Đây là câu hỏi thú vị đối với các nhà nghiên cứu
1 Tinh Thần Tự Do Phóng Khoáng Của Đức Phật Trong Việc Sử Dụng Ngôn Ngữ Để Hoằng Pháp
Trong Tạng Kinh Pāli (1) có một đoạn nổi tiếng, được tóm tắt như sau :
“Có hai nhà sư là anh em ruột, vốn xuất thân từ giai cấp quý tộc (brahman) với ngôn ngữ và cách phát âm rất tinh tế (tiếng Phạn chuẩn), đến trước đức Phật và thưa : Bạch Đức Thế Tôn, ở đây có nhiều nhà sư từ nhiều giai cấp xã hội và nhiều địa phương khác nhau đang làm hủy hoại lời đức Phật dạy bằng cách lập lại lời của Đức Thế Tôn theo ngôn ngữ địa phương của họ; hãy cho phép chúng con dịch tất cả lời dạy của Thế Tôn ra tiếng Phạn Vệ Đà.
Đức Phật đã bác bỏ đề nghị đó bằng cách dạy rằng : “ Hởi các nam tử bị lừa dối kia, làm sao các ông có thể nói điều đó ? Điều đó sẽ không thể chuyển đổi được cái đã không thể chuyển đổi…”.
Và ngài giảng một bài pháp rồi ra lệnh cho tất cả các nhà sư :
“Các ông đừng có dịch các lời Phật dạy ra tiếng Phạn Vệ đà. Ai làm như thế là phạm tội. Hởi các tăng sĩ, ta cho phép các ông học lời Phật dạy theo ngôn ngữ địa phương của mỗi người.”
Điều nầy chứng tỏ bản thân Đức Phật và các đệ tử ban đầu của ngài chỉ dùng tiếng địa phương phổ thông làm phương tiện giảng dạy Phật pháp và từ chối dùng tiếng Phạn Vệ đà (Vedic) hay tiếng Phạn chuẩn được tôn kính của giới quý tộc.
Trong Luật tạng của phái bộ Mahīśāsaka, được dịch ra tiếng Trung Quốc bởi Buddhajīva năm 423-424 sau dương lịch, kể câu chuyện hơi khác một chút là hai anh em nhà sư vốn xuất thân giới quý tộc Bà La Môn khi nghe các nhà sư đọc tụng kinh “không chính xác” thì chế nhạo họ bằng cách nói rằng : “ Mặc dù họ đã trở thành nhà sư từ lâu, nhưng họ đọc tụng kinh theo cách nầy! không biết các từ thuộc nam tính hay nữ tính, số ít hay số nhiều, cũng không biết động từ ở thì hiện tại, quá khứ hay tương lai, cũng không biết thuộc âm tiết ngắn hay dài, cũng không biết nhịp thơ với âm nhẹ hay nặng”.
Khi hai người nầy đến khẩn khoản cầu xin đức Phật cho điều chỉnh, ngài ra lệnh rằng: “ kinh cần được đọc theo giọng âm của từng vùng, nhưng phải thận trọng không để làm sai lệch ý nghĩa. Điều cấm kỵ là biến lời Phật dạy thành ngôn ngữ ngoại đạo “ (2)
Trong Luật tạng của phái bộ Dharmagupta gần với Pāli tạng hơn cũng nêu câu chuyên trên, nhưng thay vì hai nhà sư thì nói chỉ có một nhà sư. Vị sư nầy phàn nàn với đức Phật rằng : “ Các nhà sư thuộc các giai cấp khác nhau và mang các tên khác nhau đã đang làm hỏng các kinh Phật” và đề nghị :” soạn lại các kinh theo ngôn ngữ tốt của thế giới “, thì hiển nhiên là Vedic hay tiếng Phạn chuẩn, ngôn ngữ của văn hóa. Trong việc phản bác ý tưởng đó, đức Phật cho rằng việc dùng “ngôn ngữ của người ngoại đạo” sẽ làm hủy hoại các kinh Phật, và ngài nói :
“Được phép đọc tụng và học các kinh Phật bằng lời giải thích theo các ngôn ngữ phổ thông của các vùng khác nhau” (3)
Còn trong bản dịch ra chữ Hán ( trong khoảng năm 350-431 sau dương lịch) của văn bản đã thất lạc Vinayamātṛkā ( Tóm lược Giới Luật, Summary of the Discipline), thì câu chuyện là hai nhà sư có nguồn gốc quý tộc Bà La Môn bạch với đức Phật rằng :
“Trong số các đệ tử của Đức Thế Tôn có những người thuộc các giai cấp xã hội khác nhau, thuộc những xứ sở khác nhau, thuộc quyền cai trị của quận hay huyện khác nhau . Giọng đọc của họ không giống nhau. Vì ngôn ngữ của họ là không đúng đắn, tất cả họ đang hủy hoại ý nghĩa đích thực của lời Phật dạy.”
Hai vị sư nầy muốn biên tập và điều chỉnh lại các kinh sách theo quy luật được chấp thuận trong ngôn ngữ Vệ đà. Đức Phật đáp :
“Trong tôn giáo của ta, ngôn ngữ tinh tế hoa mỹ là không cần thiết. Tất cả những gì ta muốn là ý nghĩa và lý luận phải đúng. Các ông phải thuyết pháp theo cách phát âm mà dân chúng hiểu được. Vì vậy, điều đúng đắn là sử dụng ngôn ngữ tùy theo xứ sở mình thuyết pháp.”(4)
Theo tinh thần nầy của đức Phật thì người Việt Nam ta cần phải được nghe giảng pháp và học kinh Phật bằng tiếng Việt. Điều nầy cũng đã được Hòa thượng tôn sư Trúc Lâm xúc tiến từ những năm 60 của thế kỷ 20, chẳng hạn, ngài dùng câu Việt hóa:
“Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni”
thay cho câu thuần Hán :
“Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”.
Hơn nữa, những vị tăng, ni mà có duyên được mời hoằng pháp tại nơi có dân tộc ít người thì nên học ngôn ngữ của dân tộc ấy để giảng pháp, mới mong việc hoằng pháp dễ thành công được.
2 Ngôn Ngữ Của Đức Phật Thích Ca
Bản thân đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một người miền Đông Ấn Độ, gia đình ngài sống ở Kapilavastu (Ca Tì La Vệ), ở miền đông bắc Kośala (Câu Tát La, Oudh). Các cuộc du hóa của ngài dường như chủ yếu bị giới hạn ở phía tây bởi Śrāvastī (Xá Vệ) và về phía đông bởi Rājagṛha (Vương Xá), thủ đô của Magadha ( Ma Kiệt Đà) miền nam Bihar của sông Ganges). Tất cả những vùng nầy có ngôn ngữ thuộc về một ngôn ngữ mà ngày nay gọi là Bihari hiện đại ( ngoại trừ Śrāvastī có lẽ chỉ cùng gần với ngôn ngữ Eastern Hindi). Không nghi ngờ gì là hầu hết đệ tử của đức Phật thuộc cùng vùng tổng quát ấy, và chúng ta có thể cho rằng, trong thời đức Phật còn tại thế, các bài giảng của ngài, it nhất, chủ yếu được học thuộc lòng theo các phương ngữ miền đông. Tuy vậy, không ai biết chính xác phương ngữ nào đức Phật đã dùng để giảng pháp; và có vẻ rõ ràng là những phương ngữ của các đệ tử của ngài khác biệt nhau một cách cảm nhận được.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu Lüders và Hiän-lin Dschi (5) tin rằng “Old Ardha-Māgadhī “, một dạng cổ của Ardha- Māgadhī là ngôn ngữ mẹ đẻ của Đức Phật và cũng là ngôn ngữ chính thống của Phật giáo trong dạng cổ xưa nhất.
Trong khi đó thì Edgerton cho rằng ý kiến của Lin Li-kouang (6) là hợp lý, có tính thuyết phục hơn. Ông ấy hỏi rằng :” Tuy nhiên, có thể nào đúng là các Phật tử đã từng dùng một ngôn ngữ duy nhất, ngay trong thời kỳ cổ xưa nhất ? Dưa trên tinh thần tự do và dễ bị ảnh hưởng mà các Phật tử tỏ ra trong việc sử dụng ngôn ngữ, chúng ta có thể nêu lên câu hỏi là ngay từ thời kỳ đầu của Phật giáo ( ít nhất là trong thời kỳ tại thế của đức Phật), phải chăng đã không có nhiều ngôn ngữ được dùng trong Phật giáo, mà Māgadhī chỉ là một trong những ngôn ngữ ấy? Tại sao chúng ta không nghĩ rằng những trung tâm Phật giáo cổ xưa khác như Vaiśālī (Vệ Xá Li), Kauśāmbī (Câu Thướng Di, Kiều Thướng Di), Mathurā (Ma Du La), Ujjayinī, và những nơi khác cũng có phương ngữ đặc biệt riêng đã được dùng như là các ngôn ngữ thiêng liêng cho các cộng đồng dân cư đã được thiết lập tại các trung tâm ấy, vậy theo nguyên tắc mà đức Phật đã chỉ ra thì ngôn ngữ để giảng Phật pháp cho các cộng đồng Phật giáo ấy phải nên là các ngôn ngữ địa phương ấy chứ?
Với suy nghĩ ấy, Edgerton cho rằng các ngôn ngữ như Pali, BHS, và Prakrit Dharmapada (Prakrit trong bản chép Dutreuil de Rhins) tất cả đều phát xuất từ các ngôn ngữ địa phương ở các nơi mà các cộng đồng Phật giáo được thiết lập như đã nói trên. Vậy ít nhất là 3 ngôn ngữ nầy và có thể còn nhiều ngôn ngữ địa phương hơn nữa đã được xem như các ngôn ngữ được dùng trong việc hoằng pháp ngay vào thời kỳ đầu của Phật giáo.
Edgerton cho rằng hầu như tất cả các tác phẩm Phật giáo bằng tiếng Phạn đều thuộc về một truyền thống ngôn ngữ hợp nhất rộng rãi. Ngôn ngữ của những tác phẩm nầy tách biệt khỏi truyền thống tiếng Phạn chuẩn, và cuối cùng lùi về các dạng Phạn bán chuẩn (semi-Sanskritized form) của ngôn ngữ Prakrit chính thống dùng trong tôn giáo (protocanonical Prakit). Các từ vựng Phật giáo đặc biệt trong BHS là bằng chứng hiển nhiên rằng BHS là phần phụ thuộc vào một truyền thống ngôn ngữ riêng biệt, hoàn toàn tách biệt khỏi tiếng Phạn chuẩn (7). Ngoài ra, mỗi đoạn trong bài viết Phật giáo bằng BHS đều chứa những từ, và những cách diễn đạt ý tưởng mà dù không nhằm vào một đối tượng chính thức nào, vẫn không bao giờ được dùng bởi các tác giả phi Phật giáo(8). Nhiều từ tiếng Phạn hay cách dùng đặc biệt của những từ tiếng Phạn được ghi nhận chỉ có trong các tác phẩm Phật giáo. Một số lớn các tư nầy lại có trong tác phẩm Phật giáo bằng Pāli. Điều nầy khiến cho Edgerton nghĩ rằng dường như hầu hết các từ này thuộc về các từ vựng đặc biệt của ngôn ngữ Prakrit trong sử dụng chính thống cho Phật giáo (9)
Tương tự như Buddhist Hybrid Sanskrit, các từ ngừ và văn phong đặc biệt trong tiếng Trung Quốc được dùng để dịch kinh sách Phật giáo ra tiếng Trung Quốc được gọi là Buddhist Hybrid Chinese, và tương tự trong Anh ngữ có Buddhist Hybrid English.
Điều đáng tiếc là sau khi Phật giáo bi hủy diệt tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 14 bởi quân người Hồi giáo thì toàn bộ kinh sách tài liệu Phật giáo bị hủy diệt tại Ấn Độ, tất nhiên trong đó gồm toàn bộ tài liệu Phật giáo bằng tiếng Phạn.
Do đó tài liệu lịch sử có tính hệ thống về các tác phẩm Phật giáo bằng tiếng Phạn hiện vẫn chưa sẵn có.
Có thể nói cuốn sách Lịch Sử Văn Học Phật Giáo Trong Phạn Ngữ của J.K. Nariman xuất bản năm 1992 (10) đã đáp ứng một phần sự thiếu hụt thông tin trên. Trong sách nầy J.K. Nariman giải thích rõ các sự kiện lịch sử bao gồm các tác phẩm của Aśvaghoṣa (Mã Minh), Nāgārjuna (Long Thọ), Āryadeva (Thánh Thiên, Đề Bà), Asaṅga (Vô Trước), Vasubandhu(Thế Thân) và các học giả Phật học khác thời cổ đại và trung đại.
Tuy nhiên, những bản viết có giá trị gốc thích đáng bằng tiếng Phạn về Phật giáo vẫn còn có thể tồn tại ở Nepal, Kashmir, Trung Á, Tây Tạng và ở một số nơi khác. Hiện nay, việc xác định vị trí và tìm lại các bản viết nầy không thể nói là đã hoàn tất, và các khám phá mới, đầy hấp dẫn vẫn tiếp tục được thực hiện. Trong bài thuyết trình : “A Never-ending Story – On the Rediscovery of Buddhist Sanskrit Texts”, “ Câu Chuyện Không Bao Giờ Kết Thúc – Việc Khám Phá Trở Lại Các Văn Bản Phật Giáo Bằng Tiếng Phạn” do Trung Tâm Nghiên Cứu Phât Giáo tại Đại Học Berkeley (Mỹ) (11) tổ chức ngày 15 tháng 3 năm 2005, Giáo Sư Michael Hahn cho rằng việc khôi phục lại một sưu tập các tác phẩm theo thể văn kể chuyện về Phật giáo sẽ minh họa việc các khám phá mới có thể giúp khôi phục lại được các tác phẩm Phật giáo có tầm quan trong về giá trị nguyên thủy mà đã được tin rằng bị mất trong nguyên bản tiếng Phạn không thể truy cứu lại được.
>>Kỳ I: Ngôn ngữ trong kinh Phật
>>Kỳ II: Bốn ngôn ngữ lưu giữ kinh Phật thời xưa
L.T.H
Kỳ IV: Tiếng Phạn với Phật giáo Việt Nam
Chú thích:
5. Franklin Edgerton, Buddhist Hybrid Sanskrit Grammar And Dictionary, Vol. I, tr. 3.
6. Franklin Edgerton, Buddhist Hybrid Sanskrit Grammar And Dictionary, Vol. I, tr. 4. Lin Li-kouang (Aide-mémoire, p. 227-8 )
7, 8. Kranklin Edgerton, The Prakit Underlying Buddhistic Hybrid Sanskrit, Bulletin of the School of Oriental Studies, Unversity of London, Vol. 8, No. 2/3, tr. 503-505.
9. Kranklin Edgerton, The Prakit Underlying Buddhistic Hybrid Sanskrit, Bulletin of the School of Oriental Studies, Unversity of London, Vol. 8, No. 2/3, tr. 504
10. J.K. Nariman, Literary History Of Sanskrit Buddhism, Motilal Banarsidas Publishers Pvt. Ltd, 1992.
11. Michael Hahn, Numata Visiting Professor in Buddhist Studies, UC Berkeley
A Never-ending Story – On the Rediscovery of Buddhist Sanskrit Texts
IEAS Conference Room, 2223 Fulton St., 6th Floor, Tuesday, March 15, 2005, 5:00-7:30