Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thuận Hóa – Huế, cái nôi của Phật giáo miền Trung ….

Thuận Hóa – Huế, cái nôi của Phật giáo miền Trung ….

138
0

Tiến sĩ Lê Mạnh Thát đã viết “Lời giới thiệu” cho sách “Lịch sử Phật Giáo xứ Huế” trong lần tái bản năm Tân Tỵ (2001). Lời giới thiệu có đoạn kết: “Phật giáo Huế như một bộ phận của Phật giáo dân tộc, do thế đã có những đóng góp của tự thân cho lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo từ Huế trở vào cho đến Nam bộ trong hơn 400 năm lại đây. Việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Huế trở thành một yêu cầu để đáp ứng không những cho đòi hỏi tìm hiểu lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn cho sự tìm lịch sử dân tộc Việt Nam.” (1)  

Dòng sử Việt đồng hành với sử Phật. Phật giáo Việt Nam gắn kết với mạch sống dân tộc và đã thịnh suy theo cùng với vận nước.

Trong quá trình mở nước bằng con đường hòa bình và nhân ái, bờ cõi nước Đại Việt mỗi ngày một mở mang dưới các vương triều Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn. Danh tướng Lý Thường Kiệt lập công đầu tiên; Trần Nhân Tông, Hồ Quý Ly, Lê Thánh Tông, Nguyễn Hoàng và các Chúa kế vị tiếp tục sứ mạng mở nước và giữ nước trên đất liền và thềm lục địa trông ra biển Đông. Cư dân người Việt dưới mỗi thời đi lập làng mở nước, đi đến đâu đều dựng đình, xây chùa: Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt. Không thể nào xem nhẹ vai trò và sứ mệnh của chùa làng, cho dù là thảo am buổi đầu. Chùa đất Phật vang hoặc Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt . Trong Tư Dũng Vãn, Đào Duy Từ đã từng viết: Phật đình nào khác Vương đình/ Ngũ Vân tán lớn, cảnh tinh thoại tường. (2) 

Đến nơi đất nước lạ lùng, đầu lạ sau quen. Tùy duyên phương tiệ để cốt làm sao sống đời con lạc, biến vùng đất hứa từ hiểm địa trở thành thiện địa.

Nay, chúng ta thường nói đến Phật giáo dân gian. Thiết nghĩ từ trong lòng Phật giáo dân gian vẫn hàm chứa tinh hoa chất Phật làm cốt lõi cho nếp sống dân dã hướng vọng đến Chư Phật, chư Tổ, những bậc minh sư khai hóa và phát huy nếp sống đạo hạnh và trí tuệ từ buổi ban đầu. Hiếu kinh đã từng dạy: Gặp thời không có Phật thì cha mẹ là Phật hoặc thân cô nhưng thế không cô/ Liều thân tại đó chỗ mô cùng có làng. Có làng tất có đình chùa miếu vũ.

Phần dã sử này sẽ bổ sung cho chính sử cả hai mặt đạo lẫn đời. Khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật ở chốn sơn lam chướng khí, chiến tranh đã làm tiêu tán, thất tung nhiều nguồn sử liệu, chùa tháp, đình miếu, bia đá cũng bị tàn phá theo cơn binh lửa dưới gót giàu của quân Nguyên xâm lược, còn dưới thời Bình Ngô thì Nguyễn Trãi đã từng viết: Trúc Nam Sơn không ghi tội/ Nước Đông Hải không rửa hết mùi…

Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khai sơn Am Tri Kiến (3) thuộc huyện cũ tên gọi tại bên bờ sông Kiến Giang, nay thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình mà nay khó tìm ra tọa độ chính xác. Vì đã trải qua trên 700 năm, dấu xưa đã mất tích, mất dạng; nhưng quốc sử và Phật sử đã ghi chép. Tri Kiến am là ngôi chùa đầu tiên trên đất Quảng Bình xứ Thuận Hóa.

Hóa Thành là thủ phủ của Hóa Châu tọa lạc bên bờ sông Bồ, hợp lưu với sông Hương, thuộc làng Thành Trung, huyện Đan Điền xưa, nay là Quảng Điền. Làng quê có chùa Thành Trung, nay đã phát hiện được nhiều di chỉ liên quan văn hóa Việt – Chiêm. Đây là ngôi chùa cổ của làng quê mà quốc sử dưới thời Tự Đức và Duy Tân không được sử thần biên chép ở sách lịch sử Phật giáo xứ Huế, chúng tôi xoi xem chùa cổ Thành Trung như ngôi chùa Việt Nam thứ hai sau am Tri Kiến ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (4).  

Sự thế, theo luật vô thường nhiều chùa, am trở thành Quốc Tự và trái lại nhiều quốc tự đã trở thành chùa làng. Dưới thời Lê – Mạc, nhà nước thời đế chế bổ nhiệm quan Tự chính điều hành, cai quản các ngôi quốc tự. Các vị danh tăng được cung cử chuyên trách về nghi lễ và quản chúng. Rõ rệt, chính danh chính phận dưới Vương triều Nguyễn, các vua chúa cung cử các nhà sư đạo hạnh và trí tuệ giữ chức Tăng cang hoặc Trú trì ở các quốc tự. Theo tờ sắc của Bộ Lễ đề thế danh của các danh tăng được Sơn môn đề cử. Đó là văn bản pháp quy, pháp định (5). 

Miền Trung có nét đặc biệt, đặc thù khác hai miền Bắc và miền Nam về địa lý lịch sử. Hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An phía bắc đèo Ngang trở ra Thăng Long là đất cố cựu của nước Đại Việt, từ tỉnh Quảng Bình đến bờ Bắc sông Thu Bồn của tỉnh Quảng Nam là đất mở cõi từ năm 1069-1306 mà dưới triều Hậu Lê đặt tên xứ Thuận Hóa; từ lằn ranh phía Nam sông Thu Bồn cho đến tận Bình Thuận tiếp giáp với Nam Bộ là đất mới mở rộng biên cương của nước Việt dưới các triều Lê, Hồ, Nguyễn (6). 

Các thiền phái ở đất Bắc bao gồm sớm nhất là Thiền Phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi từ năm 594, thứ đến là Thiền phái Vô Ngôn Thông từ năm 826, thứ ba là Thiền phái Thảo Đường từ năm 1069-1205, thứ tư là Thiền phái Trúc Lâm ở núi Yên Tử.

Còn ở miền Trung thì sách “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” đã viết ở trang 24: 

“ … ta thấy nổi bật lên tầm quan trọng của Phật giáo Huế, nơi tụ điểm và sinh phát cả một lòng Thiền rất mạnh: Thiền Tử Dung – Liễu Quán, một mặt làm cho đạo mạch Phật giáo Việt Nam lưu trường và tiến về phương Nam theo bước chân Nam tiến của dân tộc” (7). 

Phải kể thêm dòng Thiền Tào Động (năm 1665) do ngài Tạ Nguyên Thiều tự Hoán Bích truyền qua Việt Nam ở phủ Qui Ninh (Bình Định), sau vào núi Phú Xuân ở Thuận Hóa làm chùa Quốc Ân, xây tháp Phổ Đồng (8). 

Huế là đất kinh sư, kinh kỳ – Huế thật diệu kỳ vì đất thần kinh – Huế có nhiều chùa tháp cổ của người Việt và người Chiêm – Phật giáo đã du nhập từ lâu đời qua các triều đại Đinh – Lê – Lý Trần, Hậu Lê, nhà Hồ và Vương triều Nguyễn – Huế là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Có duyên lành, du khách các nơi khác trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch trong các ngày lễ hội, nhất là vào mùa sen nở sẽ cảm nhận được một đời sống tâm linh siêu thăng từ hoa sen nở trên dòng sông Hương đầy thơ mộng của chốn kinh sư diệu kỳ.

T.H.A

(Trích tham luận “Phật giáo Huế và miền Trung trong thời kỳ vận động thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, kỷ niệm 20 năm Đức Đệ nhất Pháp Chủ Thich Đức Nhuận viên tịch)

———————————

1. LỊCH SỬ PHẬT GIÁO XỨ HUẾ, Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, Nxb Văn Hóa Sài Sòn, TP Hồ Chí Minh, 2006, tr.3.

Phần lớn những chùa cổ ở Nam Bộ đều do các vị danh tăng thuộc dòng Liễu Quán khai sơn. Giáo lý Phật Đà đã được truyền thừa ở vùng đất mới dưới vuong triều Nguyễn.

2. Ở tỉnh Nghệ An có nhiều ngôi chùa nhà hiện nay lợp bằng cỏ. Chùa cổ xưa ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An cũng lợp cỏ. 

3. Đào Duy Từ (1572-1634) , quê làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Ông là khai quốc công thần của vương triều Nguyễn.

4. Tri kiến: thuật ngữ nhà Phật. Tri kiến Phật. Ở tỉnh Quảng Bình xưa, dưới triều đại nhà Trần có huyện Tri Kiến thuộc phủ Tân Binh. Am Tri Kiến: Am tức là Chùa. Am (庵): nhà tranh nhỏ để nhờ Phật (Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, tr.4). Người Pháp dịch từ “am” là Pagode, Pagodon. Am tự (庵寺) = Pagode. Vd: Vào nơi am tự khấn nguyền cầu an; đồng nghĩa với chữ am 菴. Viết chữ am theo 2 cách đều có nghĩa cái nhà nhỏ thờ Phật. 

Xem Đại Nam Nhất Thống Chí, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nxb Văn Hóa, Bộ QG-GD, Sài Gòn, 1961, tr.92 và 95

5. Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Sđd, tr.66. Có nhiều sách biên chép và chú giải huyện Tri Kiến xưa nay thuốc huyện Bố Trạch?

6. Bộ Lễ tham chiếu đề nghị của Sơn môn Tăng già cung cử các vị danh tăng giữ chức Tăng Cang ở chùa lớn, Trú trì ở các quốc tự khác.

7. Lý Thường Kiệt, Lịch sử ngoại giao và Tông giáo đời Lý, Hoàng Xuân Hãn, Sđd, t.64-68, 75.

8 Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Sđd, tr.24. Đây nét cốt lõi và đặc sắc của lịch sử Phật giáo miền Trung và cả miền Nam nữa.

9. Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, Tập Trung, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nxb Văn hóa, Bộ QG-GD, Sài Gòn, 1961, tr.80

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here