Trang chủ Phật học Tội là gì?

Tội là gì?

184
0

Tội lỗi là những điều bất thiện, những việc ác do chính mình nói, chính mình làm, chính mình suy nghĩ, chính mình gây ra, chính mình tạo tác, do thân khẩu ý của chính mình. Tội lỗi cũng do sự sai khiến, xúi giục, chỉ dẫn, bày cách cho người khác làm, thi hành, thực hiện những điều bất thiện, những việc ác. Tội lỗi cũng do sự vui mừng, tán đồng, khen ngợi, khi thấy kẻ khác làm những điều bất thiện, những việc ác.

Nghĩa là: “Nhược tự tác, nhược giáo tha tác, kiến tác tùy hỷ”, đều tội lỗi như nhau. Tại sao vậy? Bởi vì chính mình làm, chỉ bảo người khác làm, hay thấy người khác làm mà vui theo, những điều bất thiện, những việc ác, thì tâm của chúng ta đều bị náo động, đều bị hoen ố, đều ghi nhận chủng tử sanh tử luân hồi như nhau.

Ðạo Phật luôn luôn chú trọng đến “tâm”, chính là cái “thực tướng” bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm của con người, chứ không quan trọng đến cái giả tướng khác biệt bên ngoài của mỗi người. Cái giả tướng khác biệt đó chỉ là cái thân tứ đại sanh diệt, nay còn mai mất, chúng ta đang mượn tạm, trong kiếp sống này mà thôi. Bởi vậy cho nên, đọc kinh điển của đạo Phật, muốn hiểu được pháp vô lượng nghĩa, pháp vô thượng thậm thâm vi diệu, chúng ta hãy tìm hiểu qua lăng kính của một chữ, đó là chữ: “TÂM”.

Chư Tổ có dạy: “Tâm tức Phật, Phật tức Tâm”, chính là nghĩa đó vậy.

Ðức Phật là bậc vô thượng y vương, vô thượng dược vương chuyên trị “tâm bệnh” của tất cả chúng sanh, chứ không phải “thân bệnh”. Ðức Phật hiểu rõ tâm bệnh của tất cả chúng sanh, vì sao con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, cho nên Ðức Phật chỉ dẫn con đường thoát ly sanh tử luân hồi. Ðó mới chính là trọng tâm cốt yếu của đạo Phật.

Sách có câu: “Tướng tự tâm sanh, tướng tùng tâm diệt”.

Bất cứ ai giải quyết được tâm bệnh, thì thân bệnh có còn gì đáng nói nữa đâu. Cái thân tứ đại giả tạm này chỉ có tuổi thọ một trăm năm hay hơn chút đỉnh là nhiều. Còn cái tâm bất sanh diệt của tất cả mỗi chúng ta có tuổi thọ vô lượng mà Ðức Phật đã chỉ bày trong các kinh điển thì ít người hiểu thấu!

Người nào chỉ hiểu kinh điển nhà Phật qua nghĩa đen: cầu bình an, cầu siêu sanh, là những người chỉ đứng bên ngoài cổng rào, chứ chưa vào được đến trong sân chùa, nói chi đến ngưỡng cửa nhà Phật. Người nào chỉ hiểu đạo Phật qua các hình thức cúng kiến, lễ nghi thường thấy, là người chưa hiểu đạo Phật là gì cả!

Thậm chí, có người đến với đạo Phật, vì muốn cầu gì được nấy, muốn vạn sự như ý, muốn tùy tâm mãn nguyện, muốn buôn may bán đắt, muốn nhất bổn vạn lợi, muốn thi đâu đậu đó, muốn sở cầu như nguyện, muốn tình duyên may mắn, muốn đủ thứ chuyện trên trần đời, thì than ôi, đạo Phật còn gì là Phật đạo nữa! Thật đáng thương xót! Thật đáng “tội nghiệp” lắm thay!

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”.

Nghĩa là chúng ta nên biết tội lỗi nặng hay nhẹ tùy theo tâm trạng, tâm tánh của con người khi tạo tác. Thí dụ như một người nghèo khó đi câu con cá, để ăn qua ngày, tội nhẹ hơn người no đủ, đi câu con cá vì thú vui. Con người vì si mê nên cảm thấy vui thích trên sinh mạng của chúng sanh! Khi xưa, những người có quyền thế, xem việc giết người, giết dân chúng hay giết tù nhân, như thú vui tiêu khiển. Ngày nay, ở các nước gọi là văn minh, con người xem việc săn bắn thú vật như là môn thể thao, coi cảnh đấu bò giết bò như là trò giải trí!

Thật đáng “tội nghiệp” lắm thay! Con người đang hưởng phước ở các xứ văn minh, lại tìm cách tạo tội tạo nghiệp vì vô minh. Một người giết một con thú dữ để tự vệ trong hoàn cảnh sợ hãi, tội nhẹ hơn một đứa bé tay cầm cây cầm roi, thi đua với các đứa bé khác, đánh đập một con gà, rụng lông tơi tả, máu đổ dầm dề, cho đến chết, một cách nhanh nhứt, để được khen thưởng, để được lãnh giải, trong cuộc thi do người lớn tổ chức!

Dĩ nhiên, kẻ chủ tâm cố ý giết người vì tư thù, vì quyền lợi, tội nặng hơn kẻ sát nhân trong cơn điên loạn, hãi hùng hay vô ý thức. Kẻ giết con vật lớn như trâu bò, tội nặng hơn kẻ giết côn trùng, con gián, con kiến. Giết người, giết con vật lớn, con vật có nhiều linh tánh hơn, tức nhiên, kẻ giết phải có chủ ý, dụng tâm, dụng công, dụng sức nhiều hơn, nên tội nặng hơn. Giết côn trùng, con gián, con kiến không do cố ý, không do thích thú, bởi vì con người không thể sống chung với những sinh vật này được, theo phép vệ sinh chung của xã hội, nên nhẹ tội hơn. Tuy nhiên, tìm giết vô cớ con gián, con kiến ngoài đồng, ngoài đường lại là chuyện khác.

Việc trộm cắp cũng vậy. Người trộm cắp vì nghèo túng, phải giúp gia đình qua cơn đói khổ, vì tạm thời, không còn phương cách nào khác, tội nhẹ hơn một kẻ cố ý chủ tâm dùng thủ đoạn, dùng luật pháp, để chiếm đoạt tài sản, sang đoạt bản quyền của người khác, thưa kiện người khác với mục đích kiếm tiền, muốn mình sung sướng, làm giàu nhanh chóng, người khác thì đau khổ vì sạt nghiệp!

Việc nói dối để an ủi, giúp đỡ tinh thần người đang bị bệnh, người đang khổ đau, khủng hoảng, sợ hãi, không thể đem so sánh với việc nói dối để gạt gẫm người khác vì ích kỷ, vì tư lợi, vì thù oán hại người, vì muốn kết bè kết đảng.

Càng tệ hại hơn nữa vì tự ái, vì tự lợi, vì danh dự hão, vì chính nghĩa cuội, vì công lý một chiều, vì lẽ phải phiến diện, vì mê tín dị đoan, vì quá khích, có người đặt điều vu cáo vu khống, phỉ báng mạ lỵ người khác, lộng giả thành chơn, nước lã khuấy nên hồ, để ám hại người khác, khen mình khinh người, lôi kéo phe phái, thì những người đó làm sao tránh khỏi luật nhân quả, làm sao thoát khỏi “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà không lọt”, tuy không thấy mà chẳng sai chạy! Trong nhà Phật, “lưới trời” đó chính là “quả báo” con người phải lãnh, vì các việc đã làm, đã nói, đã nghĩ, trước đây.

M.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here