Trang chủ Vấn đề hôm nay Thương quá đồng bào Phật tử A Lưới

Thương quá đồng bào Phật tử A Lưới

167
0

Tôi lên A Lưới là một sự tình cờ, biết là tháp tùng đoàn đi uỷ lạo để viết tin bài, nhưng thực tình tôi không biết uỷ lạo cho ai, sẽ gặp và tiếp xúc với ai. Từ trên xe tôi quan sát được con đường đã được trải nhựa láng bóng, hai bên là những dãy núi xanh trùng trùng điệp điệp và những con vực sâu thăm thẳm. Lâu lâu mới thấy xuất hiện một vài người dân tộc thiểu số đứng trông theo. Thị trấn A Lưới xuất hiện nó nhỏ nhưng lại có  nét đẹp của một thảo nguyên đầy sức quyến rũ. Khi xe rẽ vào trụ sở của Uỷ ban Nhân dân xã Hồng Trung, tôi thấy đông đúc bà con đã đứng chờ sẵn, tôi vẫn chưa biết được đó là bà con thuộc dân tộc nào, đến khi tìm hiểu mới hay hầu hết bà con ở đây là dân tộc thiểu số. Họ hiền từ nói cười hồn nhiên như con hưu con nai giữa rừng.

Và trẻ em ở đây càng hồn nhiên hơn. Tôi lân la đến gần các em, thực tình tôi rất ngại vì hình ảnh tu sĩ trong chiếc áo cà sa lạ lẫm nầy liệu các em có tiếp xúc không, thế nhưng chỉ một vài cử chỉ vui đùa thân thiện là các em đã vây kín chúng tôi như những người thân quen từ bao giờ. Một cháu nhỏ níu níu tay áo chúng tôi như muốn bày tỏ một điều gì, chúng tôi bồng em lên, đặt một nụ hôn yêu thương lên trán, thế là em và các bạn khoái chí vỗ tay cười vang. Một chị đạo hữu trong đoàn thấy vậy nói nhỏ: "các em có duyên với Phật, với thầy rồi đó", tôi nghĩ chắc là vậy.

Trên thực tế Phật giáo A Lưới trong vài năm trở lại đây phát triển rất mạnh, số lượng bà con đi chùa ngày càng đông. Bà con dân tộc thiểu số tham gia ngày càng nhiều, thậm chí có gia đình còn cho con em mình về ở chùa với quý Ni sư nữa. Tiếp xúc với chị Lê Thị Khạch, dân tộc Pacô, đang lao động cùng đạo tràng Sơn Thuỷ để tìm hiểu. Chị Khạch kể: "năm ngoái tui về Huế chăm sóc người nhà bệnh, gặp thầy Minh, thầy Minh nói có biết chùa, biết Phật không. Tui nói không, thầy Minh nói lên đi chùa, lạy Phật đi, nhưng tui không biết đi chùa là đi mô, lạy Phật là lạy chi. Mấy lần tui đi ngang qua đây, thấy cái nhà nầy là lạ (NPĐ Sơn Thuỷ-người viết), không biết trong cái nhà nầy có chi vui mà người đông rứa, cái nầy (chị Khạch) muốn vô coi, nhưng sợ lắm, khi các chị cầm tay dắc vô tui thấy trên cao để một ông người to lắm (tượng Phật) mắt nhắm lim dim, miệng mỉm cười, tui thích, nên tui đến, chớ tui không biết chi nữa hết, sau nầy mới biết đây là chùa, và trên cao là ông Phật, tui nhớ lời thầy Minh tui lạy, tui theo và thấy vui lắm".

Còn cụ Hồ Thị Điệt, dân tộc Pacô, năm nay đã ngoài 70 tuổi cũng vai mang gùi, tay cầm rựa, đầu đội chiếc nón cời đến chùa, cũng lao động nhổ cỏ vui vẽ như mọi người. Nói chuyện với chúng tôi cụ không biết gì hết, mà cụ chỉ cười rất ngây ngô. Cụ không nói được tiếng Kinh, chỉ vỏn vẹn vài chữ: "Tau không biết chi hết, tau chỉ biết Nam Mô A Di Đà Phật thôi", rồi cụ lại cười và tiếp tục làm việc.

Nhìn hai mẹ con chị Đoàn Thị Thiết, người dân tộc Kinh nhưng lên lấy chồng là người dân tộc Pacô ở A Lưới đang đứng chắp tay ngắm nghía chiết tủ thờ mới được tặng và rất chăm chú ngước nhìn lên bức tượng Bồ tát Quán Thế Âm, chúng tôi không biết chị và cháu cầu nguyện điều gì, nhưng lại thấy chị vui lắm. Và cứ thế Tộc cũng như Kinh, bà con thấy vui rủ nhau đi chùa ngày càng đông lên. Bác Hồ Đá, hội viên khuôn hội Niệm Phật Đường Sơn Thuỷ cho chúng tôi hay, tính đến thời điểm nầy có khi đạo tràng tu bát quan trai cũng đã lên đến bảy, tám trăm rồi, bà con dân tộc thiểu số rủng rẻn cũng chứ mỗi ngày mỗi nhiều lên. Nhưng ngôi Niệm Phật Đường Sơn Thuỷ thì rất khiêm tốn mà lại xuống cấp rất trầm trọng nữa, mỗi dịp rằm to vía lớn đã có dấu hiệu quá tải, bà con phải chờ nhau để hành lễ.

Thượng toạ Thích Huệ Phước, Chánh Đại diện Phật giáo huyện A Lưới tâm sự với chúng tôi: trước đây khi khởi công làm NPĐ Sơn Thuỷ nầy, thực tình chúng tôi không dám nghĩ rằng sẽ có ngày bà con hội viên đi chùa đông đúc thế nầy. Bởi đường xá xa xôi, băng rừng lội suối cách trở đến vài chục cây số ai mà đi, với lại chỉ có bà con ở dưới xuôi mình lên đây lập làng lập ấp, lạ nước lạ cái giữa chốn núi rừng linh thiêng nên nhớ Phật, nhớ tổ, nhớ chùa đi cho khây khoả thế thôi. Nên ngôi Niệm Phật Đường Sơn Thuỷ nầy ban đầu làm với tính chất tạm thời, vôi vữa thô sơ, sắt thép thiếu thốn, không gian chật hẹp. Gần đây, bà con đi chùa ngày mỗi đông hơn, đạo tràng tu bát quan trai ngày càng mạnh, bà con dân tộc thiểu số đi chùa cũng nhiều hơn, đó là một tín hiệu rất đáng mừng, nhưng rồi cũng nảy sinh biết bao điều lo lắn, ngôi NPĐ vốn đã  xuống cấp nay trở nên quá tải, mà nhu cầu tu học của bà con thì không thể chậm trể được. Nên chúng tôi tạm thời làm thêm hai cánh gà bằng tre nứa hai bên hông chùa nhưng cũng không đủ. Trước mắt chúng tôi (ban Đại diện) rất cần kinh phí để làm lại ngôi NPĐ Sơn Thuỷ vững vàng hơn, rộng rải hơn, kiên cố hơn để vừa làm nơi tu học cho bà con vừa làm văn phòng Ban Đại diện. Sau đó nếu thuận duyên chúng tôi sẽ cố gắng để mở thêm một hai ngôi Niệm Phật Đường nữa tại các thôn bản khác để thuận tiện cho bà con trong việc tu học, tránh phải vượt rừng, lội suối đến cả vài chục cây số như hiện nay, rất nguy hiểm. Sau nữa chúng tôi là  nguyện sẽ tập trung, đẩy mạnh công tác từ thiện, như thành lập một Tuệ Tĩnh Đường, nơi khám chữa bệnh từ thiện miễn phí cho bà con …nhưng bây giờ thì lực bất tồng tâm.

Chứng kiến Thượng Toạ Thích Huệ Phước và Tăng, Ni trong BĐD cùng các bác hội viên khuôn hội Sơn Thuỷ chạy ngược chạy xuôi người thì nách xôi chè, người xách bông trái, dầu đèn thân chinh đến từng nhà bà con để tặng tủ thờ, tượng Phật, sắp đặt, bưng dọn, dúp bà con trang thiết trí bàn thờ Phật, trong mấy giờ đồng hồ mà đi đến vài chục cây số đến 6 hộ gia đình (trong đó có ba hộ dân tộc thiểu số) tổ chức lễ an vị Phật cho bà con mới thấy hết cái tình cảm sâu đậm của thầy trò, đạo hữu trên miền núi rừng A Lưới đẹp biết bao. Ni Sư Diệu Đàm, người luôn đứng ra vận động, quyên góp để giúp đỡ bà con huyện A Lưới nói: ở trên nầy nếu mình mà không nhiệt tình, không trải lòng thương mà giúp nhau thì ai đến với mình. Từ khi Thượng toạ chánh đại diện lên đây, thượng toạ cũng chịu biết bao cực khổ, xắn quần lội suối, vượt rừng để đến với bà con thì Phật giáo A Lưới mới có được như ngày hôm nay.

TT. Thích Huệ Phước, Chánh Đại diện Phật giáo H. A Lưới chụp hình với bà con Phật tử

Tặng quà từ thiện

Bà con dân tộc ít người thỉnh Phật về thờ

Đạo tràng Bát Quan trai

Và cả người dân tộc ít người cũng tham dự rất thuần thục

Cùng nhau làm Phật sự

K.L 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here