Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Tiếng chuông đêm

Tiếng chuông đêm

139
0

Lúc nhỏ, tôi quen sống trong tình thương tổ ấm của gia đình. Là đứa con nhỏ nhất nhà nên bố mẹ hay nuông chiều tôi hơn những anh chị khác. Nhưng không phải vì quá nuông chiều mà tôi thành người con hư đốn. Trái lại, tôi luôn vâng lời người lớn, rất mực hiếu thảo với cha mẹ, hoà thuận với các anh chị, nên mọi người trong gia đình rất yêu quý. Những người khách qua lại cũng đều quý mến tôi vì tính nết nhã nhặn dịu dàng như con gái.

Mẹ tôi làm nghề tiểu thương ở trong làng, buôn bán đủ thứ, cho đến cả sắt đá và mảnh chai. Nhà tôi là một quán tạp hoá nhỏ. Mẹ tôi thường vào thành phố tìm kiếm mua những thứ hàng hoá rẻ tiền mà người làng có thể tiêu thụ được mang về để bán. Vả lại mẹ tôi dễ dãi trong mua bán nên khách hàng khá đông. Những người khách đến nhà thường bảo rằng tôi giỏi dang như mẹ, nên họ quý hoá mẹ tôi như thế nào thì cũng thương mến tôi như thế ấy. Nhớ những lần Tết đến, các cụ trong xóm nhờ tôi sang “đạp đất” và bảo: tôi mà đầu năm đến nhà các cụ thì cả năm đó các cụ ăn nên làm ra… Đến Tết, sáng sớm là bố tôi bảo đi nhà này, nhà nọ, nhưng mẹ tôi cứ ngại không cho tôi đi. Mẹ nói: May rủi là chuyện thường. Tốt thì không sao, nhưng nhỡ có chuyện không may thì người ta nói ra nói vào…

… Những năm ở tuổi vừa mới lớn. Cánh cửa tâm hồn tôi bắt đầu rộng mở như ngôi nhà mới xây xong lần đầu đón chủ nhân của mình giữa một ngày đẹp trời. Thế rồi ngôi nhà tâm ấy đã nghiêm trang kính cẩn đón rước và tôn thờ hình bóng của một đấng chí tôn. Từ đó tôi quyết định đi theo gót chân Ngài và làm một vị tăng.

Tôi vào chùa hành điệu. Thời gian đó tôi như cá sông ra biển, cuối cùng cũng phải quen dần để thực hiện chí nguyện cao cả của mình. Như người ta thường nói là “vạn sự khởi đầu nan”, nên tôi tâm niệm rằng: những khó khăn ấy là thử thách ban đầu của sự tu tập mà ai cũng phải trải qua. Ở chùa, tôi không là người nhỏ nhất, nhưng cũng xếp vào hạng là “út”. Út bây giờ không còn là út của ba mẹ tôi nữa, mà là út của thầy và huynh đệ thiền môn. Tôi phải làm trách nhiệm của một chú điệu…

Hết hạ rồi sang thu. Tôi lên thành phố được ba tháng và lại tiếp tục đi học. Tôi được vào học trường Quốc Học – Huế. Ở đó bạn bè tôi thật mới lạ, mà tôi cũng là người mới lạ. Chiếc áo nâu sòng như một sự ngăn cách giữa tôi với thầy cô và bè bạn. Ban đầu, tôi không sao hội nhập được trong khi mình chẳng có một chút nghị lực để thuyết phục chúng bạn. Từ đó thế giới học trò của tôi chìm dần, chìm dần trong sự gắng gượng tu tập. Trong tôi bấy giờ chỉ còn lại hình bóng của lớp bạn cũ với thầy cô ở ngôi trường làng nhỏ bé, nơi tôi đã từng gắn bó với bao kỷ niệm suốt chín năm học. Mà cũng chẳng lúc nào tôi nghĩ rằng mình phải làm gì để đập vỡ đi sự ngăn cách đó. Điều ấy không thật cần thiết. Và thế là tôi được soi chiếu bởi những sắc màu khác nhau: họ gọi tôi là tiểu, chú tiểu, điệu, rồi thằng điệu nhỏ, tiểu nhỏ…

Tôi học đạo, học đời, và bắt đầu trở thành người hay lo. Từ lúc nào, tôi đã trở thành người biết tính toán: làm sao phải chu toàn được cả hai – Đạo và Đời. Hằng đêm, tôi lên điện một mình đúng giờ để thỉnh chuông. Mỗi lần đánh chuông là mỗi lần tôi cứ nôn nao chờ đợi lần đánh dài của tiếng chuông đồng hồ. Bởi tiếng chuông chùa không thể nào làm cho tôi dứt được nỗi lo toan nặng nề khi vở bài còn ngổn ngang chưa thanh toán. Những lúc như thế, tôi cố tĩnh niệm để trấn an, bằng cách lắng nghe theo nhịp chuông ngân đều cho đến khi lặng ngắt. Khi đó tôi mới cảm thấy trong lòng mình có được một chút bình yên…

Rồi mùa đông lại đến. Mùa của cái lạnh xứ Huế làm cho tôi khó chịu và sợ hãi. Sự lạnh giá đến tê tái làm cho lòng người thêm cứng nhắc, dễ dàng quay lưng với cuộc sống. Trong tiếng chuông đêm lạnh lùng giá buốt, tôi vẫn một mình ngồi đó. Tiếng chuông  ngân dài đều đặn. Tôi sinh ra lạnh lùng với âm thanh vốn chừng quen thuộc, rồi tiếng chuông một lúc một thưa dần…

Sột soạt, có tiếng tuột dép ngoài cửa. Tôi đoán được âm thanh quen thuộc – Thầy tôi. Tôi dang tay “giộng” mạnh. Tiếng chuông vang lên rồi điềm tĩnh ngân nga. Thầy đến gần, tôi khẽ cúi đầu chào trong lặng yên, cổ họng tắc nghẽn như có một cái gì đang chặn đứng ở yết hầu. Tôi cố nuốt xuống để lấy lại hơi thở. Thầy dạo một vòng trong chánh điện dưới ánh điện mơ màng. Thầy lại đến bên tôi. Tôi vẫn ngồi yên lắng nghe nhịp đập mạnh của tim mình. Thầy lặng lẽ cởi chiếc khăn bông thầy đang choàng khoác lên mình tôi nhỏ bé… Tiếng chuông diệu vợi vẫn ngân lên giữa không gian u tịch.

A.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here