Trang chủ Phật giáo khắp nơi Tổ chức tọa đàm về Di sản văn hóa phật giáo VN

Tổ chức tọa đàm về Di sản văn hóa phật giáo VN

114
0
Ngày 14/4, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức tọa đàm về Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, với sự tham dự của một số nhà nghiên cứu Phật giáo, tôn giáo cùng đông đảo những người quan tâm.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Lâm Biền trình bày khái quát một số nội dung chính về lịch sử Phật giáo Việt Nam; những hiểu biết cơ bản về Phật giáo với tư cách là một hệ tư tưởng triết học để giải thích về thế giới quan và nhân sinh quan; nghệ thuật, ý nghĩa sâu sắc thể hiện trong những tác phẩm điêu khắc, tượng thờ, đồ thờ cúng…

Tọa đàm về Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam diễn ra trong dịp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang tổ chức trưng bày những di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Theo tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam lần này nhằm giới thiệu khái quát những nét đặc trưng và những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam; qua đó góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh văn hóa dân tộc.

Trưng bày giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật có niên đại từ đầu công nguyên tới thời Nguyễn, gồm tranh, tượng Phật, trang trí kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, nhạc khí… Đặc biệt, trưng bày cả chiếc trống đồng Cảnh Thịnh đúc vào thời Tây Sơn vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia Việt Nam.

Người xem được thấy ở các gian trưng bày những di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung như “Đầu tượng Phật,” chất liệu đá cát, văn hóa Champa, thế kỷ 9; “Tượng Phật,” chất liệu gỗ, văn hóa Óc Eo; “Mô hình tháp,” đất nung, thế kỷ 10-11; “Gạch trang trí hình tam thế Phật,” đất nung, thế kỷ 7-10; “Đầu tượng Bồ Tát,” thời Lý, thế kỷ 11-13; “Đèn hình đài sen,” gốm men trắng, thời Lý, thế kỷ 11-13… chắc chắn thu hút sự quan tâm và ngưỡng mộ của dông đảo người xem.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và nhanh chóng được bản địa hóa. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thẩn có giá trị đặc sắc.

Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc, tượng thờ, tranh thờ phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí… cùng những giá trị về tư tưởng, đạo đức, văn học, âm nhạc, nghi lễ phật giáo…


(TTXVN)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here