Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Ấn – Thành viên...

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Ấn – Thành viên HĐCM GHPGVN

302
0
 
 
 
Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Ấn – Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh TT. Huế, trú trì chùa Phố Quang (Huế) đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 10 giờ 26 phút ngày 18 tháng 9 năm 2019 (20.8 Kỷ Hợi), trụ thế 77 năm, hạ lạp 55 năm.
 
TIỂU SỬ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH HUỆ ẤN
 
 
Trưởng lão Hòa thượng Thích Huệ Ấn
Thành viên HĐCM GHPGVN
Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế
Trú trì chùa Phổ Quang Tp.Huế
 
 
I. Thân thế
Hòa thượng thế danh Nguyễn Ngưỡng, sinh năm Quý Mùi (1943), song thân là cụ ông Nguyễn Ngọc Dỉnh và cụ bà Lê Thị Lự, pháp danh Nguyên Phương. Gia đình có năm anh chị em mà Hòa thượng là con thứ tư. Năm lên chín tuổi thân phụ qua đời, tuy mồ côi cha nhưng mẹ đã nuôi dạy chu toàn trong nền giáo dục đầy Bi – Trí. Thêm nữa, Hòa thượng lại được lớn lên trong một môi trường của ngôi làng Trà Trì thuần tín Tam bảo tỉnh Quảng Trị nên đã nuôi lớn nguồn tâm hướng Phật của Hòa thượng.
 
II. Xuất gia học đạo
Quê nhà của Hòa thượng, gia đình nào cũng có người xuất gia nhập đạo, hình ảnh uy nghi, thanh thoát của các vị cao đức đồng hương khi về thăm quê đã thôi thúc trực tiếp chí nguyện thoát tục của một đoàn sinh GĐPT có lý tưởng như Hòa thượng.
Năm 1960, tuổi tròn 17, Mẹ Hòa thượng mới an lòng cho phép con rời mái ấm xuất gia tu đạo. Những bước chân đầy hân hoan trên đường vào Huế đã hướng đến đồi Phú Xuân, chùa Phổ Quang, sát đầu đảnh lễ cầu xin xuất gia với Ngài Hòa thượng thượng Chánh hạ Pháp và được Bổn sư ban cho pháp danh Nguyên Cần. 
 
Trãi qua hai năm hành điệu, với bản chất tinh cần lại được thắng duyên thân gần hầu hạ vị Bổn sư rất nghiêm tịnh, nên Hòa thượng đã có những bước tiến tu rất vững chãi. Thầy dạy cho những pháp hành để luôn giữ được chánh niệm tỉnh giác. Tam nghiệp hằng thanh tịnh, như những lúc đứng hầu Bổn sư đang tụng kinh bái sám. Hòa thượng hầu quạt trong tư thế thân an mà tâm trí thì dõi theo lời kinh, nhịp mõ, tiếng chuông, để cho dòng tâm thức được xông ướp bởi hương thơm đức hạnh của vị Thầy chí kính.
 
Năm 1962, tại tổ đình Tường Vân, Đức Pháp Chủ truyền Sa-di giới cho các đệ tử Chơn Thiện, Chơn Kim, Chơn Tế. Cơ duyên này, Hòa thượng đã được Bổn sư đưa vào chốn tổ, cần cầu đảnh lễ xin thọ giới của người xuất gia. Từ đó, được mang dòng họ Thích với pháp hiệu Thích Huệ Ấn, thuộc đời thứ 44 dòng Lâm Tế, đời thứ 10 thiền phái Liễu Quán.
 
Thời gian làm Sa-di Hòa thượng đã được theo học lớp nội điển tại Phật học đường Báo Quốc.
Năm 1965, Đại Giới đàn Vạn Hạnh được tổ chức tại tổ đình Từ Hiếu, Hòa thượng được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới.
Năm 1966, lớp Cao đẳng Phật học được mở tại chùa Linh Quang, Hòa thượng cũng được theo học. Trong các môn nội điển thì luật học là môn mà Hòa thượng tha thiết và chuyên tâm nhất. Bên cạnh đức tính nghiêm trì Giới luật, Hòa thượng lại có năng khiếu nghi lễ Phật giáo. Với chất giọng đầy thiền vị, lại được Bổn sư tôi luyện trong từng cung bậc của tán tụng, đã tạo thành nét rất riêng, làm sinh động thêm cho đời sống tu tập của Hòa thượng. Con đường nghi lễ của một bậc chân tu là phương tiện tiếp độ, dắt dìu và phụng sự quần sanh hữu hiệu nhất.
 
III. Hành đạo
Dù cho nếp tu của Hòa thượng khá khép kín, ít giao tiếp, hiếm khi rời xa Bổn sư. Thế nhưng, trong đạo tình với Tăng Ni, Phật tử lại rất thấm đậm. Quý bậc tôn đức Trưởng thượng đều ưu ái ngợi khen Hòa thượng. Từ năm 1992, Hòa thượng được Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế mời làm phụ tá cho hòa thượng Trưởng Ban Nghi lễ của Giáo hội. Với đức khiêm cung, tính kiên nhẫn, và lòng nhiệt thành trong mọi Phật sự, nên Hòa thượng đã được Giáo hội cất nhắc từ chức vụ này qua những trọng nhiệm khác. Tại Ban Trị sự tỉnh nhà, từ phụ tá, Hòa thượng đã nhanh chóng đảm trách Trưởng Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh, rồi đến Trưởng Ban Tăng sự, Phó Trưởng Ban Trị sự tỉnh. Năm 2002, Ban Trị sự cung thỉnh Hòa thượng lên Giáo phẩm Chứng minh Ban Trị sự. Cũng trong năm này, Hòa thượng được mời vào UV HĐTS GHPGVN, tại cương vị này, Hòa thượng đã mười năm cống hiến. 
 
Hòa thượng còn đảm trách thêm chức vụ, Phó Trưởng Ban Nghi lễ của T.Ư Giáo hội.
Năm 2012, Hòa thượng được suy tôn lên thành viên HĐCM GHPGVN.
Hòa thượng là bậc chân tu luôn giữ đức hạnh tùy thuận. Trong mọi Phật sự, không từ chối, cũng không tham đắm, lòng luôn thanh thản.
Hương thơm giữ giới, đã đưa Hòa thượng an tọa trên ghế thuyết giới. Tụng giới cho Tăng Ni, Phật tử trong các kỳ Bố-tát kể từ năm 1998 cho đến gần ngày cuối đời. Cảm động nhất là ngày Hòa thượng từ bệnh viện lên Bố tát rồi mới về lại để phẩu thuật. Trong những lúc sức đã kiệt, lực đã mòn, Hòa thượng vẫn cố gắng về Quảng Trị dự lễ tang của cố HT.Thích Trí Hải.
Lễ Tự tứ – Vu lan năm nay, Hòa thượng còn cố lên tham dự cùng Tăng Ni.
Với bản chất Nguyên Cần, tinh tấn ấy, việc trao truyền Giới luật cho hàng hậu học luôn có sự hiện hữu của Hòa thượng trong các Giới đàn. Từ Giới đang “Hộ Quốc” năm 1978 tại tổ đình Báo Quốc, Hòa thượng đã là Công văn Giới đàn. Đến các Giới đàn sau này, Hòa thượng được mời vào hàng Tôn chứng rồi Giáo thọ, Yết ma và sau cùng được cung thỉnh làm “Đàn Đầu Hòa Thượng” trong Đại Giới đàn “Trí Thủ” tại tổ đình Báo Quốc 2019.
Ngoài các Giới đàn trong nước, năm 2013, Hòa thượng được mời sang Pháp dự Giới đàn “Tình Huynh Đệ”. Thời gian này, Hòa thượng đã được Sư Ông Nhất Hạnh truyền đăng. Đầu năm 2019, tại làng Mai Thái Lan Hòa thượng được cung thỉnh làm “Đàn Đầu Hòa Thượng”  tại giới đàn “Bây Giờ – Ở Đây”.
Hòa thượng đã tiếp nối đạo nghiệp của Bổn sư khá đậm nét. Về cơ sở chùa chiền, Hòa thượng đã trùng tu ngôi chùa Phổ Quang thành ngôi Phạm vũ huy hoàng. Với hàng đệ tử, Hòa thượng đã đào tạo rất nhiều vị hiện đang đảm trách Phật sự khá quan trọng. Với đại tổ đình Tường Vân, Hòa thượng là vị hậu duệ thường xuyên vào ra chăm sóc, góp phần xây dựng tổ đình. 
Hòa thượng Thích Chơn Thiện trú trì tổ đình, đã phú pháp cho hòa thượng như một sự tin tưởng và kỳ vọng của tổ đình:
 
Nguyên Cần thông rỏ hữu vi không
Ly dục, ly tham một tấc lòng
Nay phó tinh chuyên hành chánh niệm
Huyền Đăng tục diệm nối Tông phong
 
IV. Ngày cuối đời
Khi biết thân mang trọng bệnh, nhưng lòng Hòa thượng vẫn không một chút âu lo trước cảnh vô thường biến diệt.
Hòa thượng rất chủ động, còn hơi thở nào là còn nghĩ đến Phật sự, còn từng lời căn dặn khuyến tu với các đệ tử thân cận bên giường bệnh.
Hòa thượng từ chối sự can thiệp của thuốc men vì biết chỉ kéo dài sự bức bách cho thân xác. 
Trước khi về với cảnh giới lạc ban, Hòa thượng đã nhờ đệ tử thị giả tắm rửa sạch sẽ, rồi trong thế an bình, Hòa thượng đã thu thần thị tịch vào lức 10giờ25phút ngày 20 tháng 8 Âm lịch. Trụ thế 77 năm với 55 hạ lạp.
Hòa thượng đã ra đi, nhưng còn đó bao Phật sư quan trọng trông nhờ vào Hòa thượng, nên lại càng để lại bao tiếc thương!!!
Thân tứ đại của Hòa thượng có biến hoại nhưng đức hạnh cao quý của bậc thanh tịnh Tăng vẫn còn mãi trong lòng Tăng Ni, Phật tử.
NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP TỨ THẾ HÚY THƯỢNG NGUYÊN HẠ CẦN TỰ HUỆ ẤN HIỆU HUYỀN ĐĂNG TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.
 
 
 
Thư ký Ban Tổ chức lễ tang

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here