Trang chủ Phật học TINH HOA TRIẾT HỌC VỀ SỰ TU TẬP VÀ HÀNH ĐẠO CỦA...

TINH HOA TRIẾT HỌC VỀ SỰ TU TẬP VÀ HÀNH ĐẠO CỦA QUÁN ÂM ĐẠI SĨ TỪ HOA NGHIÊM, BÁT-NHÃ ĐẾN PHÁP HOA PHẠN NGỮ

232
0

I/ NGỮ NGUYÊN

Quán Thế Âm, ngữ nguyên Sanskrit là 

Avalokiteśvaras, āvalokiteśvaro, avalokiteshvara

 là danh từ số ít Phạn ngữ, Hán dịch là Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại. Avalokiteśvara ta có thể phân tích thành bốn phần:

Ava tiền tố từ, có nghĩa là xuống; Lokita, quá khứ phân từ của động từ căn Lok nghĩa là: quán xét, xem xét, quan sát, nhìn xuống v.v… dùng ở thì hiện tại trong ngữ pháp bất quy tắc Phạn ngữ;

Ita viết riêng là hậu tố từ, Avalokita là động từ chuyển thành danh từ có nghĩa là người nhìn xuống;

Và īśvara có nghĩa là: Vị hướng dẫn tối tôn, Bậc điều khiển tối thượng, Đấng tối thượng, Đấng toàn diện, vị Chúa tể.

Quán Thế âm Sanskrit còn gọi là Avalokiteśvaro[1], Ngài La-thập dịch là Quán Thế  Âm[2]; Ngài Pháp Hộ dịch là Quang Thế Âm[3]; Xà Na Quật Đa dịch là Quán Thế Âm[4].

Ở Bát-nhã Tâm Kinh, Huyền Trang dịch là Quán Tự Tại[5]; Ngài Huyền Tráng dịch Avalokita là Quán và Iśvara là Tự tại.

Quán là xem xét, soi chiếu, nhìn cùng khắp; Tự tại là tự tại đối với năm thủ uẩn, mười hai xứ, mười tám giới hay là tự tại đối với hết thảy mọi sự hiện hữu; tự tại đối với mọi pháp tu và vô ngại đối với mọi pháp chứng; tự tại đối với mọi diệu dụng để tùy duyên hóa độ và tự tại đối với bản thể nhất như thường trú.

Do công hành như vậy, nên có tên là Quán Tự Tại. Lại nữa, tự tại có bốn nghĩa:

– Quán cảnh tự tại: Bồ-tát do thực hành quán chiếu Bát-nhã, rõ thấy chân như ở nơi vạn pháp, nên Bồ-tát tự tại đối với vạn pháp.

Quán chiếu tự tại: Bồ-tát do thực hành quán chiếu Bát-nhã thậm thâm, thấu triệt năm thủ uẩn không có tự tính, chứng thực tướng của vạn pháp ngay trong hiện tiền, không vướng mắc hữu, không kẹt vô, tự tại đối với pháp tu và vô ngại với đạo lý cũng như với mọi phương tiện biện tài, diễn thuyết.

 – Tác dụng tự tại: Bồ-tát do thực hành quán chiếu Bát-nhã thậm thâm, chứng nhập được pháp tính của bản hữu, do đó từ bản thể mà phát khởi diệu dụng để tùy duyên giáo hóa một cách vô ngại tự tại.

– Thường hữu tự tại: Bồ-tát do thực hành quán chiếu Bát-nhã mà thể nhập Thực tướng Bát-nhã, hội nhập tự tánh chân như, tức là lý thường tại của tự tính, nên gọi là Quán Tự Tại.

Bồ-tát do thực hành quán chiếu Bát-nhã thậm thâm, thấy rõ đương thể của năm thủ uẩn đều là không có tự tính, chúng chỉ là những yếu tố giả hợp, nên Bồ-tát tự tại đối với năm thủ uẩn và mỗi thủ uẩn. Bởi công hành tu chứng của Bồ-tát như vậy, nên Bồ-tát có tên là Quán Tự Tại.

Bồ-tát Quán Tự Tại cũng còn gọi là Quán Thế Âm. Quán Thế Âm có hai nghĩa:

Đối với dụng công tu tập: Trong sáu căn, Ngài dùng nhĩ căn để tu tập, lắng nghe tất cả âm thanh của thế gian, nhưng không khởi ấn tượng phân biệt, không bị âm thanh của thế gian làm lay chuyển, lại còn có khả năng nghe lại tự tánh nghe: “phản văn văn tự tánh”, thành tựu nhĩ căn viên thông[6], nên gọi là Quán Thế Âm.

– Đối với tùy duyên hóa độ: Bồ-tát vì Đại bi tâm, nên đối với hết thảy chúng sanh, khi gặp tai nạn, nhất tâm hành trì danh hiệu của Ngài, tức thời Ngài dùng tuệ giác soi chiếu, và khởi tâm từ bi rộng lớn, tùy duyên phó cảm để cứu độ, nên gọi là Quán Thế Âm.

Bồ-tát, nguyên từ Sanskrit là Bodhisattva, danh từ, giống đực, số nhiều, biến cách thứ ba Instrumental (dụng cụ cách 用具格). Được thành lập từ hai thành phần: Bodhi nó làm danh từ, có động từ căn Budh: có nghĩa là hiểu biết, học tập, liễu tri, tận tri… Bodhi được suy ra từ động từ căn budh bằng việc cộng thêm với một hậu tố “i” ở loại thứ nhất (kṛt pratyaya). Bodhi nó có ý nghĩa tương đương với các động từ bodhati hoặc budhyate của Phạn ngữ hay bujjhati của Pāli.

Ở đây nói thêm để tránh lầm lẫn giữa Bodha và BodhiBodha được suy ra từ động từ căn budh bằng việc cộng với hậu tố “a”, Bodha cũng với nghĩa là giác ngộ.  Ta có thể ghi hai từ này như sau:

Động từ căn Budh —> (guṇa): bodh —> bodh+ i = bodhi.

(—>bodh+ a = bodha).

Sattva, từ giống đực, được thành lập từ động từ Saint, hiện tại phân từ của nó có nghĩa là “sự tồn tại” hay “sự hiện hữu” (to be hay being) và được giải thích là một chúng sinh hay hữu tình.  Có nhiều ý kiến của các nhà Phạn ngữ Tự điển cho rằng, sattva là sự Phạn hóa lầm từ “Satta” của Pāli, thay vì Sattva thì ở đây phải là sakta, nó được hình thành từ động từ căn Sanj, có nghĩa là: liên kết, nối kết, gắn bó, miệt mài, gắn chặt v.v..  và sửa Bodhisattva thành bodhisakta. Ý nghĩa này, không phải hoàn toàn không có cơ sở, nhưng cũng cần phải được thẩm định lại sau.

Bồ-tát Pāli ngữ gọi là Bodhisatta.  Nó được thành lập từ hai yếu tố là Bodhi và Satta; Bodhi, có ý nghĩa tương tự, như từ Bodhi ở Phạn ngữ. Bodhi ở trong Pāli ngữ, nó vừa có chức năng như một tính từ, vừa có chức năng như một hình dung từ, để chỉ sự giác ngộ. Bodhi khi nó được viết ở dạng Aorist (vô hạn, bất định) là: Bodheti, với ý nghĩa tỉnh thức, giác ngộ; Bodheti nó được suy ra bằng việc thêm hậu tố “e” vào động từ căn Budh. Satta nó có nghĩa là một chúng sinh, một hữu tình hay một con người. Trong các bộ từ điển Pāli, Satta thường được cho là đồng nghĩa với từ  དཔའ་dpa’ của Tạng ngữ, với ý nghĩa là một anh hùng (hero),  một người dũng cảm (intrepid person),  một chiến sĩ tâm linh (heroic spirit) v.v.. Cho nên, Satta dường như mang cả hai ý nghĩa: là hữu tình, hay sự hiện hữu và chiến đấu.

Bồ-tát Tạng ngữ viết: བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ  byang chub sems dpa’ dịch Anh ngữ là Bodhisattva (Bồ-tát); a hero with respect to contemplating enlightenment (một anh hùng với sự chú tâm đối với những dự định liên quan đến giác ngộ); one intent on full enlightenment (một sự kiên quyết, theo đuổi giác ngộ). Các nhà Phật học Tây Tạng định nghĩa བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ byang chub sems dpa’ tức là một ai đó đã khởi phát tâm Bồ-đề, khát khao ước nguyện đạt đến sự toàn giác, để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, và đó là một hành giả đã khởi hành trên cỗ xe vĩ đại, cỗ xe tối thắng; Các nhà học giả Anh thường dịch từ བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ  byang chub sems dpa’ là “awakening being” có thể hiểu là “hiện hữu sự giác ngộ”, “bản chất tỉnh giác”, “con người tỉnh thức” … Hay cũng có thể được hiểu là vị “thức tỉnh chúng sinh” v.v.. Ta có thể phân tích ngữ học của བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ  byang chub sems dpa’ như sau:

–                      བྱང་ byang:

+ Làm sạch, rửa sạch, gột sạch, hay gọi theo trung hoa là “tẩy uế”; Anh ngữ là cleanse;

+ Hướng đến giai đoạn phía sau, giai đoạn cuối của sự khởi phát. Dịch Anh ngữ là: later.

+Nguyên chất, thuần khiết, trong suốt, sáng trong không ô nhiễm, mà Anh ngữ quen gọi là “purity” hay “limpid”.

+Sự biến thể, biến đổi, chuyển hóa v.v.. Anh ngữ là transmutation.

+Sự khéo léo trong hành động, sự thuần thục trong việc làm. Anh ngữ dịch là “skilled”; đây là thuật từ có ý nghĩa hiếm xuất hiện và ít phổ thông trong Anh ngữ. Với ý nghĩa là thiện hành thành thạo vượt bậc, anh ngữ còn dịch བྱང་ byang là well-versed.

+ Hoàn toàn, trọn vẹn, đầy đủ, điểm cao nhất, tràn đầy v.v.. Anh ngữ dịch là full of hay perfected.

+ Đã hoàn thành, đã làm xong, được huấn luyện kỹ lưỡng, có đủ tài năng,… Anh dịch là accomplished, đôi khi cũng dịch là: [was] well-versed trained.

+ Danh sách, bảng kê, hay cũng có nghĩa ghi vào danh sách.

[Ngoài ra nó còn có nghĩa phái sinh khác của từ này trong Tạng ngữ là “nomad regions” (các vùng du mục) hay “north” (hướng bắc, về hướng bắc); tức chỉ cho một cao nguyên ở Tây Tạng, tên đầy đủ là བྱང་ཐང་། changtang[7]: là một cao nguyên rộng lớn, có hồ nước mênh mông, ở phía bắc Tây Tạng mở rộng về miền đông nam Ladakh[8], là quê hương của Changpa hay Champa, nơi có các người du mục, bán du mục Tây Tạng[9] ].

–                      ཆུབ་ chub

+ Sự sáng suốt tuyệt bậc, tuệ giác toàn vẹn, anh ngữ gọi là Consummate perspicacity.

+ Khả năng tự làm chủ bản thân, khả năng điều phục, tự kiểm soát, v.v.. Anh dịch là autonomous.

+ Sự tồn tại phổ biến, sự sống lan rộng… Anh ngữ: exist pervasively.

+ Thông hiểu, lãnh hội, nhận diện thấu đáo, hay bao gồm, bao hàm v.v.. Anh dịch là comprehend hay understand.

–                      སེམས་ Sems

+ Khi Sems là động từ: nó có hai nghĩa:

1/Tư duy, suy nghiệm (theo nghĩa có một ý kiến, quan điểm nào đó). Trong Anh ngữ gọi là think và giải thích là: in the sense of have an opinion.

2/Chiêm ngưỡng, nhìn ngắm; trầm tư, trầm ngâm; hay dự định, định liệu, chờ đợi v.v.. dịch anh ngữ là contemplate hay cũng có thể dịch là Study.

+ Khi Sems là danh từ nó có những nghĩa như sau: Tạm mượn từ “mind” của Anh ngữ để chỉ nghĩa của sems; nó có nghĩa là tâm trí, tinh thần, kí ức, sự chú ý, ý kiến, ý nghĩ, ý định, giữ gìn, chăm sóc v.v.. Hay cũng có thể dịch là “thought”. Hay Sems nó  cũng có nghĩa là “consciousness”; tức là ý thức, hay sự hiểu biết. Các hình thức dịch khác như consciousness; continuum v.v..

Sems nó được giải thích là “attitude of mind” tức là: quan niệm tinh thần, quan điểm cách nhìn; trạng thái của tư tưởng (state of thought); trạng thái của tâm (state of mind); Sau này Sems còn được dịch rất nhiều từ như: inclination to; mind; mental activity; fancies (himself for); thinks of; minds about; thinks about v.v..

–                      དཔའ་      dpa’

+ Anh hùng, dũng cảm, không khiếp sợ hay người chiến sĩ tâm linh; dịch anh ngữ là hero; intrepid person; courage, dauntless, hay heroic spirit v.v..

+ Kinh nghiệm hay trí tuệ vững chắc (steadily wise).

Từ những phân tích mang tính từ vựng học như trên, བྱང་ཆུབ་སེམས་དཔའ  byang chub sems dpa’ của Tạng ngữ, mà ta cho tương đương với từ Bodhisattva của Phạn ngữ, hay Bodhisatta của Pāli;  nội hàm của nó có quá nhiều ý nghĩa.  Khó mà có một từ nào có thể giải thích đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa của nó. Các bản Hán dịch là: Bồ-tát菩薩,Anh dịch của Edward Conze là: “bodhisattvas”.

Đại Sĩ Phạn ngữ gọi là Mahāsattva: danh từ, giống đực, số nhiều, biến cách thứ ba Instrumental, thành lập từ; có thể dịch là “Đại hữu tình” hay “sự hiện hữu vĩ đại” v.v..

Đại Sĩ Tạng ngữ viết: སེམས་དཔའ་ཆེན་པ sems dpa’ chen po; Ý nghĩa của từ: sems và dpa’ ở trên đã có đề cập đến ở trên; còn ཆེན་པ་ chen po: có nghĩa là vĩ đại, rộng lớn v.v.. སེམས་དཔའ་ཆེན་པ sems dpa’ chen po, ta dịch anh ngữ là: noble-minded, hoặc dịch như Edward Conze là: great being (chúng sinh vĩ đại, hiện hữu vĩ đại).  Đây là một thuật từ dùng để chỉ cho các vị Đại Bồ-tát (A term that refers to great bodhisattvas), có thể dịch སེམས་དཔའ་ཆེན་པ sems dpa’ chen po là “một chiến sĩ tâm linh vĩ đại” hay “một dũng sĩ tâm linh cao thượng” (great heroic mind); hay cũng có thể giải thích nó như là: “một tư tưởng của bậc thánh đã thành tựu sự toàn vẹn cao thượng” (a saintly soul that has attained high perfection).

Hán phiên âm Mahāsattva là: ma-ha-tát 摩訶薩, dịch là Đại sĩ大士. Ở trong Hán văn, cũng còn một từ Đại sĩ nữa dùng để chỉ cho đức Phật, nhưng nó không phải được dịch từ chữ Mahāsattva, mà nó được dịch từ chữ Mahāpuruṣa của Phạn ngữ; hay Mahāpurisa của Pāli; Puruṣa: là người có nhân cách, có phẩm tính cao, v.v… dịch là Trượng phu hay Sĩ Phu, nó xuất hiện trong thập hiệu của Phật: Puruṣadamyasārathi (Điều ngự Trượng Phu). Kinh Tạp A-hàm quyển 48, có chép lời ca ngợi đức Phật của một vị thiên tử như sau: “Đại sĩ (Mahāpuruṣa) là rồng lớn, Đại sĩ là ngưu vương, Đại sĩ phu là người có dũng lực, Đại sĩ phu là con ngựa tốt, Đại sĩ phu là bậc thượng thủ, Đại sĩ phu là người tối thắng”[10].

II/TỔNG LUẬN

Sự cúng dường chuỗi ngọc châu Anh Lạc của Bồ-tát Vô Tận Ý đã thi thiết về đức tin, khả năng thông hiểu và trực nhận thậm thâm của tự thân đối với Hành Môn của Bồ-tát Quán Thế Âm. Và chính hành động nhận chuỗi ngọc Anh Lạc và đã đem chuỗi ngọc châu Anh Lạc ấy, phân làm hai phần để cúng dường của Bồ-tát Quán Thế Âm, là để khai, thị, ngộ, nhập phật tri kiến cho Bồ-tát Vô Tận Ý, khiến cho vị Bồ-tát này, tín giải rằng: Hành Môn Pháp Hoa của Bồ-tát Quán Thế Âm, Bản Môn Pháp Hoa của Đức Đa Bảo Như Lai và Tích Môn Pháp Hoa của Đức Thích Ca Tôn là ba phương diện của «một thực tại siêu việt bất khả tư nghị».

Thực tại siêu việt bất khả tư nghị ấy, chính là Nhất Thừa Đạo, là Phật Đạo được thực thi bằng Trung Đạo.Và đồng thời cũng thi thiết tư tưởng hết sức độc đáo: Bồ-tát Quán Thế Âm đã nhận chuỗi ngọc châu Anh Lạc từ Bồ-tát Vô Tận Ý, và Ngài đã dâng chuỗi ngọc ấy, lên cúng dường Đức Phật Thích Ca và Tháp của Phật Đa Bảo là để khai thị cho Bồ-tát Vô Tận Ý tín giải rằng: «Giữa đức Thế Tôn Bản Môn, Đức Như Lai Tích Môn và Bồ-tát Hành Môn không dị biệt». Ngoài đức Thế Tôn, duy chỉ có năng lực Tuệ giác toàn vẹn của những vị Đại sĩ toàn diện[11], mới có khả năng thi thiết hành động ấy, khiến cho toàn thể pháp hội khi nghe pháp xong đều khởi hành trên cỗ xe Bồ-tát, phát khởi tâm tối thượng chánh đẳng giác.

Chuỗi ngọc Anh lạc 瓔珞: nguyên ngữ Sanskrit của nó là muktāhāra, Hán phiên âm là cát-do-la, chỉ-do-la, là vật trang sức được kết bằng hoa hoặc ngọc châu. Theo truyền thống Ấn-độ những vị vương tôn, quý tộc, hay những vị khả kính đều có đeo chuỗi ngọc Anh lạc, tùy ý đeo ở cổ, tay, v.v.. Kinh Pháp Hoa diễn tả, Bồ-tát Vô Tận Ý cỡi chuỗi ngọc châu Anh-lạc dâng cho đức Đại sĩ Quán Thế Âm: «atha khalvakṣayamatirbodhasattvo mahāsattvaḥ svakaṇṭhādavartāya śatasahasramūlyaṃ muktāhāramavalokiteśvarāya bodhisattvāya mahāsattvāya dharmācchādamanuprayacchati sma-pratīccha satpuruṣa imaṃ dharmācchādaṃ mamāntikāt[12] : Lúc đó, vị Bồ Tát Đại Sĩ Vô Tận Ý cởi ra khỏi cổ mình xâu chuỗi ngọc châu Anh Lạc, giá trị bằng trăm nghìn lượng vàng, và dâng nó lên Bồ Tát Đại Sĩ Quán Thế Âm như một vật trang sức của lòng tôn kính ngưỡng mộ, với lời rằng: ‘Xin ngài hãy nhận từ tôi vật trang vật trang sức của lòng quy kỉnh ngưỡng mộ Thánh Pháp này, hỡi đấng Trượng phu’». Đây là hình ảnh vô cùng đặc biệt. Tuy chưa thấy chỗ não trong kinh luận nói cụ thể đến ý nghĩa đằng sau của chuỗi Anh lạc, nhưng dựa vào sự kiện, chuỗi Anh-lạc được dùng để đặt tên Luật Anh Lạc[13] ; tức là ở đây, rõ ràng chuỗi Anh-lạc được dùng để ám chỉ cho Thánh Giới, mà Phạn ngữ gọi là śila tức các học giới hay học xứ. Chuỗi Anh lạc là ẩn dụ cho các học giới từ nơi hữu tác giới thể mà thành tựu vô tác giới thể. Vì vậy, hành động dâng cúng chuỗi ngọc Anh lạc của Bồ-tát Vô Tận Ý, đã nói lên Thánh Giới ấy khởi sinh từ nơi tư tâm sở hay từ nơi ước muốn và hành nguyện của một người tha thiết khất cầu các học xứ, khát khao về phương thức tu tập và hành đạo từ nơi đức Đại sĩ để sống đời thanh tịnh, không bị chìm đắm, lang thang trong sinh tử phần đoạn và bất tư nghì biến dịch sinh tử.

Năng lực Đại bi và Bát-nhã của Đại sĩ Quán Thế Âm châu biến cả pháp giới nhưng đó cũng chỉ là tha lực, là ngoại duyên, chúng ta hành trì thánh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm một cách thành khẩn để hạt giống Từ bi và Tuệ giác trong tâm thức chúng ta phát khởi là tự lực, là chánh nhân, nội nhân và nội duyên. Tự lực và tha lực, nội nhân và ngoại duyên tác động hỗ tương lên nhau, phối hợp cùng nhau, chắc chắn những hạt giống mê lầm, khát ái, và những ấn tượng tri giác lộn ngược, mà Phạn ngữ gọi là viparyayastā saṃjñā : điên đảo tưởng của chúng ta sẽ được ly khai bởi năng lực vĩ đại đó.

Hành Môn 行門 Phạn ngữ gọi là Caranā-mukhaCaranā đi từ động từ căn là car nghĩa là thực hành, thi hành, chuyển động, di chuyển … Nên Caranā nghĩa rộng là sự đi đến đạo đức, sự thi thiết đức hành, sự thực hành v.v.. Mukha: tức là môi trường, cửa ngõ. Nên Caranā-mukha có nghĩa là môi trường mà ở đó Bồ-tát Quán Âm thi thiết đủ mọi phương tiện cũng như cứu cánh, để đưa chúng sinh đi vào cửa giác ngộ; từ chỗ phương tiện thực hành học giới đến chỗ tuyên thuyết cứu cánh Nhất thừa đạo. Nên Hành Môn Bồ-tát Quán Thế Âm là Hành Môn luôn gắn liền với như tính Đại Bi và Bát-nhã.

Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra (Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh)[14] tiêu biểu cho Hành Môn Bát-nhã của Bồ-tát Quán Thế Âm. Kinh thuật lại như sau : «Bấy giờ, Bồ-tát Quán Tự Tại đang ngồi trên chỗ ngồi, bèn rời đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến trước đức Thế Tôn, chắp tay hướng về Phật, nghiêng mình cung kính, chiêm ngưỡng tôn nhan, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, con muốn, trong chúng hội này, nói về trái tim của Bát-nhã ba-la-mật-đa, là kho tàng trí tuệ bao hàm cùng khắp của các Bồ-tát. Cúi mong Thế Tôn hứa khả cho những điều con nói. Con sẽ công bố pháp yếu bí mật cho các Bồ-tát”[15]. Lúc đó, Bồ-tát Quán Thế Âm ở ngay giữa đại chúng, gọi Tôn giả Xá Lợi Phất mà tuyên thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh với tất cả Thánh Trí Bát-nhã của mình. Bồ-tát Quán Tự Tại, sau khi được Phật hứa khả, được Phật thiện hộ niệm, bèn nhập tam-muội chính thọ có tên là Huệ quang. Sau khi nhập định này, trong khi bằng năng lực của tam-muội mà thực hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, Ngài soi thấy năm thủ uẩn, tự tính thảy đều Không. Ngài đã liễu tri năm thủ uẩn mà tự tính thảy đều Không rồi, bèn an lành xuất khỏi tam-muội kia, và nói với Trưởng lão Xá-lợi-phất rằng: “Thiện nam tử, Bồ-tát có trái tim của Bát-nhã ba-la-mật, được gọi là Kho tàng Trí tuệ phổ biến, ông nay hãy lắng nghe, hãy khéo suy niệm kỹ…”[16]

Theo Quảng bản Tâm Kinh, Phật thuyết Thánh Phật mẫu Bát-nhã ba-la-mật-đa kinh nói rằng: Bấy giờ, Thế Tôn liền nhập tam-ma-địa có tên là Thậm thâm quang minh tuyên thuyết Chính pháp. Khi ấy, Bồ-tát Quán Tự Tại, là vị Đại sĩ, cũng đang ở giữa Phật hội. Nhưng Bồ-tát này đã tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm, quán chiếu thấy năm uẩn, mà tự tính thảy đều Không. Rồi thì, tôn giả Xá-lợi Tử, nương theo uy thần của Phật, bước lên trước mà bạch Bồ-tát Quán Tự Tại rằng: “Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoan hỷ muốn tu học ở trong pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, thì nên học như thế nào?” Khi ấy, Bồ-tát Quán Tự Tại, là vị Đại sĩ, diễn thuyết cho Tôn giả Xá-lợi Tử muốn tu học ở trong pháp môn Bát-nhã ba-la-mật-đa thậm thâm này, hãy quán chiếu năm uẩn, mà tự tính thảy đều Không v.v.. Bấy giờ Thế Tôn an lành xuất khỏi tam-ma-địa; Ngài tán thán Bồ-tát Ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử, những điều ông nói, đúng vậy, đúng vậy, Bát-nhã ba-la-mật-đa nên được tu học như vậy. Đó tức là cứu cánh chân thật tối thượng. Hết thảy các đức Như Lai cũng đều tuỳ hỷ.” Phật thuyết kinh này hoàn tất; Bồ-tát Ma-ha-tát Quán Tự Tại, cùng các Bí-sô, cho đến cả thế gian bao gồm chư Thiên, Nhân loại, A-tu-la, Càn-thát-bà, vân vân, hết thảy đại chúng, sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ tín thọ phụng hành[17].

Kinh kể lại vào thời kỳ quá khứ, có thế giới tên là Tán Đề Lam, thuộc kiếp Thiện Trì, bấy giờ có đức Thế Tôn xuất thế, danh hiệu là Bảo Tạng Như Lai, có vị Thái tử con của vua Vô Lượng Tịnh, phát Bồ đề tâm cúng dường Phật và chúng Tỷ-kheo Tăng ba tháng và phát nguyện rằng: giả sử có chúng sanh nào đang phải chịu vô lượng khổ não bức bách trong ba ác đạo, nếu họ liền nghĩ nhớ đến tôi, xưng niệm danh hiệu của tôi, thì tôi sẽ dùng thiên nhĩ nghe âm thanh của họ, dùng thiên nhãn để thấy họ, mà họ không thoát ly được khỏi khổ đau, tôi nguyện không thành tựu đạo quả Tối Thượng Bồ-đề. Đức Phật Bảo Tạng dạy vị Thái tử ấy rằng: “Ông nhìn hết thảy chúng sanh là vì muốn đoạn trừ hết thảy khổ đau của họ, nên nay danh hiệu của Ông được gọi là Quán Thế Âm”. Và Thái tử ấy đã được Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký thành Phật trong tương lai với bài tụng:

Đại Bi công đức

Kim ưng hoàn khởi

Địa lục chấn động

Cập chư Phật giới.

Thập phương chư Phật

Dĩ thọ nhữ ký

Đương thành vi Phật

Cố ưng hoan hỷ”[18].

Dịch:

Công đức đại bi

Nay, nên khởi lại

Đất sáu chấn động

Cùng các cõi Phật.

Các phật mười phương

Thọ ký cho ngươi

Tương lai thành Phật.

Nên, hãy hoan hỷ.

Hành Môn về Bát-nhã của đức Đại sĩ được diễn tả thể ở trong Đại Bi kinh: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói với Bồ-tát Tổng Trì Vương rằng: Bồ-tát Quán Thế Âm từ vô lượng kiếp đã thành tựu tâm đại từ, đại bi, có năng lực thi thiết vô lượng pháp môn, gìn giữ hết thảy thiện pháp một cách trí tuệ. Vì muốn làm cho hết thảy chúng sanh an lạc, nên mật phóng ra sức mạnh của thần thông vĩ đại. Và Bồ-tát Quán Thế Âm cũng đã thưa với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: Thần chú Đai Bi này, từ vô lượng kiếp về trước, con đã được Đức Phật Thiên Quang Vương Tịnh Trú trao truyền và dạy con rằng: Ông hãy hành trì tâm chú này, để làm đại lợi ích cho khắp tất cả chúng sanh vào đời ác ngũ trược trong vị lai. Cũng ở trong kinh này, Đức Phật Thích Ca  đã nói với Tôn giả A Nan và đại chúng rằng: “Oai lực của Bồ-tát Quán Thế Âm là không thể nghĩ bàn, ở vô lượng kiếp trong quá khứ vị Bồ-tát này đã thành Phật danh hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì muốn phát khởi nguyện lực đại bi cho hết thảy Bồ-tát và vì muốn thuần thục sự an lạc cho hết thảy chúng sanh mà hiện thân làm vị Bồ-tát vậy”[19].

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Nhập Pháp Giới, Bồ-tát Quán Thế Âm đã nói pháp hành tu tập của mình với Thiện Tài Đồng Tử rất cụ thể: «Này người con trai của gia đình hiền thiện! Ta đã thành tựu Hành Quang Minh Pháp Môn Đại bi, giáo hóa thuần thục hết thảy chúng sanh, thường trú nơi thế giới của chư Phật, nhưng tùy theo chúng sanh mà ứng hóa cùng khắp trước mặt của họ. Hoặc dùng bố thí cho đến đồng sự mà nhiếp thọ chúng sanh; hoặc hiện sắc thân mầu nhiệm, không thể nghĩ bàn để nhiếp thọ chúng sanh; hoặc phóng lưới ánh sáng vĩ đại trừ diệt tất cả phiền não nóng bức cho chúng sanh; hoặc phát ra âm thanh mầu nhiệm mà hóa độ họ; hoặc dùng oai nghi thuyết pháp; hoặc dùng thần lực tự tại; hoặc dùng phương tiện giác ngộ; hoặc hiển thị thân biến hóa; hoặc hiện thân đồng loại cho đến đồng sống chung để nhiếp thủ chúng sanh. Này người con trai của gia đình hiền thiện! Lúc tôi thực hành hạnh Quang Minh của pháp môn Đại bi, phát khởi thệ nguyện bao la, gọi là Nhiếp thọ hết thảy chúng sanh, muốn cho chúng sanh ly khai sợ hãi về con đường nguy hiểm, sợ hãi nhiệt não, sợ hãi ngu si, sợ hãi trói buộc, sợ hãi giết hại, sợ hãi bần cùng, sợ hãi không sống, sợ hãi tranh cãi kiện tụng, sợ hãi đại chúng, sợ hãi chết, sợ hãi ác đạo, sợ hãi nẻo đến xấu ác, sợ hãi tâm ý bất đồng, sợ hãi thương và không thương, sợ hãi hết thảy điều ác, sợ hãi thân bị bức bách, sợ hãi tâm bị bức bách, sợ hãi đau buồn v.v.. Này người con trai của gia đình hiền thiện! Ta chỉ biết thực hành Quang minh Pháp môn Đại bi này của Bồ-tát”[20]. Như vậy, theo kinh Hoa Nghiêm pháp môn hay pháp hành tu tập của Bồ-tát Quán Thế Âm, chính là thực hành tâm Đại bi cứu hộ, che chở hết thảy chúng sanh vượt ra khỏi mọi sự bức não và sợ hãi…

Trong Saddharmapuṇḍarīka-sūtra[21] (Kinh Diệu Pháp Liên Hoa), phẩm Samantamukha[22] (Phổ Môn) là nói về Hành môn Pháp Hoa của Bồ-tát Quán Thế Âm. Phổ Môn, tiếng Phạn là SamantamukhaSamanta là phổ quát, phổ biến, cùng khắp. Mukha là cửa ngõ, môi trường, hoàn cảnh. Ngài La-thập, Trúc Pháp Hộ và Xà-na-khuất-đa, đều dịchSamantamukha là Phổ Môn.

Trong Phẩm này, Bồ-tát Vô Tận ý đã thưa hỏi đức Thế Tôn về diệu dụng danh hiệu của Bồ-tát Đại-sĩ Quán Âm như sau: “Atha khalu akṣayamatir bodhisattvo mahāsattva utthāyāsanādekāṃsamuttarāsaṅgaṃ kṛtvā dakṣiṇaṃjānumaṇḍalaṃ pṛthivyāṃ pratiṣṭhāpya yena bhagavāṃstenāñjaliṃ praṇāmya bhagavantametadavocat-kena kāraṇena bhagavan avalokiteśvaro bodhisattvo mahāsattvo’valokiteśvara ityucyate?”[23]: Lúc bấy giờ, Bồ-tát đại sĩ Vô-tận-ý, từ chỗ ngồi của mình đứng dậy, vắt thượng y qua một bên vai, chắp tay lại, hướng về đức Thế Tôn mà bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn, Vì những nguyên nhân gì, mà vị Bồ-tát đại sĩ Quán Thế Âm được gọi tên là Quán Thế Âm?” Và đức Thế Tôn đã trả lời cho Bồ-tát Đại sĩ Vô-tận-ý như sau: “evamukte bhagavānakṣayamatiṃ bodhisattvaṃmahāsattvametadavocat-iha kulaputra yāvanti sattvakoṭīnayutaśatasahasrāṇi yāni duḥkhāni pratyuanubhavanti, tāni sacedavalokiteśvarasya bodhisattvasya mahāsattvasya nāmadheyaṃ śṛṇuyuḥ, te sarve tasmādduḥkhaskandhād parimucyeran”[24]: Vấn đề được hỏi như vậy, đức Thế Tôn đã trả lời cho Bồ-tát Đại-sĩ Vô-tận-ý rằng: Này người con trai của gia đình hiền thiện! Hết thảy hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, ức chúng sinh, những người đang phải chịu đựng những sợ hãi, giả sử nếu họ nghe được danh hiệu của Bồ-tát Đại sĩ Quán-thế-âm thì được giải thoát khỏi vô lượng những nỗi sợ hãi ấy.

Theo như trong Phạn văn Pháp Hoa và Hán văn Pháp Hoa, chúng ta có thể tham khảo cả phần trường hàng và kệ tụng, thì diệu dụng của Thánh hiệu đức Đại sĩ Quán Thế Âm có những năng lực cực kỳ vĩ đại và phương thức tu tập vô cùng tuyệt diệu: “śravaṇo atha darśano’pi ca anupūrvaṃ ca tathā anusmṛtiḥ| bhavatīha amogha prāṇināṃsarvaduḥkhabhavaśokanāśakaḥ”[25]: Ngài lắng nghe, quán sát, thường xuyên và không ngừng nghĩ đúng như thực, để diệt trừ tất cả khổ đau, sự tồn tại sinh tử của chúng sinh trên thế gian.

Ở đây chúng ta dẫn một vài đoạn kinh văn Phạn bản để minh chứng về diệu dụng vượt thoát tai nạn khi nhớ nghĩ đến đức công hành, danh hiệu Quán Thế Âm:

Vượt thoát tai nạn của lửa: “saci agnikhadāya pātayed /ghatanārthāya praduṣṭamānasaḥ|  smarato avalokiteśvaraṃ/abhisikto iva agni śāmyati”[26]: Giả sử có người bị ném vào hố lửa dữ, bởi kẻ thù độc ác, cùng với đối tượng muốn sát hại người đó, nếu người đó sinh khởi ý nghĩ đến Quán Thế Âm, thì ngọn lửa dữ được dập tắt, do được rưới nước.

Vượt thoát tai nạn của nước: “saci sāgaradurgi pātaye- nnāgamakarasurabhūtaālaye| smarato avalokiteśvaraṃjalarāje na kadācisīdati”[27]: Giả sử xảy ra sự việc một người bị chìm vào giữa đại dương đáng sợ, là nơi ở của rắn dữ, quái vật biển, và quỷ dữ, nhưng nếu người ấy nghĩ nhớ đến Quán Thế Âm, thì người ấy sẽ không bao giờ chìm xuống trong đại dương đó.

Vượt thoát tai nạn rơi xuống núi từ núi chúa Tu-di: “saci merutalātu pātayed ghatanārthāya praduṣṭamānasaḥ| smarato avalokiteśvaraṃ sūryabhūto va nabhe pratiṣṭhat”[28]: Giả sử có người bị xô rớt xuống từ bờ vực của núi chúa Tu-di, bởi những kẻ xấu xa với đối tượng muốn sát hại người ấy, nhưng nếu người đó nhớ nghĩ đến Quán Thế Âm, thì họ như mặt nhật/(ánh nắng) vững chắc giữa bầu trời.

Vượt thoát nạn chày kim cương và sấm sét: “vajrāmaya parvato yadi ghatanārthāya hi mūrdhni oṣaret| smarato avalokiteśvaraṃ romakūpa na prabhonti hiṃsitum”[29]: Giả sử có kẻ dữ muốn dùng chày kim cương và sấm sét đánh vào đầu của người khác, để giết hại người ấy, nhưng khi ấy người đó nhớ nghĩ đến Quán Thế Âm, thì kẻ dữ đó sẽ không thể làm tổn thương một sợi lông/tóc trên cơ thể của người này.

Vượt thoát nạn gươm đao của kẻ thù: “saci śatrugaṇaiḥ parīvṛtaḥ śastrahastairvihiṃsacetasaiḥ| smarato avalokiteśvaraṃ maitracitta tada bhonti tatkṣaṇam”[30]: “Giả sử có người bị bao vây bởi rất nhiều các kẻ thù cầm gươm đao, những kẻ đó có ý định giết người này, nhưng người đó nghĩ nhớ đến Quán Thế Âm, thì ngay lập tức những kẻ thù hung dữ ấy sẽ trở thành người hiền lành”

Vượt thoát tai nạn đao kiếm hình sự: “saci āghatane upasthito vadhyaghātanavaśaṃgato bhavet| smarato avalokiteśvaraṃ khaṇḍakhaṇḍa tada śastra gacchiyuḥ”[31]: Giả sử có người bị bắt, và giao cho đao phủ uy quyền hành xử, đã và đang đứng tại nơi hành xử (pháp trường), nhưng nếu người đó nhớ nghĩ đến Quán Thế Âm, thì thanh đao của đao phủ đó sẽ bị gãy lìa thành từng đoạn.

Vượt thoát tai nạn gông cùm: “Saci dārumayairayomayai- rhaḍinigaḍairiha baddhabandhanaiḥ| smarato avalokiteśvaraṃ kṣiprameva vipaṭanti bandhanā”[32]: Giả sử có người xảy ra nạn bị trói buộc chặt vào trong cùm gỗ hoặc sắt, nhưng nếu người đó nhớ nghĩ đến Quán Thế Âm, và gông cùm nơi họ được nới lỏng nhanh chóng.

Vượt thoát tai nạn La Sát và quỷ thần đoạt tinh khí: “mantrā bala vidya oṣadhī bhūta vetāla śarīranāśakā| smarato avalokiteśvaraṃ tān gacchanti yataḥ pravartitāḥ|”[33] Nếu có người bị bao vây bởi những quỷ La-sát, rắn dữ v.v.. hay những quỷ thần có sở thích chuyên hút tinh khí của cơ thể con người, nhưng nếu người đó nhớ nghĩ đến Quán Thế Âm, thì những loài dữ đó sẽ không thể làm tổn thương một sợi lông/tóc của cơ thể của người này.

Vượt thoát nạn quỷ Dạ Xoa: “saci ojaharaiḥ parīvṛto nāgayakṣasurabhūtarākṣasaiḥ| smarato avalokiteśvaraṃromakūpa na prabhonti hiṃsitum|”[34]: Giả sử có người bị bao vây bởi những quỷ Dạ Xoa đáng sợ với hàm răng sắc nhọn và móng vuốt, nhưng nếu người ấy nhớ nghĩ đến Quán Thế Âm, thì loài quỷ đó sẽ nhanh chóng bỏ chạy theo mọi hướng.

Vượt thoát nạn rắn dữ độc hại: “saci dṛṣṭiviṣaiḥ parīvṛto jvalanārciśikhiduṣṭadāruṇaiḥ| smarato avalokiteśvaraṃkṣiprameva te bhonti nirviṣāḥ|”[35]: Giả sử có người bao vây bởi những con rắn dữ độc hại và đáng sợ, ở trên chỗ của các ngọn lửa cháy lớn, nhưng nếu người đó nhớ nghĩ đến Quán Thế Âm, thì những con rắn độc ấy sẽ nhanh chóng mất đi chất độc của nó.

Vượt thoát nạn sấm sét: “gambhīra savidyu niścarī meghavajrāśani vāriprasravāḥ| smarato avalokiteśvaraṃkṣiprameva praśamanti tatkṣaṇam”[36]: Giả sử có những tia sét lớn đánh xuống từ các đám mây, mang theo sấm chớp nổ vang, nếu những người nơi ấy nhớ nghĩ đến Quán Thế Âm, và lửa của trời[37] lập tức sẽ được dập tắt.

Ngoài ra kinh văn Phạn-Hán bản Phổ Môn, còn diễn tả diệu dụng của Thánh hiệu Quán Thế Âm, có năng lực vượt thoát các nạn giặc cướp, kiện tụng v.v… và những công năng thù diệu như sau:

– Chuyển hóa ba căn bản phiền não: tham dục, sân hận và ngu si.

– Thỏa mãn hai ước nguyện: “Cầu sinh con trai được con trai, cầu sinh con gái được con gái”

– Ba mươi ba ứng thân biến thể hóa độ vạn loài chúng sinh

Tinh hoa triết học về sự tu tập và hành đạo của Đức Bồ-tát Quán Âm thể hiện rất rõ trong Phổ Môn Phạn ngữ qua Ba Pháp Học Giới-Định-Tuệ như sau:

+ Giới học Phổ Môn:

कृपसद्गुणमैत्रगर्जिता

शुभगुण मैत्रमना महाघना।

क्लेशाग्नि शमेसि प्राणिनां

धर्मवर्षं अमृतं प्रवर्षसि

kṛpasadguṇamaitragarjitā

śubhaguṇa maitramanā mahāghanā|

kleśāgni śamesi prāṇināṃ

dharmavarṣaṃ amṛtaṃ pravarṣas[38]

Bản thể Bi hiện hữu,

sấm dậy vang  lòng Từ,

ý Từ đức tuyệt đẹp,

như mây lớn bủa khắp,

rưới mưa pháp Cam lồ,

dập tắt lửa phiền não.

Giới, tiếng Phạn là Śīla. Hán phiên âm là Thi la và dịch là giới. Śīla hay giới, các nhà Phật học giải thích có nhiều nghĩa như sau: Tránh xa, từ bỏ, thân cận, ngăn ngừa, phòng hộ, giải thoát, thận trọng, chế ngự, nâng lên, tươi mát, diệu hành v.v… Giới có rất nhiều nghĩa như thế, nhưng nghĩa căn bản là thiện, đạo đức, có năng lực phòng hộ tất cả mọi ác pháp xảy ra đối với thân tâm của một người đã phát nguyện lãnh thọ hành trì.

Giới pháp của Phổ Môn, giới pháp ấy từ nơi bản thể đại bi do đại nguyện vô tận của ý, đại thệ vô tận của ngữ và đại hạnh vô tận của thân mà sinh khởi và thành tựu.

Luật Anh Lạc nói rõ: “ 本,住 Hết thảy chúng sanh khi mới bắt đầu vào biển Tam bảo lấy tín làm gốc; khi sống trong ngôi nhà của Phật, thì lấy giới làm gốc”[39]

Kinh Hoa Nghiêm cũng chép: “Đức Như Lai Bậc Toàn Giác trước khi mưa pháp, Ngài làm cho mây pháp nổi lên che khắp chúng sanh, sau đó mới mưa Chánh pháp Cam lồ, làm cho chúng sanh các căn của họ thành thục. Và sau khi các căn của họ thuần thục rồi, Ngài mới mưa Cam lồ pháp vị. Nếu Như Lai nói ngay pháp thâm diệu, thì chúng sanh sẽ sanh ngay sự sợ hãi. Nên, Như Lai mưa từ từ khiến cho tất cả họ thấm nhuần Cam lồ pháp vị của Nhất Thiết Chủng Trí”[40].

+ Định Học Phổ Môn:

शुभलोचन मैत्रलोचना

प्रज्ञाज्ञानविशिष्टलोचना।

कृपलोचन शुद्धलोचना

प्रेमणीय सुमुखा सुलोचना

śubhalocana maitralocanā

prajñājñānaviśiṣṭalocanā|

kṛpalocana śuddhalocanā

premaṇīya sumukhā sulocanā[41]

Nghĩa là:

Quán chiếu đến tuyệt đỉnh[42]

Quán chiếu thuần vô nhiễm[43]

Quán chiếu Tuệ giác lớn[44]

Quán chiếu bằng đại bi[45]

Quán chiếu bằng đại từ[46]

Thường ước nguyện tu tập

Thường chiêm nghiệm ngưỡng mộ.

Quán chiếu đến tuyệt đỉnh: Sanskrit gọi là śubhalocana [47].  Śubha là đẹp tuyệt vời, đẹp tuyệt đỉnh, tuyệt diệu,… ; locana là quán chiếu, soi chiếu, nhìn sâu vào để thấy rõ bản chất, có thể dịch là quán chiếu đúng sự thật. La-thập và Xà Na Quật Đa: 真觀 ,Chơn quán[48]. Burton Watson dịch là: The true gaze[49].

Quán chiếu thuần vô nhiễm: Sanskrit gọi là Śuddhalocanā được thành lập từ Śuddha có động từ căn Śudh, làm cho thuần khiết, làm cho vô nhiễm. Śuddhalocanā là sự quán chiếu thuần khiết, sự quán chiếu vô nhiễm. La-thập và Xà Na Quật Đa: 清淨觀 Thanh tịnh quán. Burton Watson dịch là: The pure gaze.

Quán chiếu bằng Tuệ giác lớn: Sanskrit gọi là Prajñājñānaviśiṣṭalocanā, Prajñājñāna là trí tuệ; viśiṣṭa là đặc biệt, tuyệt vời; locanā sự quán chiếu. Prajñājñānaviśiṣṭalocanā, sự quán chiếu bằng trí tuệ đặc biệt, bằng trí tuệ tuyệt vời. La-thập và Xà Na Quật Đa : 廣大智慧觀 Quảng đại trí tuệ quán. Burton Watson dịch là: The gaze of great and encompassing wisdom.

Quán chiếu bằng đại bi: Sanskrit gọi là kṛpalocana. Quán chiếu những tập khởi khổ đau của chúng sanh mà khởi tâm thương yêu và có hành động cứu độ cụ thể. La-thập và Xà Na Quật Đa: 悲觀 Bi quán. Burton Watson dịch là: The gaze of pity.

Kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Thanh Liên Hoa Tạng nói với Bồ-tát Liên Hoa Tạng rằng, Đại bi là quán sát các quyến thuộc nội thân; Đại từ là quán sát bản thể tịch diệt của chúng sanh[50].

Quán chiếu bằng đại từ: Sanskrit gọi là Maitralocanā. Quán chiếu khổ báo của chúng sanh mà khởi tâm thương yêu, chăm sóc, an ủi, vỗ về, khiến cho khổ báo từ từ được chuyển hóa. La-thập và Xà Na Quật Đa:慈觀 , Từ quán. Burton Watson dịch là: The gaze of compassion.

Định là đứng vững trên nền tảng của giới, nên định ấy có khả năng nhiếp phục được các phiền não nơi tâm và dẫn sinh tuệ giải thoát. Định, Sanskrit gọi là samādhi. Hán phiên âm là Tam-ma-địa, Tam-muội và dịch ý là Chánh định. Nghĩa là tâm an trú vào một đối tượng chánh đáng duy nhất. Nhờ vậy mà thân tâm được an tĩnh, không loạn động. Định có nhiều dị danh như sau:

Đẳng trì: Định có nghĩa là duy trì được sự an ổn của thân và tâm vào một đối tượng.

Tịnh chỉ: Dừng lại các phiền não, khiến tâm ở vào trạng thái an tịnh.

Đẳng dẫn: Đẳng là tâm ở vào trạng thái không loạn động, không bị trạo cử và hôn trầm chi phối; Dẫn là dẫn sinh công đức thù thắng do định tâm đem lại.

Đẳng chí: Định có nghĩa là đưa thân tâm đồng đến chỗ thù diệu.

Tĩnh lự: Tĩnh lự hay thiền là dịch từ chữ dhyāna của Phạn ngữ. Nó có nghĩa là tĩnh lặng ấn tượng phân biệt v.v..

Định học của Phổ Môn được cũng thiết lập trên nền tảng của tín căn và giới uẩn, chúng sẽ dẫn đến định căn và định lực. Sự ngưỡng mộ, đức tin vào thánh hiệu và hành nguyện của đức Bồ Tát Quán Thế Âm để quán chiếu bằng Bi và Trí, để đạt đến sự sáng trong vô nhiễm. Lúc ấy, Định căn và định lực sung mãn, các phiền não hoàn toàn bị nhiếp phục, vô lậu thánh đạo phát sinh, tâm sẽ an trú ở trong chánh định. Chánh định làm nền tảng để vô lậu chánh kiến, tuyệt diệu sinh khởi. Chánh kiến tức là sự nhìn nhận trực tiếp không qua bất kỳ phân biệt ấn tượng nào cả, hay nói cách khác tức là tuệ vô lậu sinh khởi và đứng vững trên nền tảng của chánh định vậy.

+Tuệ Học Phổ Môn:

 अमलामलनिर्मलप्रभा

वितिमिर ज्ञानदिवाकरप्रभा।

अपहृतानिलज्वलप्रभा

प्रतपन्तो जगती विरोचसे

amalāmalanirmalaprabhā

vitimira jñānadivākaraprabhā|

apahṛtānilajvalaprabhā

pratapanto jagatī virocase|[51]

Nghĩa là:

Ánh sáng trong vô nhiễm,

Mặt trời tuệ phá ám,

Điều phục nạn gió lửa,

Sáng soi khắp thế gian.

Bài kệ này nói lên Tuệ học của Phổ Môn. Tuệ, tiếng Phạn là Prajñā và Pāli là paññā. Tuệ học của Phổ Môn, không chỉ thấy rõ nơi hình tướng của các Pháp mà xuyên suốt và thấu triệt ngay ở nơi bản thể của mọi đối tượng. Tuệ ở đây là khả năng quán chiếu để thấy rõ khổ, không, vô thường, vô ngã ở nơi các pháp duyên khởi. Và do quán chiếu Khổ, Không, Vô thường, Vô ngã, mà phá tan mọi si ám, bóng tối vô minh bị đẩy, vẩn đục khát ái và mọi ấn tượng sai lầm bị diệt trừ; sai lầm ở đây là gì? Sai lầm tưởng sợi dây là con rắn, lầm tưởng năm uẩn là ngã; Tuệ học Phổ Môn, giúp những ai đang thực hành Thánh pháp, phá vỡ những sai lầm tà kiến, điều phục nạn gió lửa của các đại chủng. Cái biết của tuệ là cái biết đúng tự thân trực tiếp của thực tại. Soi chiếu hết thảy thế gian này, tuệ biết và thấy rõ vạn pháp là vô thường; thấy rõ tự tính của vạn hữu vốn không, hư huyễn, phi thực v.v.. Soi sáng cho Thế gian thấy rõ mọi tập khởi của vô minh phiền não nơi tâm và có năng lực hủy diệt hoàn toàn đối với những loại phiền não, khát ái, ấn tượng tri giác lộn ngộn và vô minh tập khởi ấy.

Ngoài bài kệ trên, Phạn bản ta còn có bài kệ nói rõ về sự thực tập Tuệ Học Phổ môn như sau:

मेघस्वर दुन्दुभिस्वरो

जलधरगर्जित ब्रह्मसुस्वरः।

स्वरमण्डलपारमिंगतः

स्मरणीयो अवलोकितेश्वरः

meghasvara dundubhisvaro

jaladharagarjita brahmasusvaraḥ|

svaramaṇḍalapāramiṃgataḥ

smaraṇīyo avalokiteśvaraḥ[52]

Nghĩa là:

Âm thanh thật nhiệm mầu

Âm thanh nhìn cuộc đời

Âm thanh thật trong suốt

Âm thanh như sóng biển

Âm thanh vượt cuộc đời,

Cho nên tu phải thường

Quán niệm Quán Thế Âm.

Quán Thế Âm là âm thanh do nhìn thế gian mà diễn thuyết; do quán chiếu về duyên khởi, về vô thường, về vô ngã, về không tính và về khổ đau mà nói ra; do quán chiếu về Nhị đế: Chân đế và Tục đế; quán chiếu về Khổ đế và Tập đế mà nói ra; do quán chiếu về Diệt đế và Đạo đế mà nói ra; do quán chiếu tính chất lưu chuyển và hoàn diệt của nguyên lý Mười hai duyên khởi mà nói ra; do quán chiếu “năm thủ uẩn đều không có tự tánh” mà nói ra; do quán chiếu tự tánh thanh tịnh của Lục độ Ba-la-mật mà nói ra; do quán chiếu Bồ-đề hiện khởi từ phiền não mà nói ra; do quán chiếu Niết bàn và sinh tử bất nhị, bất ly và do quán chiếu mà thấy hết thảy chúng sanh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật mà nói ra. Tiếng nói phát xuất từ sự quán chiếu thậm thâm như thực như vậy, nên gọi là Quán Thế Âm.

Quán Thế Âm, là tiếng nói nhìn vào thế gian mà nói, trực diện với thế gian mà nói, nói đúng với tự thân của mọi sự hiện hữu trên thế gian. Tiếng nói như vậy là tiếng nói của từ bi và Bát-nhã toàn diện, của chân trí đã thể nhập chân lý tối hậu.

III. TIỂU KẾT

Phân đoạn sinh tửbiến dịch sinh tử là những nỗi sợ hãi thâm sâu, không phải là cá biệt mà là phổ biến cho hết thảy muôn loài, nên quán chiếu theo Hành Môn của Quán Thế Âm, là khả năng trãi rộng tấm lòng mình ra như tấm lòng của đất trời, mở rộng sự quán sát và mở rộng vô số cánh tay để ôm trọn hết thảy chúng sanh đang bị những nỗi sợ hãi về sanh tử, lang thang trong bao kiếp sống ấy vào mình, nơi phát sinh Đại bi và Bát-nhã; đồng thời thực hành Giới-Định-Tuệ Học Phổ Môn, để bạt trừ hết thảy hạt giống căn bổn vô minh, khát ái, chấp thủ v.v..  bạt nhổ những hạt giống vô minh trụ địa hay vô minh tập địa[53] là những hạt giống lưu trú và lặn chìm tận đáy sâu tâm thức, nơi gốc rễ chế tác ra những vô minh, vọng tưởng về những ngã ái và pháp ái của chúng sanh nữa.

Cho nên, trên lộ trình tu tập, hành giả phải học tiếng nói nhìn cuộc đời mà nói, để ngay nơi tiếng nói ấy là tiếng nói của diệu pháp, tiếng nói của Quán Thế Âm, tiếng nói có khả năng khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến cho hết thảy muôn loài.

Tóm lại, Tinh Hoa triết học về sự tu tập và hành đạo của Bồ Tát Đại Sĩ Quán Âm, yếu chỉ kết thúc thế này: Một tỷ thế giới chấn động sáu cách, viên ngọc Ma-ni xuất hiện trên đóa sen ngàn cách với Minh chú vĩ đại như vầy:

 मणि पद्मे हूं : Oṃ Maṇi Padme Hūṃ (ཨོཾ་མ་ནི་པ་དྨེ་ཧཱུྃ)

Phước Nguyên: nguồn: hoavouu.com

THƯ MỤC THAM KHẢO

*Các Tụng bản Hán ngữ trích dẫn theo Taishō Edition of Chinese Tripiṭaka 大正新脩大藏經 Đại chánh tân tu Đại tạng kinh, có đánh số trang, số tập ở phần cước chú. Dẫn: Đại/Đại chánh/ T (Taishō). Số trang ở phần cước chú theo đúng số trang Đại chánh

सद्धर्मपुण्डरीकसूत्रम् , Buddhist Sanskrit Texts, No 6, P.189.

Saddharmapuṇḍarīka-sūtra, Prof.U.Wogihara and C. Tsuchida, Romanized and Revised Text, Tokyo, 1958.

Prajñāpāramitāhṛdayasūtram, Mahāyānasūtra-saṁgraha I  98

Burnouf , Le Lotus De La Bonne Loi, Paris, Imprimerie Nationale, 1852. Reprint, Librairie d’Amérique et d’Orient A. Maisonneuve, Paris, 1973.

Kern, H. Saddharma Pundarîka or the Lotus of the True Law, Oxford 1884 (Clarendon Press) Sacred Books of the East, Vol. XXI, New York 1963 (Dover), Delhi 1968.

Burton Watson, The Lotus Sutra, Columbia University Press, New York, 1993.

Lữ Trừng, Lăng nghiêm bách ngụy, Lữ Trừng Phật học luận trước tuyển tập, tập I, 1996.

Bồ tát anh lạc bản nghiệp kinh, 2 quyển, Trúc Phật Niệm dịch; No. 1485, Đại 24, tr. 1010ff.

妙法蓮華經, 後秦龜茲國三藏法師鳩摩羅什奉 詔譯, T09n0262, tr. 0001a01.

  , , T09n0269, tr. 0285c25.

添品妙法蓮華經, T09n0264, tr. 0134b24.

, Nhật ngữ,しまじ だいとう (Daitō Shimaji 島地大等 ) dịch,  1974.

国訳一切経 印度撰述部 法華部, Daito (大東出版社) xuất bản, 1928.

Kinh Pháp Hoa, Phạn-Hán-Hòa đối chiếu ngữ 梵漢和対照現代語訳法華経, hai quyển thượng và hạ,  Ueki Masatoshi うえき まさとし dịch và chú,  Iwanami Shoten いわなみしょてん (岩波書店) xuất bản,  2008.

Pháp Hoa Kinh dịch Bản gốc Phạn ngữ sang hiện đại ngữ ンス , hai quyển thượng và hạ ), Iwanami Shoten   ( ) xuất bản, 2015.

Williams ,Monier M.A. Williams , Sanskrit-English Dictionary, The Clarendon Press, Oxford.

Bonwadaijiten (Phạn-Hòa đại từ điển)., Unrai Wogihara, Kôtansha,  1997.

Buddhist Hybrid Sanskrit Grammar and Dictionary, F.Edgerton, Motilal Barnasidass, 1972.

 The Pratical Sanskrit-English Dictionary, V.Sh. Apte, Motilal Barnarsidass, 1975.

v.v…

Cùng nhiều văn bản Anh- Nhật – Hán mà chúng tôi đã tham khảo ghi ở phần cước chú…


[1] Buddhist Sanskrit Texts, No 6, p. 250.

[2] Đại 9, tr.56.

[3] Đại 9, tr.128.

[4] Đại 9, tr.191.

[5] Skt. Avalokite. Prajñā Pāramitā Hridaya Sūtra, Buddhist Sanskrit Texts.

[6] Cf. Lữ Trừng, Lăng nghiêm bách ngụy, Lữ Trừng Phật học luận trước tuyển tập, tập I, 1996.

[7] Hán. 羌塘 Khương Đường; hay藏北高; Anh ngữ còn hay gọi là : North Tibet Plateau (Cao Nguyên ở phía bắc Tây Tạng).

[8] Rizvi, Janet (1999), Trans-Himalaya Caravans,  Oxford University Press,  p. 301.

[9] Cf. Namgail, T., Bhatnagar, Y.V., Mishra, C. & Bagchi, S. (2007) Pastoral nomads of the Indian Changthang: production system, land use and socioeconomic changes. Human Ecology 35, p. 497–504.

[10] Cf.  雜阿含經卷第四十八T02n0099, tr. 0355b02: “大士之大龍, 大士之牛王,大士夫勇力, 大士夫良馬,大士夫上首, 大士夫之勝” .

[11] Ý tưởng từ nhan đề: “Chapter called that of the all-sided one, containing a description of the transformations of avalokitesvara”, Chapter xxiv, Kern, H. Saddharma Pundarîka or the Lotus of the True Law, Delhi 1968.

[12] Buddhist Sanskrit Texts, No 6, p. 253. Cf. Pháp Hoa (La-thập), Đại 9, tr.57.

[13] Anh lạc, quyển hạ, tr. 1020b22. Cf. Bồ tát anh lạc bản nghiệp kinh, 2 quyển, Trúc Phật Niệm dịch; No. 1485, Đại 24, tr. 1010ff.

[14] Cf. Prajñāpāramitāhṛdayasūtram, Mahāyānasūtra-saṁgraha I  98, 般若波羅蜜多心經; Anh ngữ: Heart of Perfect Wisdom Sutra.

[15]普遍智藏般若波羅蜜多心經, Đại chánh, No.252. Cf. Prajñāpāramitāhṛdayasūtram, Mahāyānasūtra-saṁgraha I 98

[16] Ibid, cht5., Cf. Mahāyānasūtra-saṁgraha I 98.

[17] 說聖佛母般若波羅蜜多經, 西天譯經三藏朝奉大夫試光祿卿傳法大師賜紫臣施護奉 詔譯, Cf. Đại chánh 8, tr. 850 – 852.

[18] Kinh Bi Hoa, Đàm Vô Sấm, Đại 3, tr 185-186. Cf.  Đại Thừa Bi Phân Đà Lợi Kinh, Đại 3, tr.251.

[19] Đại Bi Đà La Ni Kinh, Già Phạm Đạt Ma, Đại 20, tr. 106 – 110.

[20] Hoa Nghiêm 51, Đại 9, tr. 718b.

[21] Buddhist Sanskrit Texts, No 6.

[22] Buddhist Sanskrit Texts, No 6, p. 250, ch. 24 samantamukhaparivartaḥ/.

[23] Cf. Sadh. 24 samantamukhaparivartaḥ./1/ p.250.

[24] Ibid, 24 samantamukhaparivartaḥ./1/ p.250.

[25] Cf. Sadh. 24 samantamukhaparivartaḥ./1/ p.254, Cf. Chapter xxiv, Kern, H. Saddharma Pundarîka or the Lotus of the True Law, Delhi 1968: “Hearing, seeing, regularly and constantly thinking will infallibly destroy all suffering, (mundane) existence, and grief of living beings here on earth”.

[26] Cf. Sadh. 24 samantamukhaparivartaḥ./1/ p.255

[27] Ibid, tr. 255.

[28] Ibid, tr. 255.

[29] Ibid, tr. 255.

[30] Ibid, tr. 255.

[31] Ibid, tr. 255.

[32] Cf. Sadh., ibid, tr. 255.

[33] Ibid, tr. 255.

[34] Ibid, tr. 255.

[35] Cf. Sadh., ibid, tr. 255

[36] Ibid, tr. 255.

[37] Ý ở đây là chỉ cho sấm sét. Cf. Sadh., ibid, tr. 255.

[38] Cf. Sadh., ibid, tr. 255.

[39] , , T25n1485, tr. 1020b06.

[40] Cf. Hoa Nghiêm 34, Đại 9, tr .620a.

[41] Cf. Sadh., ibid, tr. 255.

[42] Skt.  Śubhalocana,  Buddhist Sanskrit Texts No 6, p.255.

[43] Skt. Śuddhalocanā, Buddhist Sanskrit Texts No 6, p. 255.

[44] Skt. Prajñājñānaviśiṣṭalocanā. Cf. Sadh., ibid, tr. 255

[45] Skt. kṛpalocana. Cf. Sadh., ibid, tr. 255

[46] Skt. Maitralocanā. Cf. Sadh., ibid, tr. 255

[47] Buddhist Sanskrit Texts No 6, P 255. Cf. Sadh., ibid, tr. 255

[48] Đại 9, tr.58a, tr. 193a.

[49] Cf. The Lotus Sutra, P.305, Columbia University Press New York 1993.

[50] Cf. Hoa Nghiêm 31, Đại 9, tr.595c.

[51] Buddhist Sanskrit Texts No 6, p. 255.

[52] Buddhist Sanskrit Texts No 6, p. 255.

[53] Xem thêm, mục vô minh trụ địa, Bài Về một số vấn đề trong Kinh Lăng-già Phạn-Hán, cùng tác giả, web: http://thuvienhoasen.org/p14a23046/ve-mot-so-van-de-trong-kinh-lang-gia-phan-han.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here