Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tiếng chuông triêu mộ

Tiếng chuông triêu mộ

128
0

Trong văn học Phật giáo có hai câu thơ:

“Thấy nguyệt tròn thì kể tháng,
Nhìn hoa nở mới thấy xuân”.

Các bạn đừng nghĩ rằng chỉ văn chương là nói hơi quá không phải vậy đâu. Tôi thường nghe ông bà kể lại rằng: Năm mươi năm trước, mỗi làng chỉ có ba bốn nhà mua được một cuốn lịch tàu, ghi ngày tháng âm lịch. Cuốn lịch phổ biến trong nhân gian đó là phiên chợ. Như ở quê tôi, chợ Đèo vùng Năm họp vào mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hai ba, hai tám. Chợ Sen ở vùng hai An Định thì họp vào mồng năm, mồng mười, rằm, hai mươi, hai lăm và ba mươi. Còn chợ Giã ở An Ninh Tây thì họp vào ngày mồng mồng hai, mồng bảy, mười hai, mười bảy, hai hai, hai bảy. Đối với nhà chùa thì ngày rằm được báo hiệu bằng mặt trăng. Tăng Ni nhìn trăng mà biết ngày, biết tháng. Thí dụ như: Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa, mồng ba câu liêm, mồng bốn lưỡi liềm, mồng năm liềm giật, mồng sáu thật trăng, ngày rằm trăng náu, mười sáu trăng treo, mười bảy sảy giường, mười tám trăng lẹm, mười chín dụn dịn, hai mươi giấc tốt, hăm mốt nữa đêm, hăm hai bằng đầu, hăm ba bằng tai, hăm bốn ở đâu, hăm nhăm ở đấy, hăm sáu đã vậy, hăm bảy làm sao, hăm tám thế nào, hăm chín thế ấy, ba mươi không trăng. Những câu nói trên ở quê tôi từ người lớn đến đứa trẻ, ai cũng thuộc lòng. Quý thầy, quý cô ở chùa nhìn trăng mà biết tháng, nhìn hoa mà biết mùa. Như hoa mai thì mùa xuân, hoa lan thì mùa hạ, hoa cúc thì mùa thu, hoa đào thì mùa đông. Ở miền quê, các chùa thường nằm ở trên đỉnh núi, xa xóm làng như chùa Sắc Tứ Bát Nhã, nằm dưới chân núi như chùa Cảnh Phước, chùa Thiền Sơn hoặc lưng chừng núi như chùa Phước Quang, chùa Bảo Sơn, chùa Đá Trắng, nằm giữa cánh đồng như chùa Đồng Mạ, chùa Đồng Tròn, chùa Đồng Tranh, chùa Thiên Hưng… Chùa thường có cây xanh bao phủ xung quanh, có hồ sen, có cây cảnh, cây ăn trái, có luống hoa trước chùa. Hoa quý phải nở theo mùa như hoa cúc, hoa mai, hoa hướng dương, hoa bình dân nở quanh năm như cây bông điệp, bông bụt. Nhà quê không có lệ mua hoa, cho nên khi có cúng kỵ, bà con làng xóm thường lên chùa xin hoa về chưng, nhà chùa vì thế càng gần gũi thân thiện với người nghèo. Chùa nằm dưới chân núi thì người đi đường ghé chân nghỉ mệt, người đi lỡ đường có thể nghỉ qua đêm. Chùa nằm ở cánh đồng thì anh đi cày, chị đi cấy, trẻ chăn bò ghé xin nước uống, xin trái cây ăn, đôi khi phụ giúp việc cho quý thầy, quý cô. Nhà chùa trở thành mái nhà chung của người làng xóm. Cửa tam quan suốt ngày không đóng mà chẳng mất thứ gì và cũng chẳng có ai dám lấy, vì họ sợ rằng lấy của chùa thì có vua cũng đền không nổi, vì sợ Long thần Hộ pháp quở phạt, chết đọa xuống địa ngục.

Chùa ở miền quê thường gần với thiên nhiên, núi rừng. Nên khi đến chùa thì đồng thời cũng là dịp con người được gần gũi với thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây. Bên cạnh cảnh sắc hữu tình là những thanh âm thiền vị, thân thuộc. Cùng với tiếng chuông là tiếng tụng niệm vào ban đêm trong không gian yên lặng, trừ tịch của núi rừng, người nghe cảm thấy an vui, nhẹ nhõm trong người, bao nhiêu phiền muộn cũng đều xua tan. Vì vậy mà thi sĩ Huyền Không có viết:

Tiếng mõ xua tan niềm tục lụy
 Lời kinh rũ sạch tánh si mê”.

Ca dao Việt Nam có câu:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.”

Nhà thơ Đoàn Nguyễn Tuấn cũng đã có những trăn trở, những khám phá thêm về đời, về người trong khi tiếp nhận âm thanh của tiếng chuông chùa hoặc cảnh chùa:

“Kỷ độ hải điền như dục vấn
Hàn thôn hà xứ mộ thiên dung”.
(Mấy độ bể dâu như muốn hỏi
Thôn nghèo xa vắng tiếng chuông chiều).
Bài thơ “Đề thơ núi Lãm”, Đỗ Văn Hỷ dịch.

Tiếng chuông đêm khuya cũng là tiếng báo thức cho người dân đi làm, đi chợ. Họ đến chùa bằng tiếng chuông thanh thoát, bằng lời nói ngọt ngào của các nhà sư. Đây là niềm hy vọng, niềm tin trong đời sống tâm linh của cuộc sống hằng ngày của người dân.

Người dân nông thôn thường gần gũi với chùa chiền, tôn kính ông Phật không phải vì hiểu triết lý của đạo Phật mà họ chỉ biết nhìn theo các thầy, các cô làm lành lánh dữ, cố gắng noi gương các thầy mà bớt phạm giới sát, khi chết khỏi đọa vào địa ngục. Đa số những giáo lý căn bản, người dân quê đều không biết, cho đến Tam-quy, Ngũ-giới cũng không thông. Họ chỉ biết không nên làm việc sai trái qua sự biểu hiện Thân giáo, khẩu giáo của quý thầy ở trên chùa.

Đạo Phật đi vào làng với hình thức chùa làng. Hầu như làng nào cũng có chùa, có nơi đến hai-ba ngôi chùa. Mái chùa là ngôi nhà thứ hai của dân Việt, là nơi sinh hoạt tinh thần của người Việt:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
 Nếp sống muôn đời của tổ tông.”

Nhiều thi sĩ Việt Nam cận đại và hiện đại đã nhận thức rõ địa vị của đạo Phật trong đời sống của người dân Việt:

“…Vì vậy làng tôi có thái bình,
 Sớm chiều gần gũi tiếng chuông linh,
 Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi,
 An ủi dân lành mọi mái tranh.”

Những vần thơ dân dã trên đây đã nói lên sự hiện diện của đạo Phật, của tiếng chuông, của mái chùa trong đời sống của nông thôn Việt Nam. Điều này đã cho ta thấy rằng, người dân Việt Nam đã và đang gắn bó với đạo Phật, với mái chùa thân thương, với tiếng chuông như là với những gì thân thương gần gũi nhất trong cuộc sống tâm linh và tình cảm của họ, bên cạnh cuộc sống hằng ngày vốn vất vã khó nhọc để có miếng cơm, manh áo.

Đạo Phật hiện diện thầm lặng quanh ta. Những câu chuyện cổ tích tôi được bà kể năm xưa hay đọc hồi còn học tiểu học như chuyện “năm người mù sờ voi” chẳng hạn, sau này đi tu, đọc trong kinh điển, tôi mới biết nó có gốc tích từ truyện cổ tích Phật giáo. Tuy còn nhỏ, nhưng qua những câu chuyện đó, tôi hiểu được thế nào là cái chánh thắng cái tà, ở thiện thì gặp quả thiện, ở ác thì gặp quả ác – giáo lý Nhân quả trong đạo Phật.

Khi tôi còn nhỏ, cứ chặng bảy giờ tối và bốn giờ sáng là tôi nằm trên giường, tôi nghe tiếng chuông chùa Bảo Sơn và tiếng tụng kinh của quý thầy vang lên trong không gian. Người dân ở thôn Chính Nghĩa thì nghe tiếng chuông chùa Phước Quang. Khi xa quê hương để vào Nam tu học, có đôi lúc tôi chợt nhớ da diết những hương thơm của hoa bưởi, hoa cau, hoa bông lài, tiếng gà gáy vang vọng lại từ trong thôn xóm, tiếng con trâu, con nghé ọ kêu mẹ, và tiếng chuông chùa nơi quê hương.

Hình ảnh mái chùa quê hương không bao giờ phai nhạt trong tâm hồn tôi. Vì nơi ấy đã cho tôi những bước đầu tiên đến với đạo, đã hun đúc cho tôi trở nên người đức hạnh. Mái chùa quanh năm buông lững lờ tiếng chuông sớm chiều thức tỉnh người mê kẻ tục. Nói như nhà thơ Nguyễn Bính:

“Quê tôi có gió bốn mùa,
 Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
 Chuông hôm, gió sớm trăng rằm,
 Chỉ thanh đạm thế âm thầm thế thôi.
 Mai này tôi bỏ quê tôi,
 Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.”

Cũng như thế ấy, mái chùa và dư âm tiếng chuông đêm khuya nơi quê hương vẫn luôn hiện diện trong lòng tôi từng giây phút, cũng như hình ảnh quê đã ăn sâu vào trong tiềm thức của tôi tự bao giờ.

N.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here