Không gian đô thị Huế là một điển hình đặc sắc tồn tại lâu đời nhiều cây bồ đề cổ thụ có thân lớn. Cụ thể là gốc cây bồ đề trước chùa Ông xưa (chùa Thuận Hóa) ở đường Bạch Đằng. Gốc cây bồ đề ở các chùa Từ Đàm, Thiên Mụ, Thiền Tôn, Vạn Phước, Diệu Đức… các đường Huỳnh Thúc Kháng, Chi Lăng, Bạch Đằng, Lê Lợi, Nguyễn Sinh Cung, Lê Duẫn, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Huệ, Duy Tân… đều rợp bóng cây bồ đề được trồng xen kẻ với những loài cây khác.
Có nhiều cây bồ đề cổ thụ tỏa bóng trên những am miếu khiến nơi thờ tự trở nên linh thiêng và trang nghiêm. Loài cây này còn tỏa nét huyền nhiệm trong thiên nhiên: cây có hồn, có thần thái. Đố ai mà biết nỗi, biết hết những “bí mật”. Có những cây bồ đề cổ thụ với tuổi đời từ 200-300 năm đã đi vào sách báo của Hội Đô Thành Hiếu Cổ vào đầu thế kỷ 20. Tiêu biểu như các cây bồ đề cổ thụ ở công viên trước bệnh viên Trung Ương, Công ty dịch vụ du lịch Festival gần cầu Phú Xuân …
Ở đời, vui nhất là thân nhàn vô sự, nói theo ngôn từ nhà chùa là tự tại, mong cầu giác ngộ. Vì đức Phật đã thành đạo dưới gốc cây bồ đề ở xứ Phật. Nhiều khi chúng ta bắt gặp những du khách Âu Mỹ biết rõ ý nghĩa cây bồ đề trong dân gian hơn cả người Việt Nam mới lạ đời.
Nhà bác học Lê Quý Đôn cho biết cây bồ đề có tên chữ Hán là “vô hoạn mộc”, hoặc “hoàn mộc”. Thuở xưa chưa có xà phòng, bột giặt, người xưa đã dùng hột cây bồ đề giả nát đem ngâm với nước vò gạo để giặt quần áo cho sạch sẽ và thơm tho. Xem ra, ngọn nguồn của sự tích cây bồ đề quá giàu ý nghĩa. Hơn 40 năm làm thầy giáo làng cho đến thầy giáo tỉnh, chúng tôi hôm nay mới hiểu ra trước ý nghĩa thâm hậu của cây bồ đề. Hay, hay thật là hay.
Nhà chùa lấy hạt bồ đề làm tràng hạt để tụng niệm, cho nên đã gọi là tràng hạt bồ đề. Vì vậy, cây bồ đề được trồng ở bến đò, bến nước, trên con đường thiên lý ngày xưa. Đó là những nơi đưa tiễn người đi xa với lời cầu chúc “thượng lộ bình an”.
Trồng cây cũng là trồng người: “Thập niên chi kế mặc ư thụ nhân”. Câu nói của Quản Trọng được ghi lại ở trong sách “Tăng Quản Hiền Văn” xưa còn đó. Vì vậy mà ở Huế và các tỉnh thành ở phía Nam có nhiều trường Trung Tiểu học Bồ Đề dạy theo chương trình của các trường công lập từ năm 1950. Kể ra tiêu biểu các trường Bồ Đề ở Thừa Thiên Huế: Bồ Đề Thành Nội, Bồ Đề Hàm Long, Bồ Đề Hữu Ngạn, Bồ Đề Tả Ngạn, Bồ Đề Long Quang…
Nhớ lại ngày xưa tôi sống ở số 12A, Bạch Đằng, dưới sông Đông Ba lênh đênh vạn chài làm đủ nghề, ngoài nghề chài lưới. Các bô lão tuổi 70 trở lên còn cho biết ở hai bên đường Hàng Bè tức Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Đằng tức Hàng Đồng và Hàng Đường, và Gia Hội tức Chi Lăng có nhiều cây bồ đề tỏa bóng che mát cho người dân sống hai bên đường và bộ hành.
Vì lẽ đó mà khắp công viên phố thị, trường học, bến đò, bến nước, đình làng đã trồng nhiều cây bồ đề. Và cách đây hơn 60 năm dân gian còn gọi con đường rước Phật từ chùa Diệu Đế lên Phu Văn Lâu hoặc lên chùa Báo Quốc, hoặc chùa Từ Đàm mừng lễ Phật đản là đường Rước Phật.
L.Q.T