Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Tổ Giác Tiên

Tổ Giác Tiên

165
0

“Không những ngài là vị xuất trần thượng sĩ, ngài còn là một thi sĩ đã để lại những áng thơ hay, những di bút xuất thần mà các tổ đình Tường Vân, Từ Quang, Tra Am, v.. v… vẫn còn tôn thờ trong hậu tổ hay nơi chánh điện. Bên cạnh đó, mỗi lần Giáo hội tại cố đô Huế hữu sự vẫn còn tưởng niệm đến danh hiệu ngài…”

1. Thân thế

Tổ Pháp danh: Trừng Thành Pháp tự: Chí Thông, Pháp hiệu: Thích Giác Tiên. Thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 42, Thế danh: Ngài họ Nguyễn Duy húy là Quyển. Thọ sanh năm Canh thìn, niên hiệu Tự Ðức đời thứ 33 (1879). Chánh quán làng Giạ Lệ Thượng, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Năm 1883, lên bốn tuổi thì song thân đều mất. Ngài được ông bà bác đồng tộc đem về nuôi dưỡng. Nhờ bẩm chất thông minh nên thân thuộc cho theo Nho học một thời gian. Nhận thấy giáo lý Phật đà mới là con đường hướng đến cảnh giải thoát ;  từ đó, ngài xin với thân thuộc xuất gia đầu Phật. Năm 1890, được 11 tuổi, ngài cầu thọ giáo với tổ Tâm Tịnh.

2. Sự nghiệp tu học

Tranh của Họa sĩ Phi Hùng, 1973

Ðầu tiên, ngài lên tu học tại Tổ đình Từ Hiếu. Nơi đây, ngài Hải Thiệu đang là Trú trì và ngài Tâm Tịnh làm Giám tự. Năm 1883, lên 14 tuổi, ngài được tổ Tâm Tịnh cho thọ Sa di Thập giới.  Năm Ðinh Mùi (1907), Hòa thượng Ðàn đầu Vĩnh Gia, tổ chức Ðại giới đàn tại chùa Phước Lâm, thị xã Ðà Nẵng, tỉnh Quảng Nam. Ngài được bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới và đỗ Thủ khoa, đúng 28 tuổi.

Năm Tân hợi (1911), sư bà Diên Trường vào thôn Thuận Hòa, đồi Dương Xuân Thượng lập thảo am để tịnh tu. Sư bà đã cung thỉnh ngài làm Tổ khai sơn, và ngài đặt tên chùa là Trúc Lâm với thâm ý của ngài là muốn nối chí truyền thống Trúc Lâm tam tổ ở núi Yên Tử.

Ngài là vị đệ tử xuất sắc nhất của tổ Tâm Tịnh (Khai sơn Tổ đình Tây Thiên Di Ðà). Ngài đã xứng đáng là vị Tổ khai sơn cũng như sự mong cầu và ngưỡng mộ của sư bà Diên Trường nữa.

Với công trình hành đạo của ngài như vậy, trong Việt Nam Sử luận của Giáo sư Nguyễn Lang có đoạn viết: “… Như ta đã biết, hội An nam Phật học không những đã có được sự yểm trợ của hầu hết các phần tử trong sơn môn mà còn có được sự cộng tác tích cực của những vị Tăng trẻ tuổi và có học của sơn môn đào tạo nữa. Sự cộng tác nầy phần lớn nằm trong phạm vi hoằng pháp;  giảng diễn cho tín đồ, trước thuật bài vở và kinh sách. Tuy nhiên, nhìn hội An nam Phật học với những thành quả mà nó thu lượm được chỉ là nhìn thấy một bông hoa nở trên một nhánh cây mà chưa nhìn thấy từ thân cái cây ấy.

Tuy nói rằng: Phật giáo suy yếu, cần phải phục hưng, nhưng nếu căn bản và tiềm lực không có thì sự phục hưng ấy sẽ trở nên rất khó khăn.

Sở dĩ ta có được một Mật Khế, một Tâm Minh Lê Ðình Thám là nhờ có được Giác Tiên chẳng hạn thì ta thấy được Tâm Tịnh, bổn sư của Ông, Huệ Pháp, Giáo thọ sư của Ông, Viên Thành là bạn thân của Ông. …”  (Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển 3, trang 112 và 113). 

Ngài không những chỉ đem hết tâm lực và tâm nguyện để lo cho Trúc Lâm trở thành một chốn già lam đầy thiền vị như ý nguyện, mà ngài còn nhìn xa hơn nữa cho tiền đồ của Ðạo pháp, bằng cách biến Trúc Lâm trở thành nơi đào tạo Tăng tài, hoằng pháp lợi sanh và nhất là quần chúng hóa Phật giáo ngày một hưng thịnh.

Với công hạnh và đức độ, tổ Tâm Tịnh đã làm một bài kệ phú pháp cho ngài như sau:

Giác đạo kiếp không tiên,
Không không bát nhã thuyền,
Quả nhân phù hạnh giải,
Xứ xứ tức an nhiên.

Dịch :

Ðường giác vượt hậu tiền,
Thuyến bát nhã không không,
Hạnh giải hợp nhân quả,
Ở đâu cũng thong dong.

Bài kệ trên cũng phù hợp với sự chuyên tâm hành thiền của ngài. Hằng ngày ngài thường nghiên cứu vào những câu thoại đầu để làm công án thiền như sau:

“Chư pháp tùng bản lai,
Thường tự tịch diệt tướng.”

Dịch:

Các pháp vốn xưa nay,
Tự tướng thường vắng lặng.

Ngài ngồi thiền định liên tiếp ba bốn giờ là chuyện thường. Có lúc ngài ngồi nhập định luôn cả hai ngày. Xả định rồi, thấy thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thân người rồi cũng tự lụi tàn theo năm tháng ;  ngài tự nhủ :  Nếu như không chịu tự tu chứng lấy cho bản thân, không chịu hành trì giới luật, không chuyên tâm tu niệm rồi một ngày nào đó rất gần, cái thân giả huyễn nầy cũng sẽ ra tro bụi, vô minh rồi cũng sẽ đến với mình. Vĩnh kiếp luân hồi trong lục đạo. Ngài đã cảm nhận được cơn vô thường của kiếp sống, nên sau khi xả thiền, ngài có làm bài thơ như sau:

Giác mộng tàn tinh điểm bán không,
Trường thiên cô nhạn ảnh vô tung,
Sơ minh nguyệt sắc tà lan ý,
Tức nhập thiền tâm tiêu tức trung.

Dịch:

Tỉnh mộng tàn canh thấy cảnh không,
Dưới trời chim nhạn vốn không tông,
Vầng trăng chiếu rọi ngoài hiên vắng,
Thâm nhập thiền tâm, tiêu tức trung.

Dịch theo vần Lục bát:

Tàn canh thấy mộng trống không,
Dưới trời chim nhạn vốn không tông (tích) loài.
Vầng trăng chiếu rọi hiên ngoài,
Thiền tâm chứng nhập, trong ngoài tiêu tan.

3.Ảnh Hưởng Của Ngài Ðối Với Ðạo Pháp

Trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Giáo sư Nguyễn Lang có đoạn: – “Thiền sư Giác Tiên có thể nói là người khởi xướng công trình phục hưng Phật Giáo tại miền Trung. Giác Tiên Thiền sư hướng đạo cho hội An Nam Phật Học được bốn năm thì thị tịch.

Các đệ tử của Giác Tiên Thiền sư là Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện và Mật Thể đều đóng những vai trò quan trọng trong phong trào phục hưng Phật Giáo sau nầy, …”   (Việt nam Phật giáo Sử luận quyển 3, trang 85 và 86)

Năm Giáp tý (1924), đời vua Ðồng Khánh thứ 9, ngài vân tập Ðại Tăng và tổ chức an cư kết hạ.

Năm Giáp ngọ (*), đời vua Khải Ðịnh thứ ba, ngài mở giới đàn ở chùa Từ Hiếu, cung thỉnh Hòa thượng bổn sư là tổ Tâm Tịnh đăng đàn truyền giới.

Năm Ất sửu (1925), đời vua Bảo Ðại thứ nhất, ngài được chiếu chỉ của triều đình mời làm Trú trì Diệu Ðế quốc tự.

Năm Bính dần (1926), ngài lo đại trùng tu Phật điện và Tăng xá của Trúc Lâm.

Năm Mậu thìn (1928), ngài biến Trúc Lâm thành nơi đào tạo Tăng tài và cũng là khởi điểm đầu tiên cho Ðại học Phật giáo tại Cố đô Huế nói riêng và miền Trung nói chung.

Năm Kỷ tỵ (1929), ngài vào tận Tổ đình Thập Tháp Di Ðà để cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ Quốc sư ra làm chủ giảng cho lớp Ðại học đầu tiên nầy.

Năm Canh ngọ (1930), ngài khuyến khích và giúp đỡ cho Sư bà Diệu Hương mở Ni trường Diệu Ðức.

Năm Tân mùi (1931), ngài đứng ra vận động thành lập hội An Nam Phật Học. Ngài một mình tự đi cung thỉnh chư vị Hòa thượng, Thượng tọa có tài đức ra chung lo Phật pháp.

Năm Quý dậu (1933), ngài ủy thác cho Thiền sư Mật Khế, vị đệ tử lớn và xuất sắc nhất của ngài mở một trường Tiểu học Phật học tại chùa Vạn Phước, để cho lớp Sa di của các chùa có nơi đến học.

Năm Giáp tuất (1934), ngài cùng với đệ tử Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật Học tại Trúc Lâm, thu nhận đúng 50 học tăng. Cuối năm nầy ngài quy tụ các học tăng có trình độ khá cao về Trúc Lâm để mở trường Ðại học Phật giáo. Ðại học Phật giáo đầu tiên có từ đó.

Ngoài vị đệ tử lớn là thiền sư Mật Khế ra, ngài còn có một vị đệ tử lớn thọ tại gia Bồ tát giới đã theo học với ngài từ năm 1928 là Bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám. Cụ Tâm Minh vâng lời sư phụ để lo cho hội An Nam Phật Học, lo soạn thảo chương trình giáo dục thanh thiếu nhi và kết hợp thành đoàn ngũ hóa quần chúng Phật tử có tu học. Hạnh nguyện của ngài là làm thế nào đưa Phật giáo vào lòng dân tộc một cách trong sáng và hữu hiệu. Tuy nhiên, việc làm vừa được một đoạn đường thì ngài thọ bệnh.

Ngày mồng Hai (Tân sửu), tháng Mười (Kỷ hợi), năm Bính tý (nhằm ngày 15 tháng 11 năm 1936), ngài cho vân tập Tăng chúng đứng chung quanh giường để nghe ngài giảng kinh Pháp Bảo Ðàn. Hai hôm sau, khi ngài giảng xong phẩm Bát Nhã, rồi ngài nhìn từng vị đệ tử một để truyền kệ.

Vào lúc 20giờ, ngày mồng Bốn (Ất mão), tháng Mười cùng năm (tức ngày 17-11-1936), niên hiệu Bảo Ðại thứ 11, ngài im lặng và từ từ đi vào cõi tịnh. Ngài thọ thế 57 tuổi.

Chư Tôn đức Tăng già, quần chúng Phật tử và hội An Nam Phật Học tề tựu về Trúc Lâm Ðại Thánh tự để lo lễ cúng dường cũng như phò nhục thân ngài nhập bảo tháp rất trọng thể.

Ngài viên tịch trong lúc đang đãm nhiệm trách vụ Trú trì hai chùa Trúc Lâm và Diệu Ðế và Chứng minh Ðại đạo sư cho hội An Nam Phật Học.

Trước sự thương kính của hội, Hội đã thành tâm cúng dường câu đối như sau:

Trúc Lâm không quãi tam canh nguyệt,
Diệu Ðế tri văn ngũ dạ chung.

Ðại diện hội Phật giáo Bắc kỳ cúng dường hai câu:

Vân nạp Bắc lai, đàm luận di tuần kham Giác chỉ,
Trúc lâm Nam vọng, vãng sanh hà xứ mích Tiên tung.

Trước tháp ngài, cụ Tâm Minh Lê Ðình Thám có cúng dường hai câu để ghi nhớ và vâng chỉ di huấn của Tổ trên con đường chấn hưng, phục vụ Phật pháp, như sau :

Quán tướng nguyên vọng, quán tánh nguyên chơn, viên giác diệu tâm ninh hữu ngã,
Chúc pháp linh truyền, chúc sanh linh độ, thừa đương di huấn khởi vô nhơn.

Nghĩa là:

Quán sắc tướng vốn vọng, quán thể tánh vốn chơn, viên giác diệu tâm đâu còn ngã,
Chúc chánh pháp khiến truyền, chúc chúng sanh khiến độ, thừa đương di huấn vẫn còn có người

Ngài đã đi vào cõi tịnh, nhưng âm ba và uy đức của ngài vẫn còn nối tiếp mãi mãi. Nhìn những vị đệ tử xuất gia lẫn tại gia và hậu duệ của ngài còn gánh vác việc Giáo hội thì đủ rõ.

Không những ngài là vị xuất trần thượng sĩ, ngài còn là một thi sĩ đã để lại những áng thơ hay, những di bút xuất thần mà các tổ đình Tường Vân, Từ Quang, Tra Am, v.. v… vẫn còn tôn thờ trong hậu tổ hay nơi chánh điện. Bên cạnh đó, mỗi lần Giáo hội tại cố đô Huế hữu sự vẫn còn tưởng niệm đến danh hiệu ngài.

Những vị đệ tử xuất gia của ngài gồm có : Mật Tín, Mật Khế, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Nhơn, Mật Thể, Diệu Huệ và Diệu Không.

Tại gia thì có:  Ðại thần Hồ Ðắc Trung, bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám (Linh hồn của tổ chức Gia đình Phật tử miền Trung và Việt nam) và bác sĩ Trương Xướng.

Ghi chú:

(*) Trong bài minh của Ngài thì cụ Thượng thơ Lê Nhữ Lâm phụng soạn đề là:  Khải Ðịnh Giáp ngọ niên, tập thiền môn pháp lữ, kiến Giới đàn Từ Hiếu tự, thỉnh Tâm Tịnh Hòa thượng truyền thọ Tỳ ni. … Nghĩa là:  Năm Giáp ngọ, đời vua Khải Ðịnh, ngài mở Giới đàn tại chùa Từ Hiếu, cung thỉnh Hòa thượng Tâm Tịnh truyền trao giới pháp.

Theo vấn đề tra cứu lịch Vạn niên thì:  Từ năm 1906 đến năm 1930, không có năm nào là Giáp ngọ hết ;  chỉ có :  Bính ngọ (1906), Mậu ngọ (1918) và Canh ngọ (1930). Chỉ có năm Giáp ngọ đời vua Thành Thái thứ sáu, thì Ngài mới xuất gia. Vậy thì, lòng bài minh là năm Mậu ngọ (1918) thì không phù hợp. Có lẻ là năm Canh ngọ (1930). ???

Y sử, đối chiếu cũng có một vài chỗ chưa ổn. Người viết tra lục, đưa ra đây một vài dữ kiện để sau nầy những nhà chép sử Phật giáo lưu ý cho.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here