“Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu”. (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
Những tâm tình trên của tác giả Thích Pháp Bảo như bao trùm khắp tác phẩm Tìm người trong hơi thở mà ta có thể dễ dàng tìm thấy khi dõi theo bước chân thong dong của tác giả đến với những cảm xúc trước cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương hay trên bước đường du hoá, trước những cảm xúc về tuổi thơ, quê hương và mẹ, về tình đạo, tình đời….chứa chan ngập tràn trong tuỳ bút. Tuy nhiên, là một tu sĩ, một thiền sư tác giả đã dẫn dắt chúng ta nhìn sự vật như chúng vốn có trong lý duyên sinh, không có gì có giá trị trong và của chính nó mà chỉ là ghép hợp, vô thường; sự mong muốn và bám víu chỉ làm cho chúng ta thêm nhiều đau khổ khi gặp phải điều mình không thích hoặc mất một cái gì đó quí báu. Và như thế Tìm người trong hơi thở như một tia nắng ban mai nhẹ nhàng mà mạnh mẽ giúp ta nhận rõ Chân Như, đưa chúng ta đi tới một con đường mới, xây dựng một đời sống tinh thần phong phú sâu sắc, thu nhỏ đi cái tôi của mình để hoà vào vạn vật.
“Thực tế thì trong đèn đã có sẵn dầu, tim, chỉ cần khí nữa thôi là nó sẽ dẫn cháy và phát sáng như là điều kiện để hiện diện”. Rất cần một luồng khí đưa đến cho ngọn đèn cháy bùng lên thắp sáng không gian xua đi đêm tối. Đây chính là lý do để tác phẩm ra đời và là lý do chúng ta tìm đến với tác phẩm này. Đọc để hiểu, đồng cảm với tác giả và cũng để hiểu mình và thay đổi chính mình.
Những ai đã có dịp đọc qua ấn phẩm “Cất túi hương trầm” ắt hẳn không còn ngạc nhiên hay xa lạ gì đối với tác giả Thích Pháp Bảo. Nếu “Cất túi hương trầm” là biểu tượng thanh cao của người ẩn sĩ thì qua “ Tìm người trong hơi thở” sẽ là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục vô tận để truy ra bản thể chân như hơi thở một con người. Giá trị hơi thở phải được ấn định đo lường bằng lý trí và tình thương. Bởi lý trí và tình thương là khả năng đối thoại phân biệt có ý thức giữa: thiện- ác, trắng-đen, trái phải, đúng sai… Nên ai nói tình thương, trước phải nói lý trí. Thương mà không có LÝ, có TRÍ lại càng làm khổ đau thêm cho nhau trên bình diện tâm lý đến tâm linh.
Tác giả (Thích Pháp Bảo) tạng sách cho ca sĩ Tuấn Ngọc
Không có thời gian nào quý hơn thời gian này. Không có thứ tình cảm gì quý hơn tình cảm người với người. Và không có ai thương mình bằng mình thương mình. Thế nên “ Tìm người trong hơi thở” là sự vắng mặt của các ý thức hệ phân tán, không có sự não loạn tư tưởng miên man. Nói một cách khác “ Tìm người trong hơi thở” chính là quay về với hơi thở chính mình. Tập sống đời sống lành mạnh. Tập lắng nghe tiếng nói từ trái tim. Cái gì thâm thiết gần gũi nhất tức là chân lý của thương yêu.
Nhà sư phương Đông Pháp Niệm từng nói:
“Mặt trời là trái tim chung
Bình an trong từng hơi thở, bình an trong mỗi con người”.
Trong khi người thi sĩ phương Tây Savatore Quasimodo cho rằng: “ Mỗi người đơn độc trên trái tim của trái đất
Được đóng rào trên tia nắng sớm ban mai”.
Duy lý quan niệm sống của người phương Đông dựa vào Nhân bản học hay Đạo đức học. Còn duy lý quan niệm sống của người phương Tây dựa vào Triết học hiện sinh hay Siêu hình học. Tất cả các chủ thuyết triết học dù phương Đông hay phương Tây ta sẽ dễ dàng bắt gặp một tâm điểm bản thể chung là: Đưa con người vượt thoát những sợ hãi, khó khăn và dám đối diện với lương tâm chính mình ngay giờ phút này.
Xin thưa, bạn đang cầm trong tay tập sách mỏng không phải mớ kiến thức mà là một tuyển tập tùy bút, chứa chan đượm ngôn ngữ chia sẻ về tình đạo, tình đời, tình thương hay tình yêu giúp bạn tiếp xúc, chiêm nghiệm, trân quý sự sống sâu từng ngày từng giờ.
Khi đọc, xin bạn đừng vội đọc hết, mỗi ngày nên đọc một bài trong lúc thư thái nhất. Từng con chữ sẽ nuôi dưỡng và tưới mát tâm hồn bạn, giúp tình thương vượt ra khỏi ranh giới cái tôi hữu hạn.
Có một nhà phê bình văn học đã nói: “ Thi sĩ sống bằng tình cảm, mà lẫn vào tình cảm là trực giác, mà trực giác là làn chớp đầu tiên của mọi triết học”. Như thế, bạn đọc nếu hiểu và cảm nhận được nghệ phẩm của tác giả là vì bạn có tâm hồn gần với nghệ sĩ. Người nghệ sĩ thường cởi mở, bao dung. Nhiều lúc mang tâm trạng u hoài muôn thuở. U hoài vì cuộc sống bon chen. U hoài vì cảnh đời phiền toái. Những lúc như vậy, đôi hồi người nghệ sĩ muốn có được giây phút bình an và muốn tìm lại hơi thở chính mình để yêu mình nhiều hơn. Hãy cảm nhận tập sách một cách có ý thức sâu sắc bạn nhé!
H.B