Trang chủ Lời Phật dạy Tiểu kinh Màlunkyàputta

Tiểu kinh Màlunkyàputta

326
0

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi Tôn giả Malunkyaputta, trong khi độc trú tịnh cư, khởi lên sự suy tư như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên, loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết, Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết. Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn, và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế giới là hữu biên, thế giới là vô biên; sinh mạng này và thân này là một, sinh mạng này và thân này là khác; Như Lai có tồn tại sau khi chết, Như Lai không có tồn tại sau khi chết; Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, hay Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của) Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

Rồi Tôn giả Malunkyaputta vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Malunkyaputta bạch Thế Tôn:

— Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi độc trú tịnh cư, con khởi lên ý nghĩ như sau: Có một số vấn đề này, Thế Tôn không trả lời, bỏ một bên loại bỏ ra: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy. Vì Thế Tôn không trả lời cho ta những vấn đề ấy, nên ta không được hài lòng, không được thỏa mãn. Vậy ta hãy đi đến Thế Tôn và sẽ hỏi ý nghĩa này. Nếu Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ sống Phạm hạnh dưới (sự chỉ dẫn của) Thế Tôn. Còn nếu Thế Tôn không trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời ta sẽ bỏ học pháp và hoàn tục.

Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là thường còn”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là thường còn”. Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là vô thường”. Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là vô thường”. Nếu Thế Tôn không biết: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là hữu biên”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là hữu biên”. Nếu Thế Tôn biết: “Thế giới là vô biên”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Thế giới là vô biên”. Nếu Thế Tôn không biết: “Thế giới là hữu biên” hay “Thế giới là vô biên”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Sinh mạng này và thân này là một”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Sinh mạng này và thân này là một”. Nếu Thế Tôn biết: “Sinh mạng này và thân này là khác,” Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Sinh mạng này và thân này là khác”. Nếu Thế Tôn không biết: “Sinh mạng này và thân này là một” hay “Sinh mạng này và thân này là khác”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn không biết: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, hay “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn biết: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, Thế Tôn hãy trả lời cho con: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Nếu Thế Tôn không biết: “Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết,” hay “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời không biết, không thấy, hãy thẳng thắn trả lời: “Ta không biết, Ta không thấy”.

— Này Malunkyaputta, Ta có nói với Ông: Này Malunkyaputta, hãy đến và sống Phạm hạnh theo Ta, Ta sẽ trả lời cho Ông: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Hay Ông có nói với Ta như sau: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn sẽ trả lời cho con: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”?

— Thưa không, bạch Thế Tôn.

— Như vậy, này Malunkyaputta, Ta không nói với Ông: Này Malunkyaputta, hãy đến và sống Phạm hạnh theo Ta và Ta sẽ trả lời cho Ông: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, và Ông cũng không nói với Ta: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn, nếu Thế Tôn sẽ trả lời cho con: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Sự tình là như vậy, thời này kẻ ngu kia, Ông là ai, và Ông phủ nhận cái gì?

Này Malunkyaputta, nếu có ai nói như sau: Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn sẽ trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời. Này Malunkyaputta, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Bạn bè và bà con huyết thống của người ấy mời một vị y sĩ khoa mổ xẻ đến săn sóc. Nhưng người ấy lại nói: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc giòng hoàng tộc, hay Bà-la-môn, hay buôn bán, hay người làm công”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi tên là gì, tộc tánh là gì?” Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là cao hay thấp, hay người bậc trung”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi là da đen, da sẫm hay da vàng”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được người đã bắn tôi thuộc làng nào, thuộc thị trấn nào, thuộc thành phố nào”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái cung mà tôi bị bắn, cái cung ấy thuộc loại cung thông thường hay loại cung nỏ”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết được dây cung mà tôi bị bắn, dây cung ấy làm bằng cây leo, hay cây lau, hay một thứ gân, hay một thứ dây gai, hay một thứ cây có nhựa”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc một loại cây lau này hay cây lau khác”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, mũi tên ấy có kết lông gì, hoặc lông con kên, hoặc lông con cò, hoặc lông con ó, hoặc lông con công, hoặc lông một loại két”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy được cuốn (parikkhittam) bởi loại gân nào, hoặc là gân bò cái, hoặc là gân trâu, hoặc là gân nai, hoặc là gân lừa”. Người ấy có thể nói như sau: “Tôi sẽ không rút mũi tên này ra khi nào tôi chưa biết cái tên mà tôi bị bắn, cái tên ấy thuộc loại tên nhọn, hay thuộc loại tên móc, hay thuộc loại tên như đầu sào, hay thuộc loại tên như răng bò, hay thuộc loại tên như kẽm gai”. Này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được biết gì.

Cũng vậy, này Malunkyaputta, ai nói như sau: “Ta sẽ sống Phạm hạnh theo Thế Tôn khi nào Thế Tôn trả lời cho ta: “Thế giới là thường còn” hay “thế giới là vô thường… (như trên)… Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời này Malunkyaputta, người ấy sẽ chết và vẫn không được Như Lai trả lời.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là thường còn”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là vô thường”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Thế giới là thường còn”, hay dầu cho có quan điểm “Thế giới là vô thường”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não, mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là hữu biên”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Thế giới là vô biên”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Thế giới là hữu biên”, hay dầu cho có quan điểm “Thế giới là vô biên”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Sinh mạng này và thân này là một”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Sinh mạng này và thân này là khác”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Sinh mạng này và thân này là một”, hay dầu cho có quan điểm “Sinh mạng này và thân này là khác”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Như Lai có tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc quan điểm “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Như Lai có tồn tại sau khi chết” hay dầu cho có quan điểm “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại.

Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc vào quan điểm “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, đời sống Phạm hạnh không thể nói là tùy thuộc với quan điểm “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”. Này Malunkyaputta, dầu cho có quan điểm “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết”, hay dầu cho có quan điểm “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, thời vẫn có sanh, có già, có chết, có sầu, bi, khổ, ưu, não mà Ta giảng dạy sự đoạn trừ ngay trong hiện tại”.

Do vậy, này Malunkyaputta, hãy thọ trì là không trả lời những gì Ta không trả lời. Hãy thọ trì là có trả lời những gì Ta có trả lời. Và này Malunkyaputta, điều gì Ta không trả lời? “Thế giới là thường còn”, này Malunkyaputta là điều Ta không trả lời. “Thế giới là vô thường” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là hữu biên” là điều Ta không trả lời. “Thế giới là vô biên” là điều Ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này là một” là điều Ta không trả lời. “Sinh mạng này và thân này khác” là điều Ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai không có tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời. “Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” là điều Ta không trả lời.

Và này Malunkyaputta, vì sao điều ấy Ta không trả lời? Này Malunkyaputta, vì điều ấy không liên hệ đến mục đích, điều ấy không phải là căn bản Phạm hạnh, điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, cho nên điều ấy Ta không trả lời.

Và này Malunkyaputta, điều gì Ta trả lời? “Ðây là khổ”, này Malunkyaputta là điều Ta trả lời”. “Ðây là khổ tập” là điều Ta trả lời. “Ðây là khổ diệt” là điều Ta trả lời. “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt” là điều Ta trả lời.

Và này Malunkyaputta,vì sao điều ấy Ta trả lời? Này Malunkyaputta, vì điều ấy có liên hệ đến mục đích, điều ấy là căn bản Phạm hạnh, điều ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, vì vậy điều ấy Ta trả lời. Do vậy, này Malunkyaputta, hãy thọ trì là không trả lời những điều Ta không trả lời. Hãy thọ trì là trả lời những điều Ta có trả lời.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Malunkyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

64. Ðại kinh Màlunkyà
(Mahà Màlunkyà sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc).

Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. –“Bạch Thế Tôn”. Những vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

— Này các Tỷ-kheo, các Ông có thọ trì năm hạ phần kiết sử do Ta giảng dạy không?

Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Malunkyaputta bạch Thế Tôn:

— Con có thọ trì năm hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy.

— Năm hạ phần kiết sử do Ta giảng dạy, này Malunkyaputta, Ông thọ trì như thế nào?

— Bạch Thế Tôn, con thọ trì thân kiến là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn con thọ trì nghi là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì giới cấm thủ là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì dục tham là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Bạch Thế Tôn, con thọ trì sân là hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con thọ trì năm hạ phần kiết sử do Thế Tôn giảng dạy.

— Này Malunkyaputta, vì vấn đề gì (hay vì ai) Ông thọ trì năm hạ phần kiết này do Ta giảng dạy? Này Malunkyaputta, có phải các tu sĩ ngoại đạo cật vấn Ông với ví dụ này về đứa con nít? Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ đang nằm ngủ không có tự thân, thời đâu nó có thể khởi lên thân kiến? Thân kiến tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ, đang nằm ngửa không có các pháp, thời từ đâu nó có thể khởi lên nghi hoặc đối với các pháp? Nghi tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ đang nằm ngửa không có giới, thời từ đâu nó có thể khởi lên giới cấm thủ trong các giới? Giới cấm thủ tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ đang nằm ngửa không có những dục, thời từ đâu nó có thể khởi lên lòng dục tham trong các dục? Dục tham, tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, nếu một đứa con nít ngây thơ đang nằm ngửa không có các loài hữu tình, thời từ đâu nó có thể khởi lên lòng sân đối với các loài hữu tình? Sân tùy miên thật sự sống tiềm tàng trong nó. Này Malunkyaputta, có phải các tu sĩ ngoại đạo cật vấn Ông với ví dụ này về đứa con nít?

Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, Bạch Thiện Thệ, nay đã đến thời để Thế Tôn thuyết giảng năm hạ phần kiết sử. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

— Vậy Ananda, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

— Ở đây, này Ananda, có kẻ vô văn phàm phu, không đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, sống với tâm bị triền phược bởi thân kiến, bị chi phối bởi thân kiến, và không như thật tuệ tri sự xuất ly thân kiến đã khởi lên. Thân kiến này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử. Vị ấy sống với tâm bị nghi hoặc triền phược, bị nghi hoặc chi phối, và không như thật tuệ tri sự xuất ly nghi hoặc đã khởi lên. Nghi hoặc này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử. Vị ấy sống với tâm bị giới cấm thủ triền phược, bị giới cấm thủ chi phối và không như thật tuệ tri sự xuất ly giới cấm thủ đã khởi lên. Giới cấm thủ này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử. Vị ấy sống với tâm bị dục tham triền phược, bị dục tham chi phối và không như thật biết sự xuất ly dục tham đã khởi lên, dục tham này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử. Vị ấy sống với tâm bị sân triền phược, bị sân chi phối và không như thật tuệ tri, sự xuất ly sân đã khởi lên. Sân này của vị ấy kiên cố, không được nhiếp phục, trở thành một hạ phần kiết sử.

Và này Ananda, có vị Ða văn Thánh đệ tử, đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đến yết kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, sống với tâm không bị thân kiến triền phược, không bị thân kiến chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly dục tham đã khởi lên. Thân kiến này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị nghi hoặc triền phược, không bị nghi hoặc chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly nghi hoặc đã khởi lên. Nghi hoặc này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị ấy sống với tâm không bị giới cấm thủ triền phược, không bị giới cấm thủ chi phối và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly giới cấm thủ đã khởi lên, giới cấm thủ của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị dục tham triền phược, không bị dục tham chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly dục tham đã khởi lên. Dục tham này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ. Vị này sống với tâm không bị sân triền phược, không bị sân chi phối, và vị này như thật tuệ tri sự xuất ly sân đã khởi lên. Sân này của vị ấy với tùy miên được đoạn trừ.

Này Ananda, con đường nào, lộ trình nào đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu không thực hành con đường ấy, lộ trình ấy, nhưng năm hạ phần kiết sử được biết rõ, hay được thấy rõ, hay được đoạn trừ, sự tình như vậy không xảy ra. Ví như, này Ananda, đối với một cây lớn đứng thẳng có lõi cây, nếu người ấy không đẽo vỏ trong, không đẽo giác cây, nhưng vẫn có thể đẽo được lõi cây, sự tình này không xảy ra.

Cũng vậy, này Ananda, con đường nào, lộ trình nào đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu không thực hành con đường ấy, lộ trình ấy, nhưng năm hạ phần kiết sử sẽ được biết rõ, hay sẽ được thấy rõ, hay sẽ được đoạn trừ, sự tình như vậy không xảy ra. Và này Ananda, con đường nào, lộ trình nào đưa đến đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu thực hành con đường ấy, lộ trình ấy, thời năm hạ phần kiết sử sẽ được biết rõ, hay sẽ được thấy rõ, hay sẽ được đoạn trừ, sự tình như vậy xảy ra.

Ví như, này Ananda, đối với một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, nếu người ấy sau khi đẽo vỏ trong, sau khi đẽo giác cây, thời sẽ đẽo được lõi cây, sự tình này xảy ra. Cũng vậy, này Ananda, con đường nào, lộ trình nào đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, nếu thực hành con đường ấy, đạo lộ ấy, thời năm hạ phần kiết sử sẽ được biết rõ, hay sẽ được thấy rõ, hay sẽ được đoạn diệt, sự tình như vậy xảy ra.

Này Ananda, ví như sông Hằng, nước đầy tràn, con quạ có thể uống được. Rồi một người ốm yếu đi đến và nghĩ như sau: “Sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, với tay của ta, ta sẽ đến bờ bên kia an toàn”. Nhưng người ấy không thể sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, với tay của người ấy, đến được bờ bên kia an toàn. Cũng vậy, này Ananda, bất cứ ai, khi được giảng pháp để đoạn trừ thân kiến, nếu tâm của vị ấy không thích thú, không hoan hỷ, không có định tĩnh, không có giải thoát, thời vị ấy cần phải được xem là giống người ốm yếu kia.

Này Ananda, ví như sông Hằng, nước lớn, đầy tràn, con quạ có thể uống được. Rồi một người lực sĩ đi đến và nghĩ như sau: “Sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, với tay của ta, ta sẽ đến bờ bên kia an toàn”. Người ấy có thể sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng với tay của người ấy, đến được bờ bên kia an toàn. Cũng vậy, này Ananda, bất cứ ai, khi được giảng pháp để được đoạn trừ thân kiến, nếu tâm của vị ấy thích thú, hoan hỷ, có định tĩnh, có giải thoát, thời vị ấy được xem là giống như người lực sĩ kia

Và này Ananda, thế nào là con đường, thế nào là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo do viễn ly các sanh y (Upadhiviveka), do đoạn trừ các bất thiện pháp, do làm cho an tịnh thân thô ác hành một cách toàn diện, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ.

Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: “Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm…  ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba… xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường , khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung tâm vào bất tử giới (Amatadhatu) và nghĩ rằng: “Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, thời do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng, vị Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Hư không vô biên xứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường… (như trên)… không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

Lại nữa, này Ananda, Tỷ-kheo vượt lên mọi Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ… (như trên)… vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Vị này chánh quán mọi sắc pháp, thọ pháp, tưởng pháp, hành pháp, thức pháp là vô thường, khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như điều bất hạnh, như bệnh chướng, như kẻ địch, như phá hoại, là không, là vô ngã. Vị này giải thoát tâm khỏi các pháp ấy. Sau khi giải thoát tâm khỏi các pháp ấy, vị ấy tập trung vào bất tử giới và nghĩ rằng: “Ðây là tịch tịnh, đây là vi diệu, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự xả ly tất cả sanh y, sự ái diệt, vô tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Nếu an trú vững chắc ở đây, vị này đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc. Nếu vị ấy không đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc, thời do sự tham pháp, hỷ pháp của mình, do sự đoạn tận năm hạ phần kiết sử, vị ấy được hóa sanh, nhập Niết-bàn ở đấy, không phải trở lui đời này nữa. Này Ananda, đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử.

— Bạch Thế Tôn, nếu đây là con đường, đây là lộ trình đưa đến sự đoạn trừ năm hạ phần kiết sử thời do hành trì như thế nào mà một số vị Tỷ-kheo chứng tâm giải thoát, một số chứng tuệ giải thoát?

— Ở đây, này Ananda, Ta nói rằng do sự sai khác về căn tánh.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

 Kinh Trung A Hàm

中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM

Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

Kinh Trung A Hàm – Phẩm Lệ – Kinh Tiễn Dụ (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ Tôn giả Man Đồng tử [02], sống cô độc tại một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý niệm, “Sự kiện như vầy. Những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại [03], loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên[04]; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt, hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt [05] , hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không hài lòng với điều này, ta không nhẫn khả với điều này. Nếu Đức Như Lai xác quyết  [06] nói cho ta biết rằng: ‘Thế giới hữu thường’ ta sẽ theo Ngài học phạm hạnh, còn nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu Đức Thế Tôn xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư vọng’ ta sẽ theo Ngài tu học phạm hạnh; còn nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng, ‘Điều này là chơn thật ngoài ra là hư vọng’ thì ta sẽ cật vấn Ngài rồi bỏ Ngài mà đi.”

Rồi Tôn giả Man Đồng tử vào lúc xế trưa, từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi qua một bên mà bạch rằng:

“Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con sống cô độc tại một nơi yên tĩnh, thiền tọa tư duy, trong tâm khởi lên ý niệm, ‘Sự kiện như vầy. Những quan điểm này bị Đức Thế Tôn gác lại, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là, ‘Thế giới hữu thường hay vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không hài lòng với điều này, ta không nhẫn khả với điều này. Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng, ‘Thế giới hữu thường’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết rõ ràng ‘Thế giới hữu thường’ thì Ngài hãy nói thẳng là không biết. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu Thế Tôn xác quyết rõ ràng ‘Điều này chơn thật, ngoài ra là hư vọng’, Bạch Thế Tôn, mong Ngài hãy nói cho con biết. Còn nếu Thế Tôn không xác quyết rõ ràng ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng’, thì Ngài hãy nói thẳng là không biết’.”

Đức Thế Tôn hỏi:

“Này Man Đồng tử, trước kia Ta có nói như vầy với ngươi rằng, ‘Hãy đến đây! Hãy theo Ta tu học Phạm hạnh rồi Ta sẽ nói cho nghe, ‘Thế giới hữu thường’chăng’?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên, hay vô biên sinh mạng tức thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ chăng?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Man Đồng tử, trước kia ngươi có nói với Ta rằng, ‘Nếu Thế Tôn xác quyết nói cho con biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì con sẽ theo Thế Tôn học phạm hạnh’ chăng?”

Man Đồng tử đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này Man Đồng tử, trước kia Ta không nói với ngươi và ngươi cũng không nói với Ta; ngươi quả là kẻ ngu si, vì sao lại hư vọng xuyên tạc Ta?”

Lúc bấy giờ, Tôn giả Man Đồng tử bị Đức Thế Tôn khiển trách ngay mặt, trong lòng rầu rĩ, cúi đầu im lặng, không còn lời biện bạch, suy nghĩ mông lung.

Đức Thế Tôn sau khi khiển trách ngay mặt Man Đồng tử, rồi nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Nếu có người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho Ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì Ta không theo Đức Thế Tôn tu hành phạm hạnh’. Những người ngu si ấy, chưa biết được gì thì nửa chừng mạng chung.

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu có người ngu si nghĩ như ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho Ta biết rằng: ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng’ thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’. Những người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Ví như một người bị trúng tên độc; do bị trúng tên độc nên đau đớn cùng cực. Người ấy được các thân thuộc đồng tình thương xót, mong muốn cho được lợi ích và phước lành, được an ổn khoái lạc nên tìm cầu y sĩ nhổ tên. Nhưng nó lại nói rằng, ‘Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người bắn tôi đó, họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, thuộc dòng Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư, là người ở phương Đông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cây cung ấy làm bằng gỗ chá [07] , bằng gỗ dâu, bằng gỗ quỳ, hay bằng sừng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cần cung làm bằng gân bò, bằng gân hươu, nai hay bằng tơ? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết, cây cung đó màu đen, màu trắng, màu đỏ hay màu vằng? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết dây cung đó làm bằng gân, bằng tơ, bằng sợi gai hay bằng võ gai? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết cán tên này làm bằng gỗ hay bằng tre? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết tên được quấn bằng gân bò, gân hươu nai, hay bằng tơ? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết đuôi tên này kết bằng lông phiêu lằng [08] , lông kên kên, lông gà trống, hay lông hạc? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết mũi tên này thuộc loại mũi răng cưa, mũi nhọn, hay mũi bình phi đao? Khoan hãy nhổ tên! Trước tiên hãy cho tôi biết người thợ vót tên này họ gì, tên gì, sanh ở đâu, cao hay thấp, mập hay gầy, da đen hay trắng, hay da không đen không trắng, ở phương Đông, phương Nam, phương Tây hay phương Bắc?’ Nhưng nó chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Cũng vậy, nếu có người ngu si nghĩ như vầy, ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho ta biết rằng ‘Thế giới hữu thường’ thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’. Nhưng người ngu si ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, Như Lai vừa tuyệt diệt hay Như Lai vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nếu có người ngu si nghĩ như vầy ‘Nếu Đức Thế Tôn không xác quyết nói cho Ta biết rằng: ‘Điều này là chơn thật, ngoài ra là hư vọng thì ta sẽ không theo Đức Thế Tôn tu học phạm hạnh’.’ Nhưng người ấy chưa biết được gì thì nửa chừng đã mạng chung.

“‘Thế giới hữu thường’, nhân nơi quan điểm này mà theo ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác, Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, nay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Nhân nơi những quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác, Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì có quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy. ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên; thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì có quan điểm này mà theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện này không phải là như vậy.

“‘Thế giới hữu thường’, vì không có quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Vì không có những quan điểm này mà không theo Ta tu học phạm hạnh, sự kiện không phải là như vậy.

“Dù ‘Thế giới hữu thường’, thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc than, ưu khổ, ảo não, như vậy toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh. Cũng vậy, dù ‘Thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt, hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?’ thì vẫn có sanh, có già, có bệnh, có chết, sầu bi, khóc lóc, ưu khổ, ảo não; như vậy, toàn vẹn khối lớn khổ đau này phát sanh.

“‘Thế giới hữu thường’, Ta không xác quyết điều này. Vì điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết điều này. Cũng vậy, ‘Thế giới vô thường, thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác thân khác; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt, hay Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt hay Như Lai cũng không phải tuyệt diệt cũng không phải không tuyệt diệt?’ Ta không xác quyết điều này. Vì lý do gì mà Ta không xác quyết những điều này? Vì những điều này không tương ưng với cứu cánh, không tương ưng với pháp, không phải là căn bản phạm hạnh, không đưa đến trí, không đưa đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Cho nên Ta không xác quyết những điều này.

“Những pháp nào được Ta xác quyết nói đến? ‘Đây là khổ’, Ta xác quyết nói ‘Đây là khổ’, ‘Khổ tập, Khổ diệt, Khổ diệt đạo tích’ Ta xác quyết nói. Vì những lý do gì mà Ta xác quyết nói những điều này? Vì những điều này tương ưng với cứu cánh, tương ưng với pháp, là căn bản phạm hạnh, đưa đến trí, đưa đến giác, dẫn đến Niết-bàn, cho nên Ta xác quyết nói những điều này.

Đó là, những gì thể nói thì Ta không nói, những gì có thể nói thì Ta nói [09], hãy thọ trì như vậy. Hãy học tập như vậy.”

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

                                                                                                                                                                    Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ dịch

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: M.63. Cūḷa-Māluṅkyaputta-suttam. Hán, biệt dịch: No.94.
[02] Xem cht.3, Kinh 205 trên.
[03] Xem cht.3, Kinh 220 trên.
[04] Nguyên Hán: thế hữu để vô để
. Pāli: antavā loko ‘ti pi anantavā loko ’ti pi.
[05] Nguyên Hán: Như Lai chung… bất chung
. Pāli: hoti tathāgato paraṃ maraṇnā, Như Lai tồn tại hay không sau khi chết?
[06] Hán: nhất hướng thuyết
.
[07] Chá
, một loại cây giống cây dâu, lá tằm ăn được.
[08] Trong bản nói phiêu phương
[+] các bản khác nói phiêu lăng, một loại chim?
[09] Bất khả thuyết
. Pāli: abyakāta (vô ký), có mười bốn vấn đề bất khả thuyết, như trong kinh này đã kể.

 

-ooOoo-

Kinh Nhỏ Màlunkyàputta 
(Cùlamàlunkyàputtam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

– Cùlasuttam: Lesser Discourse: Kinh nhỏ.

Ghi chú: Thường các kinh Trung Bộ I, Cùlasuttam dịch là kinh ngắn; Mahàsuttam dịch là kinh dài. Ở đây, kinh Cùlamàlunkyàputtasuttam dài đến sáu trang Pàli, Mahàmalunkyàputtasuttam chỉ dài năm trang Pali, vì vậy kinh Cùlasuttam trên nên được dịch là kinh nhỏ. Kinh nầy ghi lại mười câu hỏi siêu hình của tôn giả Màlunkyaputtam và thái độ của Thế Tôn đối với mười câu hỏi ấy: đây là vấn đề chỉ là của nhận thức, là thái độ nhận thức của một người thực hành phạm hạnh mà chưa phải là “Con đường”. Kinh Mahàmalunkyàputtasuttam đề cập vấn đề đoạn trừ năm hạ phần kiết sử để hoàn thành công phu của một Tỷ kheo Hữu học nên được gọi là kinh lớn.

 Sinh mạng: Jìvam: Life principle: Chỉ mạng sống, tuổi thọ.

I I. NỘI DUNG KINH NHỎ MÀLUNKYÀPUTTA

1. Tôn giả Màlunkyàputta thường bị vướng mắc vào tư duy ngã tính nên đặt ra mười vấn đề siêu hình bạch hỏi Thế Tôn:

(2) 1.1. Thế giới là thường còn hay vô thường?

(2) 1.2. Thế giới là hữu biên hay vô biên?

(2) 1.3. Sinh mạng và thân thể là một hay là khác?

(2) 1.4. Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết?

(1) 1.5. Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?

(1) 1.6. Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

Nếu Thế Tôn không trả lời mười câu hỏi trên thì tôn giả sẽ hoàn tục.

2. Thái độ của Như Lai đối với mười câu hỏi siêu hình ấy là không trả lời vì các vấn đề ấy thuộc hý luận, không liên hệ đến mục đích của đời sống phạm hạnh; dù có quan điểm như thế nào thì vấn đề sanh, lão, bệnh, tử vẫn còn nguyên ở đó, chưa được giải quyết. Như Lai xác định: “Như Lai chỉ nói khổ và con đường diệt khổ

III. BÀN THÊM

1. Bản kinh số 63 nầy rất quan trọng, tối quan trọng, về ý nghĩa: Thái độ của Phật giáo đối với các vấn đề siêu hình và vô sô các vấn đề triết học thuộc phạm trù “nhị nguyên tính” (Dualism)

Tất cả các câu hỏi, các thắc mắc về sự thật của các hiện hữu (existing things) đều là sản phẩm của tư duy ngã tính, cái tư duy chỉ có thể vận hành trên các ý niệm hữu ngã, cho mỗi hiện hữu một ngã tính thường hằng. Tư duy này ngự trị hoạt động tâm lý và văn hoá của nhân loại từ xa xưa đến nay và đang tiếp tục ngự trị.

Ở mặt thực tại như thật, tất cả hiện hữu đều do các duyên sinh khởi mà có; các ngã tướng chỉ là sự hiện diện của các tập hợp các nhân duyên ấy nên không có một tự ngã thường hằng, không có tự ngã. Các câu hỏi về các tự ngã vì thế rơi vào hý luận, trống rỗng. Hỏi về sự thật của các hiện hữu (các Pháp) hệt như hỏi về hiện hữu của con người trong giấc mơ, hệt như hỏi về giờ thứ 25, hay lông rùa, sừng thỏ.

Câu hỏi về sự hiện diện của con người, về thế giới ngã tưởng cũng thế, cũng rơi vào trống rỗng. Câu hỏi đã tách xa khỏi thực tại thì các câu trả lời càng đi xa hơn nữa. Thế nên, Thế Tôn thường im lặng, không trả lời mười câu hỏi siêu hình mà tôn giả Màlunkyàputta hằng cưu mang.

2. Giả thiết rằng có quan điểm như thế nầy, như thế khác về hiện hữu gọi là Con người, Thế giới, Như Lai, thi điều đó có làm thay đổi gì được các khổ đau sinh tử đang đè nặng nhân sinh, (!).Sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não vẫn còn nguyên ở đó! Có giá trị nào cho các câu trả lời!

Câu chuyện về một người bị trúng mũi tên độc nói lên rõ rằng: vấn đề cấp thiết của người đời là nhổ ngay mũi tên độc ra và trị thương cấp cứu, mà không phải là ngồi chờ tìm hiểu cho ra lẽ về chất độc, mũi tên, người bắn mũi tên, người làm ra chất độc, mũi tên v.v… rồi mới trị thương: làm thế này thì chỉ chờ chết! Cũng thế, vấn đề của người đời là hiểu rõ sự thật của khổ và cấp thời giải thoát khổ, mà không phải là tiếp tục cuộc hành trình vô vọng của hỏi và trả lời của tư duy ngã tính. Đây là thái độ sống rất hiện thực và rất trí tuệ. Nền văn học Phật giáo là nền văn học của hiện thực và trí tuệ ấy, mà không phải của triết lý huyền đàm, của hý luận và của các tri kiến hoang vu.

3. Trước khi xuất gia, tôn giả Màlunkyàputta là một du sĩ lang thang đi tìm kiếm chân lý, đã thường đón đường Thế Tôn để nêu ra những thắc mắc về nhân sinh và thế giới. Sau khi xuất gia, các câu hỏi siêu hình vẫn không nguôi được trong tâm của tôn giả, mãi giục giã tôn giả đến yết kiến Thế Tôn để đón nghe các câu hỏi trả lời ổn thỏa của đấng Toàn giác. Và, một buổi chiều, sau khi xuất định từ trú xứ độc cư, tôn giả thực hiện ý định.

Tôn giả Màlunkyàputta thực sự là một đại biểu rất tiêu biểu cho những ai đang tôn thờ tư duy ngã tính, nhất là cho con người của thời đại có nhiều khủng hoảng ngày nay. Bản kinh 63 trở thành bức thông điệp sáng giá của Phật giáo dành cho thời đại.

4. Trong mười câu hỏi siêu hình mà tôn giả Màlunkyàputta nêu lên,

– Câu hỏi: “Thế giới là thường còn hay không thường còn?” là câu hỏi về sự thật của yếu tố thời gian của vũ trụ. Câu hỏi “thế giới là hữu biên hay vô biên?” là câu hỏi về sự thật của yếu tố không gian của vũ trụ (như người xưa dịch nghĩa vũ trụ là thời gian và không gia:”Tứ phương thượng hạ thị chi vũ; cổ vãng kim lai thị chi trụ”)

– Câu hỏi: “sinh mạng và cơ thể là một hay là khác?” là câu hỏi về sự thật của hiện hữu con Người.

– Câu hỏi: “Như Lai có tồn tại hay không tồn tại sau khi chết v.v… là câu hỏi về ” chân lý “tối hậu, về Niết bàn và về chân như.

Đó là vấn đề lớn của Triết học phương Tây nói riêng, của Triết học nói chung.

Tại đây, bản kinh 63, đức Thế Tôn đã cho Màlunkyaputta câu trả lời dứt điểm rằng: “Thế Tôn không trả lời mười câu hỏi siêu hình ấy”. Và nói rõ lý do vì sao không trả lời rằng:

Vì các điều ấy không liên hệ đến mục đích, các điều ấy không phải là căn bản của phạm hạnh, các điều ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn, cho nên Ta không trả lời các điều ấy“.

Và Thế Tôn dạy thêm:

“Và nầy Màlunkyàputta, điều gì Ta trả lời ‘ Đây là khổ ‘ là điều Ta trả lời.

‘Đây là khổ tập’ là điều Ta trả lời. ‘Đây là khổ diệt’ là điều Ta trả lời. ‘Đây là con đường đưa đến khổ diệt’ là điều Ta trả lời.

Vấn đề đã trở nên rất rõ ràng và rất sáng sủa là: Thế Tôn ra đời để chỉ cho đời thấy rõ sự thật của khổ đau, nguyên nhân dẫn đến khổ đau, nguyên nhân dẫn đến sự dập tắt khổ đau và con đường sống dẫn đến sự dập tắt khổ đau, hay dẫn đến chân an lạc, hạnh phúc. Thế là đạo Phật! Đạo Phật là thế! Đó là con đường sống, thực nghiệm, chuyển đổi tâm lý để đi đến Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.

Sau thời Pháp trên, tôn giả Màlunkyàputta tiếp tục đời sống xuất gia dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn mà chúng ta sẽ được giới thiệu trong bản kinh 64. 

Lời dạy trên của Thế Tôn, kiết tập thành kinh 63, có sức mạnh bằng vạn câu trả lời của triết học, là tiếng nổ lớn có sức mạnh công phá của nhiều quả bom nguyên tử phá đổ kinh thành của thế giới ngã tưởng, vọng tưởng vậy.

Trung Bộ Kinh – Bài Kinh số 64 
Kinh Lớn Màlunkyàputta 
(Mahà Màlunkyàputtasuttam)

I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ 

(Các từ ngữ quen thuộc)

II. NỘI DUNG KINH 64

1. Thế Tôn giảng dạy lập lại về năm hạ phần kiết sử (Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục, sân) cho tôn giả Màlunkyàputta và các vị Tỷ kheo.

– Ở trẻ nít ngây thơ, năm hạ phần kiết sử có mặt ở dạng “tùy miên”.

– Ở người lớn, năm hạ phần kiết sử hiện hành.

2. Với những ai không có Chánh kiến, chấp các uẩn (Ngũ uẩn) là của ta, là ta, là tự ngã của ta thì nuôi dưỡng thân kiến khiến nó trở thành “kiết sử“, nuôi dưỡng “nghi hoặc “khiến nó” trở thành “kiết sử “, nuôi dưỡng giới cấm thủ khiến nó trở thành kiết sử, nuôi dưỡng dục thamkhiến nó trở thành kiết sử, và nuôi dưỡng sân khiến nó trở thành kiết sử.

3. Với những ai có Chánh kiến, trí tuệ không xem các uẩn (Sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là của ta, là ta, là tự ngã của ta thì không bị năm kiết sử trên trói buộc mà thấy rõ sự xuất ly khỏi chúng; do đó tùy miên của năm kiết sử lần lượt được đoạn trừ.

Những người nầy do đoạn trừ năm triền cái, đoạn trừ các tâm cấu uế chứng được sơ thiền Sắc giới. Tại đây các vị nầy chánh quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, không,vô ngã, là như bệnh, cục bướu, như điều bất hạnh, như kẻ địch, như nhân tố phá hoại. Nhờ thế tự tâm giải thoát khỏi sự trói buộc của năm uẩn, rồi tập trung tâm vào “bất tử giới“, xem đây là tịch tịnh, an chỉ tất cả hành, xả ly mọi sanh y, là ái diệt, vô tham, Niết bàn. Nếu an trú vững chắc ở đây, các vị ấy sẽ cắt đứt năm hạ phần kiết sử, hoặc có thể đoạn tận lậu hoặc.

Đây là con đường, lộ trình cắt đứt năm hạ phần kiết sử. Tương tự như thế, hành giả sau khi chứng nhị thiền, tam thiền hay tứ thiền Sắc giới, hoặc chứng sơ thiền, nhị thiền, tam thiền Vô sắc giới, có thể tập trung tâm vào chánh quán năm uẩn như trên, rồi tập trung vào “bất tử giới”… hành giả sẽ đi đến kết quả thành tựu như thế.

III. BÀN THÊM

1. Khi các ngã tưởng chìm lắng xuống trong tâm thức của tôn giả Màlunkyàputta, khi mà các tư duy ngã tính không còn quấy động nữa, nghĩa là khi tôn giả không tiếp tục tìm đạo trong các câu hỏi và trả lời, thì tôn giả định tĩnh “thọ trì ” từng lời dạy của Thế Tôn về công phu hành trì tẩy sạch “Ngũ cái”, các cấu uế của tâm, vào các cảnh giới thiền và tập trung tâm thức vào chánh quán “Ngũ thủ uẩn” để đoạn trừ năm hạ phần kiết sử; rồi ở một thời điểm không lâu sau đó, tôn giả sẽ đi vào các cảnh giới vắng bóng tất cả các ngã tưởng, vắng bóng hết thảy khái niệm, hỏi và trả lời của tịch tĩnh, của ly tham, của khổ tận, không bao giời rời khỏi thế giới ấy để trở lui lại cảnh giới của nghi hoặc, băn khoăn, thắc mắc, sầu muộn nữa: cảnh giới của các bậc Thánh Bất Lai.

2. Ở cảnh giới chứng đắc “Bất Lai” ấy, tôn giả Màlunkyàputta bấy giờ mới đón nhận được các câu trả lời chân thật nhất, mới giác ngộ tận tường thái độ im lặng của Thế Tôn về các câu hỏi siêu hình và chủ trương giáo hoá của Thế Tôn, mới tỉnh giác rằng mọi câu hỏi về nguồn gốc của các ngã tưởng, các hiện hữu, đều là tiếng nói mê sảng của một người đang lên cơn sốt nặng. Cơn sốt chấm dứt thì tiếng nói mê sảng sẽ không còn nhân duyên để tồn tại.

Đức Thế Tôn, trong bản kinh 64 nầy, hiện ra như một đại danh y, chỉ tập trung chữa lành cơn sốt, mà chẳng bao giờ chữa lời mê sảng.

                                                                                                                                                        Hòa Thượng Thích Chơn Thiện giảng

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here