Trang chủ Tài liệu - Thư viện - Phim Phật giáo Lưu trử Tìm lại dấu tích quốc tự Giác Hoàng

Tìm lại dấu tích quốc tự Giác Hoàng

228
0

Từ đầu Xuân Kỉ Hợi (1839), triều đình Huế bắt đầu lập chương trình tổ chức đại lễ mừng sinh nhật lần thứ 50 và kỉ niệm 20 năm đăng quang của vua Minh Mạng (1820 – 1840) sắp đến. Nhà vua rất mãn nguyện khi thấy Nam Bắc ổn định, nước Đại Nam có uy thế lớn trong khu vực. Một hôm bàn chuyện cũ, vua dụ bảo triều thần: Ta nhớ lúc còn là hoàng tử được tiên đế yêu thương ban cho “tiềm để”(1) ở phường Đoan Hòa góc Đông Nam bên ngoài hoàng thành, xưa là trung tâm của đô thành Phú Xuân thời đức Hiếu võ Hoàng Đế (2). Cuộc đất đó rất quý, nên xây dựng một ngôi chùa thờ Phật để tụ linh khí, phát phúc lâu dài. Tuân theo ý chỉ của vua, bộ Công thiết kế bản vẽ, bộ Binh tuyển chọn 500 quân lính đến làm chùa. Căn cứ tài liệu hiện còn được biết: Trên trục chính từ ngoài vào có cổng tam quan, qua một vườn cảnh đến lầu hộ pháp, ở giữa xây dựng Đại hùng bửu điện, hai bên có hai tòa tả, hữu vu. Kế tiếp là điện Đại bảo, phía trái trước điện có giếng Thanh Phương xây bằng đá Thanh Hóa, nước rất trong và ngọt. Bên cạnh làm cái đình lợp ngói, dựng bia đá ghi dấu thơm. Phía sau làm hai dãy tăng xá, trai đường. Chùa làm xong vua ban tên GIÁC HOÀNG, xếp vào hàng quốc tự, thỉnh hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định giữ chức tăng cang, nắm giữ giềng mối đạo Phật (3).

Quốc tự GIÁC HOÀNG tọa lạc ngay bên trong cửa Đông Nam kinh thành, trở thành danh thắng làm điểm quan chiêm cho nhân dân và sứ thần các nước mỗi khi có dịp đến kinh đô Huế. Là nơi thường tổ chức các nghi lễ phật giáo chính thức của hoàng gia và triều đình. Vua Thiệu Trị (1841-1847) xếp GIÁC HOÀNG đứng thứ 17 trong số 20 thắng cảnh nổi tiếng nhất của đất Thần Kinh. Vua làm thơ đề vịnh như sau:

Âm:
Giác Hoàng Phạn Ngữ
Giác Hoàng tự:
Tiềm long mông dưỡng
Linh thứu thiện duyên
Chí khánh phát tường khởi tại khôi hoằng tượng giáo(4)
Phu ly tích phước hàm triêm bố hoạch nhân thiên
Khai tam thừa nhi giác ngộ quần sinh(5)
Văn tứ đế nhi hóa thông vạn loại.(6)

Phước địa trang nghiêm khởi pháp cung
Chung tường thắng tích đối khung long
Viên linh bửu tướng quang minh ngoại
Diệu đế kim cương tưởng tượng trung
Chứng giác vô ngôn tâm tức phật
Chỉ quan nhập định sắc nhi không
Từ nhân phổ bác quần sinh toại
Trí tuệ hoằng thâm vạn loại thông.

Nghĩa: 
Tụng Kinh Chùa Giác Hoàng
Chùa Giác Hoàng:
Chỗ vực rồng ẩn bóng
Nơi Non Thứu duyên lành
Ghi niềm vui phát điềm tốt há vì mở rộng lớn việc thờ cúng tầm thường.
Phô thịnh trị ban ơn phước thấm nhuần tỏ rõ lòng yêu thương của bề trên rưới xuống.
Mở ba thừa mà quần sinh thức tỉnh.
Nghe bốn đế mà vạn loại suốt thông.

Dịch thơ: 

Đất phước trang nghiêm mở cửa thiền,
Điềm lành chung đúc cõi trần riêng.
Rạng ngời tướng tốt thường chiêm ngưỡng,
Mầu nhiệm kinh vàng ý tưởng chuyên.
Tâm, Phật miễn bàn người đắc đạo,
Sắc, không dừng nghĩ lý đương nhiên.
Thương yêu rưới khắp sinh linh khổ,
Sáng suốt vô cùng tận vô biên. 

Tiếng kinh kệ, chuông mõ từ GIÁC HOÀNG vang vọng sớm chiều trong nội thành cho đến biến cố thất thủ kinh đô ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5/7/1885). Giặc Pháp chiếm đoạt chùa GIÁC HOÀNG làm trại đóng quân, đến năm 1902 thì triệt phá hoàn toàn để xây công trình mới phục vụ cho công việc thống trị(7). Chính giữa khu đất xây tòa nhà hai tầng “cơ mật tân viện” làm chỗ hội họp của chính phủ Bảo hộ với Nam Triều. Từ trong nhìn ra, dãy nhà bên phải dùng làm văn phòng của các quan chức Pháp (Hội Lý) bên cạnh bộ Hình, bộ Lại. Dãy nhà bên trái thiết lập bảo tàng kinh tế. Nhân dân Huế gọi chung công trình mới này là Tam Tòa.(8)

Từ năm 1945, sau khi chế độ quân chủ do thực dân Pháp bảo hộ chấm dứt đến 1954, khu vực Tam Tòa không được sử dụng vào công việc gì quan trọng. Năm 1955 – 1975 chính quyền miền Nam biến “viện cơ mật” thành tòa án và hai dãy nhà thành văn phòng các cơ quan tư pháp địa phương. Sau ngày đất nước thống nhất, Tam Tòa là trụ sở của Ủy ban Quân quản Trị Thiên-Huế sau đó thành trụ sở của tỉnh ủy tỉnh Bình Trị Thiên (1976-1989) rồi tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (1989-2000). Hiện tại là Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế. 

Thực dân Pháp chiếm kinh đô, phá chùa GIÁC HOÀNG đến nay đúng 120 năm (1885-2005). Người dân Huế vẫn truyền nối nhau giữ gìn “GIÁC HOÀNG PHẠN NGỮ” trong tâm thức để hy vọng…

Chúng ta hy vọng một ngày có cơ hội tái tạo những giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên đã bị mai một trong thời gian nước mất. Bây giờ Huế đã trở thành di sản văn hóa thế giới, là niềm hãnh diện chung của nhân dân Việt Nam. Trong quần thể di tích của kinh đô hoàn chỉnh thời kì nước Việt Nam độc lập, tự chủ có quốc tự GIÁC HOÀNG. Vậy GIÁC HOÀNG vì sao mất dấu để lòng người mãi ngậm ngùi tiếc nhớ: 

“Cỏ hoa đổi mới Tam Tòa, 
Thành xưa còn đó đâu là chùa xưa?
Cuộc đời dù nắng dù mưa, 
Mùi hương Chánh Pháp gió đưa dịu dàng” .

(Vô Danh)

Chú thích:

(1)  Tiềm để: Chỉ chỗ ở của vua trước khi lên ngôi. 
Tiềm long: rồng đang ẩn dấu chỉ bậc vua chúa chưa lên ngôi, người tài đức đang ẩn dật.

(2)  Hiếu võ hoàng đế: Tức Võ Vương Nguyễn Phước Hoạt (1714-1765) ông cố của vua Minh Mạng.

(3) Hòa thượng Tánh Thiên Nhất Định (1784-1847): được phong Tăng cang chùa GIÁC HOÀNG từ năm 1839 đến năm 1843 ngài xin từ chức về lập am An Dưỡng ở Dương Xuân để ẩn tu. Nay là tổ đình Từ Hiếu-Huế.

(4) TƯỢNG GIÁO: Chỉ việc thờ cúng, lễ bái tượng thờ chạy theo hình thức bên ngoài. Hoặc chỉ giáo pháp lệch lạc, không đúng chánh pháp.

(5)  TAM THỪA: Thanh văn thừa-Duyên giác thừa-Bồ tát thừa, là ba phương tiện giáo hóa độ chúng sanh. Cuối cùng quy về Phật thừa. 

(6)  TỨ ĐẾ: Khổ đế – Tập đế – Diệt đế – Đạo đế, còn gọi là Tứ thánh đế, Tứ diệu đế. Đây là 4 chân lý mầu nhiệm để giác ngộ chúng sinh.

(7) Khi chùa bị triệt hạ, theo ý chỉ của Bà TỪ DŨ (Bà cố của vua Thành Thái) các tượng thờ rước ra chùa DIỆU ĐẾ, đại hồng chung đưa vào cất trong võ khố. Đến thời Bảo Đại, Thượng thư NGUYỄN ĐÌNH HÒE tâu xin thỉnh ba pho tượng Phật tam thế lên thờ tại chùa VẠN PHƯỚC. Riêng đại hồng chung sau năm 1945 không biết thất lạc về đâu?

(8) GIÁC HOÀNG-Tam Tòa: Tọa lạc giữa bốn con đường Tống Duy Tân (Nam), Đinh Công Tráng (Bắc), Lê Thánh Tôn (Đông), Đinh Tiên Hoàng (Tây). Hiện nay nằm trong phường Thuận Thành, thành phố Huế. Diện tích: 29.069 m2.

Tài liệu tham khảo:
–  Đại Nam Thực lục chính biên: Đệ I kỉ – Đệ II kỉ.
–  Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập, Thiệu Trị 1843.
–  Tam Tòa (Cơ Mật Viện)-Phan Thanh Hải (Tư liệu Phòng Nghiên cứu TTBTDTCĐ Huế).

Theo VHPG

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here