cf. Câu-xá, Cđ.: 偈曰。初發 行決擇。分中所分 別。於修位見位。 七部次第知。 Htr.: 頌曰 初業順 決擇 及修見道位 念住等七品 應知 次第增

[25] Kośa Cf. Câu-xá, Cđ.:由能入不應退善根故。故於頂位修四如意足。Htr: 頂法位中能持勝善趣無退德。定用勝故說神足增

[26] Skt. Ānupūrvi.

[27] Cf. KośaApare punar abhittvaiva kramaṃ bodhipakṣāṇāmānupūrvīṃ varṇayanti/“ādita eva tāvad bahuvidhaviṣayavyāsekavisāriṇīnāṃ buddhīnāṃ nigrahārthaṃ smṛtyupasthānāni cetasa upanibaddhāni bhavanti/yāvad eva gardhāśritānāṃ smarasaṅkalpānāṃ prativinodanāya ” iti sūtre vacanāt/ tadbalena vīryasaṃvardhanāc caturvidhakāryasampādanāya samyakvittaṃ pradadhāti iti samyakpradhānāni/ tataḥsamādhiviśodhanād ṛddhipādāḥ/ samādhisanniśrayeṇa lokottaradharmādhipatibhūtāni śraddhādīnīndriyāṇi/ tāny eva ca nirjitavipakṣasamudācārāṇi balāni/ darśanamārge bodhyaṅgāni| prathamato dharmatattvāvalokāt ubhayor mārgāṅgāni// Cf. Câu-xá Htr.: 餘。於此不破契經 說次第立念住等 . 謂修行 者將修行時。於多 境中其心馳散。先 修念住制伏其心故 。契經言。此四念 住能於境界繫縛其 心。及正遣除耽嗜 依念。是故念住 在最初。由此勢力勤 遂增長。為成四事 正策持心。是故正 為第二由精進故無 憂悔心。便有堪能 修治勝定。是故神 說在第三勝定為依便令信 等與出世法為增上 緣。由此五根 第四.根義既立。 能正伏除所治現行 牽生聖法。由此五 為第五。於見道位建立覺 支。如實覺知四聖 諦故。通於二位建 立道支。俱通直往 涅槃城故.

[28] Kośa. Cf. Câu-xá, Cđ.: 由此正勤心 安無憂悔故。治心 成三摩提故。次四 正勤修四如意足。 Htr.: 由精進故無 憂悔心。便有堪能 修治勝定。是故神 說在第三

[29] Câu-xá quang ký, Phổ Quang, T41n1821, tr. 0380a18: 謂加行 位或由欲力引發等 持令其現起。廣 乃至. [0380a19] 或由觀 力引令現起(已上 論文)所言四者。 一欲神足。二勤神 足。三心神足。 [0380a20] 四觀神 足。 何緣信等至 後名為力者 v.v.. Tham khảo toàn đoạn từ T41n1821, tr.0379b12- tr.  0380b03

[30] Vibhāṣā, 126, 6. Dẫn theo Kośa i.                                                      

[31] Skt. Pratijñātasaṃpādanārtham, Cf. Kośa i.

[32] Dīgha, ii. 103, iii. 77; Divya, 201.

[33] Cf. Kinh Chiêm BaTrung A-hàm, Đại 01, No. 0026, tr. 0479a19.

[34] DīghanikāyoMahāvaggapāḷi 3. 16.

[35] Xem Bản dịch Việt, Trường bộ I, Kinh 16, T.Minh Châu dịch, ĐTK Nam Truyền, 2014.

[36] DīghanikāyoMahāvaggapāḷi 3. 16.                                                                                                                                  

[37] Ibid, 3. 16.

[38] Cf. Bản Việt, Cht.35, dẫn thượng.

[39] Dīghanikāyo, Mahāvaggapāḷi 3. 16.

[40] Bản Việt, Cht.35, dẫn thượng.

[41] Đại 1, Trường I, Du Hành Kinh, tr. 15b. Bản Việt, Trường I, Tuệ sỹ dịch chú, Hương Tích ấn hành.

[42] Cf. Bản Việt, Trung Bộ I, ĐTK.Nam Truyền, T.Minh Châu dịch, 2014.

[43] Majjhimanikāyo ii. Sīhanādavaggo. vi.

[44] Cf. Bản Việt, Trung Bộ I, ĐTK.Nam Truyền, T.Minh Châu dịch, 2014.

[45] Ibid, dẫn thượng cht.42.

[46] Định cú Pāli, M. ii. Sīha. vi.: « Yassa kassaci bhikkhave bhikkhuno pañca cetokhilā appahīnā, pañca cetasovinibandhā (Cetasovinibaddhā – Sī; cetovinibaddhā – Sāratthadīpanīṭīkā) asamucchinnā, so vatimasmiṃDhammavinaye vuddhiṃ virūḷhiṃ vepullaṃ āpajjissatīti netaṃ ṭhānaṃ vijjati”. Cf. Bản Việt, Trường Bộ I, Kinh 16, T.Minh Châu dịch, 2014.

[47] Ibid, dẫn thượng cht.36. Cf. Bản Việt, Trường Bộ I, Kinh 16, T.Minh Châu dịch, 2014.

[48] Định cú Pāli, M. ii. Sīha. vi.:  “Yassa kassaci bhikkhave bhikkhuno pañca cetokhilā pahīnā, pañca cetasovinibandhā susamucchinnā, so vatimasmiṃ Dhammavinaye vuddhiṃ virūḷhiṃ vepullaṃ āpajjissatītiṭhānametaṃ vijjati.”. Cf. Bản Việt, Trường Bộ I, Kinh 16, T.Minh Châu dịch, 2014.

[49] M. ii. Sīha. vi.

[50] Cf. Bản Việt, Trung Bộ I, Kinh 16, T.Minh Châu dịch, 2014.

[51] Định cú Pāli, M. ii. Sīha. vi.:  “Sa kho so bhikkhave evaṃ ussoḷhipannarasaṅgasamannāgato bhikkhu bhabbo abhinibbidāya, bhabbo sambodhāya, bhabbo anuttarassa yogakkhemassa adhigamāya”. Cf. Bản Việt, Trường Bộ I: “Chư Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đầy đủ mười lăm pháp kể cả nỗ lực, thời có đủ khả năng để phá vỡ, có đủ khả năng để chánh giác, có đủ khả năng để đạt thành vô thượng an ổn khỏi các ách phược”.

[52] Majjhimanikāye, Uparipaṇṇāsapāḷi, 5. Saḷāyatanavaggo, 7. Mahāsaḷāyatanikasuttaṃ. Cf. Bản Việt, Trung Bộ Kinh, kinh 149. Đại kinh Sáu xứ, T.Minh Châu dịch, ĐTK.Nam truyền, 2014.

[53] Cf. Ma. 7, Mah. 431.

[54] Ibid., Ma. 7, Mah. 431. Định cú Pāli: ‘‘Katame ca, bhikkhave, dhammā abhiññā sacchikātabbā? Vijjā ca vimutti ca – ime dhammā abhiññā sacchikātabbā’’ti. Idamavoca bhagavā. Attamanā te bhikkhū bhagavato bhāsitaṃabhinandunti.”

[55] Aṅguttaranikāyo, Navakanipātapāḷi.9.vi.

[56] Bản Việt, Phẩm Bốn Như Ý Túc, Chương chín pháp, Tương Ương Bộ, T.Minh Châu dịch, , ĐTK.Nam truyền, 2014.

[57] Aṅ. Nav.7.ii. ; Bản Việt, Phẩm Bốn Niệm Xứ, T.Minh Châu dịch, Cht. 56 dẫn thượng. 

[58] Aṅ. Nav.7.ii., Định cú Pāli : « Pañcimāni, bhikkhave, uddhambhāgiyāni saṃyojanāni. Katamāni pañca? Rūparāgo, arūparāgo, māno, uddhaccaṃ, avijjā» : Này các Tỷ-kheo, có năm thượng phần kết sử này. Những gì là năm? Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử vầ vô minh. Năm thượng phần kết sử ở đây, có điểm di biệt so với những kinh khác.

[59] Bản Việt, Phẩm Bốn Như Ý Túc, Tương Ương, T.Minh Châu dịch ; Aṅ. Nav.7.ii., Định cú Pāli :  “[a. ni. 5.205; dī. ni. 3.319; ma. ni. 1.185] ‘‘Pañcime, bhikkhave, cetokhilā [cetokhīlā (ka.)]. Katame pañca? Idha bhikkhave, bhikkhu satthari kaṅkhati vicikicchati nādhimuccati na sampasīdati. Yo so, bhikkhave, bhikkhu satthari kaṅkhati vicikicchati nādhimuccati na sampasīdati, tassa cittaṃ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya. Yassa cittaṃ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya, ayaṃ paṭhamo cetokhilo. ‘‘Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu dhamme kaṅkhati…pe… saṅghe kaṅkhati… sikkhāya kaṅkhati… sabrahmacārīsu kupito hoti anattamano āhatacitto khilajāto. Yo so, bhikkhave, bhikkhu sabrahmacārīsu kupito hoti anattamano āhatacitto khilajāto, tassa cittaṃ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya. Yassa cittaṃ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya, ayaṃ pañcamo cetokhilo ».

[60] Aṅ. Nav.7.ii.., Định cú Pāli : ‘Pañcime, bhikkhave, cetasovinibandhā [cetovinibaddhā (sāratthadīpanīṭīkā) a. ni. 5.206; dī. ni. 3.320]. Katame pañca? Idha, bhikkhave, bhikkhu kāmesu avītarāgo hoti avigatacchando avigatapemo avigatapipāso avigatapariḷāho avigatataṇho. Yo so, bhikkhave, bhikkhu kāmesu avītarāgo hoti avigatacchando avigatapemo avigatapipāso avigatapariḷāho avigatataṇho, tassa cittaṃ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya. Yassa cittaṃ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya, ayaṃ paṭhamo cetasovinibandho.

‘‘Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu kāye avītarāgo hoti…pe… rūpe avītarāgo hoti… yāvadatthaṃudarāvadehakaṃ bhuñjitvā seyyasukhaṃ passasukhaṃ middhasukhaṃ anuyutto viharati … aññataraṃdevanikāyaṃ paṇidhāya brahmacariyaṃ carati – ‘imināhaṃ sīlena vā vatena vā tapena vā brahmacariyena vā devo vā bhavissāmi devaññataro vā’ti. Yo so, bhikkhave, bhikkhu aññataraṃ devanikāyaṃ paṇidhāya brahmacariyaṃ carati – ‘imināhaṃ sīlena vā vatena vā tapena vā brahmacariyena vā devo vā bhavissāmi devaññataro vā’ti, tassa cittaṃ na namati ātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya. Yassa cittaṃ na namatiātappāya anuyogāya sātaccāya padhānāya, ayaṃ pañcamo cetasovinibandho. Ime kho, bhikkhave, pañca cetasovinibandhā.

‘‘Imesaṃ kho, bhikkhave, pañcannaṃ cetasovinibandhānaṃ pahānāya cattāro satipaṭṭhānā bhāvetabbā. Katame cattāro? Idha, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ; vedanāsu…pe… citte…pe… dhammesu dhammānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhādomanassaṃ”…

[61] Tham khảo toàn kinh văn trong Aṅguttaranikāyo, Navakanipātapāḷi.9.vi. Iddhipādavaggo, và Aṅ. Na.7.ii.Satipaṭṭhānavaggo. Bản Việt xem Cht. 57, dẫn thượng.

[62] Aṅ., Nav.9.vi.  Định cú Pāli: ‘‘Imesaṃ kho, bhikkhave, pañcannaṃ cetasovinibandhānaṃ pahānāya ime cattāro iddhipādā bhāvetabbā. Katame cattāro? Idha, bhikkhave, bhikkhu chandasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti, vīriyasamādhi… cittasamādhi… vīmaṃsāsamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti. Imesaṃ kho, bhikkhave, pañcannaṃcetasovinibandhānaṃ pahānāya ime cattāro iddhipādā bhāvetabbā’’ti”.

[63] Ca-duy-la-vệ 迦維羅衛 (hay Ca-Tì-la-vệ). Pāli. Kapilavatthu.

[64] Miên-kì ưu-bà-tắc lâm trung 綿 . Phiên âm Miên-kì, chưa tìm thấy tương đương ở Pāli.

[65] Kinh Thanh Tịnh, Trường, Đại 1, tr. 74a.

[66] Kinh đại bản, Trường, Đại 1, tr. 16c.

[67] Cf. Tập dị 5, Đại, tr. 391c26: dục (cần, tâm, quán) tam-ma-địa đoạn hành thành tựu thần túc. Hội chung lại, ta có thể diễn thành mệnh đề: 修習欲定精勤不懈滅行成就以修神足“Tu tập dục định, tinh cần không giải đãi, thành tựu bởi diệt hành, để tu thần túc.”

[68] Tập dị môn luận 6, Đại, tr. 391c.

[69] Trường, Đại 1, tr. 50c: 滅行成就diệt hành thành tựu. Đại, No. 1536: 欲三摩地斷行成就 dục tam-ma- địa đoạn hành thành tựu. Định cú Pāli: padhānasa ṅkhārasamannāgataṃ.

[70] Kinh Chúng TậpTrường, Đại 1, tr. 50c.

[71] Kinh Xà-ni-saTrường, Đại 1, tr. 35c.

[72] Đại 1, tr. 35c: 欲定滅行成 就修習神足 Dục định diệt hành thành tựu tu tập thần túc. Định cú Pāli: chanda (vīriya, citta, vīmaṃsa) samādhippa dhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti: tu tập thần túc mà được thành tựu bởi hành tinh cần do chính định trên dục (tinh tấn, tâm, tư duy).

[73] Kinh Xà-ni-saTrường, Đại 1, tr. 35c.

[74] Trường, Đại 1,tr.42ab.

[75] Trường, Đại 1,tr.42b.

[76] Kinh Tự Hoan Hỷ, Trường, Đại 1, tr. 76c.

[77] Ibid., tr. 77a.

[78] Cf. Trường I, kinh 8, tr. 57a:  y bốn 依四. Pāli: caturāpasseno hoti, bốn y cứ.

[79] Kinh số 2, Phẩm 45, Tăng nhất, Đại 2, tr.776a.

[80] Kinh 222, Trung, Phật-đà-da-xá & Trúc Phật Niệm, T01n0026, tr. 0806a20. Tham khảo bản Việt, Tuệ Sỹ, dịch, Trung, Hương Tích ấn hành.

[81] Ibid., T01n0026, tr. 0806a19, Xem bản Việt, Cht.71, thượng.

[82] Ibid., T01n0026, tr. 0806a29.

[83]Ibid., T01n0026, tr. 0807c27.

[84] Ibid., T01n0026, tr. 0808a08.

[85] T01n0026, tr.0562a20.

[86] T01n0026, tr. 0563a20-a28: 阿難!我本為汝說四如意足, 比丘者,成就欲定燒諸行, 修習如意足, 依於無欲、依離、依滅,願至非品,如是精進定、心定,成就觀定燒諸行。修習如意足,依於無欲、依離、依滅,願至非品。阿難!此四如意足,汝當為諸年少比丘說以教彼,若為諸年少比丘教此四如意足者,彼便得安隱,得力得樂,身心不煩熱,終身行梵行.

[87] Kinh số 9, phẩm Mã Vương, Tăng Nhất, Đại 2, tr. 802c.

[88] Kinh số 2, Phẩm Sáu Trọng PhápTăng Nhất, Đại 2, tr. 709a01.

[89] Cf. Kinh Thế ký, Trường 18, Đại 1, No.001, tr. 116c6. Pāli: Anotatta.

[90] Ibid., tr. 117a1.

[91] Tham khảo kinh số 2, Phẩm Sáu Trọng PhápTăng Nhất, Đại 2, tr. 709c. Cf. Theo Bản Việt, Tăng Nhất II, Đức Thắng dịch – Tuệ Sỹ hiệu chú, Hương Tích ấn hành.

[92] Chấp trượng phạm chí 執杖梵志.

[93] Cf. Tỳ-nại-da tạp sự 18, T24n1451, tr. 287a26, Tỳ-nại-da 2, T24n1464, tr. 857c27.

[94] Cf. Phẩm Bốn Ý ĐoạnTăng Nhất, Đại 2, tr. 639c.

[95] Ibid., tr. 639c – 640b.

[96]Dẫn thượng Cht.88, . Cf. Tây vực ký 4, T51n2087, tr. 890a28:  Mạt-thố-la 秣菟 .

[97] Kinh số 5, Phẩm A-tu-laTăng Nhất, Đại 2, tr.561b.

[98] Kinh số 3, Phẩm Thinh văn, Tăng Nhất, Đại 2, tr. 649c. Cf. Pāli, A III 24 Hatthakasutta (R.i. 137).

[99] Ibid., tr. 50b05.

[100] Ibid., tr. 657a.

[101] Cf. A IV 77 Acinteyyasutta (R. ii. 80).

[102] Kinh số 7, Phẩm Thinh Văn, Tăng Nhất, Đại 2, tr. 658a01.

[103] Cf. Trường, Chúng tập, Đại 1, tr. 50c17. Pháp uẩn 4, T26n1537, tr. 471c13. Tham chiếu bản Việt Tuệ sĩ – Đức Thắng, Tăng Nhất.

[104] Tự tại tam-muội hành tận thần túc 自在三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid: Dục tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 欲三摩地勝行成就神足. Pāli, D 33 Saṅgīti (R. iii. 221): chandasamādhipadhāna.

[105] Tâm tam-muội hành tận thần túc 心三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid: Tâm tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 心三摩地勝行成就神足 Pāli, ibid., cittasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti

[106] Tinh tấn tam-muội hành tận thần túc 精進三昧行盡神足. Pháp uẩn,: Cần tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 勤三摩地勝行成就神足. Pāli, ibid., 3. vīriyasamādhipadhānasaṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃ bhāveti.

[107] Giới tam-muội hành tận thần túc 誡三昧行盡神足. Pháp uẩn, ibid.: Quán tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc 觀三摩地勝行成就神足. Pāli, ibid., vīmaṃsāsamādhipadhāna-saṅkhārasamannāgataṃ iddhipādaṃbhāveti.

[108] Kinh số 7, Phẩm Thanh VănTăng Nhất, Đại 2, tr.658b. Cf. Bản Việt, Tăng , Tuệ Sĩ, Đức Thắng dịch.

[109] Kinh số 2, Phẩm Tu-đàTăng Nhất, Đại 2, tr. 659b29.

[110] Ibid., tr. 659b31-35.

[111] Kinh 561, Tạp A-hàm 21, Đại chánh. Cf. Pāli, S.51.15 Brāhmaịa.

[112] Kinh 1098, Tạp A-hàm. Đại chánh, tr. 288c. Pāli, S. 4. 2. 10 Rajja. Tạp A-hàm, Ấn Thuận hội biên, kinh 1002.  Bản Việt, Tạp III, Tuệ Sỹ – Đức Thắng, Kinh 1002.

[113] Ibid, tr. 288c.

[114] Ibid, tr. 288c.

[115] Ibid, tr. 289a.

[116] Xin miễn trích dẫn bàn thêm ở đây, sẽ tiếp tục ở những bài sau.

 

[117] Kośa : “aparihāṇīyakuśalamūlapraveśatvāt mūrdhasvṛddhipādāḥ”: Ở giai đoạn của đảnh (mūrdhan) là các thần túc bởi vì nhờ các thần túc này mà giữ các thiện căn không bị thối thất. Xem Cht.19 Dẫn thượng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here