Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tìm manh mối Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ

Tìm manh mối Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ

149
0

松 聲 喝 道 虎 前 躯,
龍 起 南 陽 渴 望 蘇.
借 問 雲 臺 高 幾 許,
要 添 宰 相 出 山 圖.

Tùng thanh hát đạo hổ tiền khu,
Long khởi Nam Dương khát vọng tô.
Tá vấn vân đài cao kỉ hử,
Y
ếu thiêm tể tướng xuất sơn đồ.

Trần Lê Văn diễn nghĩa và dịch thơ:

TIỄN VÔ SƠN ÔNG VĂN HUỆ VƯƠNG RỜI NÚI NHẬN CHỨC TỂ TƯỚNG

Thông reo hò dẹp lối, hổ đi trước dẫn đường,
Rồng trỗi dậy từ Nam Dương, lòng người khát mong được sống lại.
Ướm hỏi đài mây cao độ bao nhiêu?
Cần họa thêm bức tranh “Tể tướng rời núi” [3,t.2tr759].

Cọp mở đường ra, thông hát đưa,
Nam Dương rồng dậy thỏa mong chờ.
Đài mây ướm hỏi cao bao trượng,
T tướng rời non” tranh vẽ chưa?

Điều đáng nói là bài thơ có thể hé lộ cho chúng ta không ít manh mối về bức tranh Phật hoàng Trần Nhân Tông xuống núi (Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ).

1Trần Quang Triều (1286-1325) là cháu nội Trần Quốc Tuấn, anh vợ vua Anh Tông. Sớm được phong tước vương và ưu dụng, song ông không thích làm quan. Sau lui về ở ẩn tại am Bích Động (Quảng Ninh), cùng các bạn Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức, Tự Lạc tiên sinh… thành lập Bích Động thi xã. Năm 1324 ông được triệu về kinh nhận chức Tư đồ. Nhân dịp, Nguyễn Sưởng làm bài thơ trên.

Nhóm thơ Bích Động sành họa thư. Trần Quang Triều có bài “Đề quạt vẽ phong cảnh do Liêu Nguyên Long tặng”[3,t.2tr.611]. Nguyễn Ức có hai bài: “Đề tranh cố bộ hạc đồ” và “Thay người làm tạ ơn vua cho bức tranh rồng thủy mặc” [3,t.3tr.33-34]. Riêng bài thơ của Nguyễn Sưởng cũng đã dùng thủ pháp “truyền thần tả sự và tả tích” để tả Văn Huệ vương.

Các nhà nghiên cứu thường giải thích việc dùng điển “Nam Dương long khởi”, hỏi đài mây (Vân đài) là để chỉ việc Trần Quang Triều và thân phụ từng được Trần Nhân Tông họa chân dung tôn thờ, khen ngợi (năm 1289). Mặt khác qua câu đầu và cuối tác giả cố tình so sánh với một bức tranh khác và gợi ý cần vẽ thêm “Tể tướng xuất sơn đồ” cho Trần Quang Triều.

Nói về họa phẩm “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”, Nguyễn Nam cho biết Dư Đình thời Minh có đề dẫn: “Nay bức họa miêu tả lúc ông (Trần Nhân Tông) từ động Vũ Lâm xuất du,… voi trắng chở kinh đi ở sau cùng. Phía trước voi có người đội mũ vàng, cưỡi trâu, ấy hẳn là đạo sĩ Lâm Thời Vũ. Cung nghinh trên đường chính là con của đại sĩ, người nối ngôi, thay cha trị nước” (1420) [1,tr.66]. Giống như thủ pháp “truyền thần tả sự”1 mà Nguyễn Sưởng tả cảnh Vô Sơn ông xuống núi. Có cơ sở để chúng ta đặt vấn đề: Phải chăng Nguyễn Sưởng đã từng thấy “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” ở nhà Văn Huệ vương và nhân tiện đem ra liên hệ như đã nêu?

2Trần Đình Sơn trên tờ Tuổi Trẻ có nhận định: Có thể bức tranh do người Việt vẽ tại Thăng Long, về cuối Trần, con cháu nhà Trần mang sang Trung Quốc.
Sau y các trí thức Trung Quốc đã viết lại lời đánh giá bức tranh như đã thấy”. Ông cũng bất ngờ không hiểu sao Trần Quang Chỉ, người viết đề dẫn và từng sở hữu tranh, lại cho Nhân Tông là con Trần Cảnh [2,tr.14]. Cùng ý kiến đó, bài viết này xin nêu thêm các giả thuyết:

2.1. Có thể bức tranh do dòng tôn thất chi Hưng Đạo vương cho vẽ và xem như vật báu truyền tông, truyền đến Văn Huệ vương lưu giữ. Bởi lẽ, dòng này từng gả con gái lớn cho các vua Trần từ Thánh Tông đến Anh Tông. Đặc biệt, Nhân Tông lấy con gái trưởng của Hưng Đạo vương. Quốc Tuấn lại lấy con gái trưởng của Thái Tông. Toàn thư chép, Thái Tông từng xin Trần Thủ Độ tha tội thủy tổ Văn Huệ (Trần Liễu) làm loạn vì vợ bị ép lấy Trần Cảnh. Hưng Đạo vì nước quên thù nhà, một lòng phò vua giữ nước. Mối nhân duyên “tréo ngoe kì lạ” vốn có ý nghĩa khoan dung đại độ đã hun đúc nên một vị hoàng đế anh hùng, Phật hoàng giáo chủ, vượt qua mọi hệ lụy trần ai binh lửa và nho thần đàm tiếu, là nguyên nhân chủ yếu mà họ cho vẽ để truyền đời. Hơn nữa, các vua, tôn thất, quan lại nhà Trần ưa vẽ hoặc sao chép tranh để ban tặng nhau. Nguyễn Ức từng đề tranh vua ban như đã nêu, Đinh Củng Viên có đề bức “Cù đường đồ” [3,t.2tr.438]. Minh Tông tặng Trần Bang Cẩn bức chân dung kèm theo bài thơ [3,t.2tr.781]. Phạm Mại đề tranh thủy mặc trên trướng [3,t.2tr.837], Trần Đình Thâm đề tranh “Tiễn biệt trên sông mùa thu” [3,t.3tr.232]. Đặc biệt, phép vẽ “truyền thần tả tích”2 khá phổ biến vào nửa sau thời Trần: Chu Đường Anh có đề bức “Đường Minh Hoàng tắm ngựa” [3,t.3tr.345]; năm 1394, Trần Nghệ Tông còn cho vẽ tranh “Tứ phụ” để ban cho Hồ Quý Ly [3,t.3tr.755]. Ấy là chứng cớ củng cố thêm giả thuyết của chúng ta.

2.2. Theo lời Trần Đình Sơn: “Trong Minh thực lục có ghi nhận Trần Quang Chỉ từng đi trong đoàn người An Nam đến triều đình nhà Minh nạp cống” [2,tr.14]. Tìm hiểu sử sách cũ thấy có chép các vụ việc: Năm 1370, tự Minh Thái Tổ làm chúc văn, sai người sang ta tế thần núi Tản Viên, thần sông Lô; rồi xin dập một số văn bia, sao chép một số đồ thư, điển tịch của ta. Năm 1385, sai sứ sang xin hai mươi nhà sư có khả năng làm “sám chủ”3 đạo tràng cho vua họ. Khi thuộc Minh, năm 1415 Hoàng Phúc áp giải một số nhà nho, thầy thuốc, tăng đạo về Yên Kinh. Đến 1417 thì định lệ xứ ta cống nho sĩ Quốc Tử Giám và ở các địa phương [3,t.3tr.752-759]. Liệu có khả năng: trong số đồ thư nhà Minh xin sao chép vào năm 1370 có cả bức “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”? Và có phải Trần Quang Chỉ nằm trong số các nhà sư “cống” ở những lần đó? Người viết bài này nghiêng về phía ông nằm trong số hai mươi nhà sư bị “xin cống”; và giả định ông là người nhà hoặc môn khách của dòng Trần Quang Triều. Trong bài dẫn, ông tự nhận: “Kẻ học Phật ở sông Lô Trần Quang Chỉ, tự Tích Phủ, tái bái và cẩn chí” [1,tr.65]. Sư được “xin” qua giúp vua Minh lập đạo tràng mới có được “ân huệ” ra vào triều, có dịp qua lại với các quan hàn lâm. Và chỉ có các quan hàn lâm mới có khả năng sao chép, hoặc tìm cách sở hữu, các đồ thư mà sứ Minh mang về năm 1370. Do đó, Trần Đăng sở hữu bức tranh trước bởi thời Vĩnh Lạc có đến mười năm ông làm ở Viện Hàn lâm. Vậy chữ “tái bái” có thể hiểu là được “chiêm ngưỡng, bái phục lần nữa”. Nhân đó Quang Chỉ nhớ lại, so với tranh gốc từng thấy của họ Trần Quang mà viết lời dẫn: “Tôi nhân được thấy tranh, cảm thuật đôi điều đại khái, viết ở bên trái bức họa để các bậc toàn trí xem…” [1,tr.65]. Người thuộc tôn thất bên ngoại của các vua mới dám “nhầm lẫn trớ trêu” cho Nhân Tông là con của Thái Tông. Về điều này, trong lời chú bài viết “Diện mạo Trần Nhân Tông qua Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”, Nguyễn Nam có dẫn cách hiểu của Nguyễn Duy Hinh về khía cạnh tâm linh tôn giáo là một mặt [1,tr.63]. Mặt khác, như Toàn thư chép: Năm 1234, Trần Cảnh phong Trần Liễu là “Hiển Hoàng”, xem anh như cha, tự “hạ bậc” ngang hàng với Trần Quốc Tuấn. Trần Hoảng (Thánh Tông) thân viết bài minh ở sinh từ Hưng Đạo, tôn vương như “thượng phụ”. Lấy đó mà suy thì nhà vua tiếp tục hạ mình như con Hưng Đạo. Vậy cách “nhầm lẫn” của Quang Chỉ không phải là không có lý khi xem thủy tổ như người mở cơ nghiệp Trần, để thỏa “cái tình uẩn khúc” của chi họ. Và cũng là cách nói sáng danh công hạnh (chữ dùng của Quang Chỉ) Trần Nhân Tông. Bởi lẽ, họ Trần hôn nhân phức tạp; về mặt chính thống chỉ có thể phân biệt dòng vua (Trần Cảnh) và dòng lớn (Trần Liễu). Đến Nhân Tông thì hòa chung không thể phân biệt nữa rồi.

3Dư Đình bình tán bức tranh viết: “Người Nam Giao vẽ lại sự kiện nhất thời và hoan hỷ truyền xem” [1,tr.66]. Nó cho phép chúng ta nghĩ bức họa thời Trần đã có nhiều phiên bản lưu truyền trong tôn thất. Chu Đường Anh viết “Đề quần ngư triều lý đồ” (Đề tranh bầy cá chầu cá chép) có cho thấy hiện tượng vẽ, sao chép tranh để bán khá phổ biến ở nước ta thời ấy:

Chẳng tiếc ngàn vàng để mua bức danh họa này.
Biết bao nét bút thần diệu được bày dưới hiên đẹp,
Nào tranh bướm Đằng Vương, ngựa Giang Đô,
Họa sĩ nào lại vẽ được tranh tài tình đến thế.

[3.t.3tr.347]

Theo đó, ta biết kỹ thuật sao chép tranh đã đạt đến mức cao thâm, khó xác định phiên bản. Từ tình huống bình tán của các quan hàn lâm nhà Minh, có thể hình dung ba bức vẽ từ ba phía: Bản gốc giả định ở nhà Trần Quang Triều. Bản sao của sứ Minh mang về Viện Hàn lâm, và bản do Trần Giám Như vẽ năm Chí Chính thứ 23 nhà Nguyên (1363). Bản gốc Văn Huệ vương chắc hẳn có lời bình tán của các thi nhân nước ta, và do vậy Nguyễn Sưởng mới có tứ thơ lạm bình so sánh. Bản Trần Giám Như, có lẽ do con cháu nhà Trần chạy loạn mang sang Trung Hoa, lâu ngày hư nát nhờ Giám Như vẽ bồi phục mới; phần bình tán bị cắt bỏ bởi lý do lịch sử tế nhị. Bản này sau Trần Đăng sưu tầm được, dẫn tựa ngắn gọn. Hoàn toàn có thể như vậy. Khi nhà Minh chiếm nước ta, mọi vấn đề lịch sử tế nhị giữa triều Trần và nhà Nguyên mới chấm dứt. Đủ điều kiện để giới hàn lâm nhà Minh đem các bản sưu tập ra đối chiếu giám định. Trần Quang Chỉ được tặng tranh bản Giám Như và nhờ viết đề dẫn. Điều này thì chính xác vì phong cách dùng từ trong văn bản rất khớp với tinh thần lịch sử và khớp với lời tán của Dư Đình. Quang Chỉ dùng “An Nam quốc” ở phần “dẫn tích vẽ” (dẫn tích trước thuật). Phần cuối liên kết ý “giải thích mục đích viết bài dẫn” (biện nguyên dẫn đề) dùng “người Giao Chỉ”. Dư Đình nhân đó tổng hợp các ý kiến mà dùng “Nam Giao” và nói rõ “Quang Chỉ là người Giao Chỉ học Phật”. Nhà Minh chiếm nước ta xong, đổi Đại Việt thành Giao Chỉ quận (Đinh Hợi, 1407, Minh Thành Tổ – Vĩnh Lạc thứ 5). Cứ liệu lịch sử còn cho biết, năm Vĩnh Lạc thứ 17 (Kỷ Hợi, 1419) sai chuyển toàn bộ sách vở của ta từ thời Trần về trước đem về Kim Lăng. Năm kế, các quan hàn lâm nhà Minh viết các bài tán, sau đề dẫn của Trần Quang Chỉ (Canh Tý, Vĩnh Lạc thứ 18, 1420).

Cũng cần phải nói thêm Thiền Trúc Lâm ở ta là đỉnh cao thiền học Đại Việt. Thi học có phần đi trước thi học thiền Tống – Minh ở chỗ sớm “thi thiền nhất trí”4, điều mà đến giữa thời Minh, các thi tăng, học sĩ mới thừa nhận. Giới hàn lâm thời Vĩnh Lạc không thể không quan tâm điều ấy. Còn sự có mặt đạo sĩ Lâm Thời Vũ trong đoàn tùy tùng của Nhân Tông là chuyện thường. Thời nhà Trần, thi tăng đạo sĩ vốn giao du thâm viễn. Huống chi đại sĩ là người có uy vọng về đạo học. Thời Dụ Tông (1368) còn có đạo sĩ Huyền Vân nổi tiếng, tu ở Yên Tử.

Nhân đọc một bài thơ, người viết có đôi điều giả thuyết không sao khỏi thiếu sót; thậm chí hồ đồ. Mong bạn đọc lượng thứ.■ „

Chú thích:

  1. Truyền thần tả sự: Vẽ chân dung trong bối cảnh sinh hoạt thật. Mặt nhân vật chính luôn vẽ đủ, không nhìn nghiêng.
  2. Truyền thần tả tích: Vẽ chân dung theo tích kinh, truyện, sử…
  3. Sám chủ: Người đứng đại trai đàn, chủ việc thực hành nghi thức đảnh lễ, cầu kinh, pháp ấn chứng minh.
  4. Thi thiền nhất trí: Thơ và thiền cùng chung đường, thống nhất với nhau.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Nam (2013), Diện mạo Trần Nhân Tông qua Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, Văn Hóa và Du Lịch, số 8 – tháng 1.2013, tr. 60 – 68.
  1. Trần Đình Sơn – Lam Điền (2012), Thư họa Trần NhânTông do người Việt vẽ, Tuổi Trẻ số thứ 6, 14.12.2012, tr.14.
  1. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, 2 tập, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tập 2 (thượng): 1989, tập 3: 1978.

truc-lam-dai-si xuat son do

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here