Trong lúc Bồ-tát đang thuyết pháp cho nhà sư trẻ, thần Karttikeya mạnh mẽ đang bảo vệ Ngài. Một đóa sen vàng nở từ mặt nước và một con chim trên bầu trời đang ngậm một bông hoa trong miệng làm tăng thêm vẻ đẹp cho bức tranh.
Bức tranh này, gần đây đã được tìm thấy ở Nhật Bản, được cho là đã được vẽ tại Hàn Quốc vào giữa thế kỷ 16 trong triều đại Joseon (ảnh).
Có 4 bức tranh Quán Thế Âm Bồ-tát như thế này được vẽ trong triều đại trên đã được tìm thấy cho đến nay.
Bức tranh vừa mới tìm thấy này là duy nhất trong số 4 bức miêu tả Bồ-tát trong tư thế chân bắt chéo.
Bồ-tát Quán Thế Âm trong các bức tranh vẽ trong triều đại Goryeo thường uốn cong một chân lên và hạ chân kia xuống. Trong các bức tranh được vẽ trong triều đại Joseon, Ngài thường nâng một đầu gối về phía trước và đặt một tay lên đó.
“Gần đây, một bức tranh Quán Thế Âm Bồ-tát rất độc đáo đã được tìm thấy trong một ngôi chùa tại Kamakura, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản”, Jeong Woo-take, giám đốc Bảo tàng Đại học Dongguk, một chuyên gia về tranh Phật giáo, nói.
“Dựa trên các kỹ thuật được sử dụng để vẽ khuôn mặt bầu bĩnh, phác thảo rõ ràng, và phân cấp của hoa sen, tôi cho rằng bức tranh được vẽ vào giữa thế kỷ 16”. Theo Jeong, có 6-7 bản in gỗ tương tự như bức tranh này, bao gồm cả những bức trong chùa Guin, nhưng một bức tranh như thế này chưa bao giờ được tìm thấy.
Bức tranh mới được tìm thấy này được vẽ trên vải gai có kích thước 119,2 cm x 70,9 cm. Bức tranh có đặc điểm điển hình của tranh Phật giáo; nền đỏ và một phác thảo vàng được vẽ một cách cẩn thận. Jeong đánh giá bức tranh khi cho rằng, “Bức tranh này là một ví dụ đại diện của Hàn Quốc diễn giải lại các bức tranh của Trung Quốc. Nó bổ sung vào sự đa dạng của bức tranh Phật giáo được vẽ trong giai đoạn đầu triều đại Joseon”.
Nguồn: GNO