Trang chủ Phật học Tính Chất Đại Thừa Trong Phật Giáo Việt Nam

Tính Chất Đại Thừa Trong Phật Giáo Việt Nam

134
0

Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông. Phật giáo Đại thừa đã làm nên bản sắc Phật giáo Việt Nam, làm cho đạo Phật trở thành đạo Phật của người Việt, ứng hợp với tính cách của người Việt, mà rõ rệt là Trần Nhân Tông, người lập nên phái Thiền Trúc Lâm, phái Thiền đầu tiên và độc nhất của người Việt Nam trong suốt lịch sử đất nước.

Đại thừa là con đường đạt đến Tánh Không để giải thoát, nhưng trong lúc nổ lực để giải thoát bản thân, người theo Đại thừa với lòng Đại Bi rộng lớn, vẫn không quên đồng loại hữu tình, mà vẫn phối hợp được giữa việc tự giải thoát qua Tánh Không (tự giác) với sự cứu giúp đồng loại đang bị che chướng trôi lăn trong vòng sanh tử (giác tha), để có thể nói rằng càng tự giác Tánh Không bao nhiêu càng giác tha được bấy nhiêu, và càng giác tha bao nhiêu càng thâm nhập Tánh Không bấy nhiêu.

Sau đây chúng ta phát qua những chủ đề của Đại thừa được làm sống động trong Phật giáo Việt Nam như thế nào, để có thể nói rằng sức sống của Phật giáo Việt Nam chính là sức sống của Đại thừa.

1. Sự phát khởi Bồ đề tâm: Phát tâm Bồ đề là phát tâm đạt đến tâm giác ngộ của chư Phật, đồng thời giải thoát cho tất cả chúng sanh. Tâm giác ngộ của chư Phật là Trí Huệ soi thấy Tánh Không rốt ráo của tất cả các pháp, gọi là Đại Trí. Tâm tìm cầu sự giải thoát cho tất cả chúng sanh là Đại Bi. Phát khởi được Trí Huệ và Từ Bi gọi là phát Bồ đề tâm. Chúng ta thấy các Thiền sư Việt Nam đều đặt cuộc đời họ trong sự phát tâm Bồ đề này, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Chính vì các vị đã đặt cuộc đời mình vào trong hướng đi bao la và hùng dũng đó, mà hậu thế chúng ta đã có những tiểu sử hùng vĩ và bao la, hùng vĩ trong tình thương và bao la trong hành động, còn ghi lại như những dấu ấn của lịch sử Việt Nam, như Thiền sư Vạn Hạnh, người sáng lập đời Lý và thủ đô Thăng Long, như vua Trần Nhân Tông, người làm nên đỉnh cao của đời Trần và thể hiện trọn vẹn ý nghĩa "đời sống là đạo Phật, đạo Phật là đời sống".

Phát tâm Bồ đề, nền tảng cho mọi sự phát triển nở hoa của một cuộc đời Phật giáo được nhà vua Thiền sư Trần Thái Tông tóm gọn trong "Văn khuyên phát Bồ đề tâm":

"Cái quan trọng của thân mạng còn nên bỏ để cầu đạo Vô thượng Bồ đề, huống hồ là vàng bạc của báu vô thường mà lại luyến tiếc ư? Không biết một tính viên minh, chỉ theo 6 căn tham dục. Giàu sang cho lắm, đâu thể tránh được hai chữ vô thường, công danh nhất đời, chẳng thoát một trường đại mộng. Tranh nhân tranh ngã, rốt cuộc thành không, khoe giỏi khoe hay, đều là chẳng thật,… Khi ấy mới hối, học đạo không nền. Chi bằng gấp rút đảm đương, chớ để đời này lở dở… Hay đâu Bồ đề tánh giác, người người Viên mãn, Bát nhã căn lành, ai ai sẵn đủ. Hỏi chi đại ẩn tiểu ẩn, chẳng kể tại gia xuất gia, không nề Tăng tục, chỉ cốt rõ Tâm, nếu hay chiếu rọi trở lại, đều được thấy tánh thành Phật. Vượt lên chỗ chẳng tương quan gì với sanh tử, thấu tới cơ vi mà quỷ thần nhìn chẳng thấy".

Chính từ trong lời nguyện gói trọn tất cả cuộc đời đó, mà:

"Trong cõi Phật vô biên
Thọ dụng làm Phật sự
Khiến tất cả chúng sanh
Đều phát tâm Bồ đề"

2. Trí huệ soi thấu thực tại Tánh Không: Đó là trí huệ soi thấy tất cả các pháp đều do duyên khởi, vô ngã, vô tự tánh, nhờ đó mà tất cả các pháp danh sắc tạo thành sanh tử đều mất hết ảnh hưởng. Sanh tử như hoa đốm ở giữa hư không đã không có, tức thì giải thoát:

"Đất, nước, gió, lửa, thức
Nguyên lai tất cả Không
Như mây trời tan hợp
Phật nhật chiếu vô cùng
Sắc thân cùng diệu thể
Chẳng hợp cũng chẳng lìa
Nếu thường hay tỏ rõ
Trong lửa: một nhành sen.
Thiền sư Đạo Huệ (? mất 1172)
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Kìa trông bóng nguyệt dòng sông
Ai hay không có, có không thế nào
Thiền sư Từ Đạo Hạnh (? mất 1112)

Chính nhờ trí huệ soi thấy Tánh Không mà Bồ Tát tự tại ở nơi sanh tử hoa đốm, như Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài "Sanh tử nhàn mà thôi":

Sanh tử nguyên lai tự tánh Không
Huyễn hóa thân này rồi cũng diệt
Phiền não, Bồ đề ắt tiêu ma
Địa ngục, thiên đường tự khô kiệt
…Sanh là vọng sanh, tử vọng tử
Bốn đại vốn không, từ đâu khởi?
Pháp Thân không đến cũng không đi
Chân Tánh không phi cũng không thị
… Người ngu điên đảo, sợ sanh tử
Kẻ trí thấy ra, nhàn mà thôi.

Tóm lại, nếu không có trí huệ soi phá vô minh để hiển lộ Tánh Không "bổn lai vô nhất vật" thì cũng không có cuộc đời Bồ Tát, bởi thế trí huệ được gọi là huệ mạng, mạng sống của người tu Bồ Tát đạo. Trí huệ đối với Bồ Tát như con mắt để sống ở đời, không có mắt thì sống mà cũng như chết, chỉ có trầm luân, chẳng thể nào tự cứu và cứu người. Có thể nói, Thiền tông Việt Nam là sự khai thị ngộ nhập Tánh Không này, và một vị Thiền sư là người lấy "Pháp Không làm nhà" (Pháp Không vi tòa) như Kinh Pháp Hoa vậy.

3. Lòng Đại Bi hưng vận toàn bộ cuộc đời: Lòng Đại Bi là chất men làm dậy lên cuộc đời Bồ Tát. Lòng Đại Bi là sức mạnh khiến người tu hành nỗ lực đạt đến Trí Huệ để cứu đời, nhưng cũng đồng thời, khi càng có trí huệ, lòng Đại Bi càng tăng trưởng. Trí Huệ càng phát sáng, người tu hành càng thấy rõ tính chất hư huyễn, không thực, không tự tánh của năm uẩn, và đau lòng thay, toàn thể thế gian đui mù không biết điều đó, vẫn điên đảo ngụp lặn, tạo nghiệp, sống chết trong cái lưới chằng chịt dệt bằng năm uẩn đang phủ chụp giam nhốt tất cả chúng sanh. Chính nhìn thế gian bằng con mắt trí huệ như vậy, người tu càng thêm lớn tâm Bi. Như người có mắt sáng nhìn vào đời sống lầm lộn, không thực của người mù, lòng thương xót càng lớn lao, mong muốn cứu giúp người kia hết mù được mắt sáng để khỏi điên đảo đau khổ sống chết ở đời. Mắt sáng là trí huệ, và trái tim là Đại Bi vậy.

Bởi lòng Đại Bi không hề vơi cạn này, đã dựng nên một cuộc đời nhà vua Trần Thái Tông hùng vĩ, mà sự vang vọng còn tới thế hệ ngày nay. Đây là 2 đoạn trong 6 bài nguyện của vua Thái Tông:

Ba nguyện gieo xuống vực cầu đại pháp
Bốn nguyện xông vào lửa để ngộ nguyên nhân sâu xa
Năm nguyện đốt thân báo ơn công đức Phật
Sáu nguyện đập xương lấy tủy báo ơn Thầy
Bảy nguyện có người xin đầu cho không tiếc
Tám nguyện có người khoét lấy mắt cũng xem là thân

và:

Ba nguyện biện tài trừ hết mê mờ
Bốn nguyện thích thuyết pháp độ quần sanh
Năm nguyện chuyển pháp luân vô tận
Sáu nguyện uống trọn dòng nước pháp
Bảy nguyện sớm được đại cơ như Tổ Đại Ngu
Tám nguyện chóng cùng Lâm Tế hét
Chín nguyện lưỡi dài như Phật che trùm
Muời nguyện trong sạch như trời xanh
Mười một nguyện thế gian không còn người câm ngọng
Mười hai nguyện địa ngục không còn tội lưỡi bị cày.

Trong các bài kệ thị tịch, các Thiền sư ít nhắc đến lòng Đại Bi hơn là nói về Tánh Không, nhưng thực ra toàn bộ cuộc đời của các Ngài đều được vận động bằng năng lực Đại Bi. Vì Đại Bi mà vua Trần Thái Tông không lên ngôi, trốn lên núi Yên Tử tìm đạo cứu đời, và cũng vì Đại Bi mà nhà vua nghe theo lời Quốc sư Phù Vân trở lại đời làm vua vừa tận lực tu hành trong đời sống thường nhật. Vì Đại Bi mà vua Trần Nhân Tông cũng không muốn làm vua, và làm nhiệm vụ một ông vua rồi thì xuất gia đi khắp xóm làng giảng đạo. Vì Đại Bi mà các nhà sư vốn ưa ở núi rừng trở về triều làm Quốc sư, như Đỗ Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh,… Vì Đại Bi mà Thiền sư Pháp Thuận giả làm người chèo đò để tiếp sứ Tống, vì Đại Bi mà Thiền sư Viên Chiếu để lại cho đời những bài thơ văn chương đẹp đẽ nhất cho văn học Phật giáo. Và trong thế kỷ này, vì Đại Bi mà Bồ Tát Quảng Đức tự đốt thân mình làm ngọn đuốc soi sáng cho đời, soi sáng cho người bị chà đạp nhân phẩm lẫn cho người đang chà đạp nhân phẩm kẻ khác.

Nói chung, Đại Bi là nguồn lực vô tận làm sinh động Phật giáo Việt Nam. Ngày nay hầu như bất cứ chùa nào thuộc bất cứ hệ phái nào cũng có tượng Đại Bi Quán Thế Âm ở trước chùa, thậm chí nhiều nhà dân thường cũng thường thiết đặt tượng Đại Bi Quán Thế Âm ở trước nhà, điều đó cho chúng ta thấy nguồn cảm hứng về Tâm Đại Bi phổ biến đến mức nào ở nước ta.

4. Phương tiện thiện xảo: Phương tiện thiện xảo là phương cách để tự mình sống được ở đời mà không nhiễm ô, không tạo nghiệp, đồng thời là phương cách tối ưu để hóa độ cho đời theo đúng với cái nhìn Trí Huệ soi thấy Tánh Không và lòng Đại Bi trùm khắp muôn loài. Phương tiện thiện xảo là đứa con của người cha là Trí Huệ và của người mẹ là Đại bi. Phương tiện thiện xảo là độ thoát chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được độ, làm mọi công việc ơn ích cho đời mà không thấy có ai làm, đó là "người huyễn gây làm, mà vốn không làm".

Chúng ta thấy các Thiền sư đều có phương tiện thiện xảo này. Như Thiền sư Vạn Hạnh, người đã thực hiện lời huyền ký về một triều đại Phật giáo ở Việt Nam của những Thầy Tổ sống trước mình đến 200 năm, để lập ra một đời Lý hiển hách cả đạo lẫn đời. Một kỳ công có một không hai đối với lịch sử như vậy, nhưng với riêng Ngài, thì chuyện ấy chỉ là sự thịnh suy của những hạt sương trên đầu ngọn cỏ:

Thân như ánh chớp có rồi không
Muôn vật xuân tươi thu héo hon
Tùy vận thịnh suy chi sợ hãi
Thịnh suy sương móc cỏ bên đường.

Hoặc như vua Trần Nhân Tông, người đã từng hai lần chiến thắng quân Nguyên Mông, người khai sáng ra trung tâm Yên Tử, người đã từng qua Chiêm Thành thương thuyết đem về cho đất nước hai châu Ô Lý và sự hòa bình của hai quốc gia Chiêm-Việt, con người lại là một con người "vô vi" biết bao:

Vạn sự nước theo nước
Trăm năm lòng với lòng
Tựa lầu nâng sáo ngọc
Trăng sáng đầy cõi tâm.

Con người suốt đời hoạt động đó, lại là một người suốt đời không rời khỏi thiền bản, bồ đoàn để ngắm nhìn thế sự, có rồi không như hoa nở rồi rụng:
Thiền bản bồ đoàn ngắm rụng hồng

Những con người Đại thừa như thế, có thể lấy một câu nói của Khổng Tử để kết luận, đó là con người "vô kỷ, vô công, vô danh".

Ở trên, chúng ta đã lượt qua những điểm căn bản tạo nên cuộc đời Bồ Tát đạo, những yếu tố làm nên sức sống Đại thừa. Những Thiền sư Việt Nam đã sống trọn vẹn đời mình theo những điểm căn bản của Đại thừa như vậy, và một khi phát khởi tâm Bồ đề, Trí Huệ soi thấy Tánh Không, lòng Đại Bi, phương tiện thiện xảo được phát triển một cách trọn vẹn, đã làm nên cái đặc trưng mà chúng ta thường nói là tính cách nhập thế của Phật Giáo Việt Nam. Chính nhờ Đại thừa mà các vị vừa rất giải thoát vừa rất đi vào cuộc đời, vừa quá đỗi viễn ly vừa ở ngay trung tâm của cuộc sống, vừa là người đắc Tam muội chánh định vừa là Quốc sư như Vạn Hạnh, vừa là Thiền sư vừa là một ông vua như Trần Thái Tông, vừa "chống gậy rong chơi, hề, phương ngoài phương" vừa giao du thân mật với sang giàu huyên náo của triều đình như Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhập thất trong hang núi vừa là ông tổ của nghề hát chèo như Từ Đạo Hạnh,… Phải chăng nhờ Đại thừa mà chúng ta có những nhân vật tiêu biểu nhất của lịch sử Việt Nam?

Và để kết luận, có lẽ chúng ta không biết làm gì hơn là nguyện cầu cho sức sống Đại thừa còn tuôn trào mãi trong đời sống của dân tộc, để đưa dân tộc đến những bờ bến mới của cuộc trường chinh vô cùng của lịch sử. 

N.T.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here