Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Khả Tấn (1917-2011)

Tiểu sử Đại lão Hòa thượng Thích Khả Tấn (1917-2011)

165
0

THÂN THẾ.

Hòa thượng thế danh húy Trần Lý Hòe. Sinh vào giờ Dần ngày 11 tháng 2 năm Mậu Ngọ (2/2/1918) tại làng Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.

Thân phụ là cụ ông Trần Lý Đường, cụ bà Lê Thị Tác. Gia đình nhiều đời sùng mộ Phật pháp. Nhà có 5 anh chị em, Hòa thượng là con thứ hai.

Vốn sinh trưởng tại ngôi làng nằm trong vùng đất lừng danh của xứ Quảng, đầu làng là quốc lộ 1A có Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, nơi lưu dấu ấn đầu tiên khi chúa Nguyễn Hoàng tiến về phương Nam mở mang bờ cõi, tại làng có ngôi cổ tự Sắc tứ Linh Quang được xây dựng vào năm 1802 do Tổ sư húy Đạo Minh hiệu Phổ Tịnh, pháp hiệu Viên Nhất xây dựng. Nơi đây tương truyền địa linh nhân kiệt, phía trước xa xa hiện ra dãy núi như một bình phong án ngự, lại có con suối nhỏ nước chảy róc rách như tiếng đàn. Người xưa đã ghi lại:

Lưu thủy vô huyền vân thời giải trạo

Vỹ sơn tác án thế tức phù Tăng.

Xuất phát từ đó các vị đi xuất gia đa số đã trở thành bậc chơn tu trác việt như các cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Huệ, Thích Trí Thủ, Thích Diệu Hoằng, Thích Hưng Dụng… đã góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng Giáo hội. Cố Hòa thượng tân viên tịch cũng dự được túc duyên với Phật pháp nên sớm có đại nguyện xuất gia học đạo.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA HỌC ĐẠO.

Vốn được sinh trưởng trong môi trường thuận duyên với Phật pháp nên năm lên 9, Hòa thượng đã xuất gia đầu Phật, được sự đồng ý của song thân, Hòa thượng đã được đến Huế tham yết Trưởng lão Hòa thượng húy Trừng Hải, tự Chí Thanh, hiệu Giác Hải, khai sơn và trú trì chùa Duy Tôn, nay là chùa Giác Lâm (Thành phố Huế) đầu sư học đạo và được sư thuận ý cho thọ giáo.

Thời gian hành điệu là cả một quá trình thử thách, vừa lo học tập chuyên sâu kinh điển, vừa lo công phu bái sám trau dồi đạo hạnh, tu học hành trì mỗi mỗi trong tinh thần “bất tác bất thực” như Tổ sư Bách Trượng thường dạy.

Tám năm trôi qua, với sự tinh tấn nỗ lực, Hòa thượng đã được bổn sư hết sức hoan hỷ. Năm Ất Hợi, Bảo Đại thứ 10, 1953, Hòa thượng đã được thọ Tam đàn cụ túc giới tại Giới đàn Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang (Quảng Trị) do Trưởng lão Hòa thượng húy Ngộ Tánh, tự Hưng Long, hiệu Phước Huệ làm đàn đầu. Từ đây Hòa thượng có pháp danh Tâm Hiếu, pháp tự Khả Tấn, ở vào hàng “chúng trung thượng”, chính thức trưởng tử của Như Lai.

Được ngồi nhà của Đức Như Lai, mặc áo của đức Như Lai, áo của đức Như Lai là áo nhu hòa nhẫn nhục, nhà của đức Như Lai là tất cả các pháp đều không.

Đây cũng là thời kì cả nước dấy lên phong trào chấn hưng Phật giáo mạnh mẽ. Năm 1930, hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học ra đời, hai năm sau, 1932 đặc biệt tại Huế hội An Nam Phật học được thành lập, và năm 1934 hội Phật giáo Bắc Kỳ chào đời, rồi tiếp tục các Tăng học đường, các trường Phật học được mở ra từ năm 1933 tại chùa Trúc Lâm (thuộc sơn môn) và chùa Vạn Phước rồi 1936 chuyển về Tổ đình Báo Quốc (thuộc Hội Phật học) đã là động lực thúc đẩy Hòa thượng trong sự nghiệp tu học và phục vụ. Cuộc sống của Hòa thượng là cuộc sống bình dị, tu và hành là hai việc thiết thân, chính vì thế mà được bổn sư hết sức tâm đắc trao kệ phú pháp:

Như như pháp giới như

Viên mãn thị chân như

Viên Mãn chính là hiệu của Hòa thượng tân viên tịch khi đắc pháp.

Đối với đạo, Hòa thượng đã lưu tâm nhiều đối với vấn đề giới luật cho tăng chúng nên Hòa thượng đã tham gia nhiều trong các đại giới đàn về Thập sư qua các thời kì.

Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1981, đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước được mở ra tại Thủ đô Hà Nội, rồi năm 1982, đại hội thống nhất các hệ phái thành lập Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Trị Thiên được long trọng tổ chức tại ngôi chùa lịch sử Từ Đàm, Hòa thượng là một trong 13 vị được suy tôn Hòa thượng vào hàng Giáo phẩm Chứng minh của tỉnh với đạo hạnh đáng tôn kính. Năm 2007, Hòa thượng được Trung ương Giáo hội suy cử vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Điểm nổi bật thâm áo trong cuộc đời của cố Hòa thượng là vai trò, là niềm tin, là chỗ dựa của chư Tôn đức Tăng Ni nên năm 2005 Hòa thượng được cung thỉnh làm Đàn đầu cho Đại giới đàn Giác Nhiên tại Tổ đình Thiền Tôn – Huế.

Trong các Phật sự khác, đặc biệt là tình pháp lữ Linh sơn cốt nhục, năm 1983, trong đại lễ Khánh thành ngôi chùa Sắc tứ Tịnh Quang tại chốn Tổ làng Trung Kiên, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ đã trao gởi với Hòa thượng Tân viên tịch: “Thầy ở gần hơn tui, xin cố gắng vô ra lo chốn Tổ để ngày mỗi huy hoàng, đất Tổ đàng thêm sáng, người người được thấm nhuần ân pháp vũ”.

Và chỉ một năm sau, 1984, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ đã quẩy dép về Tây, cố Hòa thượng đã nước mắt đầm đìa, khóc như thuở còn bé. Và như kẻ tri âm, năm Quý Mùi, 2003, cố Hòa thượng đã đứng ra đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Tái thiết Trùng tu Chốn Tổ Trung Kiên – Sắc tứ Linh Quang Tự. Nhờ thế, ngày nay ngôi phạm vũ được huy hoàng trang nghiêm.

Đối với đời, cố Hòa thượng đã tham gia trong các phong trào: Phật giáo cứu quốc (1945), Phật giáo với sự nghiệp cách mạng của những năm tháng kháng chiến chống thực dân xâm lược, cố Hòa thượng đã hai lần bị giặc bắt giam tại lao Thừa Phủ Huế (18-4-1949 đến 16/12/1949). Đặc biệt mảnh đất của tự viện Giác Lâm này đã hơn một lần là nơi trú ẩn của các cán bộ cách mạng và là một địa chỉ của niềm tin cho cách mạng tại địa phương.

Sự nghiệp của cố Hòa Thượng đã lưu dấu ấn nhiều trong lòng Tăng Ni Phật Tử. Đệ tử của cố Hòa thượng về xuất gia và tại gia cũng không nhiều lắm. Đối với giới xuất gia đệ tử hiện nay, một số vị đã có học vị Tiến sĩ, Cử nhân đang tham gia trong các Phật sự của Giáo hội trong ngành Giáo dục, Văn Hóa và Hoằng pháp tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại tỉnh nhà, đã tham gia viết bài cho các tạp chỉ Phật giáo cũng như một số trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn.

III. NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG:

Giữa những ngày mùa đông tháng giá, như linh cảm được cơn vô thường của mình lại đến, cố Hòa thượng đã gọi đồ chúng nhắn nhủ “Chùa mình đơn chiếc, suốt cuộc đời Thầy đã cố gắng chung lo Phật sự cùng Giáo hội khi thăng, khi trầm, cũng như góp phần nhỏ của mình theo truyền thống hộ quốc an dân, riêng đối với chùa Thầy đã cố gắng tu sửa, chú nguyện hồng chung, Phật tổ và Bồ Tát tôn tượng và mong ước Đại trùng tu ngôi chánh điện nhưng chắc rằng khó có cơ duyên. Thầy mong các con gắng gỗ tu học tinh tấn hơn lên duy trì và phát huy chốn Tổ".

Sau phút yên lặng giữa Thầy – trò, Hòa Thượng đã an nhiên viên tịch vào lúc 19 giờ ngày 12/01/2011 (0912 năm Canh Dần), thọ 94 tuổi đời, 74 hạ lạp, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 43.

Cố Hòa Thượng thực sự đã đi vào cõi bất sanh bất diệt để lại cho chúng ta bao nỗi ngậm ngùi thương tiếc.

Nguyện cầu Giác linh Hòa Thượng Cao đăng Phật quốc hồi nhập Ta – bà hóa độ chúng sanh. Chúng con nguyện hoàn thành hạnh nguyện như ý của cố Hòa Thượng.

Nam Mô Lâm Tế Chánh tôn tứ thập tam thế Việt Nam Phật giáo hội chứng minh hội đồng, Thừa Thiên Phật giáo Giáo hội, chứng minh giáo phẩm trùng hưng Giác Lâm tự trú trì húy thượng TÂM hạ HIẾU, tự Khả Tấn, hiệu Viên Mãn Trưởng lão Hòa Thượng giác linh thùy từ mẫn giám.

Ban Tổ Chức&Môn đồ Pháp quyến
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here