Tại buổi diễn thuyết, sau khi trình bày khái niệm về kiến trúc bản địa, Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng đã đi vào bàn về kiến trúc nhà ở của người Việt, khởi nguồn từ ngôi nhà sàn đến ngôi nhà vườn truyền thống Bắc bộ và đến nhà nền đất, nhà truyền thống Bắc – Trung – Nam.
Tiếp đến, anh đi vào trình bày phần chính về ngôi nhà vườn Huế và so sánh những điểm tương đồng, dị biệt với nhà ở của Trung Quốc và Nhật Bản. Những bản vẽ thiết kế quy hoạch và những bức ảnh chụp về kiến trúc ngôi nhà của từng quốc gia cũng được trình chiếu để chỉ ra sự khác biệt. Về phần kết cấu ngôi nhà, theo kiến trúc sư, người Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam đều có sử dụng yếu tố phong thủy trong việc thiết kế, xây dựng ngôi nhà, tuy nhiên, do phong tục, tập quán, địa chí và văn hóa khác nhau mà yếu tố thiết kế không gian của ngôi nhà lại khác nhau. Nhà vườn Huế được thiết kế không gian mở rất thoáng với nhiều cột và chủ yếu được xây theo kiểu chữ Khẩu, chữ Công. Trong khi đó ngôi nhà của người Trung Quốc được kết cấu theo từng gian phòng và chủ yếu bố trí theo từng gian trong các khoảng sân với hình chữ U, chữ L. Và ngôi nhà của người Nhật Bản được kết cấu theo từng gian phòng như người Trung Quốc nhưng bố trí không đồng đều.
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng, sinh ngày 13/11/1978 tại Huế |
Qua đó, diễn giả cho rằng người Việt không nên tự ti về kiến trúc của người nước mình khi có không ít quan điểm cho rằng, kiến trúc Việt Nam chủ yếu là được sao chép từ Trung Quốc và khẳng định, kiến trúc nhà ở của người Việt có bản sắc riêng và rất đặc thù.
Kiến trúc sư Nguyễn Thanh Tùng đồng thời cũng nêu ra một thực trạng về những ngôi nhà vườn ở Huế hiện đang ngày càng mất dần bản sắc, thay vào đó là những kiến trúc ngoại lai do ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường như một quy luật tất yếu.
Diễn giả cũng đã cho biết mục đích của buổi nói chuyện là để nêu lên vấn đề rằng, cái gì là bản sắc, là tinh tuý, là căn bản trong truyền thống, lịch sử và văn hoá kiến trúc của dân tộc Việt? Có hay không một dòng kiến trúc mang sắc thái Việt Nam và làm thế nào để phát triển một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại nhưng vẫn gìn giữ bản sắc của dân tộc mình?
Tất cả những vấn đề nêu trên cũng đã được cử tọa bàn luận sôi nổi trong phần thảo luận. Nhiều ý kiến cho rằng, ngôi nhà vườn Huế tuy có nhiều đặc sắc nhưng cũng có những hạn chế nhất định trong việc sinh hoạt. Vì vậy, cần có sự thay đổi để thích nghi với đời sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét độc đáo cổ truyền.
Một số ý kiến góp ý khác cũng cho rằng, sở dĩ ngôi nhà vườn Huế khác với các nơi khác là ở khu vườn. Người Huế phần lớn chịu ảnh hưởng bởi Tam giáo, trong đó Phật giáo là nhiều nhất, vì vậy yếu tố thiên nhiên trong khu vườn rất được chú trọng. Chính những cây ăn quả như măng cụt, ổi, khế… và cây kiểng như hoa mai là những cây đặc trưng của ngôi nhà vườn Huế. Ngoài ra bức bình phong chắn gió, những hàng chè tàu là những nét độc đáo mà phần lớn ngôi nhà vườn Huế đều có, khác với nhà ở các quốc gia trên thế giới.
Sau hơn hai giờ diễn thuyết và thảo luận, các ý kiến phát biểu đều đi đến thống nhất rằng, ngôi nhà vườn Huế là một trong những kiến trúc đặc trưng và tiêu biểu của Việt Nam. Vì vậy, những ngôi nhà vườn có kiến trúc đẹp, lâu đời và tiêu biểu phải cần có kế hoạch bảo tồn và trùng tu đúng đắn, để giữ gìn bản sắc văn hóa riêng có của Việt Nam trong thời kì hội nhập.
ĐĐ. Thích Ngộ Tùng dẫn chương trình
Đông đảo nhân sĩ trí thức đến dự thính
Đề tài cũng thu hút đông đảo bạn trẻ đến dự thính
Diễn giả – KTS. Nguyễn Thanh Tùng
HT. Thích Hải Ấn – Trưởng ban Điều hành Trung tâm Liễu Quán phát biểu
Cử tọa phát biểu thảo luận sôi nổi
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An bắt tay chúc mừng diễn giả
Người thân tặng hoa chúc mừng
T.T