Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề nêu trên vì những lý do sau đây:
1/ Chúng tôi tình cờ tiếp xúc một vị là tài xế, một vị làm thầy cúng và một vị bán vé số trong năm 2009, ba vị này từng tu học ở chùa Trúc Lâm và đã rời chùa để sống đời thường. Cả ba vị đề nghị chúng tôi giấu danh tính, họ đều cho rằng sinh thời Sư Ông Thích Mật Hiển thường nói với học trò; rằng tiền thân của chùa là một am nhỏ, nơi tọa thiền của một vị thiền sư gốc Bắc, thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử. Thiền sư này có người em ruột, ở lại Bắc tu theo phái Trúc Lâm Yên Tử… Chùa tọa lạc ở thôn Dương Xuân Thượng I, xã Thủy Xuân, Thừa Thiên – Huế. Khi Sư bà Diệu Trường kiến lập chùa năm 1903 thì gặp một “ngai đá, có trang trí cặp rồng”. Về sau, khi tôn tạo chùa, “ngai đá” vẫn còn tôn trí trong chùa Trúc Lâm, ẩn trong lớp vữa mới (?).
2/ Không phải ngẫu nhiên mà những vị khai sơn đã chọn Trúc Lâm Đại Thánh làm tên của chùa. Trong bài “Chùa Trúc Lâm ở Huế”, tác giả là bác sĩ Hồ Đắc Duy, có đoạn “Chùa tọa lạc ở thôn Dương Xuân Thượng I, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa được Sư bà Diệu Trường kiến lập năm 1903, Hòa thượng Giác Tiên khai sơn và trụ trì đầu tiên…. Bấy giờ có một tỳ kheo ni là bà Hồ Thị Nhàn người làng Chuồn (An Truyền, Phú Vang, Thừa Thiên) con ông Hồ Đắc Tuấn và bà Công Nữ Thức Huấn, cháu ngoại của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Bà sinh năm 1863 kết duyên cùng ông Nguyễn Đôn Lý, sau ngày chồng mất bà xuất gia thụ giáo với hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ Hiếu (1898) pháp danh Thanh Linh hiệu Diên Trường. Bà xin phép đại lão hòa thượng được trùng tu chùa Phổ Quang. Điện Phật, cửa chùa, nhà tăng, buồng bếp, ảnh tượng, đồ thờ được sửa sang trang nghiêm đầy đủ. Bà lại đem chuyện đó tâu lên với đức Thái hoàng Thái hậu Trang Ý Thuận Hiếu xin ban cho hai mẫu ruộng chi dùng vào việc đèn hương… Đấy cũng là thời điểm đang mở đường xe lửa chạy ngang qua dưới chân đồi của chùa Phổ Quang, nơi ấy trở nên thị tứ ồn ào đông đúc, dân cư tụ tập, chợ búa ghe thuyền tấp nập… nên sư bà Diên Trường tìm đường rẽ lối tới chốn sơn lâm cùng cốc xa hơn lập một thảo am khác để tiếp tục tu hành. Duyên lành đã hạnh ngộ trên đỉnh đồi Dương Xuân là vậy, khi thảo am đã xong sư bà Diên Trường mời sư Giác Tiên về làm trụ trì…Trước khi về nhận chùa, sư Giác Tiên đã cùng sư cụ Diên Trường du hành đó đây. Khi đến Trúc Lâm Yên Tử (một trung tâm Phật Học dưới triều đại nhà Trần) hai vị đã lưu lại một thời gian, sưu tầm một số pháp bảo quý giá như kinh điển, pháp khí. Trở về Huế, sư đã quyết định đặt tên chùa là Trúc Lâm Đại Thánh, có ý liên hệ với Trúc Lâm tinh xá thời Phật còn tại thế và thiền phái Trúc Lâm ở Yên Tử nước ta do Trúc Lâm Đầu Đà Đại Sĩ (hiệu của vua Trần Nhân Tông) thiết lập.” Phải chăng khi đến khai sơn lập chùa, sư bà Diệu Trường và tổ Giác Tiên đã gặp những di vật, di chứng của công trình đã đổ nát, hỏi các bô lão sở tại, biết nơi này từng có Thiền sư thuộc phái Trúc Lâm Yên tử hành thiền nên hai vị đã ra Bắc, lên Yên Tử tìm gốc tích của vị thiền sư ấy?
3/ Trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử hình thành và phát triển dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, Ngô Thì Nhậm từng được người đời tôn là Hải Lượng Đại Thiền Sư, Trúc Lâm đệ tứ tổ. Ông là người viết phần chính văn Trúc Lâm tông chỉ nhất nguyên thanh, những phần khác như thanh dẫn là do em ông là Ngô Thì Hoành và các bạn khác ở Thiền viện Trúc Lâm (do Ngô Thì Nhậm lập ở phường Bích Câu, Thăng Long)viết. Từ khi vua Quang Trung mất đến 1796, Ngô Thì Nhậm không được trọng dụng nữa nên ông đi sâu nghiên cứu Phật học và đã hoàn thành Trúc Lâm tông chỉ nhất nguyên thanh. Sau cuộc đảo chánh ở kinh đô Phú Xuân vào năm 1795, Trần Văn Kỷ trở lại Tòa Trung thư và Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản đã trưởng thành, Ngô Thì Nhậm được lệnh vào kinh đô Phú Xuân triều cận. Em ông là Ngô Thì Hoành vẫn tiếp tục tu ở Thiền viện Trúc Lâm ở Thăng long, sau này có ứng thí và đổ Tú tài vào năm Gia Long thứ 6, vẫn tu ở thiền viện và dạy học, người đời thường gọi là ông Tú Chùa.
4/ Khi viết bài thơ “PHỤNG THỊ NGỰ DOANH KHÂM NGOẠN NHÃN KÍNH”(Vào hầu ở ngự doanh vua xem kính đeo mắt, kính ghi) thì Ngô Thì Nhậm đã nguyên dẫn: “Xa giá về cung hành tại, tôi ngồi chờ ở Phù Bảo viện. Vua triệu vào trong trướng ngự, sai đọc thơ ứng chế. Tay vua nhấc lấy kính đang đeo ở mắt tôi để đeo, rồi đọc đi đọc lại bài thơ, ngảnh lại hỏi tôi hồi lâu. Sau đó tôi xin lui”. Thời Tây Sơn quả có xây dựng một hành cung ở gần rừng, nơi vua nghỉ khi rời cung điện để tập trận hay săn bắt chim muông. Ngô thì Nhậm từng viết bài thơ “TÒNG XA VỌNG TRẬN CUNG XUÂN NHẬT XUẤT BINH PHỤNG KÝ” (Theo xa giá đến hành cung xem tập trận, mùa xuân, kính ghi) có những câu: “Cờ Thúy hoa tới xem cuộc tập trận mùa xuân… Đầy trời chiêng trống, vang vọng tới rừng sâu. Sạch bụi đường vua đi, ruổi rong ngựa tứ. Sấm vang quân vua tiến, săn bắt chim muông…”. Ngô Thì Nhậm ngồi chờ vua Cảnh Thịnh ở Phù Bảo Viện trong khi vua đang về nơi hành tại, nghĩa là nhà vua đang ngự giá ngoài thành Phú Xuân. Có khả năng nhà vua muốn đến Phù Bảo Viện để đàm đạo với văn thần Ngô Thì Nhậm, người am hiểu Phật học số một của triều Tây Sơn?
Chúng tôi đã đến chùa Trúc Lâm Huế nghiên cứu thực địa và phát hiện một số di vật:
Bệ đá cắm cờ | Đá kê cột |
1/ Bệ đá cắm cờ gồm hai khối tròn vuông, khối vuông chồng lên khối tròn (xem hình), khối tròn xoay làm đế, khối vuông ở trên có khoan lỗ để cắm cột cờ. Đặc biệt
bốn mặt bên của khối vuông đều có chạm khắc 4 phù điêu, ở giữa là hoa sen cách điệu thay mặt nã, và những hồi văn mang phong cách mỹ thuật cuối Lê đầu Nguyễn. Hiện nhà chùa vẫn tôn trí bệ đá này trước cổng chùa.
2/ Lại có một số viên đá kê cột, làm bằng đá granit, thuộc loại nhỏ, nằm ở hông chánh điện của chùa.
3/ Một số đá lát cũng bằng đá granit khá cổ, nhà chùa làm bệ để đặt các chậu hoa.
4/ Lại có 4 tảng đá Thanh, trông mới hơn, khi tôn tạo chùa cổ thành chùa mới hiện nay, nhà chùa tận dụng làm 4 ghế đá đặt chung quanh bàn đá tròn xoay khá đẹp.
5/ Do có nghiên cứu gạch cổ trong những năm qua, chúng tôi có thể giám định những viên gạch Chăm, gạch bìa thời Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức…Đặc biệt gạch bìa, cuối Lê đầu Nguyễn thường có bề dày khoảng 2 cm. Thế thì ở chùa Trúc Lâm còn tồn tại những bức tường xây bằng gạch bìa cuối Lê đầu Nguyễn. Trong vườn chùa lác đác vẫn còn mảnh vỡ của loại gạch bìa này.
Bệ đá cắm cờ, đá kê cột, tấm đá lát cùng chất liệu đá granit và những viên gạch cuối Lê đầu Nguyễn …là những di vật di chứng của một công trình cổ thuộc giai đoạn cuối Lê đầu Nguyễn ở chùa Trúc Lâm Huế. Phát hiện này cho phép chúng tôi mạnh dạn đưa ra một kết luận ban đầu: Tiền thân của chùa Trúc Lâm là một công trình cổ bị hoang phế, nằm ở vùng Lâm Lộc của đồi Dương Xuân.
Đá lát | 4 tản đá thanh được dùng làm ghế |
Vấn đề cần giải quyết là công trình tiền thân ấy là công trình gì? Vì sao lại bỏ hoang phế?
Qua truyền ức của các cựu tăng nhân của chùa Trúc Lâm Huế, và những di vật đá gạch phát hiện ở chùa này, và đối chiếu lịch sử có hai anh em Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Hoành, cùng tu theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, anh có vào Phú Xuân triều cận năm 1796, và em ở lại tu ở Thiền Viện Trúc Lâm Thăng Long, nên chúng tôi mạo muội hình thành một giả thuyết công tác:
Tiền thân của chùa Trúc lâm Huế là một hành cung của triều Cảnh Thịnh, nơi này có Phù Bảo Viện. Ngô Thời Nhậm ở Phù Bảo Viện khi vào kinh đô Phú Xuân triều cận khoảng năm 1796, 1797. Trước năm 1796, Ngô Thời Nhậm đã là Hải Lượng đại thiền sư, lập Thiền viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu Thăng Long, đã cùng với em ruột Ngô Thì Hoành và các bạn tu khác hoàn thành sách Trúc Lâm tông chỉ nhất nguyên thanh. Sau khi phe Trần Văn Kỷ-Vũ Văn Dũng làm cuộc đảo chánh năm 1795 để loại trừ phe Bùi Đắc Tuyên – Ngô Văn Sở thì Ngô Thời Nhậm vào kinh đô Phú Xuân triều cận năm 1796. Qua Trúc Lâm tông chỉ nhất nguyên thanh và qua Thu Cận dương ngôn của Ngô Thời Nhậm, cho biết Ngô Thì Nhậm trong thời gian triều cận vua Cảnh Thịnh, họ Ngô không ở trong thành Phú Xuân mà ở trọ một nơi “mấy núi lượn quanh”, tức ở dưới chân núi hoặc đồi. Phải chăng nơi này Tây Sơn cho xây dựng hành cung để vua nghỉ khi tập trận hoặc săn bắn vào mùa xuân. Lúc bấy giờ nhiều chùa bị hư hại do binh hỏa và do Tây sơn trưng dụng, một số bảo khí ở các chùa ở Phú Xuân và ở Bắc hà đã được Tây Sơn tập trung và cất giữ ở Phù Bảo Viện, trong khuôn viên của hành cung. Ngô Thì Nhậm ở trọ ở viện này. Ngô Thì Nhậm ngồi chờ vua Cảnh Thịnh ở Phù Bảo Viện trong khi vua đang về nơi hành tại, nghĩa là nhà vua đang ngự giá ngoài thành Phú Xuân. Có khả năng nhà vua muốn đến Phù Bảo Viện để đàm đạo với văn thần Ngô Thì Nhậm, người am hiểu Phật học số một của triều Tây Sơn? Phù Bảo Viện có khả năng là nơi tu thiền của Ngô Thời Nhậm …và nơi ấy cất giữ những bảo khí của những ngôi chùa lớn của thời chúa Nguyễn như chùa Thiên Mụ, chùa Thiền Lâm. Sau khi Tây Sơn bại vong, hành cung Tây Sơn, có Phù Bảo viện có thể bị triệt giải, những bảo khí ấy bị tẩu tán trong dân hoặc đưa về một số chùa ở Huế. Khi lập chùa Trúc Lâm, do tình cờ hay cố ý, một số bảo khí nhà Phật thời chúa Nguyễn và thời Tây Sơn đã được tìm lại và cất giữ ở chùa Trúc Lâm Huế. Sư bà Diệu Trường là cháu ngoại của Tùng Thiện Vương, có khả năng biết về lai lịch của hành cung, Phù Bảo viện của Tây Sơn.
Tiền thân của chùa Trúc Lâm là công trình kiến trúc gì thì chưa khẳng định được, nhưng chắc chắn có một công trình kiến trúc cỡ nhỏ, có “ngai đá chạm rồng”, phải chăng là cái ngai của vua Cảnh Thịnh, được đặt ở ngự doanh của hành cung? Phải chăng những bảo khí Phật giáo được cất giữ ở chùa Trúc Lâm Huế là do một tiền lệ từng có, cho nên chùa Trúc Lâm được chọn là nơi cất giữ bảo khí lịch sử Phật giáo. Bản kinh thêu gần 7000 chữ bằng chỉ ngũ sắc nền gấm do Sư bà Diệu Tâm ở Sài Sơn thực hiện trong nhiều năm vào triều CảnhThịnh, có lời bạt của vua Tây Sơn, từng là bảo vật ở Phù Bảo viện? Tất nhiên khi chúng tôi đặt vấn đề như trên, chỉ dừng lại ở mức giả thuyết công tác. Kính mong các nhà thiện trí thức Phật giáo quan tâm giả thuyết công tác của chúng tôi. Rất mong được chỉ giáo. Trong khi chưa có những thao tác khảo cổ học một cách khoa học, trong nghiên cứu tiền thân của chùa, kính mong quí Hòa thượng, Đại đức… Trú trì chùa Trúc Lâm Huế quan tâm bảo vệ những di vật di chứng hiếm hoi nói trên.
Huế, 11-2009
T.V.Đ