Người ta gọi ông nội tôi là “cụ lang từ” bởi ông vừa bốc thuốc nam vừa làm “ông từ” trông coi đình làng. Ngày nào ông cũng quét dọn, thắp nhang, đốt đèn, thay nước các ban thờ. Đình đền làng tôi rộng lắm, thờ Phật, thờ Thánh, thờ Thành Hoàng rất uy nghi. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông ngồi bên cái chõng tre giữa sân đình phơi đầy thảo dược dân dã. Người làng ai ốm đau gì cũng chạy đến ông kể lể bệnh tình. Có khi ông bảo “phải đi lên tỉnh”, có khi ông bốc mấy ấm để họ đem về. Ông nói “sống là gieo nhân, làm một việc tốt là gieo một cái nhân lành, thuốc này ông hái được thì cho người ta làm phúc…”.
Nối tiếp truyền thống gia đình, hiện nay tôi làm bác sỹ ở một bệnh viện TW lớn có mệnh danh “lò mổ” với công việc hàng ngày là mổ, mổ và mổ. Ngày nào cũng vậy, hơn hai mươi năm nay, không thể nhớ bao nhiêu bệnh nhân đã qua “tay dao” của tôi. Nhiều khi chỉ tranh thủ ra ăn vội hộp cơm đã nguội rồi lại vào mổ tiếp, có những hôm trực mấy ngày đêm. Vợ tôi kết luận “anh đúng là cái nghiệp bác sỹ chứ không phải là cái nghề…”.
Những năm đi làm thạc sỹ, tiến sỹ, sau tiến sỹ ở Pháp, Mỹ, Đức… họ mở rộng cửa cho tôi định cư và làm việc tại bệnh viện lớn với mức thu nhập dành cho chuyên gia nhưng tôi nhất quyết về nước. Cũng là kiếp người, sống ở đâu chẳng một cuộc đời mấy chục năm. Cũng là bác sỹ, làm việc ở đâu chẳng mổ xẻ. Tôi muốn sống và làm việc trên quê hương đất nước mình, chữa bệnh cho dân mình, chẳng lẽ chỉ vì tiền mà phải sống xa xứ nơi mình không thích?
Hơn hai mươi năm mặc áo blouse, toàn bộ thu nhập của tôi từ bảng lương bệnh viện, gồm lương và các phụ cấp theo quy định chung. Không có phòng khám tư, cũng không tham gia “cổ phần” phòng khám nào, ngoài công việc bệnh viện tôi đào tạo kinh nghiệm chuyên môn cho thế hệ bác sỹ trẻ và sinh viên các trường ĐH Y. Thời gian rảnh ít ỏi dành cả cho gia đình, chúng tôi sống trong một căn hộ tập thể đi thang bộ kiểu cũ đã sửa sang chút ít, chưa đủ tiền chuyển đổi sang chung cư hiện đại. Hai vợ chồng đi lại bằng xe máy, con học trường công.
Hơn hai mươi năm cầm dao mổ, tôi không dùng một đồng tiền “cảm ơn” của bệnh nhân. Nếu họ đưa tiền chắc chắn tôi không lấy, cũng tránh mặt không cho gặp riêng. Đôi khi một đồng nghiệp tự dưng đưa tiền mà không thể từ chối, cũng chẳng biết của nhà nào. Số tiền đó tôi đem sang phòng hậu phẫu cho những cụ già, trẻ em, bệnh nhân nghèo hoặc gửi bà xã làm từ thiện, công đức. Người ta vào viện đã khổ sở lắm rồi, có khi phải đi vay đi mượn rồi lại cóp nhặt từng đồng trả nợ. Trong lúc khốn khó lại phải bớt xén ăn tiêu của mẹ già, con thơ để bỏ vào phong bì “cảm ơn” bác sỹ. Những đồng tiền khổ sở, cơ cực như vậy mà cũng có bác sỹ ngang nhiên bỏ túi. Cứu người đâu phải ban ơn mà là trách nhiệm tận tâm của người đã mang trong mình cái Nghiệp Bác Sỹ. Chẳng lẽ cứu người ta xong là có quyền cầm những đồng tiền “cảm ơn” như thế sao? Tiền ấy mà có thể mua sắm ăn ngon, mặc đẹp, xe đẹp cho bác sỹ và những người thân hay sao?
Dân mình chủ yếu công chức, nông dân, có mấy ai sung túc. Cho dù nhà bệnh nhân là đại gia giàu có tôi cũng không cầm tiền của họ, chắc chắn tiền ấy sẽ làm tôi mất đi những thứ quý giá hơn ở tương lai. Tôi tin số phận, nếu số giàu thì hai bàn tay mình sẽ làm nên một cách trong sạch, nếu số nghèo thì dẫu có bao nhiêu cũng “của thiên trả địa” hết mà thôi. Tài sản tôi muốn tích lũy không phải là tiền của mà là những hạt giống phúc đức – những việc tốt hàng ngày – đồng tiền không trong sạch sẽ làm hao tổn tài sản quý báu đó. Tuy cuộc sống bình dân nhưng tôi luôn thấy vui vẻ, tự tin, hạnh phúc, ai giàu kệ họ.
Tôi không mặc cảm ngại ngùng khi bạn bè mua biệt thự, xe hơi, có người còn sắp mua cả máy bay. Nhưng tôi rửng rưng thấy mình thua kém trước bác nông dân nghèo dùng tiền (được đền bù đất) xây trường học cho trẻ em, trước anh lái đò xây cầu cho dân làng đi lại. Họ ít học hơn tôi, cuộc sống khổ hơn tôi, họ nghèo hơn tôi vậy mà tấm lòng họ cao đẹp và nhân ái thế ! Ai làm việc thiện cũng đáng quý, nhưng nghèo như họ mà dám lấy toàn bộ tài sản ra làm việc thiện thì mới là những người vô cùng giàu có mà tôi ngưỡng mộ.
Ông nội tôi ngày xưa nói “lương tháng là tiền lúc ở trên trần, lương thiện là tiền khi về cõi âm. Phúc đức là của cải vững bền từ đời này sang đời khác, nếu mình chỉ hưởng mà không tích vào thì đời sau cạn kiệt…”. Cuộc đời còn bao nhiêu thân phận éo le, bao nhiêu người cũng làm việc vất vả mà thu nhập thấp. Mình được làm bác sỹ cứu chữa bệnh, có cái duyên gieo hạt nhân lành, tích thêm phúc đức cho con cháu – kiếp này như vậy là may mắn lắm rồi ! Còn nếu đúng là tôi mang “nghiệp bác sỹ” thì cũng cần phải “trả nghiệp” cho nhẹ gánh.
Gia đình tôi không giàu nhưng vẫn đủ sống bình thường, điều quan trọng là chúng tôi bình an, hạnh phúc, các con ngoan và học giỏi. Mỗi lần về quê, bước vào đình làng tôi thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng, lúc nào tôi cũng tự tin chắp tay nhìn vào gương mặt đức Phật hiền từ. Tôi không cần đến những cái phong bì ai oán, không cần đến những khoản “hoa hồng” của các hãng thuốc bởi tiền nào cũng móc từ túi người bệnh mà ra đó thôi.
Gần đây người ta nói nhiều về thu nhập từ “kê đơn” của bác sỹ, theo tôi thấy thì không phải bác sỹ nào cũng làm như vậy. Các nhà cung cấp thuốc nói “anh không kê đơn thì những người khác vẫn làm, giá thuốc cũng vẫn thế rồi !”. Quan điểm của tôi là nếu cùng thành phần, công dụng tôi sẽ kê loại giá rẻ hơn cho bệnh nhân. Việc kê đơn theo gốc thuốc cũng không ổn vì khi bệnh nhân cầm đơn ra hiệu thuốc vẫn bị tư vấn mua những loại đem lại lãi suất cao cho họ. Mong sao thuốc cũng cạnh tranh nhau về giá cả giống hàng tiêu dùng để dân đỡ khổ và một bộ phận bác sỹ không có cơ hội làm việc bất lương.
Trên đây là những trải lòng của tôi sau khi đọc tâm sự của hai bác sỹ trẻ đăng trong chuyên mục này. Có thể bây giờ các em thấy nghề bác sỹ quá vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao nhưng đó là nghề chúng ta đã chọn. Nếu các em thi vào trường Y với suy nghĩ “làm bác sỹ sẽ giàu” thì tôi khuyên nên bỏ sớm. Còn nếu các em thực sự yêu nghề, muốn làm bác sỹ để cứu người thì hãy chấp nhận một cuộc sống giản dị về vật chất, đừng bao giờ cầm những đồng tiền kèm theo nghiệp chướng kẻo tổn hại về sau. Bác sỹ giỏi, trình độ chuyên sâu, là tay mổ chính cũng có thu nhập cao từ bệnh viện.
Tôi cũng mong sớm có những quy chế tốt hơn cho bác sỹ trẻ mới ra trường nói riêng và ngành Y nói chung. Tuy nhiên điều ước lớn nhất của tôi là chính sách phúc lợi của nhà nước cho người già, trẻ em, người nghèo… Giá như người bệnh chỉ chết vì Y học bó tay chứ không phải chết vì thiếu tiền chữa bệnh hay thiếu tiền mua thuốc.
T.T