Thật vậy, từ thuở còn “con nít”, tuổi mới lên năm, lên sáu, ít ai là không được người lớn dắt theo đến chùa. Hình ảnh ngôi chùa làng thấp bé, như bị mấy cây đa, cây đề, cây sanh, thả đầy tua rễ lòng thòng, vươn tỏa cành lá im mát ôm lấy mái ngói rêu phong của ngôi chùa. Bên trong luôn luôn chỉ có những ngọn nến rung rinh trên bàn thờ; lấp loáng khi mờ khi tỏ, không đủ chiếu sáng những pho tượng Phật, rất lớn đối với tuổi thơ, vừa gây sợ vừa gợi tính tò mò; em bé chỉ dám nhìn lấm lét, nắm tay mẹ bước đi rón rén, nhẹ nhàng, không dám hỏi lời nào!
Thế rồi, cùng với thời gian, những con người nhỏ bé ấy cứ lớn dần lên, trưởng thành, và quen đi với tiếng chuông chùa sớm chiều ngân nga, mà có khi vì cuộc sống hằng ngày, lại vì đã quen thuộc quá thành ra người ta “quên nghe”, không còn để ý! Con người “quên nghe”; nhưng chuông chùa thì đêm đêm tự cổ chí kim lại “không quên dóng”, và vẫn ngân nga sớm chiều. Âm thanh đều đặn ấy, quyện lẫn với hương khói lam hiền cứ mãi lan tỏa, lan tỏa đến tận hư không thế giới, và đã huân tập thành tính hiền từ dịu dàng cho người dân qua tháng ngày, theo sự thâm nhập bằng vô thức, đã hình thành con người trầm tĩmh, nhân ái, biết “bỏ chín làm mười”, “cải tà quy chánh”.
Vậy nên, có nhà nghiên cứu văn hóa đã viết:”Từ bao đời nay, tục thờ Phật cùng tồn tại với tục thờ Thần, nên chùa và đình làng là hai trung tâm văn hóa của làng xã truyền thống Huế. Nhưng xem ra tiếng chuông công phu ngân nga sớm chiều trong bầu không khí thanh tĩnh, lắng đọng vào tâm khảm con người sâu sắc, bền bĩ hơn tiếng chuông rộn ràng náo nức, thỉnh thoảng mới dóng lên mỗi năm đôi ba lần trong dịp kỳ an, xuân thủ, thu thường, đông chí tùy nơi… Do đó Phật giáo cũng có nét riêng, tạo nên sự hài hòa giữa tiên và tục, giữa cảnh và người, giữa tình và lý, góp phần hình thành phong cách truyền thống trầm tĩnh, nhân ái, tế nhị và thanh nhã của đất cố đô, nơi xưa kia từng được gọi là Thiền kinh”(Lê Nguyễn Lưu). Người viết đoạn văn trên đã nhận ra rằng tiếng chuông chùa ngân nga sớm chiều, lâu ngày huân tập thấm sâu vào tâm thức con người Thuận Hóa ngày xưa, để thể hiện ra trong phong cách sống có tính đặc thù của con người Huế xưa nay.
Tiếng chuông chùa xa, vẳng đưa theo gió là một âm thanh tính linh gợi hồn dân tộc, làm cho con người nhớ về nguồn cội. Bởi vậy mà Nguyễn Phi Khanh, phụ thân Nguyễn Trãi,vào thời nhà Hồ (1400-1407), được Quý Ly mệnh vào công cán ở cổ thành Thuận Hóa đóng tại Thành Trung, nghe được tiếng chuông xa, có thể là tiếng chuông của Sùng Hóa quốc tự ở làng Triêm Ân, văng vẳng ngân theo làn gió trên mặt sông Linh Giang, đã làm một bài thơ bốn câu rất hay. Trong bài Tư Dung Vãn, Đào Duy Từ (1572-1634) đã ghi lại tiếng chuông chùa quanh vùng núi Rùa, núi Thúy Vân ở cửa biển Tư Hiền hiện nay. Âm thanh quả đại hồng chung của chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (chú tạo vào năm 1710) đã từng ngân vang trên cõi Phú Xuân xưa… Đến tiếng chuông Thiên Mụ từ đời Gia Long (chú tạo năm 1815) về sau, là một âm thanh tính linh kỳ diệu không đâu có.
Tiếng chuông chùa Thiên Mụ, dóng lên vào lúc rạng sáng hoặc vào buổi hoàng hôn đã bao đời nay có tác dụng rất mạnh vào tâm khảm, và đời sống thường nhật của con người xứ Huế. Cách đây (2009) khoảng 70 năm hơn, người dân ở các vùng An Ninh, Lựu Bảo, An Bình, Xuân Hòa, Trúc Lâm, An Vân, An Hòa; cho đến những làng xa hơn như La Chử, Phụ Ổ, Quê Chử, Hương Cần, Đốc Sơ; rồi ở mạn tây-nam thì có các làng Long Hồ, Ngọc Hồ, Hải Cát, lên cho đến Bằng Lãng; bên kia sông Hương, thì có các làng mạn Lương Quán, Nguyệt Biều, Dương Xuân, Cư Chánh, Dương Phẩm v. v… đều dậy mở trâu ra đồng cày ruộng, hoặc dậy sinh hoạt theo nghề nghiệp của mình từ lúc chuông chùa Thiên Mụ đánh, hoặc từ khi hồi chuông nhập.
Chùa Thiên Mụ được xây trên đồi cao, gác chuông còn được kiến trúc cao hơn nữa; tiếng chuông chùa lại có âm thanh kỳ diệu, ngân vọng rất xa và kéo dài rất lâu; cho nên ngày xưa, khi cuộc sống nông thôn còn phác dã, giản đơn; nếu gặp buổi khí trời trong trẻo thanh bình, tiếng chuông ngân đi rất xa, có khi người dân ở tận phá Tam Giang vẫn còn nghe được. Tiếng chuông triêu mộ của các chùa quanh kinh thành Huế ngân nga theo tiến trình thời gian đã bốn năm trăm năm nay, huân tập nếp sống tình cảm tính linh sâu đậm, làm cho người Huế đi xa quê hương không khỏi ngậm ngùi nhớ về cảnh chùa xứ Huế: Thiên Mụ, Từ Đàm, Báo Quốc, Thuyền Tôn, Vạn Phước, Trúc Lâm, Từ Hiếu, Tây Thiên… và biết bao chùa khác nữa! Nhớ tiếng chuông chùa, nhớ dòng nước mát sông Hương, nhớ tiếng thông reo trên đỉnh Ngự… Tiếng chuông chùa – nhất là tiếng chuông chùa Thiên Mụ – đã trở thành tiếng vọng quê hương, tiếng tự tình dân tộc của cư dân vùng Thuận Hóa – Phú Xuân.
Hà Xuân Liêm