Trang chủ Vấn đề hôm nay Tọa đàm về văn hóa Phật giáo VN tại Hà Nội

Tọa đàm về văn hóa Phật giáo VN tại Hà Nội

177
0
Hội thảo do Ban, ngành, Viện của trung ương kết hợp với Ban Văn hoá T.Ư GHPGVN tổ chức. 

 

Buổi tọa đàm có sự tham gia, chủ trì của HT.Thích Hải Ấn, TT.Thích Thọ Lạc – Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN; HT.Thích Quang Nhuận, Phó ban Văn hóa T.Ư; PGS.TS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích; PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện ngôn ngữ, cùng các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu Việt Nam về di sản và kiến trúc, ngôn ngữ học.

Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu và quản lý văn hóa khẳng định: di sản văn hóa Phật giáo là một nhân tố cấu thành di sản văn hóa Việt Nam. Với 4 hệ phái chính là Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer và Khất sĩ, di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng và mang bản sắc riêng có của Việt Nam.

chuonggialam00001_1_jpg.jpg

chuonggialam00012_jpg.jpg
TT.Thích Thọ Lạc phát biểu

 

Chư tôn đức và các nhà nghiên cứu đưa ra những nhận định, như trong bối cảnh Phật giáo đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nếu không có sự định hướng trong việc trùng tu và xây mới các công trình Phật giáo sẽ dẫn đến tình trạng lai căng, đánh mất bản sắc. Thực tế đã cho thấy, không ít ngôi chùa được xây dựng theo mô-típ kiến trúc Tây Tạng… 

Không ít tượng Phật bằng xi măng trắng được đưa vào các chùa ở Việt Nam mà không có sự tìm hiểu đầy đủ về hệ phái. Chùa làng dù đã được xếp hạng hay chưa đều được tu sửa một cách tự phát, xây mới hoặc bồi đắp thêm nhiều hạng mục…

Trong khi đó, hiện nay, cả nước có khoảng 4.000 di sản nhỏ chưa được xếp hạng và cần phải được bảo tồn. Theo GS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, trong việc bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo, chúng ta mới nhìn vào hình thức di sản văn hóa nhiều hơn là kết cấu, nội dung bên trong của nó.

chuonggialam00013_jpg.jpg
GS.TS Phạm Mai Hùng

 

Theo các chuyên gian về kiến trúc chùa Việt Nam, trải qua hơn 2.000 năm tồn tại và phát triển luôn có sự thay đổi về quy mô và kiến trúc theo từng thời đại, những thay đổi ấy cho đến bây giờ vẫn đang tiếp diễn chứ không dừng lại. Vì thế nên khai thác hơn ở chiều sâu để người ta dễ hình dung hiện trạng của các di sản văn hóa, kiến trúc Phật giáo hiện nay đang ở hướng như thế nào. Điểm thứ hai là chúng ta nên coi trọng, nhấn mạnh khi đã xác định được các hệ Phật giáo ở 3 miền Bắc-Trung-Nam.

PGS.TS Lê Thành Vinh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong 2 lĩnh vực di sản và kiến trúc, những ý kiến này sẽ được ban tổ chức nghiên cứu và bổ sung vào báo cáo 4 Đề án mà Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN đang thực hiện.

chuonggialam00004_jpg.jpg
PGS.TS Lê Thành Vinh

Chiều cùng ngày, tại Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các chuyên gia về ngôn ngữ cũng đã tham gia buổi tọa đàm khoa học về định hướng ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam. 

Sau khi xem và trình bày trình chiếu trên clip ngắn do GS.TS Nguyễn Văn Khang trình bày – về đa dạng ngôn ngữ trong Phật giáo trên cả nước, nhiều chuyên gia tâm huyết với ngôn ngữ của Phật giáo nói chung và các kinh điển của Đức Phật, hoành phi đối liễn, tên của các ngôi chùa của Việt Nam hiện nay… đã tham gia góp ý sôi nổi.

chuonggialam00028_jpg.jpg
GS.TS Nguyễn Văn Khang trình bày clip về đa dạng ngôn ngữ trong Phật giáo 

Nhiều chuyên gia nhìn nhận việc chuyển thể ngôn ngữ nước ngoài sang sử dụng chữ Quốc ngữ là rất khó thực hiện bởi tính đa dạng của chữ Hán mà chữ Quốc ngữ không dễ chuyển tải được hết ý nghĩa và nội dung. 

Ngoài ra, ngôn ngữ vùng miền cũng là một trong những rào cản lớn để có thể áp dụng một “chuẩn mực chung” cho toàn bộ các Hệ phái của Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, TT.Thích Thọ Lạc cũng thông tin cho các chuyên gia được biết, Ban Văn hóa Trung ương cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có chủ trương bỏ đi những kiến trúc, ngôn ngữ do lịch sử để lại. Song, với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Phật giáo Việt Nam cần phải có sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đặc biệt, cần phải dịch kinh, sách của Phật giáo ra chữ Quốc ngữ để ai đọc cũng có thể hiểu được những ý nghĩa tốt đẹp của Đức Phật.

chuonggialam00037_jpg.jpg
HT.Thích Hải Ấn đúc kết

 

Cuối buổi tọa đàm, HT Thích Hải Ấn thay mặt cho GHPGVN tri ân các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam về di sản và kiến trúc, ngôn ngữ học đã quan tâm tới dự buổi tọa đàm khoa học và đóng góp nhiều ý kiến đem lại sự thành công cho 4 dự án của Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN sau này.

Còn về pháp phục Phật giáo Việt Nam sẽ được tổ chức riêng, buổi tọa đàm tới đây do Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN tổ chức với các nhà thiết kế thời trang và may mặc hàng đầu Việt Nam tham gia.

 

Nguồn: GNO: Hoàng Tuấn

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here