Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật “Tôi tin cải lương sẽ sống mãi trong lòng dân tộc”

“Tôi tin cải lương sẽ sống mãi trong lòng dân tộc”

135
0

Sau 4 năm nghiền ngẫm, Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã chuyển thể kinh Pháp Cú thành một trường ca vọng cổ. Tác phẩm này đã được NXB Tôn Giáo ấn hành cùng với DVD "Lời Phật dạy". Năm 2007, Bạch Tuyết đã được Trung tâm kỷ lục Việt Nam trao giấy xác nhận kỷ lục gia Việt Nam với công trình độc đáo này.

Trả lời câu hỏi lý do nào khiến cô đưa tinh thần Phật giáo đi vào nghệ thuật cải lương, Bạch Tuyết nói: "Theo sử sách thì đời Lý, Trần là những thời kỳ hưng thịnh của Việt Nam. Thời bấy giờ, cùng với đình làng, ngôi chùa là trung tâm văn hóa của cả cộng đồng, nơi biểu diễn các loại hình nghệ thuật cổ truyền đậm nét dân gian. Lấy tinh thần Phật giáo để trị nước nên các vua Lý, Trần đã nhiều lần xuống chiếu đại xá cho những phạm nhân biết ăn năn hối cải. Miễn giảm sưu thuế cho dân những năm mất mùa, thiên tai, địch họa.

Tinh thần Phật giáo luôn biểu hiện lòng nhân ái, đức hiếu sinh, đã khiến lòng dân trên thuận dưới hoà. Nguồn cội này đã đi vào nghệ thuật sân khấu truyền thống với nhiều tuồng tích nặng tính đấu tranh giữa cái thiện và cái ác theo đúng luật nhân quả, mang tính giáo dục cao, thấm sâu vào hồn dân tộc. Riêng nghệ thuật cải lương được hình thành từ đầu thế kỷ 20, trong đó chủ đề Phật giáo cũng được khai thác rất nhiều qua các vở diễn kinh điển như Tam Tạng thỉnh kinh, Mục Liên Thanh Đề, Quan âm Diệu Thiện, Quan âm Thị Kính.

Có lần  tôi được nghe các vị tôn túc Phật giáo nói: Đáng tiếc là nhiều thập niên gần đây, một vài vở cải lương về đề tài Phật giáo đã luận giải chưa được chính xác tinh thần Phật giáo. Đó là do tác giả thiếu điều kiện nghiên cứu Phật học một cách xuyên suốt và có hệ thống. Đơn giản, cứ cho nhân vật trung tâm rơi vào một nghịch cảnh nào đó, nên từ bỏ cuộc đời, nương nhờ cửa  Phật. Vì thế, tính chất nhập thế, giải thoát và trạng thái niết bàn vốn cốt lõi của đạo Phật đã ít nhiều bị hiểu sai lạc. Với vốn kiến thức hiểu biết của mình, tôi mong ước có nhiều cơ hội học hỏi lắng nghe, nhận ra phần nào tinh thần chính thống của Phật Giáo, góp phần cùng các bậc tài hoa hỗ trợ sân khấu cải lương, khơi dậy tính nhân bản trong dòng văn hóa dân tộc".

Đạo Phật trong nhận biết của tôi, không phải là một tôn giáo theo ý nghĩa thông thường mà là phương pháp, là con đường dẫn đến giác ngộ, sự thể nhập chơn lý qua tri thức và hành động thực tiễn. Tôi cố gắng tập sống theo giáo lý vi diệu của Đức Phật, tự tìm đến và nương theo sự hướng dẫn của những bậc chân tu. Tôi học hỏi ở các vị thiện trí thức, các đồng đạo, nơi các vị không cùng chung chính kiến, nơi những người thương tôi và cả những người mang nặng thành kiến với tôi. Đâu đâu tôi cũng nhận được những bài học quý báu không hề có trong sách vở nhà trường. Vốn là người học Thiền và hành Thiền, cho nên, tôi luôn sống cố gắng để khi gặp việc, tôi luôn làm hết lòng và khi hết việc rồi thì buông tất cả. Tôi tiếp nhận tư tưởng thiền đạo để an nhiên một cõi đi về".  

"Đời sống hiện nay của Bạch Tuyết ra sao", Bạch Tuyết trả lời: "Tôi đi dạy. Tôi mong trao gởi cho những em có mơ ước trở thành nghệ sĩ cải lương những gì mình biết, cả kiến thức, kinh nghiệm lẫn kỹ thuật ca diễn. Tôi rất vui khi một số em còn rất trẻ ở một số lớp do tôi đào tạo đã đạt được huy chương vàng, bạc trong các cuộc thi quan trọng như Chuông Vàng vọng cổ được tổ chức hàng năm. Tôi tin cải lương sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Ngoài ra, chúng tôi nhắc nhau chú trọng vào công việc từ thiện. Tôi âm thầm làm hết khả năng của mình cho những số phận bất hạnh, luôn cần đến sự chia sẻ của cộng đồng. Chúng tôi mang tấm lòng đến với họ nhiều hơn là vật chất.

(Đ.K.T (Người đưa tin)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here