Trang chủ Phật học TINH HOA TRIẾT HỌC TU TẬP VÀ HÀNH ĐẠO ĐỨC PHẬT TỲ...

TINH HOA TRIẾT HỌC TU TẬP VÀ HÀNH ĐẠO ĐỨC PHẬT TỲ BÀ THI

179
0

I. TIỂU DẪN

Tỳ-bà-thi Phật[1], là danh hiệu phiên âm từ Pāli ngữ Vipassī, Sanskrit: Vipaśyin; được thiết lập từ động từ căn paś (Skt. Vipaśyati – Pāli vipassati): có nghĩa là thấy rõ, nhìn rõ.  Nên Vipassī có nghĩa là cái nhìn đặc biệt, cái nhìn sâu sắc và thanh tịnh; cách nhìn này xuyên suốt thấu đáo mọi vấn đề.

Đi từ từ nguyên của Phạn ngữ  đa nghĩa như vậy, nên Hán thường chỉ phiên âm là Tỳ-bà-thi Phật[2] hay Duy Vệ Phật[3] và Vipaśyin hán chuyển dịch là: “quán ; biến kiến 遍見”[4] v.v..[5], hay dịch là Thắng Quán Phật[6], nghĩa là đức Phật có sự quán chiếu đặc biệt, hoặc phổ thông dịch là Tịnh Quán Phật , tức là đức Phật có cái nhìn sâu sắc và thanh tịnh, hoặc dịch là Thắng Quán Kiến Phật , Chủng Chủng Quán Phật , nghĩa là đức Phật có cái nhìn thông suốt mọi vấn đề, có khi còn dịch là Diệu Quán Sát Phật .

Ngài xuất hiện vào kiếp quá khứ trang nghiêm nghiêm, cách đây 91 kiếp[7], dòng họ Kondañña (Câu-ly-nhã 拘利若), phụ vương là Bandhumā (Bàn-đầu 盤頭), hoàng hậu là Bandumāti (Bàn-đầu-bà-đề ), chủng tánh Khattiya(Sát-đế-lợi 刹帝利), ở kinh thành Bandumāti, nhân loại bấy giờ sống 80.000 tuổi. Ngài là vị Phật thứ 998 của Quá khứ Trang nghiêm kiếp, thành đạo dưới cây Pāṭali (Ba-ba-la 波波羅), thuyết pháp ba hội, tổng cộng có 860.000 vị Tỷ kheo chứng A-la-hán[8]. Ngài có hai vị đệ tử là Khanda (Khiển-trà 提舍) và Tissa (Đề-xá 提舍)[9].

Theo Richard Morris, Vipassī là tên gọi của vị Phật thứ 22, trong thứ tự mà nhiều kinh điển Phật giáo đề cập và được thuật rõ ở chương 27 của quyển Buddhavamsa[10]; Phật sử – Buddhavamsa là một văn bản mô tả lại cuộc đời của Phật Thích Ca Mâu Ni và hai vị Phật trước ngài, nằm trong quyển thứ 14 của Tiểu bộ kinh Khuddaka Nikāya. Trước Phật Tỳ-bà-thi là Phật Phussa và sau ngài là Phật Sikhī[11].

Tinh hoa triết học tu tập và hành đạo của đức Phật Tỳ-bà-thi như sau:
Pāli:
Khantī paramaṃ tapo tītikkhā 
Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā, 
Na hi pabbajito parūpaghātī 
Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto
[12].
Dịch:
Kiên trì, khổ hành
Nhẫn nhục, có giá trị nhất;
Đấng Giác Ngộ dạy:
Niết bàn là toàn vẹn tối thượng
Xuất gia não hại người
Không xứng đáng gọi là Sa môn.
Hán:
忍辱第一道, 
說無為最
出家惱他人, 
不名為沙門。
Nhẫn nhục đệ nhất đạo
Phật thuyết vô vi tối
Xuất gia não tha nhân
Bất danh vi sa môn[13].
Dịch nghĩa:
Nhẫn nhục đạo bậc nhất,
Chư Phật dạy:
Niết bàn là tối thượng
Xuất gia não hại người
Không xứng gọi sa môn.
Anh ngữ đã dịch ra nhiều bài kệ tương đương, ở đây chúng tôi chọn một bài khá phổ biến:
Anh ngữ:
Patience and forgiveness is the highest ascetic practice.
The Awakened Ones say the Nirvana to be the highest.
A monk does not hurt others.
One, who harms others, is not a monk
[14].
Dịch:
Kiên nhẫn và tha thứ là sự tu tập khổ hành cao nhất.
Chư Phật nói Niết Bàn là tối thượng.
Một vị Tỷ-kheo không làm tổn hại người khác.
Một người làm hại người khác, không phải là một vị Tỷ-kheo.

Toàn bộ tinh tinh hoa triết học tu tập và hành đạo của đức Phật Tỳ-bà-thi đều được nằm gọn trong kệ tụng Pāli đã dẫn ở trên, mà Hán đã chuyển dịch trong Kinh Đại Bản – Trường A-Hàm I, thâu vào trong Tứ Phần Luật do ngài Phật-đà-da-xá dịch và Pháp cú 184.

 II.

Khantī paramaṃ tapo tītikkhā

Patience and forgiveness is the highest ascetic practice

Kiên trì, khổ hành; Nhẫn nhục có giá trị nhất 

Hán ngữ dịch tương đương: “忍辱第一道”[15]: Nhẫn nhục đạo bậc nhất; yếu tố: kiên trì, và khổ hành ở Pāli và Anh ngữ bị lược bỏ. Có vấn đề ngữ pháp ở đây, nên Anh ngữ dịch hơi khác so với bản Hán: “Kiên nhẫn và tha thứ là sự tu tập khổ hành cao nhất”[16]. Ta có thể tạm vẽ sơ đồ ngữ pháp Pāli của câu này như sau:

Khantī   paramaṃ  tapo  tītikkhā
|                    |            |              | 
N.f.           Adj.n.     N.n.        N.f. 
Nom.Sg.  Nom.Sg. Nom.Sg. Nom.Sg[17].. 
|                    |_______|              | 
|_______________|___________| 
              |_______|

Pāli ngữ khantī, danh từ, giống cái, nó có nghĩa là kiên nhẫn, nhẫn nại, sự tha thứ hay mong mỏi, v.v.. Anh dich Pháp cú có các từ tương đương như: patience, forbearance, forgiveness. Ở câu này khantī đóng vai trò chủ cách, số ít, ta tạm dụng từ Kiên trì, tuy chưa có thể chưa hẳn hoàn toàn chính xác với ý nghĩa khantī.

Liên hệ với nó có các từ như Khantu: người chịu đựng, người nhẫn nại; hay nó cũng gần nghĩa với từ Khamati được thành lập từ gốc Kham+a và + đuôi ti có nghĩa là nhẫn nại, bền lòng, nhịn nhục, mà từ bất định của nó là Khami, có quá khứ phân từ là Khanta, và hiện tại phân là khamanta và khamamāna. Cùng gần bằng nghĩa với từ Khamana, giống trung, nếu viết ở dạng giống cái khamā: có nghĩa là khoan hồng, nhẫn nại, chịu đựng. v.v..

Kiên trì ở đây, tức là kiên trì thực hành các học xứ (Śila), để thành tựu Thánh Đạo giải thoát. Ở trong kinh A-ma-trú, đức Thế Tôn, khi giảng dạy về Căn Luật Nghi ngài đề cập đến sự kiên trì giới phẩm như sau: “Mắt tuy nhìn thấy sắc nhưng không nắm bắt các tướng, mắt không bị sắc trói buộc, kiên cố tịch nhiên, không điều tham đắm, cũng không buồn lo, không rò rỉ các ác, kiên trì giới phẩm, khéo thủ hộ nhãn căn. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý, cũng như vậy…”[18]Khổ hành : Pāli ngữ Tapa, thuộc cả ba tính, ở đây nó làm chủ cách, số ít, danh từ, giống trung, nghĩa là sự thực hành khổ hạnh, tu khổ hành về luân lý đạo đức v.v.. Anh dịch Pháp cú là: ascetic practice, religious practice.

Thông thường, trong các bản kinh Pāli Majjhima Nikāya (Trung-bộ), thuộc văn hệ Nikāya, thường xuất hiện từ tappa+kamma = tappokamma chỉ cho sự thực hành khổ hạnh theo các đạo sĩ. Hay từ Tapa + đuôi ssī, Tapa nó làm hình dung từ chỉ sự tinh chuyên hết lòng trong sự khổ hành.

Nhưng đôi khi sự khổ hành bị hiểu lầm lẫn trở thành cực đoan ép xác, nên dẫn đến hậu quả là không đưa sự thành tựu gì. Chúng ta đọc lại một đoạn văn kinh của Majjhima Nikāya đối thoại năm anh em Kiều Trần Như và đức Phật, sẽ thấy rõ điều này – “Evaṃ vutte bhikkhave pañcavaggiyā bhikkhū maṃ etadavocuṃ “Tāyapi kho tvaṃ āvuso Gotama iriyāya tāya paṭipadāya tāya dukkarakārikāya nājjhagamā uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesaṃ, kiṃpana tvaṃ etarahi bāhulliko padhānavibbhanto āvatto bāhullāya adhigamissasi uttari manussadhammā alamariyañāṇadassanavisesan”ti[19]: 

Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, nhóm năm Tỷ-kheo nói Ta: Hiền giả Gotama, với nếp sống này, với đạo tu này, với khổ hạnh này, Hiền giả đã không chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến, thù thắng xứng đáng bậc Thánh, thì này làm sao Hiền giả, với nếp sống sung túc, với sự từ bỏ tinh cần, với sự trở lui đời sống vật chất đầy đủ, lại có thể chứng được Pháp siêu nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh? và đức Thế Tôn đã trả lời cho họ như sau:

– “Na bhikkhave Tathāgato bāhulliko na padhānavibbhanto na āvatto bāhullāya, Arahaṃbhikkhave Tathāgato Sammāsambuddho, odahatha bhikkhave sotaṃ, amatamadhigataṃ ahamanusāsāmi, ahaṃdhammaṃ desemi, yathānusiṭṭhaṃ tathā paṭipajjamānā nacirasseva, yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṃ pabbajanti, tadanuttaraṃ brahmacariyapariyosānaṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharissathā”ti”: 

Này các Tỷ-kheo, khi nghe nói vậy, Ta nói với nhóm năm Tỷ-kheo: “-Này các Tỷ-kheo, Như Lai không sống sung túc, không từ bỏ tinh cần, không trở lui đời sống vật chất đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỷ-kheo, hãy lóng tai, Pháp bất tử đã chứng được, Ta giảng dạy, Ta thuyết pháp. Sống đúng theo lời khuyến giáo, các Ông không bao lâu, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt ngay trong hiện tại mục đích vô thượng của Phạm hạnh mà các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các Ông sẽ an trú.”[20]Trong Sanskrit có hai từ thường dùng để chỉ sự khổ hành là Duṣkara-caryā và tapas; Duskara, có tiền tố từ là Duṣ (=duh Pāli), có nghĩa là khó chịu, đau đớn, có nguy hiểm cho, có hại cho, khó chịu, đau buồn, phiền muộn, tai họa… Kara nguyên chưa biến cách là Karma: đi từ động từ căn kṛ của Phạn ngữ, có nghĩa là tạo tác, hoạt động, hành động. Anh dịch Duskara là difficult act: làm việc khó khăn, hay khó khăn; Còn Caryā, anh dịch là activity, performances v.v.. có nghĩa là hoạt động, biểu diễn, thực hành. Nên Duṣkara-caryā: có nghĩa là làm việc khó làm, việc đau đớn có nguy hiểm, v.v..

Còn nói về chữ Tapas nguyên nghĩa của nó ban đầu chỉ cho loại “thiền định sâu” (deep meditation); hay sự nỗ lực của các đạo sĩ để đạt đến “tự hành”, đôi khi liên quan đến sự cô độc và để chỉ cho hành động của một ẩn sĩ, hay dùng để nói việc tu khổ hành[21]. Tapas có động từ căn tap, nó có rất nhiều nghĩa mà tùy thuộc vào ngữ cảnh có thể hiểu là “sức nóng” từ lửa hay thời tiết hoặc có những nghĩa như: ngọn lửa, đốt cháy, tỏa sáng, ăn năn chừa bỏ, đau đớn, đớn đau khổ hay hy sinh v.v…

Thuật ngữ chuyên môn thường dùng trong kinh điển chỉ khổ hành là Đầu Đà Hành. Trong Đại Bát Niết Bàn Kinh[22]:  khổ hành có nhiều phương thức như nhịn đói, gieo mình xuống vực, nằm trên gai nhọn, cỏ độc, phân bò v.v…

Còn nói về Hành Đầu Đà , Phạn ngữ Dhūta: có nghĩa ra khỏi sự rúng động, sự chấn động, loại bỏ, sự bỏ phế, v.v.. Trong Thanh Tịnh Đạo luận, dùng để chỉ sự giũ bỏ bụi nhơ và ô nhiễm của các dục[23], vì ý nghĩa này Anh dịch là “không còn rúng động” (shaken off), “loại bỏ” (removed) hay “bị bỏ phế” (abandoned), ở đây muốn nói không còn bị rúng động bởi các dục, loại bỏ, bỏ phế các cấu nhiễm… 

Hán thường phiên âm Dhūta là: Thâu-đa , Đỗ-đồ 杜荼, Đầu-đa 投多, Đỗ-đa 杜多, Trần-hống-đa 塵吼多, phổ thông dịch ý là: Đẩu tẩu 抖擻, đẩu , ẩu tẩu 斗藪, tu trị , khí trừ , sa thải , hoán tẩy , phân đàn , dao chân v.v…  có nghĩa là dứt trừ, vứt bỏ, loại trừ, rửa sạch các nhiễm ô, lậu hoặc và phiền não của thân và tâm. Trong các văn bản kinh Sanskrit thỉnh thoảng ta bắt gặp từ Dhūta-guṇa, Hán chuyển dịch là Đầu Đà Công Đức 頭陀功德 tức là Công đức phát sinh do hành Đầu Đà hạnh. Người tu hành hạnh Đầu Đà thì phải tuân thủ mười ba khổ hành[24] hay theo Thập Đầu Đà Kinh là mười hai hành[25].

Nhẫn nhục 忍辱[26] : Tiếng Pāli là tītikkhā, danh từ, giống cái, biến cách nominative case (Chủ cách); Anh dịch Pháp cú là: endurance, forgiveness. Hán phiên âm là sằn đề 羼提, sằn để 羼底, khất xoa để 乞叉底 và chuyển dịch là An nhẫn 安忍, nhẫn .

Theo Du Già Sư Địa luận, nhẫn nhục gồm có ba hành tướng: Không phẫn nộ, Không kết oán và tâm không mang chứa ác ý[27].

Kinh Duy Ma Cật nói – “kṣāntikṣetraṃ hi bodhisattvasya buddhakṣetraṃ; tasmiṃstad bodhi prāptibuddhakṣetre dvātriṃśallakṣaṇalaṃkṛtāḥ kṣāntidamaparamaśamathapāramitāḥ sattvā upapatsyante”: Nhẫn nhục là tịnh độ của Bồ-tát (ṣāntikṣetra) .Khi nào Bồ-tát thành Phật, chúng sinh nào trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt sẽ tái sinh vào trong đó”[28].
Theo Đại Trí Độ Luận[29], Nhẫn nhục có hai loại:

1.  Chúng sinh nhẫn nhục: Chịu đựng sự bức hại do chúng sinh hữu tình gây ra, như đánh giết, nhục mạ, chửi mắng…

2. Phi chúng sinh nhẫn nhục (hay Pháp nhẫn): Chịu đựng sự bức bách do những hiện tượng thiên nhiên gây ra, như gió mưa, lạnh nóng… Nhẫn nhục là một trong sáu Ba-la-mật và một độ trong Thập Độ.

Nhẫn nhục Ba-la-mật tiếng Phạn gọi là kṣānti-pāramitā Sằn (sản)-đề ba-la-mật ; hay nhẫn ba-la-mật .

Nói về Nhẫn nhục Ba-la-mật, Kinh Ưu Bà Tắc Giới quyển 7, phẩm Sằn Đề[30], định nghĩa về nhẫn nhục Ba-la-mật như sau: nhẫn nhục mà hàng nhị thừa thực hành chỉ là Nhẫn nhục, chứ chưa phải Ba-la-mật; chỉ có sự nhẫn nhục do pháp hành tu tập của Bồ-tát mới đặc biệt gọi là Nhẫn nhục Ba-la-mật[31].

Kinh Giải Thâm Mật quyển 4, Phẩm Địa Ba La Mật Đa[32], trình bày nhẫn nhục Ba-la-mật bao gồm ba loại: Nại oán hại nhẫn, An thụ khổ nhẫn và Đệ sát pháp nhẫn[33] ;
Kinh Thắng-man nói về Nhẫn Ba-la-mật vô cùng lý thú: “Đối với những ai cần được thuần thục bằng nhẫn nhục; nếu bị những chúng sinh ấy mạ lỵ, hủy nhục, phỉ báng, khủng bố, thì con sẽ bằng tâm không oán hận, tâm lợi ích, năng lực nhẫn đệ nhất, cho đến nhan sắc không thay đổi, tùy theo tâm ý của những kẻ ấy mà làm cho thuần thục, khiến cho chúng sinh được thuần thục ấy đứng vững trong Chánh pháp. Đó gọi là sằn-đề ba-la-mật.”[34]Trong Phẩm An nhẫn ba la mật đa, Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba-la-mật-đa, quyển 6, gọi «nhẫn nhục» là «an nhẫn»[35], và giải thích về An nhẫn Ba-la-mật rất lý thú: chỉ có sự an nhẫn quán hết thảy Pháp đều «không» mới được gọi là an nhẫn Ba-la-mật[36].

Ngoài ra, trong Phẩm thứ mười: Chiến đấu, trong kinh Thế Ký, đức Phật dạy các vị Tỷ-kheo: «Nếu có người trí nào muốn hoằng dương đạo của Ta, thì phải tu tập nhẫn nhục im lặng, chớ ôm lòng phẫn hận đấu tranh»[37].

Giá trị nhất, tiếng Pāli là Paramaṃ có gốc hình dung từ là Parama (=Skt. Para): tốt nhất, ưu tú, cao nhất, cao quý nhất, giá trị nhất v.v..  Có bản dùng chữ paramaj: biến cách thứ nhất, có tính từ parama, cao nhất, nhất, tuyệt đối… Anh dịch là most, highest, hay absolute.

Nên Paramaṃ có ý nghĩa là phẩm chất ưu tú nhất hay phẩm cách cao nhất, giá trị nhất. Hán dịch là «Đệ nhất đạo»[38], nghĩa là đạo lý bậc nhất. Paramaṃ hay đệ nhất đạo ở đây đó là chỉ cho Bát chánh Đạo[39], Phật đạo.

Hành giả thể nhập Thánh đạo qua thực hành pháp Bát chánh đạo tức là: samyaksaṃkalpaḥ | samyagvāk | samyakkarmāntaḥ | samyagājīvaḥ | samyagvyāyāmaḥ | samyaksmṛtiḥ | samyaksamādhiriti [40]: Chánh kiến – Chánh tư duy – Chánh ngữ – Chánh nghiệp – Chánh mạng – Chánh tinh tấn – Chánh niệm và Chánh địnhvà nhờ thực hành các pháp chánh đạo, khiến các thiện pháp vô lậu phát sinh, làm cho hành giả thể nhập Thánh đạo giải thoát, giúp hành giả vượt ra khỏi hai cực đoan là ép xác khổ hạnh và buông lung trong các dục, chấm dứt sanh tử, để thành tựu đời sống an tịnh của Niết-bàn ngay trong hiện thế.

Cho nên, Bát Thánh Đạo là «Trung Đạo», và nó xuyên suốt trong việc chuyển vận pháp luân của đức Thế Tôn, đây giáo lý đức Phật thuyết giảng đầu tiên tại Vườn Nai (Mṛgadāva) cho năm anh em Kiều-trần-như (Kondñña), trước khi Ngài trình bày giáo lý Tứ Diệu đế, và đức Phật cũng đã thuyết giảng Bát chánh đạo sau cùng cho Tôn giả Tu-bạt-đà-la (Subhadda), tại rừng Câu-thi-na-yết-ra (Kuśinagara), trước khi Ngài nhập Niết-bàn. Do đó, Bát chánh đạo là «đệ nhất đạo», vì nó giáo lý xuyên suốt của Phật giáo từ khởi điểm đến phát triển, nên Bát chánh đạo được xem là cương lĩnh của Phật học để dự vào Thánh Đạo, hội nhập Niết-bàn[41].

III.
Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā,
Đấng Giác Ngộ dạy: Niết bàn là toàn vẹn tối thượng
The Awakened Ones say the Nirvana to be the highest
Chư Phật nói Niết Bàn là tối thượng.
Câu này, Hán ngữ dịch là: “
說無為最”[42]: Phật thuyết vô vi tối; Vô vi ở Trường A-hàm  -Kinh Đại Bản gọi là: Niết bàn, tịch tĩnh, giải thoát v.v..
Ngữ pháp Pāli câu này như sau:

Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā
|                     |              |             | 
N.n.           Adj.n.    V.act.in.    N.m. 
Acc.Sg.     Acc.Sg.   3.Pl.pres. Nom.Pl. 
|____________|             |              | 
          |______________|              | 
                       |_______________|

Phật hay Phật-đà là Phiên âm từ chữ Buddha theo Pāli, tính từ, có nghĩa là tỉnh thức (awakened), là quá khứ phân từ của động từ căn budh– tỉnh giác (to awaken). Khi nó ở dạng danh từ, trung tính nó có nghĩa là: Bậc tỉnh giác (Awakened One), Đấng Giác ngộ (Enlightened One), hay một người đã đạt đến Niết-bàn (a being who has attained the Nirvana). Danh từ số nhiều của nó cũng viết là Buddha có nghĩa là Phật-đà.
Ngữ nguyên Sanskrit: Buddha được thành lập từ động từ căn Budh: có nghĩa là hiểu biết, liễu tri, tận tri… Nếu ngữ căn Budh + a —>Bodha = Giác ngộ. Bodha được suy ra từ động từ căn budh bằng việc cộng với hậu tố “a”, ở loại thứ nhất (kṛt pratyaya). Bodha cũng với nghĩa là giác ngộ.  Ta có thể ghi hai từ này như sau:  

Động từ căn Budh —> (guṇa): bodh —> bodh+ a = bodha

Và danh từ của Budh là Buddha có nghĩa là sự liễu tri, sự hiểu biết, sự giác ngộ, sự tận tri v.v.. Nên Buddha hay Phật là Đấng hiểu biết, Đấng liễu tri, Đấng tận tri, Đấng giác ngộ v.v.. Hán chuyển dịch là Giác giả: tức là người giác ngộ.

Theo Thập Hiệu Kinh: Phật là đấng đầy đủ tất cả trí tuệ, đầy đủ và viên minh ba sự Giác ngộ; không chỉ vậy, cũng trong kinh này qua câu hỏi của một vị Bà-la-môn đức Phật đã trả lời về ý nghĩa từ «Phật »[43].

Trong Đại Bát Niết Bàn Kinh[44] giải thích Phật là Đấng tự mình giác ngộ, lại có khả năng làm cho người khác giác ngộ nữa. Ngài Moggallāna đã ghi lại những bài kệ mà đức Phật đã trả lời cho một Bà-la-môn khi vị này hỏi ngài tại sao có danh hiệu là Phật. Kệ viết như sau[45] :

1. 婆羅                            
                   
2.
                
                  
3.
                
                   
4.
               
                   
5.
               
 
                  
 
                  
                   
.
Phiên âm:
1.Bà-la-môn đương tri
Ngã như khứ lai Phật
Thành tựu giác giả tướng
Cố ngã danh Phật-đà
2. Bà-la-môn đương tri
Ngã quan tam thế hành
Giai hữu sinh diệt pháp
Cố ngã danh Phật-đà
3.Bà-la-môn đương tri
Ngã ư ưng tri đọan
Chứng tu sự dĩ biện
Cố ngã danh Phật-đà
4.Bà-la-môn đương tri
Ngã ư nhất thiết cảnh
Cụ nhất thiết trí kiến
Cố ngã danh Phật đà
5.Bà-la-môn đương tri
Ngã ư vô lượng kiếp
Tu chư thuần tịnh hành
Kinh vô lượng tử sinh
Kim ư tối hậu thân
Ly trần cấu độc tiến
Chứng đắc vô thượng giác
Cố ngã danh Phật-đà .
Dịch:

 “Bà la môn nên biết
Ta cùng Phật các đời
thành tựu tướng giác ngộ
vì vậy, gọi là Phật.
Bà la môn nên biết
Ta quán hành ba đời
tất cả đều sanh diệt
vì vậy, gọi là Phật.
Bà la môn nên biết
Ta tri Khổ đoạn Tập
chứng Diệt, tu Đạo xong
vì vậy, gọi là Phật.
Bà la môn nên biết
Ta nơi tất cả cảnh
tất cả đều tri kiến
vì vậy, gọi là Phật.
Bà la môn nên biết
Ta nơi vô lượng kiếp
tu các hạnh thuần tịnh
sanh tử trải vô lượng.
Nay nơi thân cuối cùng
lìa tên độc trần cấu
thành tựu Vô thượng giác
vì vậy, gọi là Phật”.

Ở đây, thiết nghĩ cùng nên nói về ý nghĩa quy y Phật sơ lược. Vì muốn hiểu được một cách chân chánh và như thực lời dạy của Phật, chúng ta cũng nên tìm hiểu về ý nghĩa quy y Phật. Quy y, tiếng Phạn là Śaraṇa; Pāli là Saraṇa.Śaraṇa có nghĩa là đến với ai; đứng vào hàng ngũ với ai; liên hệ hay dính líu với ai,… Saraṇa có nghĩa là nương tựa, che chở, ẩn náu, bảo hộ, nếu nó đi động từ căn smṛ, có nghĩa là nhớ lại,… cả Śaraṇa và Saraṇa,  Hán đều dịch là quy y. Quy là quay về và y là nương tựa. Quay về nương tựa suốt đời nơi Phật Pháp Tăng, gọi là quy y Tam bảo.

Tam bảo, tiếng Phạn là Tri–ratna hay Ratna–traya và Pāli là Ti-ratana hay  Ratanattaya. Tri hay Ti là ba; Ratna hay ratana là quý báu. Tam bảo là ba ngôi quý báu, gồm Phật, Pháp, Tăng. Tam bảo có sáu nghĩa: «Hy hữu; Minh tịnh; Thế lực; Trang nghiêm; Tối thắng; và Bất biến»[46].  Theo Du già sư địa luận, Tam bảo cũng có sáu nghĩa: 1/Tướng chi biệt (khác biệt hình tướng); 2/Nghiệp chi biệt (khác biệt nghiệp dụng); 3/ Tín giải chi biệt (khác biệt tin hiểu); 4/Tu hành chi biệt (khác biệt tu hành); 5/Tùy niệm chi biệt (khác biệt tùy niệm); 6/Sanh phước chi biệt (khác biệt sanh phước) [47].

Đức Phật dạy – «bahuṃ ve saraṇaṃ yanti, pabbatāni vanāni ca / ārāmarukkhacetyāni, manussā bhayatajjitā. »[48]: Vì sợ hãi mà người ta tìm đến quy y với thần cây…Vậy chân nghĩa của quy y là gì ?

Trong luận Đại Tỳ Bà Sa nói rằng: “Quy y Phật chính là quy y Pháp thân, đó là pháp vô học thành tựu tuệ giác của Phật»[49], với ý nghĩa quy y nầy, trong thi kệ Luận Câu Xá ta thấy:




[50]”

Âm:
“Quy y thành Phật Tăng
 Vô học nhị chủng pháp
 Cập Niết bàn trạch diệt
 Thị thuyết cụ tam quy”.

Nghĩa là Quy y Phật là quy y Pháp vô học tác thành phẩm chất của Phật. Quy y Tăng là quy y hai loại pháp học và vô học tác thành phẩm chất của Tăng. Và quy y Pháp là quy y sự an tịnh của Niết bàn.

Ấy là trình bày đầy đủ pháp tam quy. Còn quy y Phật là quy y thể tính giác ngộ của Phật, như Luận Thuận Chánh Lýnói:


 

 

 
 »[51]

Âm:
“Thử quy y tối thắng,
thử quy y tối tôn,
tất nhân thử quy y,
năng giải thoát chúng khổ”.
Nghĩa:
Quy y này tối thắng;
quy y này tối tôn,
do nhân quy y này,
các khổ đều thoát ly”.

Ở trong luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa, Ngài Nagārjuna (Long Thọ) đã giải thích mục đích quy y Phật như sau:

     “
      

      

      

      

       
 »[52]

Âm:
 “Bất xả bồ đề tâm
 bất hoại sở thọ pháp
 bất xả đại bi tâm
 bất tham lạc dư thừa
như thị tắc danh vi
như thật quy y Phật
”.
Nghĩa:

Không bỏ tâm bồ đề;
không hoại pháp được thọ;
không bỏ tâm đại bi;
không ham thích thừa khác;
như vậy mới gọi là
quy y Phật như thật
”.

Tâm bồ đề là tâm tỉnh giác và sáng suốt, quy y Phật là trở về với tâm ấy và giữ gìn tâm ấy không để bị hủy hoại và không để bị rơi mất. Tâm bồ đề cũng là tâm đại bi, quy y Phật là trở về nuôi dưỡng và giữ gìn tâm ấy để làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, chứ không có tâm nào khác và mục đích nào khác. Như vậy, mục đích quy y Phật chính là quy y và nuôi dưỡng tâm bồ đề, để làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh. Cũng theo Luận nầy, đã quy y Phật, thì phải luôn luôn nhớ đến thể tính giác ngộ của Phật; Lại nữa, theo Ngài Long Thọ, do nhớ đến Phật đạo mà thực hành bố thí gọi là quy y Phật[53].

Kinh Thắng Man, Chương Nhất Thừa, giải thích rất cặn kẽ về vấn đề quy y; Như Lai là chỗ quy y vô tận suốt cả biên tế vị lai cho thế gian chưa được cứu vớt, không được bảo hộ. Như Lai là chỗ quy y thường trụ. Đối với thế gian chưa được cứu độ, đối với thế gian không nơi nương tựa mà làm nơi vô tận quy y, thường trụ quy y, cho đến suốt cùng hậu tế, đó chính là Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác vậy. Điểm này trong Thắng Man cũng được đề cập dưới tên gọi là «Nhất y»; ý muốn nói, trong ba quy y thì quy y Phật là chân thật quy y. Quy y Phật ở đây chính là quy y Pháp thân thường trụ của Phật. Pháp thân ấy cũng chính là Như Lai tạng. Theo kinh Thắng Man, mục đích quy y Phật hay quy y Như Lai chính là quy y Nhất thừa đạo.

Thắng Man nói: “Như Lai đồng với thời gian vô hạn. Như Lai, Bậc Ứng Cúng, Bậc Chánh Đẳng Giác tồn tại ngang với biên cương của thời gian tận cùng vị lai. Như Lai đồng với vô hạn. Đại bi cũng đồng với vô hạn, an ủi thế gian. Đại bi vô hạn, an ủi thế gian vô hạn, nói như vậy là nói Như Lai một cách toàn hảo. Lại nữa, nếu nói rằng, pháp vô tận, pháp thường trú, là pháp cho hết thảy thế gian nương tựa, cũng là nói về Như Lai một cách toàn hảo. Do đó, đối với thế gian chưa được hóa độ, không có nơi nương tựa, thì làm nơi nương tựa vô tận, làm nơi nương tựa thường trú cho đến cùng tận biên cương vị lai. Chính Đấng để nương tựa ấy là Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác vậy. Pháp chính là nói về một con đường duy nhất. Tăng là chúng ở trong ba thừa. Hai chỗ nương tựa nầy không phải là chỗ nương tựa tuyệt đối, chỉ gọi là nơi nương tựa thiểu phần. Vì sao vậy? Vì nói về đạo pháp Nhất thừa, chứng đắc pháp thân tuyệt đối, mà không nói còn có Pháp thân Nhất thừa nào ở bên trên nữa”[54].

Như vậy, theo Thắng Man, quy y Như Lai chính là quy y Nhất thừa đạo[55] và quy y Nhất thừa đạo là quy y chân lý tuyệt đối. Chân lý tuyệt đối là Pháp thân. Pháp thân chính là Như Lai. Từ nơi Như Lai mà pháp được duy trì và biểu hiện, pháp được tuyên dương. Và cũng từ nơi Như Lai mà lý tánh hòa hợp thanh tịnh của Tăng được duy trì và biểu hiện. Và cũng từ nơi lý tánh thanh tịnh của Như Lai mà Tăng đoàn được thành lập. Do đó, trong Như Lai có đầy đủ lý tánh tuyệt đối của Pháp và Tăng. Bởi vậy, khi mới thành đạo, đức Như Lai đã trao ba pháp tự quy cho hai vị thương chủ Tapassu và Bhallika đầu tiên, trong ý nghĩa quy y Nhất thừa đạo này. Pháp và Tăng không khác biệt với Như Lai. Chính Như Lai có đầy đủ cả ba sự nương tựa. Pháp và Tăng từ nơi pháp thân thanh tịnh của Như Lai mà biểu hiện, vì vậy Pháp và Tăng đồng nhất thể với Như Lai. Nên, quy y Như Lai là quy y Nhất thừa tuyệt đối và đó là mục đích tuyệt đối của sự quy y.

Khởi thủy quy y Phật được ghi lại ở trong kinh điển ĀgāmaNikāya với bài kệ thật đơn giản. Bài kệ quy y Phật bằng Phạn văn được ghi lại ở trong nhiều kinh thuộc văn hệ Sanskrit như sau: “Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi”, đối chiếu với Pāli Nikāya ta có một câu tương tự giống với Phạn ngữ: “Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi”. Buddhaṃ là biến cách hai ở trong tám biến cách của Phạn ngữ. Cách hai còn gọi là đối cách. Trung Hoa dịch là nghiệp cách. Đối cách có chức năng làm túc từ trực tiếp cho động từ ở trong câu. Nên, ở trong câu Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi, thì Buddhaṃ là biến cách hai làm túc từ trực tiếp cho động từ gacchāmiŚaraṇaṃ cũng là biến cách hai của Phạn ngữ. Nguyên vị của Phạn ngữ này, có nghĩa là đứng vào hàng ngũ, và Pāli là nương tựa hay quay về. Hán dịch là quy y, cứu hay độ. Gacchāmi: có động từ căn gam. Gam có nghĩa là đi đến. Mi là đuôi biến thể của ngôi một số ít, chỉ cho thì hiện tại trực thuyết năng động. Vậy, gacchāmi có nghĩa là tôi đi đến. Nên câu Buddhaṃ śaraṇaṃ gacchāmi”, theo sát Phạn văn có nghĩa là “Tôi đi đến đứng vào hàng ngũ Phật” hay theo Pāli là “tôi đi đến nương tựa Phật”. Như vậy, quy y Phật là đứng vào hàng ngũ của Phật để tu tập, nhằm có thể thành tựu địa vị giác ngộ như Ngài, để có thể làm nơi nương tựa an lạc cho hết thảy chúng sanh mong cầu đời sống giải thoát.

Quay trở lại vấn đề giới kinh của đức Tỳ-bà-thi. Bây giờ, chúng ta nói đến vấn đề Niết-bàn là tối thượng. Tại sao Niết-bàn được gọi là “tối thượng”? Niết-bàn phiên âm từ Nirvāṇa hoặc tiếng Pāli Nibbāna, từ Prakrit cổ của nó được tìm thấy là Ṇirvāṇa.  Nirvāṇa nó là phân từ thụ động quá khứ của động từ niḥ-căn vā: có nghĩa là “đã, hoàn thành, hoàn tất…” + Nirvāti với ý nghĩa nghĩa “thổi tắt“, “dập tắt” (một ngọn lửa), như thế thì Nirvāṇa mang nghĩa đã bị dập tắt, thổi tắt ở đây muốn chỉ cho dập tắt lửa phiền não, hay thổi tắt lửa ái dục v.v.. Nirvāṇa có tiền tố phủ định từ là Nir (không, đi ra khỏi) + vāṇa là vị biến của vane, được thành lập từ động từ căn van: khu rừng, bụi cây, gỗ; và động từ căn van cũng có nghĩa là dục vọng, khát ái, them khát nhục dục v.v.. nên Niết-bàn được hiểu là trạng thái ra khỏi khu rừng của vô minh, phiền não, gỗ ở đây là dụ cho năm ấm nên tức là người không còn bị ràng buộc bởi năm ấm, bởi các giới uẩn và không còn bị chi phối bởi dục vọng, không còn bị khát ái điều khiển nữa. Và vāṇa nó còn đi từ động từ căn :ở dạng quá khứ phân từ, ngoài nghĩa là thổi, nó còn có nghĩa là phát ra mùi (to emit an odour), hay cũng có nghĩa là bị tỏa, bị khuếch tán (be wafted or diffused); động từ căn :  nó cũng có nghĩa là may, dệt; và tất cả ý nghĩa của khi nó bắt đầu bằng Nis một từ chuyên dùng để phủ định: không, tắt, không còn, chẳng còn, v.v…Nên Nirvāṇa có nghĩa không còn dệt nên sinh tử, may nên mộng tưởng đảo điên, là chấm dứt dập tắp hoàn toàn ngọn lửa và mùi vị ái dục , không còn tỏa ra, khuếch tán ra những phiền não nữa  v.v.. Theo luật Sandhi ngữ pháp Phạn làm thay đổi luật cách viết Nis khi phối với vāṇa, bắt đầu bằng “v”, Nis —> Nir (và cũng tùy vào những trường hợp khác mà Nis đổi thành Ni, Nih v.v..). Na cũng thuộc thể loại phủ định từ nên vāna: có nghĩa là không còn dệt nên phiền não nữa. Nir-căn , có nghĩa là “phát hiện ra, thấu hiểu được, nhìn rõ được v.v..”, nên Niết-bàn là thấu rõ được chân như, phát hiện ra chân lý, chứ không hề mang ý nghĩa là “hư vô” “trống trơn”, theo ý nghĩa nhị nguyên.  Còn trong Pāli ngữ Nibbāna được thành lập từ Ni (=Na) là bất phân từ, không biến cách: có nghĩa không hay không có, chức năng làm tiền tố phủ định từ có nghĩa là ly khai, tách rời, ra khỏi v.v… Bbāna ái dục, dục vọng, nên trong văn hệ Pāli Niết bàn hàm nghĩa ly khai khỏi ái dục, không còn ham muốn, lìa xa mong cầu ảo tưởng. Nên Phạn ngữ Nirvāṇa hay Nibbāna, rất đa nghĩa, Hán hay Anh dịch không thể có một từ nào cân xứng được với những ý nghĩa nghĩa phong phú như vậy. Qua đó mà thuật ngữ nirvāṇa cũng được Hán dịch nghĩa là Diệt , Diệt tận 滅盡, Diệt độ 滅度, Tịch diệt 寂滅, Bất sinh不生, Viên tịch , và vì sự tịch diệt được hiểu là mục đích tối cao trong đạo Phật nên nirvāṇa cũng được dịch ý là Giải thoát , Vô vi 無爲, An lạc 安樂 v.v.. mà văn hệ Nikāya hay A-hàm có hơn ba mươi từ tương đương.

Niết bàn, nguyên ủy là chỉ cho sự thành đạo của đức Phật. Tại sao? Vì sau khi tu tập thiền quán, Ngài đã tự mình đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, thấy rõ vô ngã của nhân và pháp, thành tựu các minh, viên mãn các đức, tự tại đối với uẩn, xứ và giới, xứng hợp với tự tánh thanh tịnh, an lạc, vô sanh bất diệt của Niết bàn. Do đó, đức Phật thành đạo, chính là thành tựu Niết bàn. Bởi vậy, Niết bàn nguyên ủy là chỉ cho sự thành đạo của đức Phật. Như vậy, ngoài đức Phật ra, không một ai có thẩm quyền để diễn đạt và trình bày về Niết bàn một cách tường tận. Bởi lý do đó, mà sau khi đức Phật xả bỏ hóa thân, để trở về với pháp thân thường trú, thì các bộ phái Phật giáo lần lượt ra đời và giải thích Niết bàn qua những ý nghĩa như sau:

1.Hữu dư y Niết bàn :

Tuy rằng ở nơi tự tâm của hết thảy các tập khí vô minh phiền não đã vĩnh viễn vắng lặng, hoàn toàn không còn sinh khởi, nhưng báo thân vẫn còn. Nghĩa là tác nhân không còn, nhưng vẫn còn ảnh hưởng của quả.

 2.Vô dư y Niết bàn.

Thân và tâm hoàn toàn tịch lặng, vĩnh viễn không còn tác nghiệp và không còn thọ quả.
Ấy là trạng thái an lạc hoàn toàn, không còn bị chi phối bởi nhân quả sinh diệt hữu lậu.
Theo Kinh Lượng Bộ, thì Niết bàn chỉ là một thuật ngữ giả định, tạm dùng để diễn tả một trạng thái của thân và tâm vắng bặt mọi thứ phiền não.

Ngoài ra, Duy Thức Tông còn đề cập đến hai loại Niết bàn nữa, đó là:

a.Tánh tịnh Niết bàn: Nghĩa là tánh của các pháp xưa nay vốn tịch diệt như thật.
b.Vô trú xứ Niết bàn: Nghĩa là hành giả tu tập căn cứ vào trí tuệ, vĩnh viễn xa lìa phiền não, không còn bị chướng ngại bởi uẩn, xứ và giới.

Trái lại, ngay ở nơi uẩn, xứ, giới mà tự tại, khởi phát vô lượng đại bi, đại trí để hóa độ vô lượng chúng sanh trong vô lượng mọi không gian và thời gian.

Do đó, đối với vị này không có thời gian và không có không gian nào là không phải Niết bàn.

Đối với Phật giáo, Niết bàn không phải là một cảnh giới đạt được của người tu sau khi chết, mà nó có thể chứng nghiệm được ngay trong đời sống hiện tiền. Đây là điểm thiết thực và nổi bật của giáo lý đạo Phật mà giáo lý các Tôn giáo khác không thể so sánh. Và đây cũng là niềm vui thiết thực, thanh nhã và cao khiết của người có pháp hành, có giới hành. Còn những hạng loại không có pháp hành và giới hành thì không thể so sánh. Vậy, Niết bàn là đương thể tịch diệt của tâm và pháp, mà người có pháp hành có thể chứng nghiệm thể tính tịch diệt ấy ngay đây và bây giờ. Ý nghĩa Niết-bàn rất phong phú, tính chất, đặc thù v.v.. của Niết-bàn, kinh tạng và luận tạng bộ phái giải thích rất nhiều, xin miễn rộng bàn ở đây, sẽ trình bày kỹ ở  ở bài sau[56].

Tại sao Niết-bàn, chúng ta không thể thấy rõ, không thể hiểu và không thể diễn tả đúng như thực được? Vì Niết-bàn chỉ được thấy được bằng chánh kiến vô lậu, hay chính là chánh tri kiến trong Bát Thánh Đạo. Thế nào là Chánh Kiến? Tiếng Phạn Samyagdṛṣti; tiếng Pāli là Sammadiṭṭhi. Samyag: có nghĩa là chính xác, đích thực, hiện thực, hợp lý,…dṛṣti hay diṭṭhi đi từ động từ căn paś, có nghĩa là thấy, nhận thức, hiểu biết,…

Vậy, Samyagdṛṣti hay Sammadiṭṭhi là cách nhìn thấy chân xác, sự hiểu biết đích thực và hiện thực, sự nhận thức hợp lý,… các nhà Hán dịch là chánh kiến và Anh dịch là right- understanding, right insight, right view,… Chánh kiến là cách nhìn hợp lý, sự hiểu biết đích thực, chân xác, thấu đáo đối với tất cả mọi sự hiện hữu. Nghĩa là mọi sự hiện hữu, chúng hiện hữu như thế nào, thì ta phải hiểu nó đúng như thế ấy, đó gọi là chánh kiến[57]. Cho nên mọi sự diễn thuyết về Niết-bàn nằm ngoài Chánh Kiến, thì nó chỉ là sự diễn thuyết tương đối. Và con đường đi đến Niết Bàn chính là Bát Thánh Đạo được xây dựng trên nền tảng của Tam Vô Lậu học, chính là Giới-Định-Tuệ. Từ nơi bản thể tịch tịnh của Niết bàn mà đức Phật thiết định giới học, nên giới học ấy là nghiệp dụng của bản thể. Vì vậy, muốn thể chứng Niết bàn phải đi bằng con đường của giới. Và giới là căn bản của định. Định thiết lập trên nền tảng của giới, định ấy gọi là Chánh định. Vì sao? Vì định ấy có gốc rễ từ giới, nên nó thích ứng với Niết bàn. Tuệ sinh khởi từ giới và định, tuệ ấy là tuệ giải thoát và thanh tịnh, nên tuệ ấy gọi là Chánh tuệ. Vì sao? Vì tuệ ấy, có gốc rễ từ giới và định, nên tuệ ấy thích ứng với Niết bàn. Như vậy, Niết-bàn còn gọi là Trạch diệt, giải thoát hay chính là Ly hệ quả, tiếng Phạn là Visamyogaphala. Visam là tách rời, ly khai. Yoga là tương ưng, liên hệ. Phala là quả. Ly hệ quả là quả do chứng ngộ Niết Bàn đem lại, do đoạn trừ và ly khai hết thảy phiền não.  Ly hệ quả là quả chứng đắc Niết Bàn do tu tập Đạo đế ở trong Tứ diệu đế mà thành tựu. Thuận Chánh Lý Luận giải thích: “Ly hệ quả là quả trạch diệt. Trạch là trí tuệ; diệt là lậu tận. Do lấy trí tuệ làm nhân tu tập, xa lìa và đoạn tận mọi sự trói buộc của tham ái, khiến chứng đắc Diệt đế. Nên, Diệt đế là quả ly hệ. Trạch hay trí tuệ là tu nhân và diệt hay giải thoát là kết quả. Vậy, quả ly hệ là quả trạch diệt hay là quả Niết Bàn[58]”.
Tóm lại, Thể tính của Niết-bàn là thể tính bất sanh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất lai, bất khứ, bất nhất và bất dị[59]. Cho nên, Niết-bàn là tối thượng, là tối tôn, là bất khả thuyết, bất khả ngôn, bất khả tư nghị, chỉ có thể đi vào bằng con đường thánh đạo vô lậu giải thoát mà thôi!

IV.

Na hi pabbajito parūpaghātī/ Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto[60].

Xuất gia não hại người; Không xứng danh Sa môn.
出家惱他人, 不名為沙門。
Xuất gia não tha nhân/Bất danh vi sa môn
A monk does not hurt others. /One, who harms others, is not a monk
Một vị Tỷ-kheo không làm tổn hại người khác.
Một người làm hại người khác, không phải là một vị Tỷ-kheo.
Trước tiên, chúng ta xem sơ đồ ngữ pháp của hai câu này trong Pāli
1/ na     hi   pabbajito para+upaghati 
|         |          |          |           | 
neg. part.  Adj.m.   Adj.   Adj.m. 
|_____|    Nom.Sg.    |     Nom.Sg. 
     |________|          |______| 
            |_____________|
2/samano       hoti      paraj  vihethayanto 
|                    |            |               | 
N.m.       V.act.in.   Adj.m.     Adj.m. 
Nom.Sg. 3.Sg.pres. Acc.Sg.   Nom.Sg. 
|___________|            |_________| 
          |_________________| 

Xuất gia, Pāli ngữ là Pabbajito, hay Pabbajana, nó được thiết lập từ Pa+vaj+e, có nghĩa là đi đến, xuất gia hay đi tu hành v.v..Đôi lúc ta bắt gặp từ Pabbajito được viết khác nhau: như ở dạng từ bất định, dạng từ vô hạn, đuôi từ của nó sẽ là baji; nếu ở dạng quá khứ phân từ đuôi của nó  jita; ở dạng hiện tại phân từ thì đuôi từ là Janta v.v.. Nhưng dù viết ở dạng nào nó vẫn hàm chứa ý nghĩa là xuất gia. Nó liên hệ với những từ như: dạng từ Trung Tính của nó là Pabbajana, bằng với từ giống cái pabbajjā: sự xuất gia, sự trở thành người tu; hay Pabbajita ở dạng từ giống đức có nghĩa là:  thầy tu, đạo sĩ. Phạn ngữ là Pravrajyā: có nghĩa ly khai, tách rời mọi thứ, từ bỏ hết thảy v.v.. Nên Pravrajyā có nghĩa là từ bỏ, ly khai, tách rời đời sống tư hữu, đời sống thế tục, đời sống gia đình để hướng tới đời sống giải thoát khỏi các dục, đời sống không còn bị rơi lọt trong sinh tử. Như vậy xuất gia có nghĩa như thế nào? Kinh Đại Bản (Mahā Padana) giải thích: “Người xuất gia là người khéo tu phạm hạnh, khéo tu tịnh hạnh, khéo hành thiện nghiệp, khéo hành công đức nghiệp, khéo giữ gìn không hại chúng sinh, khéo có lòng từ với tất cả chúng sinh”[61]. Cho nên, “người xuất gia là người thấy rõ sự nguy hiểm của khổ hoạn sanh, già, bệnh, chết mà mong cầu sự thoát ly, để hướng đến đời sống an tịnh của Niết-bàn”[62].

Như vậy, để đạt được mục đích của giải thoát Niết-bàn đức Phật dạy cho Saccaka: “Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình, có thể sống hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, đời sống phạm hạnh thuần tịnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo ca sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không ràng buộc bởi gia đình”[63]. Người xuất gia sống thoát ly gia đình không bị ràng buộc bởi vợ con là để thuận tiện cho sự thực tập và thành tựu phạm hạnh. Và chỉ có từ bỏ gia đình, từ bỏ vợ con mới thành tựu được ý nghĩa xuất gia. Thế nên, hành động của người xuất gia chính là hành động từ bỏ thế tục. Lại nữa, đời sống của người xuất gia còn gọi là đời sống viễn ly mọi ác pháp, thực hành mọi thiện pháp. Trong Tăng Chi Bộ kinh, đức Thế Tôn dạy rõ: “Ở đời có bốn hạng người viễn ly: Thân viễn ly, tâm không viễn ly; Thân không viễn ly, tâm viễn ly; Thân không viễn ly, tâm không viễn ly; Thân viễn ly, tâm viễn ly”[64]. Trong bốn hạng người viễn ly như thế, thì hạng người ly mọi tham dục, ly mọi sân hận, ly mọi si mê của thân và tâm là hạng người sống viễn ly có ý nghĩa toàn vẹn. Và chỉ có sự viễn ly như vậy, mới khẳng định được lý tưởng của người xuất gia và mới khẳng định là thành viên xứng đáng của Tăng đoàn. Lý tưởng tối hậu của đời sống viễn ly, là lý tưởng thành Phật và hóa độ chúng sinh. Trong Bồ Tát Bản Sanh Man Luận nêu rõ: “Chư Phật trong ba đời, do tác nhân xuất gia mà thành tựu Đạo quả giác ngộ”[65]. Bằng lý tưởng ấy, người xuất gia ngoài tinh thần tự độ, còn thực hiện hành động độ tha nữa. Lý tưởng của đời sống viễn ly, nó cao thượng như vậy, nhất định phải đòi hỏi những hành động rất gạn dạ, đó là hành động vị tha, vô ngã, một hành động tu tập và cứu khổ mà trong mọi ấn tượng về ngã hoàn toàn vắng mặt. Lý tưởng và hành động của những bậc có đời sống viễn ly đã là như vậy, thì hẳn nhiên chính nó cũng là hành động và lý tưởng của Tăng đoàn. Chính đời sống viễn ly của mỗi thành viên Tăng đoàn, là yếu tố tác thành bản thể hòa hợp và thanh tịnh của Tăng. Cho nên, những ai thân và tâm đều không xuất gia, hay thân xuất gia mà tâm không gia, đi ngược lại với đời sống viễn ly mà đức Thế Tôn đã dạy rõ trong Kinh điển và Giới bổn, người đó không xứng đáng được gọi là Sa-môn. Tại sao thế? Vì Sa-môn là những vị dừng lại và chấm dứt các việc ác, siêng năng thực hành việc thiện, khéo nhiếp hộ tâm ý, khát khao cầu quả vị, hội nhập sự thanh tịnh, thể chứng Niết-bàn.  Sa-môn 沙門, Phạn ngữ là śramaṇa,  Pāli là Samaṇa, tượng tự như chữ từ samāne của tiếng Kucīna (Quy Tư 龜茲), hay samanā của tiếng Kustana (Vu Điền 于闐nay là Khotan). Chữ śramaṇa, đi từ động từ căm Sram: anh dịch Sram là Verbal: tức là bằng lời nói, bằng miệng, Pháp cũng dịch là verbal:  tức là bằng miệng, bằng lời nói suông.  Có hậu tố từ Na: phủ định từ: không, không chỉ, không phải chỉ… Nên Śramaṇa: không chỉ nói bằng miệng, không chỉ trên lời nói; Ý nghĩa śramaṇa muốn nhấn mạnh không chỉ trên lời nói mà bằng thực tiễn hành động. Vì thế, Sa môn tức là những vị tu tập bằng hành động cụ thể, chỉ không phương diện lý thuyết. Thực tiễn ở đây là gì? Tức là dừng hết thảy thảy ác pháp, chỉ vâng hành thiện Pháp. Vì ý nghĩa quá xúc tích của  Śramaṇa, nên Hán thường chỉ phiên âm là Thất La Mạt Noa 室羅末拏 , Xá Ra Ma Noa 舍囉摩拏, Thất Ma Na Noa 㗌摩那拏, Sa Ca Muộn Nang 沙迦懣囊; Sa Môn Na 沙門那, Sa Văn Na 沙聞那, Ta Môn 娑門, Tang Môn 桑門, Táng Môn 喪門, Dịch ý dịch là cần lao (勤勞), công lao (功勞), cù lao (劬勞), cần khẩn (勤懇), tĩnh chí (靜志), tịnh chí (淨志), tức chỉ (息止), tức tâm (息心), tức ác (息惡), cần tức (勤息), tu đạo (修道), bần đạo (貧道), phạp đạo (乏道) v.v… Theo Du hành Kinh[66], và Đại-tỳ-bà-sa luận[67], chia làm bốn loại sa-môn :

(1) Thắng Đạo Sa Môn 勝道沙門, còn gọi là hành đạo thù thắng, như Phật hay Độc Giác, vì có thể tự giác được.
(2) Thị Đạo Sa Môn
示道沙門, còn gọi là Thuyết Đạo Sa Môn (說道沙門), nghĩa là khéo thuyết giảng nghĩa đạo chỉ cho người thuyết giảng về đạo không sai lầm.
(3) Mạng Đạo Sa Môn
命道沙門, còn gọi là Hoạt Đạo Sa Môn 活道沙門, nghĩa là nương theo đạo mà sinh hoạt; tức chỉ cho người nương theo đạo mà sống;
(4) Ô Đạo Sa Môn
污道沙門.
Còn theo Ngoài ra, Đại Bảo Tích Kinh[68], có nêu 4 loại Sa Môn khác là:
(1) Hình Phục Sa Môn
形服沙門
(2) Uy Nghi Khi Cuống Sa Môn
威儀欺誑沙門;
(3) Tham Cầu Danh Văn Sa Môn
貪求名聞沙門  
(4) Thực hành Sa Môn
實行沙門v.v…
Còn theo Du Già Sư Địa luận[69]  cũng nêu bốn loại Sa môn, cho rằng Thắng đạo Sa môn tức là Chư thiện thệ, Thuyết đạo Sa môn tức là Thuyết chư chính pháp,  Hoạt đạo Sa môn tức là Tu chư thiện pháp và Hoại đạo Sa môn tức là Hành chư tà hạnh.

Tóm tắt mà nói, có nhiều hạng mà Sa-môn mà đức Phật đã dạy, người xuất gia cần hiểu rõ để không đi lệch hướng Bát Thánh Đạo, lệch hướng Thánh Đạo tức là đi vào nẻo luân hồi, tức là rơi vào tà đạo vậy như vậy mới xứng đáng gọi là Sa-môn chân chánh, mới xứng đáng dự vào hàng ngũ Tăng đoàn vậy.

Cho nên những ai, không thực hành Bát Thánh Đạo tức là không là không thực hành con đường thánh đạo vô lậu, vì vậy sẽ không dẫn khởi được Tri kiến thanh tịnh. Vì sao? Vì đặc tính thứ nhất của Bát Thánh Đạo là Hiện kiến: tức là pháp ấy có thể thấy và chứng nghiệm ngay trong hiện thực hay ngay trong cuộc sống của đời này; Pháp Bát chánh đạo do đức Phật trình bày, pháp ấy có hiệu năng dập tắt mọi phiền não nơi tâm cho những ai thực hành. Và thực hành pháp Bát chánh đạo, thì có khả năng chứng nghiệm Niết bàn ngay trong đời sống hiện tại. Niết bàn là trạng thái của tâm không còn bị lửa phiền não làm oi bức hay đốt cháy. Lửa phiền não ở trong sanh tử đã bị pháp Bát chánh đạo dập tắt, nên đặc tính thứ hai của Bát chánh đạo là vô nhiệt; đặc tính thứ ba là Ứng thời:  Pháp Bát chánh đạo do đức Phật trình bày, pháp ấy thích ứng với mọi thời đại và thích ứng với mọi không gian; Pháp Bát chánh đạo có đặc tính là Dẫn đạo,  vì pháp ấy có tính cách hướng đạo, dẫn lối đưa đường, khiến người thực hành đi đến các địa vị giải thoát hay giác ngộ; Pháp Bát chánh đạo còn có đặc tính cận quán, Pháp này do tự thân đức Phật chứng nghiệm mà nói ra, nên nó không phải hiểu bằng lý thuyết mà bằng chính sự thực tập.

Ở Trung bộ kinh đức Phật dạy: “Pháp của ta giảng dạy là để thực hành, chứ không phải để nói”. Nên, pháp Bát chánh đạo là pháp thực hành để sống và để chứng nghiệm. Trí giả nội chứng là đặc tính cuối cùng của Pháp này. Ở trong kinh Thánh cầu, đức Phật dạy, pháp do Ngài chứng đạt, pháp ấy chỉ có kẻ trí mới thấu hiểu. Những bậc có trí trong đời tránh xa hai cực đoan và thực hành trung đạo là Bát chánh đạo, do đức Phật giảng dạy, khiến họ có tịch tịnh, an ổn và Niết bàn ngay trong thân tâm hiện tiền. Vì vậy, pháp này được đức Phật giảng dạy là pháp thuộc về trí giả nội chứng.

V. KẾT LUẬN

Tổng kết mà nói, Tinh hoa triết học về sự tu tập và hành đạo của Phật Tỳ-bà-thi là nhẫn nhục, kiên trì và khổ hành để thành tựu Thánh đạo vô lậu giải thoát. Thánh đạo đó chính là Nhất thừa đạo, Phật đạo, mà nó được đi bằng con đường Trung Đạo, Trung đạo ở đây không phải là con đường giữa, mà là con đường vượt ra khỏi hai cực đoan – ép xác khổ hạnh và buông lung theo các dục. Con đường ấy có khả năng đem lại cách nhìn thấy trực tiếp, sự hiểu biết đúng đắn, những hành động hợp lý, dẫn tới đời sống an tịnh, giác ngộ và Niết bàn. Và, đức Phật đã nói cho năm anh em Kiều Trần Như rằng: “Con đường dẫn đến những điều tốt đẹp ấy, chính là Bát Chánh Đạo”; Theo Nāgārjuna (Long Thọ), Trung đạo cũng có nghĩa là duyên khởi[70]. Vì thế, Từ bỏ việc ác phải biết nhẫn nhục mới từ bỏ được và thực hành điều thiện cũng phải nhẫn nhục mới thực hành được. Kiên trì là biến nhẫn nhục trở thành hiện thực trong đời sống của một vị biết tu tập. Nhờ thế, những điều xấu ác trong đời sống của một vị tu tập được đẩy lùi và những điều thiện ngày càng được thăng tiến. Thăng tiến cho đến chỗ loại hết sanh y, vượt qua bộc lưu như thế gọi là Đệ Nhất Đạo, Niết Bàn, Thánh Đạo vô lậu hay chính là Phật đạo vậy.

Phật đạo là điểm đến, nhưng kỳ thực ra nó là Bản lai diện mục, chân như thanh tịnh vốn có của mỗi chúng sanh, nên Thành Phật đạo mà không thành gì cả, vì chỉ là trở về với cái vốn có không tỳ vết của mỗi chúng sinh; và Bát Thánh Đạo là con đường, kiên trì, nhẫn nhục, tinh tấn, khổ hành là hành trang của kẽ lữ khách tìm về với tự tánh chân như. Ấy là tinh hoa triết học về sự tu tập và hành đạo của đức Phật Tỳ-bà-thi vậy.

 [TRÍCH TINH HOA TRIẾT HỌC TU TẬP VÀ HÀNH ĐẠO CỦA THẤT PHẬT, Phước nguyên]
  
Nguồn: Hoavouu.com

MỤC VIẾT TẮT THUẬT TỪ NGỮ PHÁP PĀLI
Abl.: ablative case
abs.: absolutive
Acc.: accusative case
act.: active (Parassapada)
Adj.: adjective
Adv.: adverb
aor.: aorist (past tense)
a.pr.p.: active present participle
caus.: causative
conj.: conjunction
Dat.: dative case
DhP.: Dhammapada
Du.: dual
enc.: enclitic
f.: feminine
Gen.: genitive case
ger.: gerund
grd.: gerundive
imp.: imperative
impf.: imperfect
Ind.: indeclinable
in.: indicative
inf.: infinitive
Ins.: instrumental case
Int.: interjection
Loc.: locative case
m.: masculine
med.: medium (Attanopada)
med.pr.p.: medium present participle
N.: noun
n.: neuter
neg.: negative
Nom.: nominative case
Num.: numeral
opt.: optative
p.p.: past participle
p.pr.p.: passive present participle
part.: particle
pas.: passive
perf.: perfect
Pl.: plural
poss.: possessive form
pr.p.: present participle
Pref.: prefix
pres.: present tense
rel.: relative
Pron.: pronoun
Sg.: singular
Suf.: suffix
V.: verb
Voc.: vocative cas


 

[1] Mahāpadāna suttaṃ, P.3, Dīgha Nikāya II, Pāli Pudlication board, 1958. Cf. Phật thuyết Thất Phật Kinh; Tỳ-bà-thi Phật kinh, Pháp Thiên (Tống), T01n0001, tr. 150-154.
[2] Hán
毘婆尸佛, Tỳ-bà-thi kinh, Trường A-hàm, T01n0001, tr. 154.
[3]
維衞佛 T01n0001, tr. 0023c04. Trong các đơn hành bản đều dùng chữ 毘婆尸 Tỳ-bà-thi.
[4] Kinh Đại Bản Duyên, Trường A-Hàm, T01n0001, tr.0002c03- tr.0002c04: “
毘婆尸名觀, 智慧不可量; 遍見無所畏, 三會弟子眾”:Tỳ-bà-thi gọi là Quán, trí tuệ không thể lường, nhìn khắp không sợ hãi, ba hội chúng đệ tử.
[5][5] Xem trong Trường A-Hàm, T01n0001, rất nhiều ý nghĩa liên quan đến danh hiệu Tỳ-bà-thi được nói rõ.
[6] Hán
勝觀佛, xem Câu Xá, q.18, T29n1558, tr. 0093a15.
[7] Cf. Trường: “
過九十一 有毘婆尸佛” T01n0001, tr. 0001c27.
[8] Cf. Sđd, tr. 0002a04 – tr.0003c08
[9] D14: Khaņnda và Tissa. Bản in đời Nguyên Minh dùng chữ: Khiên-đồ
騫荼, Đề-xá 提舍, thêm chữ: Chất sa 質沙.  So sánh với Phật thuyết Thất Phật Kinh, 1 quyển, Tống, Pháp Thiên dịch, T01n0001, tr. 150-154, đệ tử đại trí tuệ là Khiếm-Ta Để-tả 欠拏底 . Còn trong Thất Phật Phụ Mẫu Tính Tự Kinh, T01n0004, tr. 0159b26: Phật Duy-vệ có hai đệ tử: số một là Tắc , số hai là Chất-xá 質舍.
[10] Richard Morris biên tập (1882), “XXVII: List of the Buddhas”. The Buddhavamsa, London: Pali Text Society. tr. 66–70.
[11] Buddhist Text Translation Society (2007). “The Sixth Patriarchs Dharma Jewel Platform Sutra”. The Collected Lectures of Tripitaka Master Hsuan Hua. Ukiah, California: Dharma Realm Buddhist Association. Lược sử của đức Phật Tỳ-bà-thi còn dài và chi tiết tham khảo sách dẫn cht.1, cht. 4 v.v..
[12] Mahāpadāna suttaṃ, P.39, Dīgha Nikāya II, Pāli Pudlication board, 1958. Cf. Budha vaggo-Dhammapada 184, Uni.of Delhi, 1977.
[13] Cf.
四分比丘戒本, Tứ Phần Luật, Phật-đà-da-xá dịch, Hậu Tần, T22n1429, tr. 1022bc. Tham chiếu Trường I, Kinh Đại bản, dùng chữ Niết-bàn, không phải chữ vô vi.
[14] Cf. Budha vaggo-Dhammapada 184, Uni.of Delhi, 1977.
[15] Ibid, tr. 1022bc.
[16] Cf. Budha vaggo-Dhammapada 184, Uni.of Delhi, 1977.
[17] Viết tắt thuật ngữ: N.: noun – danh từ; f.: feminine – giống cái/nữ tính; Adj.: adjective – tính từ; n.: neuter – trung tính; Nom.: nominative case – Cách 1. Chủ cách; Sg.: singular – số ít.
[18] Kinh A-ma-trú, Trường I, Đại 1, tr. 84c. Cf. Bản Việt, Tuệ Sỹ.
[19] Định cú Pāli, Kinh 026. Pāsarāsisuttaṃ, Majjhima Nikāya I, Cf. Bản Việt, Trung I, Thích Minh Châu dịch.
[20] Ibid.kinh 026.
[21] Dẫn:  Ira Israel (1999), Yoga, Meditation on Om, Tapas, and Turiya in the principal Upanishads. Cf. Kaelber, W. O. (1976). “Tapas”, Birth, and Spiritual Rebirth in the Veda, History of Religions, 15 (4), tr. 343-386.
[22] T12n0374, tr. 0457a15,
, 北涼天竺三藏曇無讖譯, 梵行品第八 .
[23] Cf. Visuddhimmagga, Bhadantacariya Buddhaghosa, Dhutanga-niddesa II. Bản dịch Anh ngữ, The Path of Purification, Bhikku Nanamoli và dịch Anh-Việt, Thanh Tịnh Đạo Luận, Thích Nữ Trí Hải, Chương 2. Hạnh Đầu Đà (Khổ Hành), tr. 93-133, Chùa Pháp Vân, 850 W.Phillips Blvd, Panomo, USA, ấn hành lần I, 1992.
[24] Ibid, tr. 94.
[25] Cf.
說十二頭陀經, T17n0783. Tr. 0720c06-tr.0720c11 : 行此法者。有十二 。一 者在阿蘭若處。二 者常行乞食。三者次第乞食。四者受一 食法。五 者節量食。六 者中後不得飲漿。七者著弊納衣。八 [+] 三衣。九者塚間住 。十者樹下止。十一 者露地坐。十二 者但 坐不臥。一 者阿蘭若比丘行頭陀時。
[26] Skt. Kṣānti, Tạng Bzod-pa. Cf. Du Già Sư Địa Luận 57, T30n1579, tr. 0613a05
[27] Bất phẫn nộ, bất kết oán, tâm bất hoài ác ý
不忿怒、不結怨、心不懷惡意, ibid,   tr. 0571b06.
[28] Cf. Vimalakīrtinirdeśa: buddhakṣetrapariśuddhinidāna- parivarta (phẩm “Nhân duyên thanh tịnh quốc độ Phật”). Tham chiếu: Kinh Duy Ma, La Thập, Đại Chánh, Phật quốc phẩm đệ nhất 
佛國品第一. Bản Huyền Tráng.: Tự phẩm đệ nhất 序品第一. VKN: buddhakṣetrapariśuddhinidāna- parivarta. Anh ngữ: 1. Purification of the Buddha-Field,VIMALAKIRTI NIRDESA SUTRA translated by Robert A. F. Thurman copyright 1976, The Pennsylvania State University. Bản Việt, Tuệ Sỹ, Duy Ma Cật sở thuyết, chương I, tr. 78.
[29] T25n1509, tr.0162a01.
[30]
婆塞戒經卷七羼提波羅蜜品, T24n1488, tr. 1069c04.
[31] Ibid, tr.1041a13.
[32]
, T16n0676, tr. 0703b13
[33] Dẫn:
忍三種者。 一者耐怨害忍。 二者安受苦忍。 三者諦察 法忍 T16n0676 tr. 0705c17(07), tr. 0705c18(05). Cf.Nhiếp Luận Đại Thừa luận thích, quyển thứ 7, Thế Thân Tạo, Huyền Tráng dịch Hán, cũng trình bày ba loại nhẫn tương tự, T31n1597, tr. 0354b16(16), tr. 0357a04 (10) :  耐怨害忍。安受苦忍。諦察法忍堪能審諦觀察諸法。
[34] Cf. Thắng Man, acintyasaddharma- parigraha-deśanā, Hán Nhiếp thọ chương đệ tứ
»/«Thuyết bất tư nghị nhiếp thọ chánh pháp   », Đại Chánh. Tham khảo Bản Việt, Thắng Man Giảng Luận, Kinh văn, Tuệ sỹ.
[35] Đại Thừa Lí Thú Lục Ba-la-mật-đa, quyển 6, An nhẫn ba la mật đa phẩm, T08n0261, tr. 0890c29.
[36] Cf. T08n0261, tr. 0891a11 (02),  tr. 0892c13 (02).
[37] Dẫn Trường 1, Kinh Thế Ký 30, Phẩm chiến đấu, T01n0001, tr. 0142a11:
若有智之 人欲弘吾道者,當修 忍默, 懷忿諍. Cf. Bản dịch việt Trường I, Tuệ Sỹ, Hương Tích ấn hành .
[38] Ibid, tr.1022bc.
[39] Bát Chánh Đạo, Skt. Āryāshtāngamārga, Āryāṣṭāṅgamārgaḥ hay Āryāṣṭāngikamārga; Pāli Āriyāṭṭhāngikamagga, chủ cách, số ít của thân āryāṣṭāṅgamārg, biến thân giống đực của nó. Thiết lập từ: Ārya + aṣṭāṅga + mārga. Ārya hayArya,  tính từ, giống đực, hô cách số ít của thân arya: thánh;Aṣṭāṅga: tính từ, giống đực, hô cách số ít của thânaṣṭāṅga nghĩa là: bao gồm 8 phần, gồm có tám chi, tám ngành, tám yếu tố Ārya + aṣṭāṅga = Āryāṣṭāṅga, theo luật samdhi: hai chữ a ghép lại = ā. Mārga tính từ, giống đực, hô cách số ít của thân mārga và nghĩa: con đường, đạo. Mārgaḥ là chủ cách số ít của thân mārga. Cf. Phật thuyết Tam chuyển Pháp luân kinh 
, Đường, Nghĩa Tịnh, T02n0110, tr. 0504a04.
[40] Định cú Sanskrit, Arthaviniścayasūtram, śrīmañjugurave (śriye) namaḥ. vii.: “tatra bhikṣavaḥ katama āryāṣṭāṅgamārgaḥ ? tadyathā-samyagdṛṣṭiḥ | samyaksaṃkalpaḥ | samyagvāk | samyakkarmāntaḥ | samyagājīvaḥ | samyagvyāyāmaḥ | samyaksmṛtiḥ | samyaksamādhiriti.: Này các Tỷ kheo, Bát Thánh Đạo gồm những gì? Đó là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Cf.Mahāvāgg, p 10. Samyutta Nikāya vol V, p42. Cf.  Phật thuyết Bát Chánh Đạo Kinh 
說八正道經, Hậu Hán, T02n0112, tr. 0504c26; Phật thuyết Chuyển Pháp Luân Kinh  T02n0109 tr. 0503b02, An Thế Cao dịch.
[41] Vì lý do này, mà ngài Tăng Già Đề Bà dịch Āryāshtāngamārga hay Āryāṣṭāngikamārga là “Hiền Thánh Bát Phẩm Đạo”, dẫn: Nhất Nhập Đạo Phẩm, Tăng nhất A-hàm kinh, Đại 2, tr. 567.
[42] Cf.
四分比丘戒本, Tứ Phần Luật, Phật-đà-da-xá dịch, Hậu Tần, T22n1429, tr. 1022bc.
[43] Phật thuyết Thập Hiệu Kinh, Thi Hộ dịch Hán, T17n0782, tr. 720bc.
[44] Quyển 18, Đại 12, tr. 469b-c.
[45] A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc, T26n1537, tr.0461c01.
[46] Chư kinh yếu Tập 1 – Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận 2, Đại 31, tr.826c,
[47] Cf. Du già sư địa luận 64, Đại 30, tr.653a.
[48] Dh. l88.
[49] A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa, T27n034, tr.177a: “
依者 ,謂佛無 學成菩提法 ,即是法身 ».
[50] A-tỳ-đạt-ma Câu-xá, T29n014, tr.76b.
[51] A-tỳ-đạt-ma Thuận Chánh Lý Luận, T29n038, tr.557.
[52] A-tỳ-đạt-ma Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận, T26n007, tr.54.
[53] Cf. Sđd, tr.55.
[54] Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại Phương Tiện Quảng Kinh, T012,tr 220 – 221.
[55] Tham khảo thêm bài Nhất Thừa Pháp Qua Kinh Kim Cương, cùng một tác giả, đã trình bày nhiều về Nhất thừa, ở đây không lặp lại nữa.
[56] Tham khảo: Đại Bát Niết Bàn Kinh, Bắc, Đàm Vô Sấm T12n0374, tr. 0365a02. Trường bộ kinh, kinh số 16, Mahāparinibbāna sutta, Thích Minh Châu dịch Pāli-Việt. Cf. T12n0377, tr. 0900a03,
大般涅槃經後分卷上; T12n0377, tr. 0906c13, 大般涅槃經後分卷下; T01n0007, tr. 0202a25 大般涅槃經卷下; T01n0005, tr. 0168a14, 佛般泥洹經卷下. T01n0006, tr.0176a02, 般泥洹經卷上 và T01n0006, tr. 0183c01, 般泥洹經卷下; T12n0376, tr. 0853a03(00), 說大般泥洹經卷.
[57] Định cú Sanskrit: “ tatra bhikṣavaḥ katamā samyagdṛṣṭiḥ ? astyayaṃ lokaḥ, asti paralokaḥ, asti pitā, asti dattam, asti hutam, asti iṣṭāniṣṭasukṛtaduṣkṛtānāṃ karmaṇāṃ phalavipākaḥ, santi loke samyaggatāḥ samyakpratipannā iti | iyaṃ bhikṣavaḥ samyagdṛṣṭiḥ | », Arthaviniścayasūtram, śrīmañjugurave (śriye) namaḥ. vii
[58] Thuận Chánh Lý Luận 18, T29, tr 437. Cf. Bài Ly Hệ Quả, cùng tác giả, đã giải thích kỹ về Quả Ly hệ.
[59] Cf. MMV.I.i. (Madhyamakāvatāra): “anirodham anutpādam anucchedam aśāśvataṃ | anekārtham anānārtham anāgamam anirgamaṃ || yaḥ pratītyasamutpādaṃ prapañcopaśamaṃ śivaṃ | deśayāmāsa saṃbuddhas taṃ vande vadatāṃ varaṃ ||”.
[60] Mahāpadāna suttaṃ, P.39, Dīgha Nikāya II, Pāli Pudlication board, 1958. Cf. Budha vaggo-Dhammapada 184, Uni.of Delhi, 1977.
[61] Dẫn: Kinh Đại Bản, Trường III, ĐHVH, 1972, tr. 28.
[62] Kinh Thánh Cầu, Trung Bộ I, ĐHVH, 1973, tr.163.
[63] Kinh Saccaka, Sđd, tr.240B.
[64] Tăng Chi II.A, ĐHVH, 1973, tr.177-178.
[65] Bồ Tát Bản Sanh Man Luận, T003, tr.344.
[66]
, T01n0001, tr. 0016b14.
[67] Cf.
, T27n1545, tr. 0340b17.
[68] Cf.
大寶積經卷第一百一十二, T11n0310, tr. 0631c14
[69]
, T30n1579, tr. 0442a21.
[70] Yaḥ pratīsamutpādaḥ śūnyatāṃ tāṃ pracakṣmahe , sā prạjñaptir upādāya pratipat saiva madhyamā, Nāgārjuna,Mādhyamika sūtra – Trung Luận, T 30, tr. 33b.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here