Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Tìm hiểu thang âm ngũ cung trong âm nhạc Huế (P1)

Tìm hiểu thang âm ngũ cung trong âm nhạc Huế (P1)

128
0

Thật ra âm nhạc Chiêm Thành bước đầu hòa nhập vào suối nguồn nhạc Đại Việt từ thời Lý khi vua Lý Thái Tông cho múa hát khúc Tây Thiên và vua Lý Cao Tông cho soạn khúc Chiêm Thành âm. Có thể đây chưa hẳn là bằng chứng về ảnh hưởng của nhạc Chiêm Thành trên nhạc Đại Việt nhưng điều đó có thể khẳng định từ thời điểm này chúng ta đã nghe và biết đến nhạc Chiêm Thành. Sau này khi hai châu Ô, châu Rí đã thuộc về Đại Việt, một phần âm nhạc Chiêm Thành đã ở lại với vùng đất này. Từ đó sự giao lưu trong sinh hoạt với phần âm nhạc bản địa đã để lại dấu ấn là điệu Nam hơi ai trong âm nhạc Huế.

I. Các loại hình trong âm nhạc Huế.

Trước khi tìm hiểu về hệ thống thang âm, chúng ta thử điểm lại các loại hình trong âm nhạc Huế. Có thể kể đến hai loại hình chính là âm nhạc bác học (nhạc cung đình, nhạc thính phòng…) và âm nhạc dân gian (nhạc tôn giáo, nhạc tín ngưỡng, các loại hát, ngâm, ru, hò, vè, lý…). Sự phân chia này không có nghĩa đây là hai loại hình biệt lập mà thật ra có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau vì đều là ngôn ngữ âm nhạc của xứ Huế cả.

1. Âm nhạc bác học : Gọi là âm nhạc bác học bởi nó xuất phát từ những nhà nghiên cứu thuộc tầng lớp hoàng gia, quan lại được cung đình giao phó nhiệm vụ hoặc các nghệ nhân quý tộc. Họ có kiến thức về âm nhạc và nghệ thuật múa có thể sáng tạo nên bài bản làm mẫu mực cho giới thưởng ngoạn là vua quan hoặc tầng lớp cao trong xã hội.

a) Âm nhạc cung đình: Vì Huế là kinh đô nước Việt dưới triều Nguyễn nên ở đây đã xuất hiện một thứ âm nhạc bác học mà loại hình nổi trội chính là âm nhạc cung đình. Khi nói đến loại nhạc này, nhiều người thường gắn triều Nguyễn vào để gọi là âm nhạc cung đình triều Nguyễn. Thật ra phải gọi đúng là âm nhạc cung đình Việt Nam, bởi triều Nguyễn đã tích lũy tinh hoa của loại nhạc cung đình từ các triều đại trước đó (từ trước đời Lý cho đến các đời chúa Nguyễn) và làm phong phú thêm để tạo nên điển chế, quy ước và vốn liếng bài bản (répertoire) được xếp đặt rành rẽ mang bản sắc riêng của âm nhạc bác học Việt  Nam. Với giá trị phong phú và độc đáo của nó, ngày 7-11-2003 Tổ chức  Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận âm nhạc cung đình Huế là kiệt tác di sản phi vật thể và truyền miệng của nhân loại.

Nhạc cung đình gồm có đại nhạc và tiểu nhạc, gọi chung là nhã nhạc, có các loại như sau: giao nhạc (nhạc dùng trong tế lễ bên ngoài cung đình, đây là lễ tế trời đất tại Nam giao và Bắc giao), miếu nhạc (nhạc dùng trong các lễ tế miếu ở Thái Miếu, Triệu Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu, Văn Miếu, Liệt Miếu), ngũ tự nhạc (nhạc dùng trong các dịp tế Thành hoàng, Xã tắc, Thần Nông), đại triều nhạc (nhạc dùng trong các lễ đại triều như các ngày mồng một, rằm, Tết Nguyên đán, Tết Đoan dương, lễ Vạn thọ, Thánh thọ, lễ đăng quang, ngày truyền lô thi đình, lễ ban sóc, lễ đón tiếp sứ thần nước ngoài…), thường triều nhạc (nhạc dùng trong các ngày mồng 5, mồng 10, 20, 25 hằng tháng là các ngày thiết thường triều, sử dụng ban Tế nhạc và dàn nhạc bát âm gồm 8 loại nhạc khí: bào, thổ, cách, mộc, thạch, kim, ty, trúc), yến nhạc (nhạc dùng trong các dịp đãi yến tiệc lớn trong cung đình, có các dàn nhạc, ca công và các đội múa), cung nhạc (âm nhạc diễn tấu trong nội cung, có dàn nhạc và các điệu múa như múa văn, múa võ, múa bông, múa đèn). Như vậy, trong nhạc cung đình, ta thấy phần nhạc lễ giữ vai trò quan trọng.

Bên cạnh các loại nhạc trên, gồm nhạc diễn tấu có hoặc không có lời ca, trong một số nghi lễ còn có sự xuất hiện các điệu múa thiết yếu đi liền với lời ca hầu hết là tiếng Hán Việt. Cho đến nay còn tồn tại 11 điệu múa cung đình, được trình diễn trong các dịp khác nhau, gồm múa nghi lễ (các điệu múa Bát dật, Lục cúng, Song quan), múa chúc tụng (Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Vũ phiến, Lục triệt hoa mã đăng, Tứ linh), múa tuồng tích (Tam quốc- Tây du, Nữ tướng xuất quân).

b) Ca nhạc thính phòng: Đây là loại hình âm nhạc bác học được các nhà trước tác âm nhạc chuyên nghiệp  hoặc các nghệ nhân trong dân gian được trưng tập vào cung đình làm ra trước hết phục vụ tầng lớp dòng dõi vương triều và quý tộc, thường được gọi là ca Huế. Nó không thuộc loại âm nhạc cung đình, cũng không thuộc âm nhạc dân gian. Tuy vậy ca Huế tiếp thu được phong cách tao nhã của nhạc cung đình, lời ca mang đậm tính chất văn chương đồng thời tiếp thu được tinh hoa âm nhạc dân gian để làm giàu bản sắc riêng của loại hình ca nhạc này. Ca Huế được phát triển qua thời gian để đi đến mức độ hoàn chỉnh thành đường nét giai điệu của lòng bản cố định. Loại hình này có lời ca ít dính dáng đến sinh hoạt lao động của xã hội mà trước hết trở thành thú vui tao nhã của tầng lớp cao trong xã hội cũ. Đây là hình thức ca nhạc thính phòng với không gian diễn tấu nhỏ hẹp với một nhóm ít diễn viên. Tuy vậy nó đã vượt ra ngoài khuôn khổ của nhạc thính phòng để ngày càng được phổ biến sâu rộng hơn trong dân gian. Ca Huế có lợi thế lời ca bằng tiếng Việt, dễ nhớ dễ thuộc hơn chữ Hán. Chính vì vậy ca Huế dễ được quần chúng tiếp nhận, nó có đời sống lâu dài cho tới ngày nay và đã trở thành tài sản chung của dân gian.

Hiện ca Huế có một số bài cơ bản như sau:

– các bài điệu Bắc: Lưu thủy, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long ngâm, Cổ bản, Lộng điệp, Phú lục (nhanh và chậm), mười bản Tàu (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã).

– các bài điệu Nam hơi ai: Nam ai (Ai giang nam), Nam bình, Quả phụ, Tương tư  khúc.

– các bài điệu Nam hơi xuân và hơi dựng : Hành vân, Nam xuân (Hạ giang nam), Cổ bản  dựng, Tứ đại cảnh.

Ngoài những bài cơ bản nêu trên, ca Huế còn có thể đưa vào buổi diễn một số làn điệu lý và hò trong âm nhạc dân gian như các bài Lý tình tang, Lý tử vi, Hò mái đẩy, Hò mái nhì (với chức năng một câu dạo, câu rao trước khi vào điệu Nam bình)…

2. Âm nhạc dân gian: Âm nhạc dân gian Việt Nam nói chung, vùng Thừa Thiên – Huế nói riêng, rất phong phú với nhiều thể loại. « Các bài dân ca không phải là công trình của một tài năng đơn độc mà là sản phẩm của toàn thể nhân dân… Dân ca giống như những đóa hoa huệ mọc nơi hang sâu núi thẳm mà cái đẹp trong trắng, thuần nhiên làm mờ hết màu gấm vẻ ngọc của các tác phẩm kinh viện » (Sérov). Nó xuất hiện ngay cả trước khi nghệ thuật bác học ra đời bởi nó gắn bó chặt chẽ với những hoạt động thực tiễn của con người, với lao động của cá nhân và cộng đồng trong cuộc sống. 

Trong các loại âm nhạc dân gian vùng Thừa Thiên-Huế nổi bật nhất là các điệu hò, gọi chung là hò Huế. Về thuật ngữ hò, Lê Quý Đôn là người đề cập sớm nhất: “Khiêng cây gỗ to, người ở trước hô tà hử, người sau cũng đáp lại. Đó là tiếng hò để gắng sức trong lúc khiêng nặng. Tục ngày nay hô ô hà tức là đó” (1). Năm 1808 từ điển Dictionnaire annamite- francais của J.F.M. Génibrel giải thích: « Hò là tiếng hô của những người chèo thuyền, với tiếng ấy người ta điều chỉnh những động tác chèo thuyền ». Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát định nghĩa: « Hò là những điệu hát xuất phát trực tiếp từ lao động, thúc đẩy công tác lao động, gây phấn khởi hào hùng » (2). Giáo sư Trần Văn Khê viết: « Hò là những bài hát truyền khẩu, phát sinh từ trong dân chúng, được truyền tụng và phổ biến trong dân chúng » (3). Hò Huế cũng đi từ môi trường lao động, tiếp bước vào môi trường nghi lễ, giải trí rồi vươn tới thi thố tài năng trong lĩnh vực văn chương…, bao gồm nhiều điệu mà phổ biến là các điệu hò sau:

– Hò đẩy nôốc: 
                   Ơ ơ ơ… Ai sinh cồn cạn này ra
                   Áo quần rách nát thịt da gầy mòn, la hè la hè…
                   Ơ ơ ơ…Trước mui xu xa, sau lai cũng xu xa
                   Đứa mô không đẩy thì trôi cả bà liền con, la he la he…(
4)

– Hò giã gạo:  

Hơ hơ hơ hơ hơ hơ khoan hô khoan ta mời bạn mà khoan mà lại là hòlà khoan (hư). Hơ hơ hơ hơ hơ Thiếp gặp chàng như rồng mây kia mà gặp hội. Chàng mà gặp thiếp như chim phụng hoàng mà gặp cội ngô với cây là ngô (hưm). Ơ ơ mấy lâu ni thì kẻ Hán mà người Hồ là bữa ni thiên a tri cùng mà lý hơ ngộ hơ hơ. A ha hơ hô hô bữa ni thiên tri mà lý ngộ là quyết phân phô tình cho tận là tình hơ hơ (5).

– Hò nện (hò hụi): 

Ai mà (nì)là hô hò khoan lợp miệu thiếu tranh là hô hồ khoan,lợp đình (mà) thiếu  ngói (nì) là hô hò khoan, xây thành thiếu vôi là hô hồ khoan hồ khoan hời hồ khoan… Khoan rằng (nì) là hồ hồ khoan, khoan tới khoan lui, là hồ hồ khoan, khoan anh có vợ, la hồ hồ khoan, khoan tui có chồng, là hồ hồ khoan… Hết khoan rồi sang hụi, hô hồ hụi, hết hụi thì khoan, là hồ hồ khoan… (6)

– Hò lờ:

Em ôm bó mạ xuống đồng (ai nghe hò lờ), miệng hò tay cấy (ai nghe hò lờ) mà lòng nhớ ai .Hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó lơ hò lờ… Em chờ cho hết sức chờ (ai nghe hò lờ) chờ cho rau muống (ai nghe hò lờ) lên bờ trổ bông. Hò lơ hó lơ lắng tai nghe hó lơ hò lờ. (7)

– Hò ô (hò đạp nước):
Ô ô ô ồ…Em không nhớ là khi mô khi mạ úa ruộng khô Ồ ô ồ…Em giậm chân kêu một tiếng hò. Ô ô ô ô…Anh đạp nước bên ô cũng về ê. Ô ô ô ồ…(8).

– Hò ru con (ru em):
Ru con cho théc cho muồi để mẹ đi chợ (ạ ơ) mua vôi (rứa) ăn trầu (ạ ơ). Mua vôi chợ Quán chợ Cầu (rứa) Mua cau Nam Phổ (ạ ơ) mua trầu (rứa) chợ Dinh (i)…9).

– Hò mái nhì:

(Hơ hơ hơ hơ ơ hời ha hơ hơ hơ hư ha Hô hô hô hô) Trước bến (hưm) (hơ hơ hơ…) Văn Lâu chiều (hà ha hơ) chiều (hơ hơ)… Chiều chiều trước bến Văn Lâu ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm ai nhớ ai là trông (hơ hơ hơ hơ hơ hưm). Hơ…Thuyền ai thấp thoáng bên sông (lại) đưa (ơ hơ) câu (thí) mái (hà hy). Hơ… mái đẩy nên chạnh (ha hơ hơ hơ hơ) lòng. Hơ…Ơ hơ hơ…chạnh lòng non nước là non (hơ hơ hơ…) (10)

– Hò bài chòi:

Ô ô ô ô…Mười một chòi lằng lặng mà nghe nì, thuyền ta thì đậu bến ta, can chi nhổ cọc cắm qua thuyền người. Là con nọc ơ…đương. (11)

– Hò bài thai:

Ê ê ê ề…Em không ra lấy chồng thì thiên với hạ đàm tiếu, mà em ra lấy chồng thì bỏ mẹ yếu em thơ. Thôi thôi em ở làm rứa dẫu tóc bạc như tơ cũng đành i…(đáp số con nghèo hoặc thầy chùa) (12).

– Hò đưa linh:

Cảm thương nỗi dân đen đoái trông dạ chừng, hồn hóa theo mây, đưa ling an sàng, suối vàng mấy dặm…

Mẹ già thọ bệnh, khi nóng khi lạnh, thuốc thang chẳng rời, mẹ về chầu trời…(13).

Đó là chưa kể một số điệu hò khác như hò kéo gỗ, kéo lưới, hò xay lúa, hò đạp lúa; hò mái đẩy (tới lớp mái thì đẩy thuyền tới), hò mái xấp (hò khi gặt lúa, những lớp mái được hát xấp đôi nhanh hơn), hò mái ba (lớp mái được hát sô đúng ba lần); hò nghé, hò đua ghe, hò lề số…

Nói vè cũng là một hình thức được ưa chuộng, tức là nói có vần điệu các bài thơ lục bát, song thất lục bát hoặc những câu 5,6,7 tiếng, tính chất thiên về tự sự. Vè thường xoay quanh các nội dung chính là thế sự, sự kiện lịch sử, chẳng hạn diễn xướng đơn sơ như Vè nói trạng, hoặc dài hơi như Vè thất thủ kinh đô:

Hãy còn có mặt mầy đây

Thành đô khôi phục nhớ ngày  quảy đơm
Ví dầu dĩa muối bát cơm
Cô dì thúc phụ quảy đơm (cho) nhớ ngày…
… Chẳng qua Nam Việt thời hư
Quân thần phụ tử lên chừ rừng xanh
Thở than trong chỗ rừng xanh
Bao giờ khôi phục chốn thành kinh đô…
(14)

Điệu ngâm, thường là nói thơ, ngâm thơ, cũng là hình thức diễn xướng có âm điệu, không cần tiết tấu hay phụ họa, với nhiều thể thơ khác nhau như Đường luật, lục bát, song thất lục bát, thơ mới… Ngâm có ở cả ba miền, song ở Huế thường sử dụng ngũ cung có sắc thái Huế. 

Điệu ru cũng là diễn xướng các câu thơ lục bát, biến thể với âm điệu ngọt ngào để đưa trẻ vào giấc ngủ, có dùng tiếng đệm, tiếng lót như ạ ơ hờ, ơ ơ… Đôi khi điệu ru cũng là dịp mà người ru giãi bày tâm sự của chính mình.

Điệu lý là những bài hát dân dã từ làng quê mà ra, có tính chất quê mùa, đối lập với những bài ca của tầng lớp thượng lưu trí thức (ca nhạc cung đình và thính phòng). Bài lý đưa nhạc điệu vào các bài thơ để giãi bày đời sống tinh thần của người dân quê lúc làm việc, nghỉ ngơi, hội hè. Lý có thể độc diễn hay đồng diễn đối đáp nam nữ, gọi là lý giao duyên. Huế có các bài lý khá phổ biến như: 

– Lý tình tang:

Non cao ai đắp nên cao, bể…sâu bể sâu nhờ bởi(ô tang ô tang tình tang) ai…đào (ô tang tình tang) sâu nên sâu, sâu nên sâu (ô tang ô tang tình tang tình tang tình ô tang tình tang ô tang tình tang). (15)

– Lý giang nam:

Giương cung mà bắn ư… bắn bắn bắn bắn bắn cò bắn con cò (tình bạn)  con cò ư…(tình bạn) con cò ư… Để cung để cung vác súng ư… bắn bắn bắn bắn bắn cò bắn con cò (tình bạn) cò bay ư… (tình bạn) cò bay ư… (16).

– Lý hoài xuân (Lý con sáo Huế):

Ai đem con sáo sang sông, để…cho để cho con sáo (ơi người ơi) sổ…lồng (ơi người ơi) bay xa, sổ lồng (ơi người ơi) bay xa (17).

– Lý nam xang:

Làm người phải có (ư) luân ngũ luân (ư) luân ngũ luân. Nếu mà (tình như)  thiếu một (a í a) mười phân mười phân thẹn thuồng (u xang u xang u liu phàn) mười phân mười phân thẹn thuồng. (18)

– Lý qua đèo (Lý hoài nam):

Chiều chiều dắt mẹ… dắt mẹ (ta la) đèo qua đèo (ta la) đèo qua đèo. Chim kêu chim kêu (tình như) bên nớ úy óa, chi rứa chi rứa, ơi hỡi vượn trèo, vượn trèo (ta la) kia bên kia (ta la) kia bên kia. Ơi hỡi vượn trèo (ta la) kia bên kia. (19).

Ngoài ra còn có một số bài lý khác như Lý tử vi (Lý trăm huê), Lý ngựa ô, Lý tình  như, Lý tiểu khúc, Lý giao duyên, Lý quỳnh tương, Lý vọng phu… 

Bên cạnh các bài ca lao động và sinh hoạt, còn có các bài gắn với đời sống tâm linh, thể hiện trong các nghi lễ tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. Đó là loại nhạc lễ, một diễn xướng âm nhạc, trong đó quan trọng là thanh nhạc, khí nhạc chỉ là phụ họa. Ở môi trường này, các bài hát là thành phần quan trọng trong cấu trúc buổi lễ. Chẳng hạn hát bả trạo trong lễ cầu ngư. Đây là loại hình múa hát nghi lễ của cư dân duyên hải miền Trung, phổ biến ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận. 

Một loại hát quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Huế là hát chầu văn. Đó là sự diễn xướng các bài văn hầu, nghĩa là hát văn hầu để hầu bóng, để thỉnh mời thiên tiên thánh mẫu hay một vị thánh thần nào đó giáng xuống trần, hóa thân vào « con đồng » để phán bảo. Người hát các bài văn hầu gọi là cung văn, diễn xướng các bài thơ lục bát và song thất lục bát bằng âm Hán Việt hoặc đôi khi tùy vai đồng đang múa gì mà linh hoạt ứng tác cho phù hợp. Các bài văn hầu khuôn mẫu thường có văn phong và ngôn ngữ quý phái, đài các của văn chương cổ điển được các nhà trí thức Nho học sáng tác. 

Tín ngưỡng dân gian Huế đi liền với tôn giáo ở Huế. Đó là mối quan hệ biện chứng. Trong tâm thức người bình dân Việt Nam, Trời đi liền với Phật, Phật đi liền với thánh. Các am điện thờ thánh, Mẫu ở Huế thường có thờ tượng Phật, tượng Quan Âm Bồ Tát. Chính trong tâm thức đó, Phật giáo ở Huế được phổ biến với pháp môn Tịnh độ, chủ trương tụng kinh niệm Phật để cầu giải thoát. Về mặt âm nhạc, Phật giáo cho ta nhiều âm điệu qua lời kinh tiếng kệ, qua phong cách tán tụng – những âm điệu đặc thù trong âm nhạc Phật giáo tại Huế.

Nhìn chung, âm nhạc dân gian Huế khá phong phú với nhiều thể loại, từ hò vè hát lý đến các áng văn hầu cúng khuôn mẫu, các bài văn ai ứng tác bi thiết, các bài kinh kệ, tán tụng, bài chú của Phật giáo đã làm cho âm nhạc Huế thấm đẫm sắc thái văn hóa độc đáo của một vùng đất văn vật, góp phần làm giàu cho văn hóa âm nhạc Việt Nam.  

II. Thang âm ngũ cung hay thất cung thiên nhiên?

Có điều đơn giản mà mọi người dễ nhận ra chính là âm điệu đặc trưng của giọng nói địa phương trở thành thổ ngữ rất riêng mà người nơi khác khó bắt chước. Và tất nhiên âm nhạc sản sinh từ giọng nói đó cũng tạo ra sắc thái riêng trong thang âm của nền âm nhạc Huế. Chính từ sắc thái riêng này mà đã có ý kiến khác nhau khi bàn về thang âm trong âm nhạc Huế. Phần lớn ý kiến cho rằng thang âm Huế không nằm ngoài hệ thống thang âm ngũ cung của Việt Nam, nhưng cũng có ý kiến cho rằng âm nhạc Huế thuộc về thang âm thất cung thiên nhiên.Vậy thang âm trong âm nhạc Huế là ngũ cung hay thất cung thiên nhiên tức là thất cung có 7 cung đều nhau?

Năm 1961, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba cho in ronéo tập sách Nhạc pháp Việt Nam, trong đó có đề cập « hệ thống cung âm trong âm giai thiên nhiên Việt Nam » và cho biết thang âm này chính là thang âm gồm 7 cung đều nhau. Đó là thang âm đặc biệt của miền Trung , rõ hơn là của vùng Thừa Thiên – Huế, nhất là khi nghe những bài như Nam ai, Nam bình, Tứ đại cảnh… Giáo sư Trần Văn Khê nhất trí với khái niệm này, tuy ông không đồng ý với thuật ngữ « âm giai thiên nhiên Việt Nam ». Sau này giáo sư đọc thêm tài liệu về âm nhạc cổ truyền Thái Lan của nhà nghiên cứu Carl Stumpf, về âm nhạc Campuchia và Lào của Alain Daniélou cũng như nghe các bản thu âm tại các làng quê Thái Lan và  Campuchia của Jacques Brunet đều nhận ra ở các nơi này đều có thang âm 7 cung đều nhau. Trong tác phẩm La musique du Cambodge et du Laos (Pondichéry, 1957), ông A.Daniélou  cho rằng thang âm thất cung này thông dụng ở Ấn Độ từ thế kỷ thứ VI, người Ấn gọi là thang âm nhà trời, thang âm thần thánh (gamme céleste, gamme sacrée). Từ Ấn Độ, thang âm thất cung có 7 cung đều nhau này truyền sang đến các nước Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, miền Trung Việt Nam và có thể có ở Indonesia nữa (20).

Thật ra việc chia một quãng tám làm 7 cung đều nhau chỉ là nói trên lý thuyết. Về mặt âm học, việc phân chia này rất khó. Chẳng hạn một quãng tám của Tây phương gồm 5 cung và 2 bán cung, mỗi cung đo được 9 commas, như vậy một quãng tám có 54 commas. Đem 54 commas chia cho 7 thì chỉ có được con số lẻ 7,71 commas. Hoặc tính quãng tám theo nhà vật lý Anh Alexander Ellis gồm 1.200 cents thì khi chia cho 7 vẫn là số lẻ 171,45 cents. Thành thử cao độ mỗi âm bậc trong âm nhạc của ta chỉ có giá trị tương đối thôi.

Để hình dung thang âm có 7 cung đều nhau, giáo sư Trần Văn Khê đã so sánh thang âm này với thang âm Tây phương với biểu đồ sau đây (mỗi bán cung gồm 100 cents)  (21):

Do                Re             Mi     Fa            Sol            La                       Si            Do

100c

20

30

40

50

60

0

70

80

90

1000 1100 1200 

   

 

Hò    Xự non    Xự             Xang già  Xê non   Cống non        Phàn             Liu
          (171c)   (342c)           (514c)    (685c)    (887c)            (1028c)  

Trên thực tế việc xác định cao độ của mỗi cung một cách tỉ mỉ thì rất khó, các nghệ nhân miền Trung chỉ có thể phân biệt các âm bậc xự và cống non một chút, âm xê cũng hơi non, còn đàn các bài điệu Nam thì xang phải già một chút. Trong trình diễn, các nghệ nhân Huế thường lên dây đàn theo thang âm ngũ cung; để có những âm bậc non hoặc già, họ dùng kỹ thuật nhấn (bên cạnh các kỹ thuật vuốt, vỗ, rung…) để thay đổi cao độ. Chẳng hạn lấy hò ấn xuống để nâng cao độ lên xự non hoặc xự, lấy xê ấn xuống để có cống non, lấy xang ấn xuống để có xang già… Đó là lối mượn cung trong kỹ thuật đánh đàn Huế.

(Còn nữa)

      CHÚ THÍCH
(1) Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, tập II, quyển VI, mục âm tự, Sài Gòn, 1972, tr. 133.
(2) Nguyễn Xuân Khoát, Hò, tạp chí Âm Nhạc, Hà Nội, số 4, tháng 10 và 11-1956, tr. 11.
(3) Trần Văn Khê, Các loại nhạc Việt Nam, tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn, số 41,   1958, tr. 21.
(4) Lê Văn Chưởng, Đặc khảo hò Huế, NXB Thuận Hóa, 2000, tr. 49.
(5) Nguyễn Viêm sưu tầm và ghi âm, in trong Dân ca Việt Nam, NXB Văn Hóa, Hà Nội, 1976, tr. 160-162.
(6) Nguyễn Hữu Ba, Dân ca Việt Nam, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1961, tr. 52.
(7) Nguyễn Hữu Ba, sđd, tr. 50-51.
(8) Lê Văn Chưởng, sđd, tr. 52.
(9) Nguyễn Hữu Ba, sđd, tr. 60-61.
(10) Nguyễn Viêm, sđd, tr. 163.
(11) (12) (13) Lê Văn Chưởng, sđd, tr. 56-58.
(14) Lê Quang Thái, Bài học lịch sử quý giá từ Vè thất thủ kinh đô, tạp chí Sông Hương, Huế, tháng 5-2010, tr. 80-81.
(15) Nguyễn Hữu Ba, sđd, tr. 32.
(16) Nguyễn Hữu Ba, sđd, tr. 35.
(17) (18) Nguyễn Hữu Ba, sđd, tr. 44-45.
(19) Nguyễn Hữu Ba, sđd, tr. 62.
(20) Trần Văn Khê, Vài ý kiến về thất cung thiên nhiên và việc dùng comma để đo cung bực trong nhạc Việt, Nghiên Cứu Việt Nam, Huế, số 3 mùa thu 1966, tr. 10.
(21) Trần Văn Khê, bài đã dẫn, tr. 14.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here