Trang chủ Phật học Tìm hiểu về Tôn giả Pháp Xứng

Tìm hiểu về Tôn giả Pháp Xứng

166
0

Thành công của cuộc hội thảo thúc đẩy các học giả nghiên cứu sâu thêm về tư tưởng của triết gia Phật giáo Ấn Độ này, và ba cuộc hội thảo khác đã được tổ chức tiếp theo: Hội thảo quốc tế lần thứ hai tại Vienna, Áo năm 1989 với chủ đề Studies in the Buddhist Epistemological Tradion (Những nghiên cứu về truyền thống Nhận thức luận Phật giáo); Hội thảo quốc tế lần thứ ba tại Hiroshima, Nhật Bản năm 1997 bàn về Dharmakirti’s Thought and its Impact on Indian and Tibetan Philosophy (Tư tưởng của Dharmakirti và ảnh hưởng đối với Triết học Ấn Độ và Tây Tạng) và Hội thảo quốc tế lần thứ tư cũng tại Vienna, Áo năm 2005 tập trung vào chủ đề Religion and Logic in Buddhist Philosophical Analysis (Tôn giáo và Luận lý trong sự phân tích Triết học Phật giáo). Trong bài giới thiệu tác phẩm Foundations of Dharmakirti’s Philosophy (Những nền tảng của Triết học Pháp Xứng) của John D. Dune, vị giáo sư khoa Triết, Đại học Charleston là Tiến sĩ Christian Coseru đã viết, “Làn sóng tiếp tục trong việc [nghiên cứu các] công trình của Dharmakirti thể hiện một trong những sự nghiệp phong phú nhất trong lĩnh vực nghiên cứu về Phật giáo. Là triết gia Nam Á duy nhất đã trở thành chủ đề cho bốn cuộc hội thảo quốc tế, Dharmakirti chế ngự cả một di sản thực sự của sự uyên bác, thông qua những nghiên cứu của những người kế thừa ngài, những người bình giải về tác phẩm của ngài, và cả những người một thời chống đối ngài”. Mới đây, ngày 17-1-2013, Đại học Heidelberg, Đức quốc cũng thông báo sẽ tiếp nối tổ chức một cuộc hội thảo lần thứ năm về đề tài Pháp Xứng vào tháng Tám năm 2014. Tuy nhiên, cũng như đối với hầu hết những vị Tổ Phật giáo Ấn Độ khác, người ta không biết gì nhiều về tiểu sử của ngài Pháp Xứng trừ ra một vài truyền thuyết còn được ghi nhận rải rác trong các bản thánh sử.

Theo Th. Stcherbatsky trong tác phẩm Buddhist Logic (Luận lý học Phật giáo) thì Pháp Xứng xuất thân trong một gia đình Bà-la-môn ở miền Nam Ấn Độ, tại một nơi có tên gọi là Trimalaya hoặc Tirumalla, và đã nhận được nền giáo dục Bà-la-môn; nhưng sau đó, ngài đã quan tâm đến Phật giáo và ban đầu đã đến với Phật giáo trong vai trò một cư sĩ. Vì khao khát được học hỏi từ những vị đệ tử trực tiếp của ngài Thế Thân (Vasubhandu), ngài Pháp Xứng đã tìm đến Học viện Nalanda, một học viện Phật giáo nổi tiếng vùng Bắc Ấn đặc biệt hưng thịnh trong các thế kỷ thứ năm, thứ sáu và thứ bảy. Tại đó, ngài Pháp Xứng gặp được ngài Pháp Hộ (Dharmapala), một vị đệ tử của ngài Thế Thân, bấy giờ đã quá lớn tuổi; mặc dù vậy, ngài Pháp Hộ vẫn nhận ngài Pháp Xứng là học trò. Cũng tại Nalanda, ngài Pháp Xứng chú ý đến những vấn đề do ngài Trần-na (Dignaga) nêu lên, nhưng vì ngài Trần-na đã viên tịch nên ngài Pháp Xứng cầu học với ngài Isvarasena là đệ tử trực tiếp của ngài Trần-na. Theo các bản thánh sử thì chính ngài Isvarasena nhìn nhận rằng ngài Pháp Xứng hiểu rõ về học thuyết của ngài Trần-na hơn mình. Với sự đồng ý của thầy, ngài Pháp Xứng bắt đầu công trình của mình bằng những câu kệ dễ nhớ chứa đựng việc giải thích cặn kẽ những tác phẩm của ngài Trần- na. Stcherbatsky viết tiếp về ngài Pháp Xứng như sau, “Phần còn lại của đời ngài, theo thông lệ, đã được dành cho việc soạn sách, giảng dạy, tranh biện nơi công cộng và tích cực truyền bá [giáo pháp]. Ngài mất tại Kalinga trong một tu viện do chính ngài tạo dựng, chung quanh là các học trò”.

Sự xuất hiện của ngài Pháp Xứng trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ được coi như ngôi sao sáng chói cuối cùng của trào lưu tư tưởng Phật giáo trước khi lụi tàn để nhường chỗ cho sự phục hưng của tư tưởng Bà-la-môn. Stcherbastky viết tiếp, “Bất kể cơ hội và sự thành công lớn trong việc truyền giáo của mình, ngài Pháp Xứng chỉ có thể làm chậm lại chứ không chặn đứng được quá trình suy tàn đã xảy đến với Phật giáo ngay tại nơi phát tích… Nhà truyền giáo tài năng nhất cũng không thể thay đổi dòng chảy của lịch sử”. Theo Stcherbastky thì lúc ấy, thời của những triết gia làm hồi sinh tư tưởng Bà-la-môn và chống đối Phật giáo như Kumarila và Sankara-acarya đang đến gần. Truyền thống trong thánh sử có nói đến việc ngài Pháp Xứng đã tranh luận với những triết gia Bà-la-môn này và đánh bại họ, nhưng Stcherbatsky cho rằng đó chỉ là lời giải thích của người sau và có những dấu chỉ gián tiếp cho thấy những luận sư Bà-la- môn nói trên chưa bao giờ gặp ngài Pháp Xứng. Lý do nào khiến Phật giáo bắt đầu tàn lụi trên đất Ấn để sau đó nảy nở ở Tây Tạng và Mông Cổ thì vẫn là những điều cần nghiên cứu, nhưng nhìn chung, các học giả đều công nhận rằng trong đời của ngài Pháp Xứng, Phật giáo không còn hưng thịnh và phát triển như dưới thời các ngài Thế Thân và Vô Trước (Asanga).

Có vẻ như ngài Pháp Xứng đã có được những điềm báo trước về số phận hẩm hiu của tôn giáo của mình trên đất Ấn Độ. Ngài cũng phiền muộn về việc thiếu vắng những người học trò có thể hiểu được đầy đủ hệ thống tư tưởng của mình và những người mà việc tiếp tục công trình của ngài có thể được giao phó. Cũng như ngài Trần-na không có được một vị đệ tử trực tiếp xứng đáng mà việc tiếp nối tư tưởng của ngài phải chờ người cách sau một thế hệ, đệ tử của ngài Pháp Xứng là ngài Devendrabuddhi mặc dù rất tận tụy và chịu khó nhưng không có đủ tài trí để nắm bắt luận lý học của ngài Trần-na cũng như nhận thức luận siêu việt của ngài Pháp Xứng, cho nên người nối tiếp công trình của ngài Pháp Xứng lại là ngài Dharmottara, học trò của Devendrabuddhi.

Các bản thánh sử cũng cho biết ngài Pháp Xứng là một người có bản tính độc lập nhưng ngạo mạn, rất khinh thường những học giả hay làm bộ làm tịch. Sử gia Phật giáo Tây Tạng là Taranatha có trích dẫn những câu kệ theo đó ngài Pháp Xứng tự hào mình thông hiểu về văn phạm và thi ca hơn những người đương thời. Taranatha cho biết khi ngài Pháp Xứng hoàn tất công trình lớn nhất của mình, ngài có giới thiệu với các học giả đương thời nhưng chỉ được những vị này tiếp nhận bằng thái độ thờ ơ. Ngài đã phàn nàn rằng những vị ấy kém trí và ghen tị. Để phản ứng, các học giả nọ đã buộc những bản lá bối có viết tác phẩm của ngài Pháp Xứng vào đuôi một con chó rồi đánh cho nó chạy khắp phố khiến những tấm lá bối đó bay tung tóe. Nhưng ngài Pháp Xứng nói, “hệt như con chó chạy khắp các nẻo đường, tác phẩm của tôi cũng sẽ tỏa ra khắp thế giới”.

Có thể thấy rằng trong những tác phẩm viết về Tôn giả Pháp Xứng, phần tiểu sử của ngài chỉ được nêu lên một cách cô đọng, mà phần quan trọng là nói về tư tưởng của ngài. Những trình bày nói trên về tiểu sử của ngài Pháp Xứng được Stcherbastky thu thập từ nhiều nguồn khác nhau và được coi là thể hiện nhiều chi tiết hơn cả. Cũng có một bản tiểu sử của ngài Pháp Xứng được chép trong loạt bài The Teacher Articles, do Elton A. Hall biên tập và được Theosophy Trust ấn hành, có đưa thêm một vài khía cạnh khác liên quan đến cuộc đời của ngài. Theo đó thì từ lúc còn thơ ấu Tôn giả Pháp Xứng đã nổi tiếng là người có trí thông minh đặc biệt, được giáo dục theo truyền thống Vệ-đà, sớm tinh thông mọi ngành khoa học và nghệ thuật của thời ấy, được nhìn nhận là một người có tư cách trưởng thành khi mới mười sáu tuổi. Trong một dịp tình cờ, ngài bắt gặp những văn bản của Phật giáo và cũng nhanh chóng thấu suốt tư tưởng được trình bày bởi các văn bản ấy rồi bị cuốn hút bởi yếu tính giải thoát trong giáo lý của Đức Phật. Trước sự ngạc nhiên và cả phẫn nộ của cộng đồng Bà-la-môn chính thống, Tôn giả Pháp Xứng đã quyết định khoác lấy chiếc áo Tăng-già-lê của người tu sĩ Phật giáo. Sau khi quyết liệt bác bỏ mọi luận điệu thuyết phục của các học giả Bà-la-môn ở địa phương, ngài đã bị buộc phải rời làng. Ngài tìm đến Học viện Nalanda và được tiếp nhận làm học trò của ngài Pháp Hộ, một vị đệ tử còn sót lại của ngài Thế Thân, nhưng lại được giao cho một đệ tử của ngài Trần-na là ngài Isvarasena để được đào tạo về Nhân minh luận. Ngài Isvarasena đã giao cho ngài Pháp Xứng đọc các tác phẩm về luận lý và biện chứng của ngài Trần-na. Ngay sau khi đọc xong lần thứ nhất tác phẩm Pramanasamuccaya (Tập lượng luận) của ngài Trần-na, ngài Pháp Xứng đã nắm được phần tinh yếu. Khi đọc lần thứ hai, Pháp Xứng đã đánh giá Tập lượng luận chưa phải là trọn vẹn và khi đọc lại lần thứ ba, ngài đã thẳng thắn đưa ra những bình luận của mình. Sẽ có những bậc thầy thấy thái độ của Pháp Xứng là thiếu sự tôn kính, nhưng Ishvarasena lại vui sướng và khuyên Pháp Xứng nên viết bình giải về bản danh tác của thầy mình. Sau thời thiền định thâm mật, Pháp Xứng thấy được hình ảnh của vị thần phẫn nộ (Heruka), nguồn bảo vệ mãnh liệt đối với Đức Phật A-súc; vị thần phẫn nộ này chúc phúc cho ngài bằng ba thanh âm huyền bí. Thế là Pháp Xứng bắt đầu viết, để tạo ra những tác phẩm vĩ đại nhất trong lịch sử khoa luận lý học Phật giáo. Nhờ vào kiến thức uyên bác về những học thuyết phi Phật giáo có sẵn, Pháp Xứng tự nguyện giới hạn những hoạt động tranh luận của ngài vào các học thuyết ngoại đạo (tirthikas). Mặc dù khả năng biện chứng tuyệt vời và thái độ công bằng không thể phê phán được của ngài, những tác phẩm của Pháp Xứng đã được tiếp nhận với sự lãnh đạm chỉ vì không ai có thể hiểu trọn vẹn luận thuyết của ngài. Cuối cùng, ngài lên đường du phương để tranh luận tại những cung điện hoàng gia, những trung tâm học thuật trên cả nước. Khi đến Kalinga, ngài xây dựng một tu viện rồi ở lại đấy, giảng dạy cho nhiều đệ tử đến khi viên tịch. Lần lần, tính cách vĩ đại của ngài trong vai trò một nhà tư tưởng trở nên rõ ràng đối với những người nối dõi truyền thống tâm linh cho những đệ tử trực tiếp của ngài. Cuối cùng, ngài đã được xem như có thể là nhà biện chứng Phật giáo duy nhất ngang hàng với ngay cả thần Shiva; nhưng cũng có những điều ngoa truyền cho rằng ngài đã từng bị đánh bại trong một cuộc tranh luận. Dựa vào những bằng chứng ít ỏi có được, cũng có thể là ngài đã tranh luận và đã thuyết phục được con trai của Bhatta Acharya, người được coi là một hiện thân của thần Shiva. Theo sử gia Phật giáo người Tây Tạng Taranatha, khi ngài Pháp Xứng viên tịch, một trận mưa hoa rơi xuống trong lúc tiến hành lễ hỏa táng nhục thân ngài và suốt bảy ngày tiếp theo đó người ta vẫn nghe tiếng nhạc trời tấu khúc êm dịu. Tro cốt của ngài kết tinh thành tinh thể và được tôn trí để thờ cúng ở Kalinga trong nhiều năm sau.

Như những trình bày trên, nếu chỉ đọc thẳng vào tiểu sử của ngài Pháp Xứng thì người ta khó có thể xác định niên đại về ngài. Theo Tom Tillemans, giáo sư Triết tại Đại học Stanford, cộng đồng các nhà nghiên cứu đương đại vẫn chưa thể quyết định rằng ngài Pháp Xứng là triết gia thuộc thế kỷ thứ sáu hay thứ bảy. Một phần lý do của sự không thể xác định đó là có một khoảng thời gian đáng kể đã trôi qua trước khi danh tiếng của ngài Pháp Xứng được xác lập trên đất Ấn Độ. Có người cho rằng vì ngài Huyền Trang được biết là đã có mặt tại Ấn Độ trong khoảng thời gian từ năm 629 đến năm 645 mà lại không nói đến ngài Pháp Xứng, trong khi ngài Nghĩa Tịnh viếng Ấn Độ từ năm 675 đến năm 685 có ghi nhận về vị tôn giả này, niên đại về ngài Pháp Xứng sớm nhất cũng chỉ trong khoảng năm 600 trở đi. Tuy nhiên, nhiều bản thánh sử cho biết ngài Pháp Xứng được ngài Pháp Hộ tiếp nhận vào Tăng đoàn mà ngài Pháp Hộ lại là đệ tử của ngài Thế Thân, một triết gia của thế kỷ thứ ba, thì niên đại của ngài Pháp Xứng không thể trễ đến mức đó được. Vì có quá nhiều thiếu sót trong tiểu sử của ngài Pháp Xứng, cuối cùng, các nhà nghiên cứu cho rằng thái độ đúng đắn nhất về niên đại của ngài Pháp Xứng là hãy xem đó là một vấn đề bất khả tri. Điều quan trọng là cần tìm hiểu sâu về tư tưởng của ngài.

Ngài Pháp Xứng sáng tác nhiều bản luận giải nhưng quan trọng hơn cả là những tác phẩm thể hiện tư tưởng về nhận thức luận của ngài. Trong lĩnh vực này, truyền thống Tây Tạng còn lưu giữ được bảy quyển, gọi chung là Pháp Xứng nhân minh thất bộ (Seven Treaties on Valid Cognition), chỉ có bản Tạng ngữ hoặc Phạn ngữ chứ chưa hề được dịch ra tiếng Hán. Theo Tillemans thì năm quyển trong của bộ luận bảy quyển này đã được nhà nghiên cứu Erich Frauwallner sắp xếp theo thời gian sáng tác, dựa vào việc nghiên cứu đối chiếu những văn bản có liên hệ, với thứ tự như sau:

  1. Pramanavartika-karika (Lượng thích luận), chú giải Pramanasamuccaya (Tập lượng luận) của ngài Trần-na, bao gồm bốn chương tìm hiểu về tiến trình suy luận, về giá trị của kiến thức, về nhận thức cảm giác, và về phép suy luận theo từng đoạn. Tập luận này được viết dưới dạng những bài kệ bốn câu dễ nhớ, gồm 2.000 bài kệ.
  2. Pramanaviniscaya (Lượng quyết định luận) là bản rút ngắn của tập luận đầu tiên, viết bằng kệ và tản văn; hơn một nửa số bài kệ trong tập này là trích từ tập luận trước.
  3. Nyayabindu (Chính lý nhất đích luận) cũng là một bản tóm tắt hơn nữa của cùng một chủ đề. Lượng quyết định luận và Chính lý nhất đích luận mỗi tập có ba chương bàn về nhận thức cảm giác, về sự suy luận và về phép suy luận theo từng đoạn.
  4. Hetubindu (Nhân luận nhất đích luận) là một bản phân loại ngắn gọn về những lý lẽ hợp với luận lý.
  5. Vadanyaya hay Codana-prakarana (Luận nghị chính lý luận) là một tập tiểu luận bàn về nghệ thuật tranh biện.

Hai tập luận còn lại trong bộ luận bảy tập, gồm Sambandhapariksa (Quan tướng thuộc luận) phân tích về những mối quan hệ và Samtanantarasiddhi (Thành tha tướng thuộc luận) phân tích về thực tại trong tâm thức của người khác được viết với mục đích phê bác trực tiếp luận thuyết của phái duy ngã, là những tập luận mà Frauwallner cho rằng rất khó đặt định vị trí trong chuỗi sáng tác của ngài Pháp Xứng.

Ngoài ra, ngài Pháp Xứng còn soạn những tập luận nhằm bình giải chính những tập luận của mình, nhưng cũng Frauwallner cho rằng tác giả của những tập luận ấy còn tồn nghi.

Các nhà nghiên cứu cho biết ngài Pháp Xứng khẳng định rằng hoạt động cấu tạo khái niệm là một tiến trình tư duy liên quan đến việc trình bày mà việc này có khả năng được biểu thị bằng ngôn ngữ; rằng nhận thức cảm giác tự nó không có một ứng dụng thực tiễn vì nó không chứa đựng sự suy xét và nhận thức một cách đúng đắn; rằng những phán đoán sử dụng các khái niệm sẽ dẫn tới hoạt động thành công; và rằng có một sự nhầm lẫn khi giả định rằng các khái niệm phản ánh được thực tại. Ngài Pháp Xứng quan niệm rằng nhận thức đúng là điều đoán trước về mọi hoạt động thành công của con người, rằng có nhận thức trực tiếp và có nhận thức do suy luận, rằng nhận thức trực tiếp độc lập đối với việc khái niệm hóa và là điều có thể tin cậy được. Ngài cũng bác bỏ quan niệm cho rằng tư tưởng và ngôn ngữ đi đôi với nhau và tuyên bố rằng tư tưởng đến trước ngôn ngữ. Ngài cho rằng có bốn kiểu nhận thức: những ấn tượng có được do cảm giác giác quan, những hình ảnh được tạo ra từ những ấn tượng đó, sự tự nhận thức đối với mọi tư duy và cảm nhận của chính mình, và cuối cùng là nhận thức của một hành giả được tạo ra bởi trí tuệ thiền định trong quá trình tìm hiểu về thực tại tối hậu. Theo Tôn giả Pháp Xứng thì nhận thức chỉ là những chi tiết độc nhất được nắm bắt trong khoảnh khắc, chúng thực sự khách quan vì thực tại có nghĩa là khả tính đối với tính có hiệu lực về mặt nhân quả. Ngài cũng cho rằng nhận thức cảm tính chỉ đưa tới kiến thức khi nó thực sự liên quan đến đối tượng nhận thức; hình ảnh chỉ là sự sao chép những ấn tượng của một tâm thức suy diễn; và trong khi có những khái niệm phức tạp được dẫn xuất từ những ấn tượng cảm giác thì những khái niệm khác lại được tạo ra bởi một sự tưởng tượng sáng tạo.

Thông qua những chủ đề nghiên cứu trong các tập luận của ngài Pháp Xứng như trình bày trên, người ta có thể thấy tính cách đa dạng trong tư tưởng của Pháp Xứng về siêu hình học và nhận thức luận. Chính tính cách đa dạng ấy đã thúc đẩy cộng đồng học giả quốc tế tìm hiểu sâu về tư tưởng của ngài, tìm hiểu ảnh hưởng của ngài đối với Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Tây Tạng.

Như đã nói, sau bốn cuộc hội thảo quốc tế, các học giả chuyên về Phật học trên toàn thế giới đang chuẩn bị cuộc hội thảo thứ năm về đề tài Pháp Xứng. Có lẽ đã đến lúc các nhà Phật học Việt Nam cũng cần tìm hiểu sâu về Tôn giả Pháp Xứng và tư tưởng của ngài để mài bén những phương tiện hoằng pháp phù hợp với thời đại.

 

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 175: Phạm Chánh Cần

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here