Trang chủ Thiền môn xứ Huế Tiểu sử cố Ni sư Thích Nữ Quán Thành, Trú trì chùa...

Tiểu sử cố Ni sư Thích Nữ Quán Thành, Trú trì chùa An Phước

131
0

THÂN THẾ

Ni Sư thế danh Nguyễn Thị Minh Tân, Pháp danh Như Triệt, tự Quán Thành, sinh năm Canh Thìn (1940), là con gái thứ của cụ ông Nguyễn Văn Khai và cụ bà Bà Nguyễn Thị Dỉnh, nguyên quán phường Thạch Gián, thành phố Đà Nẵng. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống thâm tín Tam Bảo, từ năm lên 16 tuổi (1956), Ni sư được gia đình đưa đến quy y với cố Hoà thượng Thích Trí Quảng, Trú trì chùa Từ Ân – Huế, chính thức trở thành một phật tử, đứng vào hàng ngũ tứ chúng đệ tử Phật.

XUẤT GIA – HÀNH ĐẠO

Năm 1958, vừa tròn 18 tuổi, duyên lành đã chín, được cha mẹ thuận ý, Ni sư từ giả nếp sống thế tục để thực hiện chí nguyện xuất gia, cầu đạo giải thoát. Rời xứ Quảng, Ni sư tìm đến vùng đất Cố đô, được Hòa thượng Bổn sư gửi đến xuất gia với cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không, khai sơn chùa Hồng Ân Huế. Với nếp sống tương chao đạm bạc, dưa muối qua ngày, sau 12 năm dùi mài kinh luật, đến năm Canh Tuất (1970), Ni sư được Hòa thượng Bổn sư và cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại giới đàn Vĩnh Gia – Đà Nẵng, do cố Đại lão Hoà thượng Thích Giác Nhiên làm đàn đầu. Cùng năm đó, vâng lời cố Ni trưởng, Ni Sư về trú trì Niệm Phật đường An Phước tại thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, và đã gắn bó với mái chùa này cho đến tận hôm nay.

Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, là một y tá giỏi, chẩn bệnh hay, lại được dìu dắt bởi cố Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không, Ni trưởng Thích Nữ Viên Minh, cố Ni trưởng Thích Nữ Thể Quán, Ni trưởng Thích Nữ Cát Tường –  những mẫu hình dấn thân tiêu biểu trong hàng Ni bộ Phật giáo Huế, đã nuôi dưỡng trong Ni sư một chí nguyện phụng sự quần sinh ngay từ những năm tháng theo chân các sư trưởng rong ruỗi trên mọi nẻo đường làm công tác an sinh xã hội.

Kể từ khi về đảm trách phật sự tại Niệm Phật đường An Phước, với sự hợp tác của Khuôn Giáo hội và Gia đình Phật tử, Ni sư đã gầy dựng nhiều cơ sở từ thiện phục vụ công tác an sinh như bệnh xá, ký nhi viện, phụ tá các Sư trưởng đặc trách nhiều cơ sở từ thiện của Phật giáo tại các địa phương.

Năm 1970, Ni sư đứng ra xây dựng Ký nhi viện Bảo Luân, gồm 3 lớp học Nội trú.

Năm 1971, xây dựng bệnh xá An Truyền, khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho dân nghèo.

Năm 1972, xây dựng Ký nhi viện Ưu Đàm ở thôn Vinh Vệ, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang; xây dựng Ký nhi viện Câu Na La ở thôn Cự Lại, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, TT Huế.

Sau ngày nước nhà thống nhất, với sự trợ duyên của các nhà Hảo tâm xa gần, Ni sư vẫn miệt mài theo đuổi công tác an sinh như giúp đỡ dân nghèo, chăm lo người tàn tật, tạo học bổng giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương .

Năm 1994, để chăm sóc sức khỏe cho dân nghèo, bệnh xá chùa An Phước (nay là phòng khám Từ thiện Đông y An Phước) tái hoạt động, do Ni sư làm cố vấn, Sư cô Thích Nữ Phước Từ điều hành và trực tiếp khám chữa bệnh theo phương pháp Đông y. Ni sư thường tâm sự: “Thấy bà con lành bệnh là mình vui rồi, chưa ăn mà vẫn thấy no”.

Năm 2004, Ni sư chủ trì tái thiết ký nhi viện Ưu Đàm, nay là Nhà nuôi dạy trẻ mồ côi Ưu Đàm, do Sư cô Phước Thiện đảm trách. Hiện nay Ưu Đàm đã trở thành một cơ sở từ thiện khang trang, với đầy đủ tiện nghi cho các cháu mồ côi có nơi ăn chốn ở.

Năm 2005, với tâm nguyện một đời ấp ủ, Ni sư đứng ra trùng kiến chùa An Phước thành ngôi phạm vũ huy hoàng, làm chốn nương tựa tâm linh cho bà con phật tử. Cũng trong năm này, Ni sư cho tái thiết ký nhi viện Câu Na La (nay là phòng khám từ thiện Đông y Cự Lại), nhưng do tuổi già sức yếu, Ni sư đã chuyển giao cho Ban Hộ tự và Gia Đình Phật tử Niệm Phật đường Cự Lại tiếp quản điều hành.

Năm 2009, mặc dù bệnh duyên đã nặng, sức khỏe đã yếu nhưng Ni sư vẫn cùng với Gia đình Phật tử xây dựng Ni xá chùa An Phước, với đầy đủ tiện nghi để có nơi cho Ni chúng yên tâm tu học, làm Đoàn quán cho Gia đình Phật tử sinh hoạt.

Qua mấy mươi năm phụng đạo giúp đời, dù trong hoàn cảnh nào, Ni sư vẫn kiên trì chí nguyện phụng sự chúng sanh, báo đền ân Phật. Đối với đệ tử tông môn cũng như nhân quần xã hội, Ni sư đã vẹn cả đôi đường. Cuộc đời của Ni sư là một tấm gương cần mẫn, dấn thân vì người; chí nguyện của Ni sư sẽ mãi được các đệ tử duy trì, tiếp bước.

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Những năm tháng cuối đời, phần vì bệnh duyên, lại thêm tuổi già sức yếu, Ni sư phó thác mọi phật sự và tâm nguyện của mình cho các đệ tử tiếp tục thừa đương, lui về Thiền liêu sớm hôm vui vầy với lời kinh tiếng kệ.

Hóa duyên đã mãn, chí nguyện đã tròn, vào lúc 20 giờ 35 phút ngày 22 tháng 2, mùa Xuân năm Nhâm Thìn (tức ngày 14 tháng 3 năm 2012), tại chùa An Phước, Ni sư đã nhẹ nhàng xả báo thân, thu thần thị tịch, trụ thế 72 năm, với 42 hạ lạp.

                                                                                                                   Môn đồ pháp quyến phụng soạn
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here