Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Tịnh thất Hoàng Mai

Tịnh thất Hoàng Mai

204
0

Nhỏ nhỏ, xinh xinh và rất nhiều mai vàng, đó là ấn tượng sẽ đọng lại cho bất kỳ ai một lần đến tịnh thất Hoàng Mai, dù Hạ, Đông hay mỗi độ Xuân về…

Hoàng Mai cách khá xa trung tâm thành phố Huế. Nhưng Huế “nhỏ như bàn tay”, không phải mất nhiều thời gian để đến được đó. Từ đường lộ Minh Mạng ngoại ô thành phố, đoạn bắt đầu rẽ lên lăng Khải Định và Minh Mạng, bạn đi vào con hẻm nhỏ phía tay trái với rất nhiều tre và cỏ dại. Dấu hiệu đầu tiên để bạn nhận biết đó là sự xuất hiện của những cây thông cao vút trước chùa. Không phải ngẩng mặt lên cao để tìm thông, những gốc thông to sần sùi đã dễ cho bạn chú ý. Mùa hạ, thông rụng những chiếc lá dài, tròn, nhọn như kim vàng ươm xuống mặt đường, trái thông vương vải trên cỏ ven đường. Tôi đã từng ghi nhớ như thế cho những lần đến chùa đầu tiên mà không cần ghi nhận dấu hiệu gì khác.

Hoàng Mai có một khuôn viên tương đối rộng. Từ ngoài nhìn vào, bạn sẽ nhận ra được sự gần gũi đáng yêu của nó trong nét giản đơn và nhỏ nhắn với rất nhiều hoa lá xung quanh. Lần đầu tiên đến chùa, tôi đã tiếc là không tìm ra một sự liên quan nào để có thể nói với người khác rằng đó là ngôi chùa thân yêu của tôi.

Chính điện chùa nằm chính giữa, rất nhỏ so với nhiều chính điện chùa Huế. (Với không gian lễ bái nhỏ hẹp như thế, chắc chủ chùa cũng không nghĩ nhiều tới việc sẽ là nơi để đông đảo Phật tử đến chùa). Tường quét vôi trắng, hành lang quanh chùa không làm láng với xi măng mà được đổ sỏi, mưa có thể thấm nước xuống đó và khi đi rất khẽ cũng có thể nghe tiếng sỏi sệu sạo dưới chân mình.

Chùa thờ tượng đức Bổn Sư cũng màu trắng, những lọ hoa, những bồng trái cây, những cây đèn dầu vặn nhỏ… tất cả dường như không sắc màu, toát lên một sự yên vắng và thanh khiết đến lạ lùng. Không hiểu sao tôi mường tượng nhiều đến Sắc-Không khi đứng trước cảnh chùa này. Nó dường thoát tục, không cuốn hút trong những đua chen, không hì hục xây cất theo gọi mời của kiến trúc hiện đại, không ồn ào sắc màu đến cả từng cánh hoa…

Nhưng bạn sẽ thích hơn với những dây hoa cát đằng màu xanh-tím rũ xuống quanh chùa vôi trắng, đung đưa trong gió và in bóng trên những lối sỏi. Dường như màu sắc ở đây thật lạ, rất nhiều màu trắng, trắng của tường vôi, của tượng, của đồ thờ cúng… Những màu hoa khác, có rực rỡ cũng dịu đi rất nhiều, mỗi thứ đều mang một sắc màu nhạt, cảm giác là một không gian rất tinh khiết và thanh tĩnh.

Lối vào chùa là con đường mai vàng. Có phải vì chùa tên Hoàng Mai nên người ta trồng nhiều mai vàng? hay vì chùa nhiều mai vàng thế này nên người ta gọi nó là Hoàng Mai? Dẫu sao thì hai hàng mai vàng bên lối đi với màu trắng của chùa, màu xanh-tím của giàn dây hoa cát đằng đã phối màu, phối cảnh với nhau thật nhịp nhàng.

Từ ngoài nhìn vào, bên phải chính điện là tháp và rất nhiều bồn hoa. Chủ yếu là những loài hoa dân dã, thường nở nhiều hoa và nở hoa quanh năm. Bạn phải tận mắt nhìn những bồn hoa hình răng cưa được tạo bằng cách sắp kế tiếp nhau những viên gạch ở thế nằm nghiêng, hoặc bồn hoa mà thực ra chúng là những luống đất, rất thích hợp với giống hoa cánh mỏng, thân nhỏ mà cả quá trình từ hạt tới hoa của nó chỉ vài ba tháng như hoa cánh bướm, hoa lan củ đỏ, hoa hồng dại… từ bàn tay của quý sư cô, còn cảm giác thì xin để cho mỗi người, nhưng bạn sẽ trầm trồ, sẽ bịn rịn quanh những luống hoa đó; bên trái chùa là ngôi nhà thấp mái, xung quanh treo nhiều phong lan, là nơi ở của vị sư chủ chùa. Khoảng sân rộng trước chùa là những khóm hoa, không nhiều, không rườm rà, một sân chùa sạch sẽ và hài hòa với thiên nhiên.

Tôi không có dịp lang thang quanh chùa, với bản thân, mặc dù là một ngôi chùa đẹp, nhưng là nơi đang có sự hiện diện của vị sư trú trì đáng kính ngưỡng, không dám đến đó với ý định vãn cảnh, vui chơi. Tôi chỉ đến đó trong dịp lễ tết hoặc kỵ giỗ của chùa. Hoàng Mai còn là nơi có loại tương đậu nành truyền thống của Huế rất ngon và tôi thường đến mua tương ở đó. Mùa đông, mai rụng trơ lá, thân cây như những gốc củi khô thầm lặng, nhưng người bước chân trên lối đi đó sẽ biết rõ, rằng trong nó, những nụ mai vàng đang chuyển mình theo giá lạnh gió mưa. Cả những chum tương màu nâu đất nung dãi dầu trong mưa gió cũng góp cho chùa thêm một nét duyên. Nếu bạn là họa sĩ, bạn không nghĩ rằng, ngoài màu nước cho bức tranh mai vàng, bạn còn nên vẻ thêm nhiều tranh theo phong cách tranh thủy mặc. Sẽ có một tranh với bố cục là hai hàng mai trụi lá mùa đông, những chum tương đất nâu ngăn nắp và một ni cô áo nâu đã cũ với dụng cụ lấy tương; một tranh với những gốc thông to sần sùi, một mái chùa không họa tiết cầu kỳ với rất nhiều cát đằng trong gió…

Sư bà Thích Nữ Cát Tường – Trú trì Tịnh thất Hoàng Mai

Ngôi tịnh thất này vốn dĩ đã là chùa, nhưng có lẽ vị sư nữ trú trì chùa muốn chứng thực một vẻ đẹp của dáng nhỏ xinh khiêm tốn và không ồn ào nên mãi giữ cho ngôi chùa của mình hai chữ “tịnh thất”. Điều đó thật khiến tôi thêm cảm kích trong lòng.. Để biết rằng chùa to lớn khang trang cũng đẹp, nhưng cái đẹp của sự tĩnh lặng, giản đơn, nhỏ nhắn thì thật dễ chịu, nó làm lắng dịu lập tức mọi lo toan những tâm hồn rộn ràng trần lụy. Hoàng Mai thân yêu, gần gũi, đẹp xinh là thế, nó không có những con số đáng kể, lớn lao là bao nhiêu trăm triệu, bao nhiêu tỷ để đo vẻ đẹp của nó. Bạn có thích ngôi tịnh thất Mai Vàng đó không? Nhiều khi cũng có thể là thứ thân yêu, là mạch nguồn thiết thân đối với mình mà không đợi là phải có phần mình trong một sở hữu nào đó.

N.T.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here